Khí cầu Hindenburg: Niềm kiêu hãnh và ngày lụi tàn – Kỳ 2

Tác giả Phạm Bá Thủy
Khí cầu Hindenburg: Niềm kiêu hãnh và ngày lụi tàn – Kỳ 2

Có ai đấy chạy đến gần tôi hỏi han điều gì đó, nhưng tôi đang chết điếng vì sợ hãi, gần như bị cấm khẩu, không thể nói gì về về sự việc đang xảy ra. Quả là một cơn ác mộng!"

Hỏa ngục trên bầu trời

Như đã nói ở kỳ trước, ngày 6/5/1937, khí cầu Hindenburg của Đức chở 42 hành khách và 55 nhân viên phi hành đoàn xuất phát từ Frankfurt trước đó 3 ngày, đã lâm nạn tại Lakehurst, ngoại ô New York, Mỹ. Do thời tiết xấu, khí cầu phải bay vòng quanh trên bãi đáp Lakehurst hơn một giờ. Sau đó, khi hạ xuống gần điểm neo đậu, chỉ còn cách mặt đất chừng 20m, Hindenburg bỗng dưng phát nổ. Lửa bao trùm toàn bộ và quả khí cầu cháy rụi chỉ trong vòng 4 phút!

Sáng ngày 6-5, khinh khí cầu Z 129 Hindenburg gặp sự cố khi tới trạm bay ở Lakehurst. Nó tới muộn hơn vài tiếng so với lịch trình do ảnh hưởng của một cơn bão - Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức

Xe cứu hỏa và xe cứu thương hú còi ầm ĩ, phóng nhanh đến gần quả cầu lửa khổng lồ rực cháy. Trong khoảnh khắc khủng khiếp này, bãi đáp Lakehurst trở thành một mớ hỗn độn gồm các loại xe và người, chuyển động lung tung theo mọi hướng. Tình trạng lộn xộn trên sân bãi khiến cho công tác cứu hộ, cứu thương trở nên rất khó khăn, các bác sĩ và y tá phải chật vật lắm mới có thể lách qua được những dòng người hoảng loạn không biết phải chạy theo hướng nào.

Nhà hàng trên khí cầu Hindenburg.

Diễn viên nhào lộn O’Loughlin, một trong những hành khách thoát nạn, về sau cho biết: 

Chúng tôi đã bay lơ lửng trên bãi đáp và suy nghĩ vẩn vơ, nhưng không phải về khả năng xảy ra tai nạn. Lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan, với ý nghĩ rằng chỉ sau một vài phút nữa là tôi có thể ôm hôn những người thân yêu đang đón chờ bên dưới…

Từ phòng sinh hoạt chung, tôi đi vào phòng mình để chuẩn bị mang hành lý ra, đột nhiên xuất hiện một tia sáng chói lòa và lửa trùm lên tất cả mọi thứ xung quanh. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy rằng mặt đất đang lao tới với tốc độ kinh hoàng. Khí cầu đang rơi tự do. Lửa cháy rừng rực khắp xung quanh!

Trong những giây phút ấy, tôi không thể nghĩ đến bất cứ điều gì – đơn giản vì không có thời gian. Tôi nhảy ra ngoài cửa sổ và thật là đúng lúc, bởi vì hầu như chỉ một giây sau thôi, quả khí cầu chạm đất, gây nên một tiếng nổ long trời. Thật khủng khiếp! May mà tôi có nghề nhào lộn nên không hề hấn gì sau cú nhảy. Có ai đó chạy đến gần tôi hỏi han điều gì đó, nhưng tôi đang chết điếng vì sợ hãi, gần như bị cấm khẩu, không thể nói gì về về sự việc đang xảy ra. Quả là một cơn ác mộng!

Phi hành đoàn mặt đất bên dưới phân tán để chạy trốn khỏi địa ngục. Nguồn: Deutsches Bundesarchiv

Trong số 97 người gồm hành khách và phi hành đoàn, có 62 nhân mạng – gần hai phần ba – được cứu sống. May mắn thay, tại thời điểm xảy ra sự cố, hầu hết mọi người đều đang ở trong khu vực phần thân trước của khí cầu, còn vụ nổ xảy ra ở phần đuôi. Họ không hiểu chuyện gì đang diễn tiến, nhưng độ dốc của thân khí cầu và vận tốc lao xuống rất nhanh của nó khiến mọi người nhanh chóng nhận ra rằng trước mắt họ là tai họa. Ngay lập tức, hành khách cùng phi hành đoàn đã thể hiện phép lạ của trực giác và bản năng sinh tồn. Một hành khách khi nhận thấy mình bị kẹt trong đống đổ nát đang cháy đã nhanh tay đào bới lớp cát vốn được phủ dày trên bề mặt bãi đáp khí cầu và đã trở nên ướt mềm sau cơn mưa, rồi vùi mình vào đó.

35 người trong tổng số 97 người có mặt trên khinh khí cầu thiệt mạng. Một người đứng dưới mặt đất tử vong khi khinh khí cầu Hindenburg lao xuống. Nguồn: Báo điện tử Kiến Thức
Khí cầu Hindenburg đang cháy.

Một bể chứa nước được lắp đặt bên trên một phòng ngủ bị vỡ. Nước chảy xối xả và dập tắt ngọn lửa ở gần đó. Một hành khách nhanh trí lao tới cho nước tưới ướt đẫm khắp người, nhờ vậy không bị bỏng nặng. Còn có một yếu tố tình cờ may mắn: khí cầu đột ngột rơi tự do và va vào mặt đất đã khiến các chốt cửa bị bung ra và các cầu thang lên xuống cũng tự bật ra ngoài. Nhờ lối thoát này mà nhiều phụ nữ và trẻ em sống sót.

Mười hai thành viên phi hành đoàn, trong đó có chỉ huy trưởng Max Proust đã bị những khung sườn nóng đỏ của thân khí cầu đang cháy ép xuống mặt đất. Dù bị bỏng nặng, họ vẫn cố gắng thoát ra khỏi đống bùng nhùng đang rực cháy. Thuyền trưởng Max Proust bị thương rất nặng. Ernst Lehmann nhảy ra khỏi khí cầu như một bó đuốc cháy, nhưng ngày hôm sau ông qua đời trong bệnh viện.

Một tiếp viên dù đã thoát chết vẫn cố gắng chạy vào đám cháy để cứu… thùng kim loại đựng tiền. Nhưng về sau, khi chiếc thùng này được mở tại văn phòng của Công ty Zeppelin, người ta mới thấy rằng số tiền giấy Đức ở trong đó đã biến thành tro than.

Chấm dứt thời đại khinh khí cầu

Ngay ngày hôm sau, trong một rạp chiếu bóng của New York, người ta đã trình chiếu cuốn phim về vụ tai nạn của khí cầu Hindenburg, do 5 nhà quay phim thực hiện ngay tại hiện trường. Các tay máy này vốn có nhiệm vụ ghi hình quang cảnh “hạ cánh” hoành tráng của Hindenburg. 

Đội điều tra sự cố Hindenburg ở New Jersey.

Các cảnh quay được bắt đầu ngay khi chiếc khí cầu bay đến gần cột neo, do đó cuốn phim đã phản ánh thảm họa từ những giây phút đầu tiên. Cuốn phim đã thực sự gây một ấn tượng đau đớn cho khán giả. Tiếng la thét sợ hãi không ít lần vang lên trong phòng chiếu, một số phụ nữ bị ngất xỉu. Cuốn phim này, cũng như nhiều bức ảnh do các nhân chứng chụp được, sau đó được Ủy ban điều tra đặc biệt liên quốc gia sử dụng để điều tra nguyên nhân cái chết của phép màu công nghệ hàng không Đức.

Sự cố khí cầu Hindenburg trên bầu trời.

Cho đến ngày nay đã có rất nhiều cuốn phim cả tài liệu lẫn nghệ thuật nói về thảm kịch Hindenburg, dựa trên những thước phim, hình ảnh do người đưa tiễn, người đón thực hiện và hành khách quay được trong chuyến đi, cũng như các tài liệu lưu trữ hay lời kể của người trong cuộc và nhân chứng.

Nhiều cuộc phỏng vấn các nạn nhân của thảm kịch được ghi hình và thu âm tại nhiều thời điểm khác nhau đã được đưa lên mạng Internet. Một số cụ già nạn nhân còn mang theo vết sẹo Hindenburg, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đến tận những năm đầu thế kỷ 21.

Phóng viên Morrison của Đài phát thanh Chicago đã nghẹn ngào kết thúc bài tường thuật của mình như sau: 

“Ôi Chúa ơi! Những hành khách mới khốn khổ làm sao! Thưa quý vị, tôi không thể nói gì hơn… Trước mặt tôi là một đống hỗn độn đang bốc khói… Dường như Trái đất này đang cháy. Tôi xin lỗi vì buộc phải cắt ngang ở đây. Mà giọng tôi đã run lắm rồi, tôi không thể nói gì được nữa. Tôi phải tham gia cứu hộ…”

Đám tang của những nạn nhân trong thảm họa HindenburgTại thành phố New York. Nguồn: Deutsches Bundesarchiv

Thảm họa của khí cầu Hindenburg đã bao trùm lên toàn bộ nước Đức một bầu không khí đau buồn và thất vọng. Càng đau buồn hơn nữa khi sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế rất chi thưa thớt. Ta cần biết rằng, lúc đó, chủ nghĩa phát xít do Hitler khởi xướng đang manh nha hoàn hành ở châu Âu, khiến cả thế giới lo ngại. Tất cả các tờ báo và tạp chí Đức đều dành toàn bộ trang bài cho thảm họa này. 

Suốt một thời gian dài, theo các văn bản chính thức, nguyên nhân của thảm kịch được đưa ra là do khí hydro bắt lửa. Người ta cho rằng nếu khí cầu được nâng bằng khí heli thay vì hydro, thảm họa hẳn đã không xảy ra. Tuy nhiên, người Đức không thể sử dụng heli vì nó chỉ được sản xuất tại Mỹ, mà người Đức lại không thể mua từ người Mỹ vì những lý do chính trị như đã nói và cả tài chính, do heli đắt hơn nhiều so với hydro. Ngoài ra, ở thời điểm đó, không chỉ heli mà bất cứ thứ gì người Mỹ cũng không bán cho chế độ Đức Quốc xã.

Vào năm 1972, nhà báo M. Mooney cho ra mắt cuốn sách Hindenburg, với nội dung hoàn toàn bác bỏ các phiên bản chính thức. Sau khi nghiên cứu cẩn thận các tài liệu lưu trữ của Đức và Mỹ, tác giả đã đi đến kết luận rằng khí cầu Hindenburg phát nổ do hành động phá hoại. Theo tác giả thì Erich Cshphel, một trong những thành viên phi hành đoàn, do bất mãn với chế độ Hitler, đã đặt bom phốt pho trong khoang máy của khí cầu. 

Hai người trong nhóm điều tra khung kim loại của Hindenburg ở New Jersey vào tháng 5 năm 1937. Nguồn: Deutsches Bundesarchiv

Về nguyên tắc, phốt pho sẽ phát cháy khi độ ẩm môi trường xung quanh đạt trị số cần thiết. Nhưng suốt thời gian chuyến bay này của khí cầu Hindenburg, trừ thời điểm cuối, khi đến gần bãi đáp, thời tiết lại hoàn toàn khô ráo. Giả sử trong 3 ngày Hindenburg bay trên Đại Tây Dương có xảy ra mưa to gió lớn thì hẳn quả bom phốt pho nọ (nếu có thực) đã phát cháy khiến khí cầu đâm đầu xuống biển và mọi chuyện đã tiến triển theo chiều hướng khác. Cũng giả sử ở thời điểm cuối không xảy ra giông nhiệt gây mưa to thì hẳn mọi chuyện đã đâu vào đấy và giờ đây chẳng ai rỗi hơi nhắc đến khí cầu Hindenburg làm gì. Nhưng vào ngày 6/5/1937, ở ngoại ô New York đã diễn ra một cơn mưa định mệnh…

Bi kịch Hindenburg khiến nhân loại vô cùng sợ hãi. Các chuyên gia sẽ còn phải điều tra lâu dài nguyên nhân của thảm kịch này, nhưng kể từ đó, Công ty Zeppelin phải đóng cửa vĩnh viễn. Sau thảm họa, việc sử dụng hydro cho các loại khí cầu bị cấm vĩnh viễn. Cuối cùng, việc thiết kế và chế tạo những khí cầu chở khách khổng lồ đã đi vào quên lãng, khép lại thời kỳ huy hoàng của phương tiện vận tải đầy tham vọng này.

Xác của khí cầu Hindenburg ở Lakehurst, N.J. Nguồn: Deutsches Bundesarchiv

Art Director Lê Minh
Designer Tai Phan
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share