Đọc lại Tam Quốc – Kỳ 5: Đông Ngô đối sách

Tác giả Wong Trần
Đọc lại Tam Quốc – Kỳ 5: Đông Ngô đối sách

Nói tới chiến lược tranh đoạt thiên hạ thời Tam Quốc, chúng ta thường nghĩ tới Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng. Thực ra, tập đoàn Tôn Quyền cũng có hoạch định chiến lược riêng. Ngài Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm tam quốc gọi đó là Long Trung đối, Đông Ngô bản. Sở dĩ gọi là Long Trung đối vì cùng là hoạch định chiến lược giúp giành lấy thiên hạ. Người hoạch định cho Tôn Quyền chính là Lỗ Túc. Vậy Lỗ Túc đã nói những gì? Hoạch định của Lỗ Túc có ảnh hưởng gì đến chiến lược của Lưu Bị và Gia Cát Lượng?

Chiến lược trên giường

Tam quốc chí, Lỗ Túc truyện có thuật lại buổi nói chuyện đó. Theo đó thì khi Chu Du vừa tiến cử Lỗ Túc với Tôn Quyền, Tôn Quyền và Lỗ Túc “cùng nói chuyện rất vui” trong buổi đại yến. Khi hội đã tan, Tôn Quyền lại mời Lỗ Túc về chỗ của mình, cùng ngồi trên giường uống rượu. Tôn Quyền nhân đó nói: 

Nay nhà Hán nghiêng đổ, bốn phương rối loạn, ta nối nền nghiệp của cha anh, muốn lập nên công nghiệp như Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Ông đã theo ta, làm sao để giúp?” 

Lỗ Túc lại nghĩ khác. Ông nói: 

Ngày xưa Hán Cao Tổ khăng khăng muốn tôn thờ Nghĩa Đế, không muốn cướp ngôi, để cho Hạng Vũ gây hại. Ngày nay Tào Tháo cũng như Hạng Vũ khi xưa, sao tướng quân chỉ làm Hoàn Công mà thôi? Túc đã nghĩ kỹ rồi, nhà Hán không thể dựng lại, Tào Tháo không thể trừ ngay, bày kế cho tướng quân chỉ có Giang Đông thành chân vạc, đợi xem sự biến của thiên hạ. Khuôn phép như thế, cũng không bị ghét. Vì sao? Phương Bắc đang có nhiều việc, nhân lúc phương Bắc nhiều việc mà diệt trừ Hoàng Tổ, tiến đánh Lưu Biểu, đi ngược chỗ cùng của Trường Giang mà chiếm lấy đất ấy. Sau đó dựng hiệu đế vương mà mưu tranh thiên hạ. Đó là nghiệp lớn của Cao Tổ vậy.

Tôn Quyền (182 - 252)
Lỗ Túc (171 - 217)

Khung cảnh Lỗ Túc vẽ ra cho Tôn Quyền thật lớn lao. Tôn Quyền chỉ muốn trong lúc thiên hạ rối loạn giương cao ngọn cờ phò Hán, như Tề Hoàn, Tấn Văn tôn thờ Chu thiên tử. Lỗ Túc lại bác bỏ vì cho rằng Tào Tháo hùng mạnh, tất sẽ cướp Hán, như Hạng Vũ năm nào đối với Nghĩa Đế. Tôn Quyền có muốn phò Hán cũng không phò được. Con đường tất yếu mà Tôn Quyền phải đi là chống lại Tào Tháo, như Hán Cao Tổ năm nào đối đầu với Hạng Vũ. Mưu kế ngày nay là “Giang Đông thành chân vạc, nhìn thiên hạ tan vỡ”. 

Hiện giờ phương Bắc đang rối loạn, nên nhân cơ hội này mà trừ Hoàng Tổ ở Giang Hạ, tiến đánh Lưu Biểu ở Kinh Châu, độc chiếm thế hiểm của sông Trường Giang, “đoạt Kinh Châu, làm vốn xưng đế”. Như vậy, xương sống của Long Trung đối sách, Đông Ngô bản hay Lỗ Túc bản chính là hai điểm: 

1- Giang Đông thành chân vạc, nhìn thiên hạ tan vỡ; 

2- Đoạt Kinh Châu, làm vốn xưng đế.

Hoạch định của Lỗ Túc vượt xa cả sự kỳ vọng của Tôn Quyền. Cái Tôn Quyền hỏi là bá đạo. Cái Lỗ Túc trả lời, lại là đế đạo. Có điều lúc đó Tôn Quyền lại nói: 

Nay gắng sức giữ lấy một vùng, cũng là giúp nhà Hán rồi, lời này không thể theo được

Kỳ thực Tôn Quyền cũng có nỗi khổ. Bằng vào ghi chép của Lỗ Túc truyệnTôn Quyền truyện trong Tam quốc chí, Lỗ Túc theo về với Tôn Quyền vào năm Kiến An thứ 5. Bấy giờ, Tôn Sách mới chết, Tôn Quyền mới lên. Tôn Quyền truyện nói khi ấy cơ nghiệp chỉ có năm quận là Cối Kê, Ngô, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng, nhưng những chỗ hiểm trở vẫn chưa về hết, anh hùng hào kiệt còn tản mát ở các châu quận, tân khách vẫn có ý hễ yên thì ở lại, nguy thì bỏ đi, chưa có cái vững chắc của đạo vua tôi. Vì thế, Tôn Quyền phải an nội trước, bình ngoại sau. Lúc đó, Trương Chiêu cũng bảo Lỗ Túc còn trẻ dại, chưa nên dùng. Tôn Quyền bỏ ngoài tai, vẫn hậu đãi Lỗ Túc.

Hoạch định chiến lược của Lỗ Túc, nói như ngài Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm tam quốc, là phù hợp với Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng. Long Trung đối sách nói gì? 

Nói rằng trước hết lấy Kinh Châu và Ích Châu làm vốn, bên trong sửa sang chính sự, bên ngoài liên kết với Tôn Quyền, phía Nam vỗ về Di Việt, đợi khi thiên hạ có biến sẽ phái một đại tướng từ Kinh Châu ra Uyển, Lạc; đích thân Lưu Bị đem quân ra Tần Xuyên, cùng diệt Tào Tháo. Long Trung đối sách là từ thiên hạ đại loạn tiến tới thiên hạ chia ba rồi nhất thống thiên hạ, từ nhiều thành ba, từ ba thành một. 

Đông Ngô đối sách của Lỗ Túc khác hẳn. Bắt nguồn từ ba thế lực lớn có ảnh hưởng đến miệt Trường Giang là Tào Tháo – Tôn Quyền – Lưu Biểu, Lỗ Túc kiến nghị tạm thời chia ba, “Giang Đông thành chân vạc”, tiến tới diệt Lưu Biểu, thống nhất Giang Nam, lấy đó làm vốn xưng đế. Hoạch định của Lỗ Túc là từ ba biến thành hai rồi từ hai biến thành một. Về cơ bản, hoàn toàn khác với Gia Cát Lượng. Có giống chăng là cả hai đều cùng có quan niệm thiên hạ chia ba

Có điều, đúng như ngài Dịch Trung Thiên nói chia ba của Gia Cát Lượng là thời tương lai, chia ba của Lỗ Túc là thời hiện tại. Gia Cát Lượng vận động để tiến tới thế chia ba, Lỗ Túc vận động để xóa bỏ thế chia ba. Đây là điểm mấu chốt về sau giúp chúng ta hiểu được quan điểm của Lỗ Túc trong liên minh với Lưu Bị.

Một điểm giống nhau nữa giữa Gia Cát Lượng và Lỗ Túc chính là cả hai cùng nhắm đến Kinh Châu, đều xem Kinh Châu là mảnh đất trọng yếu để thực hiện chiến lược của mình. Đối với Gia Cát Lượng, có được Kinh Châu mới có thể ra quân hai đường, đông tây cùng ứng, mới thuận lợi trong việc tiêu diệt Tào Tháo. Đối với Lỗ Túc, chiếm được Kinh Châu mới thu được hết thế hiểm của Trường Giang, mới đủ vốn liếng để dựng hiệu đế vương mà mưu tranh thiên hạ. Đây là điểm mấu chốt thứ hai.

Kinh Châu (màu vàng) là trung tâm "thiên hạ" của người Trung Quốc

Mối tương quan giữa hoạch địch chiến lược của hai nhà là cơ sở lý giải chính sách của Lỗ Túc đối với tập đoàn Lưu Bị. Chúng ta đều biết về phía Đông Ngô, Lỗ Túc là người đầu tiên đề xướng liên minh Tôn – Lưu, cũng là người ủng hộ cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, giữ gìn hòa hiếu hai nhà trong thời điểm căng thẳng. Chính vì lẽ đó, mọi người đều nói Lỗ Túc là người ủng hộ chính sách liên Lưu, đối lập với Chu Du, Lữ Mông chủ trương chính sách nuốt Lưu đoạt Kinh

Tam quốc diễn nghĩa càng cho ta ấn tượng sâu sắc về điều này. Sự thật như thế nào?

Ở trên đã nói khi Lỗ Túc vạch kế hoạch cho Tôn Quyền, Tôn Quyền nói chưa thể theo được, là có lý do. Đến năm Kiến An thứ 8, Tôn Quyền bắt đầu thực thi hoạch định của Lỗ Túc, bắt đầu tiến về phía Tây đánh Hoàng Tổ, phá các hạm thuyền của y, nhưng chưa hạ được thành. Năm Kiến An thứ 12, lại đánh Hoàng Tổ, bắt dân chúng Giang Hạ đem về phía Đông. Năm thứ 13, đánh Hoàng Tổ. Hoàng Tổ sai quân thuyền ra chống. Tôn Quyền sai Đô úy Lữ Mông phá quân tiên phong, sai Lăng Thống, Đổng Tập đem hết quân tinh nhuệ đánh Tổ, hạ được thành, làm cỏ cả thành đó. Hoàng Tổ bị giết trong lúc đang chạy trốn. 

Đáng tiếc, Đông Ngô đối sách của Lỗ Túc đang trong quá trình thực hiện thì mấy sự việc liên tiếp xảy ra có ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện tiếp hoạch định chiến lược này: 

1 – Lưu Biểu bệnh chết

2 – Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu

3 – Liên minh Tôn – Lưu hình thành

Ngã rẽ của chiến lược

Tháng bảy năm Kiến An thứ 13, Kinh Châu mục là Lưu Biểu chết. Lỗ Túc nghe tin liền tìm tới Tôn Quyền để điều chỉnh chiến lược. Tam quốc chí, Lỗ Túc truyện viết Lỗ Túc trước hết nhắc lại tầm quan trọng của Kinh Châu: 

Kinh Sở liền kề với ta, dòng nước thuận lên phía Bắc, ngoài liền dải với miền Giang Hán, trong bao bọc gò, có cái vững của thành vàng, đồng lầy vạn dặm, dân chúng giàu có, nếu chiếm lấy đất ấy, đấy là cái của cải của đế vương vậy

Sau đó, Lỗ Túc nói nay Lưu Biểu đã chết, hai con bất hòa, tướng sĩ lìa lòng, lại thêm Lưu Bị ở nhờ nhưng không thỏa chí. Nếu Lưu Bị được lòng người Kinh Châu, trên dưới cùng giúp thì nên liên minh với Lưu Bị cùng chống Tào Tháo; nhược bằng họ không thuận thì nên chia rẽ để thừa cơ đánh chiếm Kinh Châu. Túc xin sang đó viếng tang để thăm dò hư thực. Nếu không đi sớm, sợ Tào Tháo sẽ làm trước. Tôn Quyền bằng lòng.

Lỗ Túc vừa tới Hạ Khẩu đã nghe tin Tào Tháo xuống phía Nam, tới Nam Quận lại nghe tin Lưu Tông đầu hàng, Lưu Bị đã chạy. Lỗ Túc bèn đi nhanh lên, gặp Lưu Bị ở Đương Dương – Trường Bản. Lỗ Túc khuyên Lưu Bị nên liên hợp với Tôn Quyền. Lưu Bị đồng ý, cùng Lỗ Túc về Hạ Khẩu, sai Gia Cát Lượng theo Túc sang Ngô. Tôn – Lưu liên kết lại, kết quả đã đuổi được Tào Công ở Xích Bích, đốt hết hạm thuyền ở Ô Lâm, phần trước đã có nói tới.

Dấu ấn của Lỗ Túc in đậm trong Tam quốc diễn nghĩa chính là từ sự việc này. Hơn nữa, sau khi đại phá Tào Tháo, Lưu Bị đã đến chỗ Chu Du “cầu Đô đốc Kinh Châu”. Chu Du nhường cho Bị một dải đất phía Nam sông Trường Giang. Lưu Bị thấy Chu Du “nhường ít đất, không đủ để an dân”, lại tới chỗ Tôn Quyền “xin trông coi Kinh Châu”. Về việc này, cả Chu Du và Lã Phạm đều phản đối, duy chỉ có Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn đất để cùng chống Tào Tháo. Đây chính là điển tích “mượn Kinh Châu” nổi tiếng trong lịch sử Tam quốc. Từ sự việc này, Lỗ Túc nổi lên như một nhân vật của phái liên Lưu, là nhân vật quan trọng trong việc xây dựng và giữ gìn liên minh Tôn – Lưu.

Ở đây có một điểm khó hiểu. Chúng ta đều biết Chu Du không tán thành việc dung dưỡng Lưu Bị. Lúc Lưu Bị đi gặp Tôn Quyền “xin trông coi Kinh Châu”, Chu Du đã dâng thư nói: 

Kế sách ngày nay là giữ Lưu Bị ở lại Ngô quận, xây nhà to, cho gái đẹp để lung lạc Lưu Bị, lại chia Quan Vũ, Trương Phi ra đóng ở hai nơi, mới là thượng sách. Nay chia đất cho hắn dựng nghiệp, họp cả ba người bọn họ ở nơi biên giới, e rằng họ sẽ như rồng gặp mây, chẳng chịu ở trong ao nữa đâu.” 

Chu Du bệnh sắp chết, vẫn còn dâng biểu cho Tôn Quyền nói: Lưu Bị ở nhờ, như có nuôi hổ”, xin nhân lúc Lưu Bị chưa yên mà đánh dẹp Lưu Bị. Có điều, lại tiến cử Lỗ Túc thay thế chức của mình và còn nói “Lỗ Túc có mưu trí nên dùng, xin lấy Túc thay Du”. Giang Biểu truyện thì chép rằng Chu Du đã nói “Lỗ Túc trung liệt, làm việc chẳng lầm, nên cho thay Du”. 

Kết quả, người thay thế Chu Du là Lỗ Túc. Lỗ Túc chết, lại tiến cử Lữ Mông thay chức mình. Điều này, ngài Dịch Trung Thiên cho là phi thường: Chu Du chủ trương nuốt Lưu tiến cử Lỗ Túc liên Lưu, Lỗ Túc liên Lưu lại tiến cử Lữ Mông nuốt Lưu. Cho thấy anh tài Giang Đông tiến cử người không thiên vị, chỉ chọn người có thể mưu lợi cho đất nước. Riêng tôi cho rằng việc này không phải phi thường mà là quái đản. Vì sao vậy?

Liên Lưu và nuốt Lưu

Đại phàm các nhà chính trị theo đuổi một chính sách nào đó đều quan niệm rằng chính sách đó có lợi cho đất nước, ngược lại với chính sách ấy là có hại, sẽ mong mỏi người thay thế mình có thể tiếp tục đường lối mà mình hoạch định. Chẳng hạn, như Trương Chiêu chủ trương hàng Tào, tất sẽ xem chính sách chống Tào là có hại, người chủ trương chống Tào sẽ gây họa cho nước. Ngược lại, Lỗ Túc, Chu Du chủ trương chống Tào, tất khó mà tán thưởng người có chủ trương hàng Tào. Đối với vấn đề Lưu Bị, điều đó lại càng chính xác. 

Chu Du từng nói “Lưu Bị ở nhờ, như có nuôi hổ”, còn nhiều lần dâng kiến nghị xử trí Lưu Bị. Vậy cớ gì liền đó còn tiến cử Lỗ Túc – người có chủ trương dung dưỡng Lưu Bị, lại còn khen Lỗ Túc “làm việc chẳng lầm”? Chẳng phải Lỗ Túc chủ trương cho Lưu Bị mượn Kinh Châu là sai lầm đó sao? Nếu Lỗ Túc cho rằng liên minh tốt đẹp với Lưu Bị có ảnh hưởng tích cực đến sự tồn vong của Đông Ngô, vậy sao còn tiến cử Lữ Mông – người chủ trương đánh Lưu Bị, đoạt Kinh Châu, phá hoại liên minh Tôn – Lưu? Làm như vậy khác nào Lỗ Túc đem sự nghiệp cả đời mình ra đập nát trong một phút? 

Điều này giống như Tào Tháo sắp chết, tiến cử Lưu Bị làm thừa tướng nhà Hán; Lưu Bị sắp chết, lại tiến cử Tào Phi làm thừa tướng, thật là trái khoáy! Đến đây ta muốn hỏi quan điểm của Lỗ Túc là như thế nào? Lỗ Túc có phải là người chủ trương liên Lưu không?

Lỗ Túc (trái) và Tôn Quyền (giữa) trong Hội bản Tam quốc chí tiểu truyện

Trước khi làm rõ vấn đề này, tôi muốn nói một chút về khái niệm liên Lưu, nuốt Lưu. Kỳ thực gọi vậy chưa hẳn đúng. Trong mối quan hệ giữa Đông Ngô với Lưu Bị, tùy theo giai đoạn mà hai khái niệm này có hàm nghĩa hơi khác. Vì mối quan tâm hàng đầu của mưu thần võ tướng Đông Ngô là vấn đề Kinh Châu nên phải gắn chính sách với Kinh Châu vào chính sách chung với tập đoàn Lưu Bị mà xét. 

Thời kỳ thứ nhất, Lưu Bị chỉ có Kinh Châu vì vậy đoạt Kinh đồng nghĩa với nuốt Lưu, liên Lưu lại đồng nghĩa với giá Kinh (cho mượn Kinh Châu). Thời kỳ thứ hai, Lưu Bị đã có Ích Châu, quan điểm về vấn đề này sẽ cởi mở hơn. Đoạt Kinh Châu không nhất thiết phải nuốt Lưu, vì Lưu Bị còn có thể giữ Ích Châu vì vậy phải gọi là phá Lưu đoạt Kinh. Tuy nhiên, ngược lại, nếu liên Lưu thì vẫn phải phân chia Kinh Châu. Như Chu Du, Lã Phạm có thể nói là người thuộc phái nuốt Lưu đoạt Kinh, như Lữ Mông, Lục Tốn có thể gọi là người thuộc phái phá Lưu đoạt Kinh. Vậy còn Lỗ Túc?

Lỗ Túc là người vạch ra Đông Ngô đối sách, trong đó trọng điểm là “đoạt Kinh Châu, làm vốn xưng đế”. Lỗ Túc đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của Kinh Châu. Có điều vì Tào Tháo uy hiếp, Lỗ Túc đã phải điều chỉnh chiến lược. Vấn đề nằm ở chỗ sự điều chỉnh này là thay đổi hoàn toàn hay chỉ mang tính tạm thời? 

Nếu đọc sơ qua Lỗ Túc truyện ta có thể nói sự thay đổi này là hoàn toàn. Lỗ Túc là người chủ trương liên Lưu phân Kinh. Một là, lúc Lưu Bị xin cai quản Kinh Châu, Chu Du và Lã Phạm phản đối, riêng Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền cho mượn Kinh Châu. Hai là, thời Lỗ Túc làm đô đốc thượng du, ở biên giới Đông Ngô với Kinh Châu thường xảy ra tranh chấp, Lỗ Túc luôn vỗ về Quan Vũ. Rõ ràng Lỗ Túc là người chủ trương bảo vệ liên minh Tôn – Lưu. Cái chết của Lỗ Túc là một tổn thất lớn cho mối liên minh này. 

Nghĩ như vậy là hết sức sai lầm! Muốn hiểu chính sách của Lỗ Túc đối với Lưu Bị và Kinh Châu, e rằng không nên nghe những điều Lỗ Túc nói ngoài miệng, cũng không nên nhìn bề nổi của những việc Lỗ Túc làm, mà phải nhìn sâu vào lòng dạ của Lỗ Túc. Lòng dạ của Lỗ Túc như thế nào có thể đoán biết được qua cuộc nói chuyện của Lỗ Túc với Lữ Mông.

Chân tướng Lỗ Túc

Tam quốc chí, Lữ Mông truyện nói Lỗ Túc trên đường đi thay chức của Chu Du, đi ngang Lục Khẩu là chỗ đóng quân của Lữ Mông, bèn vào thăm. Trong cuộc nói chuyện đó, Lữ Mông đã hỏi Lỗ Túc: “Ông nhận trách nhiệm nặng nề, ở gần cõi với Quan Vũ, có mưu kế gì để phòng bị điều không may?“. Lỗ Túc do dự nói: “Tùy cơ mà hành sự“. Lữ Mông bèn bày cho Lỗ Túc năm kế. Lỗ Túc rời chiếu tới vỗ lưng khen ngợi tài lược của Lữ Mông, cùng Lữ Mông kết bái làm anh em. Giang Biểu truyện thì nói khi đó Lữ Mông bày cho Lỗ Túc ba kế. “Túc kính cẩn nhận lấy, giữ kín không nói ra”. 

Bạn xem, nếu Lỗ Túc là người chủ trương liên Lưu thật sự, đối với lời bàn muốn đối phó Quan Vũ phải đối đáp như thế nào? E rằng Lỗ Túc phải nói: 

Nay Tào Tháo uy chấn bốn biển, kẹp thiên tử lệnh chư hầu, chỉ mong quét sạch Giang Nam, thống nhất thiên hạ, chỉ hiềm vì còn có Tôn Thảo Lỗ và Lưu Dự Châu một lòng kháng tặc mà thôi. Bây giờ chính là lúc Tôn – Lưu hai nhà đồng tâm hiệp lực, cùng chống Tào tặc. Hiện giờ mà nói phá Lưu Bị, đoạt Kinh Châu khác nào muốn đánh hổ dữ lại tự chặt tay mình, muốn vượt sóng cả mà lại cắt đứt dây buồm, bẻ gãy mái chèo? Mấy lời nói ấy, Túc không thể nhận!

Ngược lại, Lỗ Túc không những hết sức tán thưởng, còn “kính cẩn nhận lấy, giữ kín không nói ra”. Vậy Lữ Mông đã bày ra mưu mẹo gì khiến Lỗ Túc phải có thái độ nghiêm trọng như thế? E rằng với một người chủ trương phá Lưu đoạt Kinh như Lữ Mông, mưu kế bày ra đó chính là kế đánh úp Quan Vũ, áo trắng sang đò! Lỗ Túc “kính cẩn nhận lấy, giữ kín không nói ra” là có lý có cớ. 

Minh họa Lữ Mông trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Thực tế đã chứng minh, vào năm Kiến An thứ 20 (215), Lưu Bị vừa phá xong Lưu Chương. Tôn Quyền đã sai Lữ Mông phát binh đánh chiếm ba quận Kinh Châu ở phía Đông sông Tương Thủy là Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng. Trong chiến dịch này, Lỗ Túc đã đích thân đem quân ra Ích Dương chống cự với viện binh Quan Vũ, phối hợp rất tích cực với Lữ Mông. Câu chuyện đơn đao phó hội nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa cũng đã diễn ra trong bối cảnh này.

Chúng ta đều biết quan điểm tranh thiên hạ của Lỗ Túc là đoạt Kinh Châu. Ngay lúc đề xuất liên minh với Lưu Bị, tâm trí Lỗ Túc vẫn mơ màng về Kinh Châu. Có thể nói, liên minh Tôn – Lưu ra đời là để đối phó với sự uy hiếp của Tào Tháo. Đối với chiến lược của Lỗ Túc chỉ là một sự điều chỉnh nho nhỏ, vẫn là Giang Đông thành chân vạc, nhìn thiên hạ tan vỡ, vẫn là ba nhà Tào – Lưu – Tôn chia nhau một dải Trường Giang, chỉ là thay thế Lưu Biểu bằng Lưu Bị. Vấn đề nằm ở chỗ sự điều chỉnh này chỉ mang tính tạm thời. Khi đủ thực lực, khi thời cơ đến, khi Tào Tháo không còn là mối bận tâm hàng đầu nữa, Lỗ Túc vẫn sẽ tìm cách lấy Kinh Châu, thực hiện lý tưởng chính trị của mình. Lỗ Túc tham gia tích cực vào việc đánh chiếm ba quận, xách đao đi đòi Kinh Châu, tiến cử Lữ Mông “nuốt Lưu” là minh chứng rõ nhất của việc kiên trì chính sách đoạt Kinh Châu làm vốn xưng đế của Lỗ Túc.

Lỗ Túc khuyên cho mượn Kinh Châu, vỗ về Quan Vũ, đều có thâm ý. Bạn xem, Lỗ Túc là người tán thành cho Lưu Bị mượn đất, Chu Du lại hết sức phản đối, vậy sao sau này Chu Du lại khen Lỗ Túc “làm việc chẳng lầm”? Muốn hiểu điều này phải hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện “mượn Kinh Châu”. Vì sao Lưu Bị phải mượn Kinh Châu?

Kỳ sau: Mượn Kinh, đòi Kinh

Chia sẻ câu chuyện này
Share