Hà Tiên – Chạm tay vào tiền nhân

Hà Tiên – Chạm tay vào tiền nhân
Hà Tiên

Tôi nhớ về bài hát này cũng như cách chính nhạc sĩ Lê Dinh viết về nỗi nhớ của ông dành cho Hà Tiên vào năm 1968 vậy. Có lẽ ông không biết rằng, sau khi ông sáng tác được hai mươi sáu năm, đâu đó chừng một thế hệ, thì mẹ tôi đã ru tôi ngủ bằng giai điệu da diết này mỗi ngày.

Đây là thiện duyên đầu tiên kết nối tôi với Hà Tiên. Nhưng cái thiện duyên này cũng trắc trở truân chuyên lắm, vì sau đó là quãng thời gian tôi dần dần quên đi giấc ngủ mẹ ru mà lao vào sự nóng nảy, bồng bột và vội vã của tuổi thanh niên. Tới ba mươi năm sau lời ru hôm nào, tôi mới thư thả quay về ngả lưng vào bóng mát Bình San đặng ngó mắt trông gió về Nam Phố, mà bồi hồi nhận ra mối lương duyên xưa cũ, giờ đã nở rộ thành hình trong tâm tưởng.

Đi qua nhiều vùng đất nhưng phải đến lúc thổn thức vì cái thiện duyên bỏ quên đó, tôi mới nhận ra bản thân mình chắc cũng như nhà thơ Phạm Hữu Quang, khi thốt lên rằng:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Đỡ một chuyện là tôi không đau đớn như nhân vật Nhĩ của Bến Quê, khi mà đi khắp thiên hạ nhưng lại bỏ quên một góc quê yên bình. May mà tôi còn tìm thấy góc quê mà vốn dĩ mẹ tôi đã gửi gắm duyên lành trong câu hát ru thuở nhỏ.

Tôi quay lại Hà Tiên. Đó là một buổi chiều nắng gắt tháng Tư của nhiều năm về trước, cái nắng cháy da thịt và cục máy xe nóng như lò rèn, tổng hoà những thứ đó làm tôi hoa mắt mệt mỏi. Ngả lưng vào quán võng ven đường, uống ngụm nước thốt nốt mát lạnh, tôi dần chìm vào giấc ngủ yên ả dưới tán cây xanh rì cho đến khi ánh nắng đỏ rực chiều tà xuyên qua mí mắt gọi tôi dậy.

Hà Tiên

Có một câu nói rằng: “Có những sự kết thúc thực sự rất đẹp”. Hoàng hôn ở Hà Tiên là minh chứng cho câu nói đó. Đứng ở Mũi Nai, nhìn một ngày dần kết thúc mà trong lòng vỗ về bởi muôn ngàn con sóng, tâm hồn vuốt ve bởi vạn ngọn gió, không đẹp sao được? Gió lồng lộng, mát rượi, nhắm mắt lại ngồi thật im một chỗ sẽ nghe được tiếng hát trong đó, du dương dìu dặt.

Chỉ đến khi chứng bệnh viêm mũi dị ứng kéo tôi về thực tại bằng những tràng dài hắt xì liên tục, tôi mới bịn rịn bước đi, kéo áo khoác mà che chắn những cơn gió biển. Chiều hôm đó gieo vào lòng tôi những cung bậc rất lạ. Tôi như trở về ngày còn ngủ nôi, ngày mới chập chững đến với thế giới này, phải chăng gió đã đem câu ru của mẹ mấy chục năm trước thổi bừng trong đầu tôi trở lại. Một hoàng hôn thi vị vừa buông ngoài khơi, nhưng trong lòng tôi có cảm giác như đang chuẩn bị dâng lên ánh bình minh rực rỡ.

Và thế rồi, tôi sợ. Lúc đó tôi sợ rằng những điều đẹp đẽ này sẽ sớm không còn. Tôi không còn được ngắm chiều tà ở Mũi Nai, hoặc biết đến khi nào mẹ tôi không còn hát bài Hà Tiên mến yêu cho tôi nghe nữa?

Vậy thì có sự kết thúc nào thực sự đẹp không?

Hà Tiên

Tôi dừng bước, tâm tư với câu hỏi ngây ngô đó, mân mê nó như cách đứa học sinh ngày đầu đến lớp, ngần ngại với chúng bạn mà cứ vò gấu áo. Đứng giữa ngã ba đường, một hướng đi đường ven biển, một hướng về trung tâm Hà Tiên, tôi đảo mắt nhìn quanh như người lạc đường tìm kiếm dấu hiệu. Tôi ngước lên nhìn ngọn núi bên tay mặt, ánh chiều phản chiếu thế núi sừng sững, tách biệt với nền đen rừng cây bên dưới rõ rệt. Và… chấm phá giữa nền đen đó là một ngôi mộ cổ.

Trong đầu tôi nghĩ tới một kết thúc, và Mẹ Tự Nhiên đang dùng bức tranh tuyệt vời từ ánh sáng, để nhắc nhắc nhở tôi về hình dáng của “một kết thúc”. Khoảnh khắc hai thế giới nội tâm và ngoại cảnh xô đẩy vào nhau, tung toé lên biết bao xúc cảm khó nói, chỉ thấy máu như nóng hơn.

Một suy nghĩ hết sức tự nhiên và chất phác vụt qua đầu tôi, rằng tôi đây và chủ nhân ngôi mộ đó, dẫu cách nhau bao nhiêu thập kỷ hay như hiện giờ chỉ cách nhau thửa ruộng, liệu trên dòng luân hồi có từng trao nhau một hai thiện duyên nào đó chưa?

Họ là ai?

Câu hỏi này coi đơn giản, chớ nghĩ dễ nát óc lắm! Khi các nhà khoa học vật lý lượng tử còn đang tranh cãi nhau về một cỗ máy thời gian thực tế trông sẽ ra sao, thì tôi lại thích thú với cỗ máy thời gian của riêng mình – xúc giác từ đôi tay. Đôi bàn tay này đụng chạm lên thứ gì đó, cảm xúc khi chúng ta đồng cảm và hồi tưởng về câu chuyện của sự vật đó, chẳng lẽ không đáng xúc động sao?

Tôi chạm vào gạch cổ Tháp Vĩnh Hưng (Bạc Liêu), sờ vào các phế tích Gò Cây Thị, Nền Chùa, hay nhiều di tích từ thời Óc Eo, Phù Nam trên quê hương miền Tây này, hoặc gần hơn là chạm vào những khối ô dước lỗ chỗ, đen sì màu rêu phong từ những ngôi mộ cổ Hà Tiên, tất thảy đều là cảm xúc chân thành như vậy.

Vậy là tôi rõ ràng được dự cảm trong lòng rồi, chiều hôm đó, một hoàng hôn khuất bóng trên đỉnh Núi Đèn, nhưng dưới chân núi, từ ngôi mộ cổ tôi không biết danh tính, lại bắt đầu một bình minh mới – cho tôi. Có thể thấy, sự quan tâm và yêu thích Hà Tiên trong tôi không mất đi, nó chỉ chuyển từ hình hài của đồ ăn ngon thời còn nhỏ, sang những cảnh tà áo dài thướt tha thời thiếu niên, và giờ thì đến những thứ siêu hình hơn.

Rêu phong, nhưng hoài niệm

Sự mở đầu và kết thúc. Kỳ quặc ở chỗ là nơi này có đủ hết.

Hà Tiên
Hà Tiên

Nó mang trên mình một đô thị năng động, vậy mà cùng cái không – thời gian đó, nó cũng ấp ôm trong lòng biết bao ngôi mộ cổ. Hà Tiên như một đô thị xinh đẹp hiện đại nằm trong lòng một quần thể tâm linh phong thuỷ cực lớn. Kiếm một nơi thứ hai có điểm đặc biệt này, e cũng rất khó.

Nhiều người sẽ nhớ Hà Tiên có núi, có biển, có cảnh đẹp, nhưng từ sau lần “đốn ngộ” nơi ngã ba đường, bản thân tôi khi nhớ đến Hà Tiên thì thường nhớ đến những ngôi mộ cổ, nằm rải rác khắp nơi.

Ngoài ánh hoàng hôn, Hà Tiên còn mang trong mình một vẻ đẹp của sự kết thúc, với một cách biểu đạt hoàn toàn khác. “Hoàng hôn” vô hình quá, không cầm nắm gì được hết, hễ có thứ gì chẳng chạm vào được làm tôi có lúc thấy khó chịu. Ngược lại thì những khối đá ô dước, sa thạch từ không biết bao nhiêu ngôi mộ cổ ở Hà Tiên lại là kết tinh của vẻ đẹp của sự kết thúc. Và quan trọng là nó chiều chuộng sự độc tài của tôi, khi tôi có thể chạm vào rồi hoài niệm và tâm tư. 

Thử nhắm mắt nghĩ về một buổi chiều, ngồi trên triền núi Bình San, nghe từng ngọn gió vờn kẽ lá giữa những ngôi mộ tiền nhân mà trong lòng dâng lên niềm bồi hồi khó tả. Ngoài những ngôi mộ được đánh số trong khu di tích Lăng Mạc Cửu, ở Hà Tiên vẫn đâu đó thấy được các ngôi mộ cổ rêu phong dọc theo các ngọn đồi lớn nhỏ, trong các tán cây ven đường. Có cái còn bia và được nhang khói, có cái đá mòn, nguội lạnh, mỗi lần đi ngang đó tôi lại tự hỏi: Họ là ai?

Vị tiền nhân đang im lặng nhìn ngắm giang sơn xưa thay da đổi thịt.

Một câu hỏi không phải tò mò đơn thuần, mà ẩn sau nó là sự bức bối trong không gian sinh tồn của bản thân, là khát vọng tìm đến và đào sâu vào những câu hỏi triết học.

Cũng như Tản Đà, khi ông chỉ thấy một nắm đất bên đường chưa chắc có phải là mộ hay không, mà ông đã khóc cho đời, cho người và tự vấn về bản thân mình như trong Khóc mả cũ ven đường, thì trách sao khi tôi đứng nhìn ngôi mộ cổ dưới chân núi lại không khỏi bồi hồi cho được.

Đời dâu bể bể dâu, Hà Tiên cũng oằn mình theo thời cuộc. Có lẽ dọc chiều dài lịch sử của mình, Hà Tiên trải qua nhiều lần từ bãi biển mọc lên thành quách nguy nga, từ ruộng hoang trở thành hải cảng, theo thời cuộc để rồi tất cả có như ngày hôm nay.

Vậy, trong những mộ cổ ven núi quanh sông, những ai bên dưới đã chứng kiến cái gọi là “thời cuộc”?

Hà Tiên
khu di tích Lăng Mạc Cửu

Ai đã nghe tiếng pháo thuyền Mạc Cửu vang dội Phương Thành?

Ai đã theo hồn sáo nhạc Mạc Thiên Tích ngao du Thập Cảnh?

Ai kéo lưới Mũi Nai, ai đợi ai Nam Phố?

Ai đã thấy lửa thù sáng rực, đầm Đông Hồ máu đổ đầu rơi?

Ai đã gánh trăn nước đầm sen, núi Bình San chưa phai mùi khói?

Nọ tưởng còn nghe, tiếng vó ngựa chiều ngang Kim Dự,

Nay nhìn chẳng thấy, vết người xưa gióng trống Giang Thành,

Thạch Động nuốt mây, tháng năm qua giữ hoài tiếng Thần Chung chưa trả

Lư Khê giăng lưới, chim trời bay mắc cánh, mãi chưa về đến Châu Nham.

Hà Tiên đẹp, nên thơ, có câu chuyện rất dài đủ sức hấp dẫn những tâm hồn yêu văn chương thi phú, yêu sự huyền ảo xen lẫn đời thường. Hay nói cách khác, Hà Tiên là khu vườn cổ tích cho những tâm hồn ngây dại, tìm về xa lánh sự ồn ào. Với tất cả sự huyền diệu đó, nó kích thích chúng ta đến gần hơn với quần thể mộ cổ Hà Tiên. Đến gần để xúc chạm, để hiểu hơn, hay chỉ đơn giản để trả lời được câu hỏi: chủ nhân ở đây, họ là ai, mà thôi.

Hỏi mộ cổ tiền nhân, ai công hầu, ai khanh tướng

Đường trần gian ai dễ biết ai!

Lúc nhỏ, Hà Tiên trong tôi là đồ ăn ngon và biển đẹp. Lớn lên độ thiếu niên, Hà Tiên lại là một áng văng chương trữ tình như mây trời soi bóng Đông Hồ. Còn bây giờ, Hà Tiên như một người bạn vong niên, thường ngày im lặng nhưng hết sức thuỷ chung, đợi chờ tôi trong một cơn say nắng và mệt mỏi nào đó, lại về đây ngả lưng dưới bóng mát và uống một ly thốt nốt, để mơ về giấc mơ xa xôi… chạm tay vào tiền nhân.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế dàn trang : Nhím

Hà Tiên
Hà Tiên
Share