Ngộ rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Nói xong, Ngộ giở cái bị ăn mày của hắn, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tầu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa với bọn họ đến bậc nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo bắn rách như tổ đỉa. Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau mà thưa với chủ nhân:
Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho có lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa lấy làm khoái hoạt lắm.
Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thồi cái vòi ấm rất kỹ lưỡng cất vào bị; thế rồi xách nón, xách gậy, vái lạy chủ nhân và quan khách xong hắn tập tễnh lên đường. Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến.
Nhưng buổi chiều hôm ấy cả nhà đều lấy làm sợ tên ăn mày vì ở lọ trà đánh đồ tung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu.
Mà đó cũng là lý do ông cụ Phùng đi từ huyện trên về huyện này. Ông nói nếu mà Ngộ còn sống, hẳn sẽ là bạn vong niên với ông, ông sẽ mời nó về nhà luôn để sớm tối có chén trà qua lại với nhau. Chỉ tiếc là thằng Ngộ đi sớm quá, người có thể nói chuyện trà với ông còn mấy ai. Ông cụ Phùng lấy trong áo ra một gói chè. Là chè Mạn Hảo. Ông sai người kiếm tạm nhà dân xin ít nước sôi hãm chè. Chè hãm xong, ông uống trước một chén, chén còn lại ông rải xuống cho người đã khuất kia. Nói đoạn ông lầm rầm khấn khứa nhỏ to, sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra, một vùng cỏ áy bóng tà, gió hiu hiu thổi một vài bông lau. Nay đã có duyên gặp gỡ mà âm dương chia cắt, mong người ở dưới hiểu cho tấm lòng của ông cụ đã gần đất xa trời mà vẫn còn phong lưu mê thói uống trà ngâm vịnh Kiều.
Nắng lên đỉnh đầu, ông cụ Phùng sai con trai lên chùa xin miếng nước giếng về nấu trà. Ông cụ chỉ uống nước trà pha từ nước giếng chùa. Lắm lúc ông cụ tự hỏi về cái tiền thân của mình xem là như thế nào mà lại mê trà đến vậy. Có bận định chuyển nhà lên kinh theo con trai ở, mà nghĩ đến ở kinh sai người xuống tận huyện xa để lấy trà thì chẳng bõ công. Nghĩ vậy nên cũng ngót nghét cả kiếp người ông cụ chỉ quẩn quanh ở đây, từ lúc thầy ông còn sống đến lúc ông cũng sắp trở thành người trong thiên cổ.
Thằng con trai cụ về nhà, trong gánh nước có bỏ mấy cành đào bẻ từ cái cây cạnh giếng. Hai thằng con con gánh nước, đi không vững nên để lại trên sàn nhà, nói đúng hơn là con đường từ chùa về nhà, mấy vệt hình sao sẫm màu. Nắng lên gió thổi một chút là biến mất ngay, dường như chẳng còn vết tích của những khách tục khi nãy. Cách đó năm dặm, sư trụ trì đang ngẩn ngơ nhìn theo con đường mà những vị khách kia quẩy gánh đi về, khẽ thở nhẹ, lắc đầu. Sư trụ trì lắc đầu cho một vị khách vẫn còn loay hoay trong cái vòng nghiệp chướng. Nếu chẳng phải vì còn đam mê trà quá, hẳn ông cụ Phùng cũng đã tu thành Phật.
Tối nay ông cụ Phùng đi ngủ. Trời trở gió, tiếng lá cây xạc xào bên ngoài, trăng sáng vằng vặc, thoang thoảng đâu đó mùi trà Mạn Hảo. Thoắt đâu thấy một bóng người, khố rách áo ôm, duy có cái bị ăn mày là con nguyên. Cái bóng người đi vào, gặp trúng lá bùa ông Phùng dán ở ngoài mà không vào được, chỉ có cách đứng đợi bên ngoài cho đến hết đêm. Ông cụ Phùng thấy trong nhà có người lạ mà cũng chẳng giống người cho lắm, trong cơn chuếnh choáng, ông bước ra, mặt đối mặt với bóng đen ăn mày:
– Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đấy?
– Thưa rằng thanh khí xưa nay, mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên? Nhà tôi ở ngay mé trời Tây, 3 năm rầy mồ lạnh mả cô, may sao hôm nay ông lại cố ý đến tìm tôi thì giờ tôi cũng có lòng đến tìm ông. Chỉ tiếc “vâng trình hội chủ xem tường, mà sao trong sổ đoạn trường có tên”.
Nói đoạn rồi bóng người biến đâu mất, ông cụ Phùng cứ ngơ ngẩn như người mất hồn cho đến tận sáng, thằng con trai ông cho người gọi dậy. Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
Mấy năm nay, sư trụ trì không thấy ông Phùng đâu nữa. Bây giờ ông cụ Phùng sa sút lắm rồi. Chẳng là, ông cụ mê trà có tiếng ở vùng. Mà đã mê trà thì cái ấm trà là cái quý nhất. Phương xa có người mang lại ấm quý, cụ xem qua rồi khẳng định chắc nịch: “Đây đúng là ấm Thế Đức rồi”. Thứ nhất Thế Đức gan gà; thứ nhì Lưu Bội; thứ ba Mạnh Thần. Ấm đấy ở nhà thì cụ chẳng thiếu, nhưng mẫu mã càng mới lạ, tuổi ấm càng cao thì cụ lại càng mê mới chết.
Cụ cứ mân mê mãi cái ấm, chỉ dịp có khách quý đến chơi thì cụ mới lôi ấm quý ra dùng. Còn đâu ấm quý thì cụ cứ mua rồi để trưng bày khác. Cụ cứ mua, cụ cứ mua. Mua mãi, mua riết. Tưởng như của cải mà ông cha cụ làm ra đã dùng cho hết cái tuổi trẻ phong lưu thưởng trăng uống trà của cụ, còn gia sản mà cụ làm ra thì cũng để dành cho mấy cái ấm đấy. Cụ bảo để sau này cảnh nhà có sa sút, thì đi bán mấy cái ấm để bán cũng được.
Ai ngờ đâu, trong một lần đun nước hãm trà, con hầu quên canh lửa mà làm cháy hết cả cái nhà. Gia tài của ông cụ đến lúc ấy mới vỡ lẽ ra là chẳng có gì cả mà toàn là ấm trà Tàu. Con trai cụ hết tiền phải lên kinh lập nghiệp, hết lương để trả nên mấy thằng con hầu cũng bỏ ông đi. Thế là giờ đây ông cụ chẳng còn ai ở cạnh. Lời ông cụ nói như thế mà nó lại vận thật. Giờ thì ông cụ ra đường ở.