Qua đèo Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Qua đèo Hải Vân – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”

Mình không nhớ chính xác đã đi đèo Hải Vân bao nhiêu lần. Khi đã lớn và tự điều khiển được phương tiện, mình đều quyết định đi đèo vì trải nghiệm và cảm xúc tuyệt vời khi đi trên cung đường này.

1. Mây trên đỉnh đèo:

Đèo Hải Vân còn có tên gọi là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo có một cửa ải hay đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ. Với chiều dài khoảng 20km, đèo nằm trên quốc lộ 1A, và là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế (cách 80km) và thành phố Đà Nẵng (cách 20km).

Hải Vân có nghĩa là Biển và Mây, cái tên đã nói lên khung cảnh hùng vĩ của con đèo với biển cả và những đám mây trôi lững lờ trên đỉnh núi. Ban ngày, còn tùy theo thời tiết, nhưng chiều tối thì khung cảnh đèo Hải Vân luôn trắng xóa do được mây che phủ.

Với độ cao 500m so với mực nước biển, đèo Hải Vân uốn lượn, vắt ngang qua dãy núi Bạch Mã – một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra biển, cũng gọi là núi Hải Vân. Khung cảnh đèo Hải Vân mang lại đẹp tuyệt vời với một bên là núi cao và một bên là biển Đông rộng lớn.

Trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Champa (Chiêm Thành). Sau khi vua Champa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân vào năm 1306, ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: 

Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam“.

Trên đỉnh đèo hiện tại vẫn còn một cửa ải, gọi là Hải Vân Quan được xây từ thời Trần. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ Hải Vân Quan. Cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan – Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn (1470) trong chuyến thân chinh mang quân đi thảo phạt Chiêm Thành. Sau chiến dịch, người Việt chính thức kiểm soát khu vực Bình Định và sát nhập vào lãnh thổ của Đại Việt. 

Cái tên Thiên hạ đệ nhất hùng quan của cửa ải này lưu truyền mãi trong dân gian về một địa danh đặc biệt trên đường thiên lý Bắc – Nam.

Thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã trùng tu, biến nơi đây thành một công trình phòng thủ cho Kinh thành Huế và giám sát mọi hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng. Nên lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo, tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 7 (1826). 

Đèo Hải Vân và cửa ải trên đỉnh đèo được triều đình nhà Nguyễn coi trọng nên vua Minh Mạng đã truyền cho khắc hình vào Dụ Đỉnh, tức đỉnh thứ 8 của Cửu Đỉnh trong sân Thế miếu. Cũng ở thời này, đèo Hải Vân từng là trở ngại trong việc giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam Bắc vì đường đèo trên núi cực kỳ hiểm trở, nguy hiểm khó đi, nhiều thú dữ và kẻ cướp.

Đầu thế kỷ 20, Pháp đã tiến hành xây dựng đường sắt qua đèo Hải Vân vào năm 1902, tới năm 1906 thì thông tuyến, nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia khởi công từ năm 1881. Đây thực sự là một kỳ tích bởi địa thế đèo Hải Vân vô cùng hiểm trở.

Trước năm 1975, vì cơ nguy tai nạn giao thông trên con đường hẹp nên việc qua lại trên đèo được điều hành bằng cách đặt 3 trạm kiểm soát: 1 ở Lăng Cô, 1 ở đỉnh đèo, và 1 ở Liên Chiểu, hạn chế xe phải đi thành đoàn cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo để giảm tai nạn xe đâm nhau ngược đường. Xe từ Lăng Cô hay Liên Chiểu phải đợi tụ thành một đoàn rồi bắt đầu trèo đèo cùng một lượt. 

Đến đỉnh đèo thì đoàn xe dừng lại ở trạm kiểm soát và rồi xuống đèo cùng một lượt cho đến qua khỏi trạm kiểm soát ở chân đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ có một chiều xe chạy. Năm 1966 lực lượng công binh Seabee của binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nới rộng đường xa lộ qua đèo thì việc giao thông không phải đợi ở ba trạm kiểm soát kể trên nữa.

Hải Vân là một trong những con đường đèo quan trọng nhất của Việt Nam, với vị trí chiến lược là cửa ngõ giao thương giữa miền Trung và Nam Trung Bộ. Nơi đây từng được Jeremy Clarkson – người dẫn show truyền hình thực tế Top Gear (Anh) nhận xét là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất trên thế giới. Hải Vân còn là 4/10 cung đường thu hút du khách check-in nhất trên nền tảng Instagram.

2 . Chu du thiên hạ đệ nhất hùng quan:

Lần đầu tiên mình đi đèo Hải Vân là vào năm 5 tuổi, lúc ấy chưa có hầm. Sau đó, khi hầm Hải Vân hoàn thành, mình thường đi bằng hầm nếu cần di chuyển giữa Đà Nẵng và Huế. Một phần vì tiện và nhanh. Phần nữa vì ngại đường vắng vẻ và nguy hiểm. Thực ra lúc đó cũng còn nhỏ, toàn được người lớn chở đi, nhưng đó cũng là lý do mà họ quyết định đi hầm chứ không đi đèo. Mãi cho tới lúc lớn.

So với những đèo khác ở Việt Nam, đèo Hải Vân với mình không phải là một đèo quá dài hay quá hiểm trở, nhưng lại có sự duyên dáng riêng. Từ những góc cua với độ nghiêng vừa phải ở chân đèo, ta có thể thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. 

Cho đến khúc cua cuối cùng, vô lăng vừa trả hết lái thì đầm Lập An, làng chài và vịnh Lăng Cô hiện ra trước mắt. Hai khung cảnh gần như trái ngược nhau, phía Nam đèo là Đà Nẵng – một thành phố hiện đại, phát triển với các nhà cao tầng cùng các cây cầu nổi bật, thì phía Bắc Đèo là Huế – cố đô bình yên và dịu dàng hơn hẳn.

Theo mình, ở mỗi thời điểm và thời tiết, đèo Hải Vân sẽ có đặc trưng riêng. Vào những ngày trời nắng, bầu trời trong xanh, vài gợn mây trắng trên cao cùng với biển cả bên dưới sẽ làm khung cảnh ở đây rất đẹp và hùng vĩ. Màu xanh của bầu trời, của biển và màu xanh lá của cây cối là một sự kết hợp hoàn hảo của tự nhiên.

Còn vào những ngày mưa, âm u, nhiệt độ xuống thấp, và cả những buổi sáng sớm hay chiều tối, sẽ xuất hiện mây ở trên đỉnh và khu vực gần đỉnh. Có lúc mây lượn lờ, có lúc mây dày, gần như xe phải chạy rất chậm vì không thấy rõ đường. Do đó, mình nghĩ không cần tìm thời điểm phù hợp. Đến Hải Vân lúc nào bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp riêng biệt ở thời điểm đó.

Trong nhiều lần chu du đèo Hải Vân, có một lần mà mình không bao giờ quên được. Lần đó mình xuất phát từ Huế về hơi trễ, nên đến chân đèo Hải Vân khoảng 6 giờ tối. Mình không nhớ rõ là tháng mấy nhưng hôm ấy rằm. Khi vừa qua khỏi đỉnh đèo là địa phận Đà Nẵng. Ánh trăng soi xuống mặt biển tạo nên ánh sáng lấp lánh mờ ảo, còn xa xa kia là một vùng sáng rực thể hiện sự hiện đại và phát triển không ngừng của thành phố biển. Trăng tròn vành vạnh như tô điểm cho bầu trời đen tĩnh mịch và triền núi thăm thẳm, xa xa là ánh đèn trên vài con thuyền của người đánh cá.

Đã nghe qua và đọc qua nhiều thơ ca, nhưng đây là lần đầu tiên mình được thưởng thức thứ ánh sáng mờ ảo từ trăng soi xuống mặt biển đó, ảo diệu vô cùng. Cảnh tượng đó, không khí đó, cho đến sau này, mình khó có thể quên được.

Nên đó cũng là một gợi ý của mình, đi đèo Hải Vân và thưởng thức vẻ đẹp đó vào đêm trăng. Mình nghĩ mọi người sẽ không thất vọng đâu.

Chia sẻ câu chuyện này
Share