Từ danh xưng mà nói, các loại mũ chế bằng sa đen đều có thể gọi là mũ ô sa. Do đó, trong lịch sử trước sau đã xuất hiện rất nhiều loại mũ khác nhau cùng có tên là mũ ô sa.
Sớm nhất là thời Lưu Tống của Nam Triều, Vương Hưu Nhân 王休仁 đã chế ra một loại mũ ô sa có khăn che (mạo quần 帽裙). Tống thư chép: “Đầu thời Minh đế, Tư đồ Vương Hưu Nhân coi quân ở Giả Kì, chế ra mũ ô sa,… dân gian gọi là “kiểu Tư đồ””.
Thời Tùy Đường, xuất hiện một loại mũ ô sa mà ai cũng đội. Tùy thư chép: “Đầu niên hiệu Khai Hoàng, Cao Tổ thường đội mũ ô sa. Từ người cao quý trong triều trở xuống tới các viên nhũng lại đều đội khi vào chầu”.
Trung Hoa cổ kim chú quyển trung phần Ô Sa mạo chép: “Tháng mười một năm Vũ Đức thứ chín [626], Thái Tông ban chiếu rằng: ‘Từ nay về sau, thiên tử đội mũ ngô ô sa 吾乌纱帽, trăm quan sĩ thứ cũng đội’.
Từ thời Tùy tới thời trung Đường, mũ ô sa có một khoảng thời gian cực kỳ phổ biến. Bạch Cư Dị lấy câu “khởi đái ô sa mạo, hành phi bạch y trang” để mô tả danh sĩ đương thời. Mũ ô sa thường được dùng làm quà tặng, như câu thơ của Lý Bạch: “Nhận được mũ ô sa; cắm đầy lông cò trắng”. Nhưng mũ ô sa nhanh chóng bị khăn Chiết thượng 折上巾 thay thế.
Cựu Đường thư chép: “Mũ ô sa dần dần bị phế bỏ. Sang hèn đều đội khăn Chiết thượng. Quy cách của nó do Chu Vũ đế chế ra trong niên hiệu Kiến Đức”. Từ thời Đường trở về sau, mũ ô sa ít xuất hiện trong chế độ phục trang của quan lại.
Xét về phương diện tạo hình và công nghệ, mũ ô sa thời Minh và phác đầu 幞头 có quan hệ chặt chẽ. Trung Quốc phục sức danh vật khảo của Cao Xuân Minh 高春明, Trung Quốc cổ đại dư phục luận tùng của Tôn Cơ 孙机 khi nói về diễn tiến của phác đầu đều nhắc tới mũ ô sa thời Minh, xem mũ ô sa là biến thể hoàn chỉnh cuối cùng của phác đầu. Phác đầu ra đời vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, do một khối là đen vuông ba thước chế thành. Bốn góc là đen được kéo dài ra như cái đai. Vì vậy phác đầu còn có tên khác là tứ cước 四脚. Hai dải phía trước được vòng ra sau đầu rồi buộc lại. Hai dải phía sau hướng lên phần gập ở đỉnh đầu, thắt lại ở trước trán. Vì thế phác đầu lại có tên là khăn Chiết thượng.