Chúa Trịnh Sâm qua đời đã để lại một khoảng trống quyền lực. Người kế vị còn quá nhỏ. Trong sáu đại thần nhận di chúc, chỉ có Hoàng Đình Bảo là người đứng ra chèo chống tình hình. Nhưng ông ta sẽ nhanh chóng đối mặt với làn sóng nổi dậy của kiêu binh Thanh – Nghệ.
Trịnh Tông xúi giục binh lính
Theo lời người đương thời là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) viết trong Hoàng Lê nhất thống chí, Trịnh Tông bấy giờ bị Đặng Thị Huệ giam lỏng ở nhà Tả Xuyên. Một hôm, Trịnh Tông nói chuyện với thuộc hạ là Dự Vũ – vốn là đầu bếp dưới trướng, hỏi đến việc lòng người bên ngoài. Dự Vũ nói:
Nhà chúa bỏ con cả lập con út, thiên hạ ai cũng căm ghét, nhất là quân lính càng tệ. Hôm nọ trong khi Chúa mới lên ngôi, chiếu lệ có ban tiền bạc cho các quân sĩ. Bấy giờ trong quân nhao nhao, có kẻ nhất định không nhận tiền ấy. Quận Huy [tức Hoàng Đình Bảo] hạ lệnh nghiêm cấm, họ mới miễn cưỡng phải theo, nhưng họ vẫn bất bình
Trịnh Tông mừng, lại bàn bạc với tiểu thụ là Gia Thọ. Gia Thọ khuyên Tông nhân cơ hội đó kích động binh lính. Trịnh Tông bèn sai Dự Vũ làm cơm rượu đãi các viên Biện lại trong quân, nói với họ rằng:
Thế tử chẳng có tội gì, chỉ vì bị mụ nghiệt phụ họ Đặng làm mê Nhà Chúa, vu tội cho người để cướp ngôi Chúa của người. Rồi thì Quận Huy vốn đã có chí phản nghịch, thấy Vương tử Cán bé dại dễ kiềm chế, hắn mới phụ họa với mụ, mà gây nên việc bỏ người này lập người kia, để hắn làm quan phụ chính cho tiện thi hành cái mưu cướp nước của mình.
Nay Chúa mới bị bệnh rất nặng, chỉ trong sớm tối sẽ có nguy biến. Không biết rồi đây cơ nghiệp Nhà Chúa sẽ về tay ai? Quân lính ba phủ đều là người đất “tắm gội” của Nhà Chúa, đã từng ra giúp việc nghĩa, vào bậc nanh vuốt nhà nước, ai cũng sẵn lòng trung nghĩa, ví thử còn nghĩ đến ơn Nhà Chúa nuôi nấng trong hai trăm năm, thì nên giúp cho Nhà Chúa. Nếu mà trời cho xong việc, tất nhiên sẽ có thư son khoán sắt, lưu truyền muôn đời
Các viên quân lại nghe theo lời của Dự Vũ. Họ họp quân lính lại chùa Khán Sơn. Quân lại trong đội Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng (tên trong sổ lính là Bằng Vũ) mạnh dạn nói:
Các quân sĩ nếu định một lòng làm việc này, thì chẳng qua cứ đợi xong lễ tế điện buổi sáng, trong phủ đường nổi hiệu ba hồi trống, chúng mình sấn đến lôi nó ra quật ngã xuống, thế là xong việc, có gì là khó khăn?
Quân lính đều tán thành ý kiến của Nguyễn Bằng, và tôn Bằng làm mưu chủ. Họ hẹn nhau không định ngày khởi sự, hễ nghe Nguyễn Bằng đánh trống là hành động.
Quân lính lôi kéo Thái phi Nguyễn Thị nhập cuộc
Bấy giờ có Viên ngoại lang Bùi Bật Trực cũng ở trong đám người. Bùi Bật Trực là gia khách của Nguyễn Trọng Viêm. Nguyễn Trọng Viêm thuộc dòng họ ngoại thích ở xã Linh Đường, huyện Thanh Trì. Em gái của Nguyễn Trọng Viêm là Nguyễn Thị Ngọc Diệm vào hầu chúa Trịnh Doanh, sinh ra Trịnh Sâm. Theo vai vế, Nguyễn Trọng Viêm là cậu ruột chúa Trịnh Sâm.
Bùi Bật Trực biết được mưu của quân lính, nên bảo cho con trai Viêm là Nguyễn Trọng Chiểu biết, bảo Chiểu cùng dự họp. Bùi Bật Trực nhân đó đứng ra giới thiệu Nguyễn Trọng Chiểu, và nói với quân lính:
Việc này quan hệ rất to, cần phải nhờ quốc cữu (tức Nguyễn Trọng Viêm, em Trịnh thái phi) tâu lên thái phi rõ. Vạn nhất mà Đình Bảo biết chuyện, thì cứ nói là có mệnh lệnh bí mật của thái phi, rồi cử sự một cách minh bạch, như thế là hơn
Quân lính đồng tình với ý kiến của Bùi Bật Trực. Những diễn biến sau đó thì khá bất nhất. Mỗi người nói theo một kiểu.
Nguồn thứ nhất chính là Hoàng Lê nhất thống chí. Ngô Thì Chí bảo rằng quân lính đến nhà Nguyễn Trọng Viêm, bảo ông này xin ý chỉ của Thánh mẫu (tức Thái phi). Nguyễn Trọng Viêm đùn sang cho cháu là Phó tri Binh phiên Nguyễn Kiêm – vì Kiêm có nhiệm vụ ra vào cung cấm, sẽ không bị nghi ngờ. Quân lính lại kéo sang nhà Kiêm. Nguyễn Kiêm bất đắc dĩ phải sang gặp Nguyễn Trọng Viêm, rồi vào cung yết kiến Thái phi Nguyễn thị.
Thái phi tuy bằng lòng, nhưng còn muốn thuyết phục Hoàng Đình Bảo nhường quyền cho Trịnh Tông, nên dặn quân sĩ hãy hoãn lại vài ngày, rồi đi bàn với Quốc cữu Nguyễn Hoàn. Nguyễn Hoàn là một trong bảy quan cố mệnh, đồng thời là cha vợ Nguyễn Kiêm. Nguyễn Hoàn cũng đồng ý thuyết phục Hoàng Đình Bảo. Thế là Thái phi đích thân đi nói chuyện với Bảo, khuyên nên để cho Trịnh Tông tạm nhiếp chính. Hoàng Đình Bảo từ chối. Thái phi trở về, bèn sai quân lính hành động.
Bấy giờ có tên lính ở xã Vạn Lộc huyện Đông Sơn đem âm mưu của quân lính nói với đồng hương là Thiêm tri Binh phiên Trần Hữu Cầu. Hữu Cầu hiếu sự, bèn soạn bài hịch Tam quân phò chánh đem dán ở các đường phố. Ngày 24 tháng 10, bọn Nguyễn Bằng biết không thể trì hoãn, nên quyết định ngày mai khởi sự.
Lời tường thuật thứ hai là của Bùi Dương Lịch trong sách Nghệ An ký. Bùi Dương Lịch là người có tham gia một phần vào vụ này thì kể rằng quân lính tôn Nguyễn Trọng Viêm làm mưu chủ, đồng thời kết ước rộng rãi với các Thập trưởng, Ngũ trưởng ở kinh thành, hẹn ngày 20 tháng 10 khởi sự. Vừa lúc Bùi Dương Lịch tới thăm Bùi Bật Trực, mọi người nhờ Lịch bói một quẻ. Bùi Dương Lịch gieo được quẻ Phong, hào tứ: “Nhật trung kiến đẩu, ngộ kỳ di chủ, cát 日中見斗, 遇其夷主, 吉”. Bùi Dương Lịch đoán:
Mặt trời là chủ, tức là Cán, sao Đẩu là bề tôi, là Tông, sao Đẩu hiện trông mặt trời, bề tôi thắng chúa thì thế nào cũng được. Chỉ còn chưa hiểu “di” là thế nào
Quân lính lại nhờ bói về Hoàng Đình Bảo. Bùi Dương Lịch bói được quẻ Cấu, hào sơ: “Hệ vu kim nê, trinh cát, [lợi] hữu du vãng kiến hung, luy thỉ phu trịch trục 繫于金柅, 貞吉.有攸往見凶.羸豕孚蹢躅”. “Luy thỉ phu trịch trục” được giải là “lợn cái yếu đuối không đi được lâu”. Bùi Dương Lịch cho rằng:
Yếu đuối không đi được lâu thì không đáng lo
Đêm hôm ấy, vợ Nguyễn Trọng Viêm (chứ không phải cháu Viêm như lời Ngô Thì Chí) vào cung trình bày với Thái phi Nguyễn thị. Thái phi sợ, giữ vợ Nguyễn Trọng Viêm lại, không trả lời. Chi tiết này trái hẳn với lời Ngô Thì Chí nói Thái phi can dự rất sâu. Việc nổi dậy bèn thôi. Nhưng sáng hôm sau Nguyễn Bằng vẫn hành động. Chuyện đó sẽ nói sau.
Một nguồn thứ ba là Lê quý dật sử của tác giả khuyết danh (có người cho rằng tác giả cũng là Bùi Dương Lịch, vì văn tự trong sách có nhiều đoạn giống Nghệ An ký; nhưng có lẽ tác giả sách này chỉ dùng Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch như một nguồn tham khảo mà thôi). Sách này nói quân lính bên trong theo ý của Quốc mẫu (tức Thái phi), bên ngoài dựa vào Phan quận công (tức Nguyễn Phan (1711-1784) danh tướng nhà Lê Trịnh). Họ còn nhờ tiến triều Nguyễn Nhưng (người Vạn Lộc, huyện Đông Sơn) soạn hịch chữ Nôm để kêu gọi quân lính nổi dậy. Bài hịch được truyền ra, quân sĩ đều đồng lòng.
Ngày 23 tháng 10, quân sĩ theo lời hẹn đem nhau vây kín bốn mặt phủ chúa. Thư lại đội Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng xin lên gác đánh trống làm hiệu; Biện lại là Trù tuốt gươm canh giữ cửa thang lên lầu. Họ hẹn giờ Dần [từ 3 đến 5 giờ sáng] ngày 25 sẽ hành động.
Kiêu binh nổi dậy lật đổ chúa Trịnh Cán
Vẫn theo lời Lê quý dật sử, ngày 24 tháng 10, lính Thượng Doanh, Trung Khuông, Trung Dũng dưới quyền Hoàng Đình Bảo đã đến doanh của Bảo mật báo trước về cuộc nổi dậy của binh lính. Hoàng Đình Bảo nổi giận, sai kiệu mình vào phủ chúa, túc trực đợi xem sự biến. Đầu canh năm [từ 3-5 giờ sáng], Nguyễn Bằng đúng hẹn lên lầu đánh trống. Hoàng Đình Bảo sai bắt Bằng đem chém. Nhưng nội thần Châu quận công Lê Đình Châu khuyên nên giữ lại điều tra, để bắt hết đồng đảng. Hoàng Đình Bảo nghe theo.
Lính Tam phủ ở ngoài lầu gác, nghe tiếng trống ở trên lầu, rồi lại nghe tin Nguyễn Bằng bị bắt. Họ đánh trống, hò reo ầm ĩ, định phá cửa xông vào phủ Chúa. Hoàng Đình Bảo trách quận Châu không giữ được kỷ luật quân sĩ. Lê Đình Châu lại lấy cớ già để thoái thác trách nhiệm. Đình Bảo bèn leo lên voi, đi tuần để răn đe quân sĩ. Quân sĩ ở sau phủ chúa đã tuốt kiếm ra. Hoàng Đình Bảo không biết mình đã bị vây. Quân lính lấy gạch ngói ném Hoàng Đình Bảo làm ông này bị thương, gục trên mình voi. Quân sĩ lại lấy kiếm dài đâm Hoàng Đình Bảo, rồi dùng câu liêm lôi Hoàng Đình Bảo xuống, băm ra từng khúc. Quân sĩ còn tranh nhau ăn gan của Hoàng Đình Bảo. Lúc này, quân lính trong phủ đã rước Trịnh Tông lên chính phủ, làm lễ nối ngôi chúa.
Ngô Thì Chí cũng kể một câu chuyện tương tự, nhưng với vài chi tiết hơi khác. Bằng Vũ lên lầu đánh trống, bị bắt giam lại. Quân sĩ tràn vào phủ. Hoàng Đình Bảo trách cứ quận Châu. Quận Châu bị quân lính đe dọa, nên mở cửa phủ cho họ tràn vào. Đình Bảo cưỡi voi ra quát mắng. Quân lính ban đầu sợ, nhưng sau đó họ tràn lên đánh nhau với voi. Có kẻ dùng gươm chém, có kẻ lấy giáo đâm; lại có kẻ cạy gạch ở phủ đường ném vào chân voi.
Hoàng Đình Bảo giương cung định bắn thì cung đứt dây, toan lấy súng nạp đạn thì mồi lửa đã tắt mất. Quân lính xúm quanh voi, dùng câu liêm lôi người quản tượng của Hoàng Đình Bảo xuống, chém ông này. Hoàng Đình Bảo lấy lao phóng trúng mấy người. Một toán lính khác từ cửa Tuyên Vũ tràn vào chắn sau lưng voi, khiến con voi không nhúc nhích được. Quân lính lại dùng câu liêm lôi Hoàng Đình Bảo xuống, đánh đến chết, rồi ăn gan ông ta. Quân lính lại tràn vào nhà Tả Xuyên – là chỗ giam lỏng Trịnh Tông, dùng cái mâm đựng đồ lễ để khiêng Trịnh Tông ra, tôn lên làm chúa.
Bùi Dương Lịch cũng kể tương tự, nhưng có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, ban đầu chuyện nổi dậy đã bị gác lại. Nhưng sáng hôm đó Nguyễn Bằng đi uống rượu, bị người ta xúc xiểm, nên lại chạy lên phủ đường gióng trống. Quân lính tưởng đã khởi sự, mới vội vàng chạy vào phủ. Thứ hai, Hoàng Đình Bảo bị quân lính tấn công. Con voi ông ta cưỡi sợ hãi, chạy ra sau phủ, bị cái trục ngang ở cửa vướng lại. Bành voi rơi xuống đất. Hoàng Đình Bảo và người quản tượng đều chết. Bùi Dương Lịch cũng kể chuyện quân lính lấy cái mâm thờ lớn, đặt trên cái ghế chéo rồi mời Trịnh Tông ngồi lên, rước đi, lập lên ngôi chúa. Đến quá trưa, tình hình mới yên. Quân lính xông vào cướp phá nhà Hoàng Đình Bảo và nhiều đại thần khác (theo Ngô Thì Chí, đó là các quan theo phe Hoàng Đình Bảo hoặc những người gây ra vụ án năm Canh Tý nhằm vào Trịnh Tông). Các quan đều im lặng không dám làm gì.
Trong hầu hết tiến trình cuộc nổi dậy tôn lập chúa Trịnh Tông, ưu binh Thanh – Nghệ chỉ được mô tả như một tập thể những con người không rõ danh tính. Chúng ta chỉ biết tên của người đã đánh trống làm hiệu và kẻ canh giữ cầu thang cho người đó. Phải nhờ đến tư liệu sắc phong, diện mạo của một vài người trong sự kiện phi thường này mới dần lộ rõ. Họ là ai?
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?