Lâu đài Trung cổ có tráng lệ như ta nghĩ?

Tác giả Đông Nguyễn
Lâu đài Trung cổ có tráng lệ như ta nghĩ?

Liệu lâu đài Trung cổ luôn luôn lung linh và hoành tráng như phim ảnh đã gieo vào đầu chúng ta? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thêm góc nhìn rằng thực tế chúng trông ra sao.

Phỏng dựng tháp chính (donjon) của lâu đài Saint-Sylvain-d'Anjou, Pháp.

Thời Trung cổ châu Âu bắt đầu từ bao giờ? Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ta tạm lấy một quan điểm phổ biến là thời kỳ này khởi phát từ sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã tới khi Đế quốc Đông La Mã chấm dứt, khoảng thế kỷ 5 kéo dài tới cuối thế kỷ 15.

Nhắc tới lâu đài Trung cổ, người ta sẽ tưởng tượng ngay tới những tòa thành tráng lệ với những bức tường và tháp đá cao vút vững chãi. Thế nhưng, dạng lâu đài đó mới chỉ lác đác xuất hiện ở châu Âu từ thế kỷ 12 trở đi và chỉ thịnh hành ở thế kỷ 15, tức cuối thời Trung cổ. Trước đó, đại đa số các lâu đài đều là dạng Sân và Gò (Motte and Bailey), một dạng thiết kế mộc mạc, có phần thô sơ nhưng cực kỳ hiệu quả.

Các lâu đài này thường được xây dựng ở đồng bằng. Hào nước và Gò hoàn toàn là nhân tạo. Đất đá sau khi đào lên làm hào sẽ được chất vào một chỗ để dựng Gò. Ưu điểm của loại hình thành trì này là có thể xây dựng cực nhanh, chỉ mất vài tháng thay vì hàng chục năm như các thành đá sau này. 

Khi dân Viking Norse và du mục Magyar tràn xuống cướp bóc châu Âu ở thế kỷ 8, hàng loạt thành trì dạng Sân và Gò đã được dựng lên nhanh chóng để làm nơi trú ẩn cho dân cư và của cải ở khắp các địa phương trên lục địa châu Âu. Do trình độ còn thấp, người Norse cũng như Magyar hầu như thúc thủ bó tay trước hào nước và công sự gỗ của các thành này. 

Ngoài ra, đối với những đoàn quân xâm lược, thiết kế lâu đài như vậy cũng rất phù hợp để củng cố các vị trí chiếm đóng một cách nhanh chóng, khi mà thời gian và tài nguyên đều là thứ khan hiếm. Chẳng hạn như khi công tước William xứ Normandy xâm lược nước Anh vào năm 1066. Chỉ trong vài tháng, ông đã cho xây dựng hàng loạt lâu đài dạng Sân và Gò khắp đất nước để kiểm soát đất đai cũng như phòng thủ trước sự đề kháng của người Anh. Những lâu đài nổi tiếng của Anh Quốc như Windsor hay Durham đều được bồi đắp trên nền những lâu đài Sân và Gò thời William.

Chiến binh Norse.

Tình hình hoàn toàn thay đổi từ thế kỷ 12, khi công nghệ quân sự đã trở nên tân tiến hơn. Dù lúc này chưa có hỏa khí, gò đất và tường gỗ vẫn trở thành mục tiêu “dễ xơi” cho các loại máy móc công thành như máy bắn đá (Mangonel, Trebuchet, Onager) hay máy bắn tên (Ballista, Springald). Lúc này, các công sự bằng đá đã ra đời để có thể đương cự với các loại máy móc đó. 

Chính quá trình này đã xúc tác, khiến các lãnh chúa nhỏ dần biến mất và được thay thế bằng những công quốc hùng mạnh hoặc các thể chế tập quyền hơn, từ đó cho phép tập trung nguồn lực để xây dựng các thành trì đắt đỏ.

Tuy vậy, lâu đài dạng Sân và Gò không biến mất mà chúng trở thành nền tảng cho các thành bằng đá sau này. Quá trình biến đổi này diễn ra từ từ, cụ thể các tháp gỗ được thay bằng tháp đá, rồi dần dà tường gỗ cũng được thay thế bằng tường đá cao vút. Những cung điện nguy nga tráng lệ trong khuôn viên lâu đài sau đó cũng được xây dựng thêm làm nơi cư trú cho các vị quý tộc. Điển hình cho hiện tượng “thay da đổi thịt” này là những lâu đài như York ở Anh hay Gisors ở Pháp.

Tuy các tháp và tường được xây dựng bằng đá kiên cố, nhưng nền móng, quy hoạch vẫn dựa trên lâu đài Sân và Gò trước đó.

Tuy chỉ phổ biến trong vài trăm năm, nhưng những lâu đài dạng Sân và Gò đã để lại dấu ấn khó phai, bởi chúng  không chỉ giúp định hình nền kiến trúc mà còn góp phần vào sự hình thành biên giới các nước châu Âu như hiện nay. Trong các số tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu các hình thái kiến trúc thành trì châu Âu khác trong lịch sử như: các thành dạng vòng thời đồ đồng, pháo đài kiểu La Mã, pháo đài dạng sao Vauban thời Cận đại.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Tai Phan
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share