Nguồn gốc mũ Ô Sa và sự ra đời mũ quan Ô Sa thời Minh

Tác giả Wong Trần
Nguồn gốc mũ Ô Sa và sự ra đời mũ quan Ô Sa thời Minh

Lịch sử áo mũ Đại Việt tiếp thu từ truyền thống Trung Quốc rồi biến đổi cho phù hợp với điều kiện bản địa. Có những loại hình áo mũ về cơ bản giống nhau, nhưng lại mang những tên gọi khác nhau. Có những trường hợp tên gọi là một, nhưng lại chỉ những loại hình mũ áo khác nhau. Dưới đây xin giới thiệu bài viết của tác giả Lý Thiến Thiến (Trung Quốc) về quan hệ giữa ba loại mũ: Phác Đầu, Ô Sa và Dực Thiện.

Mũ ô sa là dạng mũ tiêu biểu của quan viên thời Minh. Duyệt thế biên 阅世编 của Diệp Mộng Châu 叶梦珠 đầu thời Thanh chép: “Công phục của quan chức tiền triều là mũ ô sa, áo bào viên lĩnh, đeo đai, giày đen. Mũ sa phía trước thấp, phía sau cao, hai bên đều có gắn một cánh mũ, dáng mũ tròn. Bên trong quấn cương cân để giữ chặt tóc. Không kể sang hèn, công tư đều mặc”. Nhưng loại mũ này không phải do người nhà Minh tự dưng chế tạo ra, mà là do Minh Thái Tổ “khôi phục truyền thống áo mũ Trung Hoa”.

Nguồn gốc và sự phát triển của mũ Ô Sa

Hiện vật mũ Ô Sa ở Bảo tàng Thượng Hải

Từ danh xưng mà nói, các loại mũ chế bằng sa đen đều có thể gọi là mũ ô sa. Do đó, trong lịch sử trước sau đã xuất hiện rất nhiều loại mũ khác nhau cùng có tên là mũ ô sa. 

Sớm nhất là thời Lưu Tống của Nam Triều, Vương Hưu Nhân 王休仁 đã chế ra một loại mũ ô sa có khăn che (mạo quần 帽裙). Tống thư chép: “Đầu thời Minh đế, Tư đồ Vương Hưu Nhân coi quân ở Giả Kì, chế ra mũ ô sa,… dân gian gọi là “kiểu Tư đồ””. 

Thời Tùy Đường, xuất hiện một loại mũ ô sa mà ai cũng đội. Tùy thư chép: “Đầu niên hiệu Khai Hoàng, Cao Tổ thường đội mũ ô sa. Từ người cao quý trong triều trở xuống tới các viên nhũng lại đều đội khi vào chầu”. 

Trung Hoa cổ kim chú quyển trung phần Ô Sa mạo chép: “Tháng mười một năm Vũ Đức thứ chín [626], Thái Tông ban chiếu rằng: ‘Từ nay về sau, thiên tử đội mũ ngô ô sa 吾乌纱帽, trăm quan sĩ thứ cũng đội’. 

Từ thời Tùy tới thời trung Đường, mũ ô sa có một khoảng thời gian cực kỳ phổ biến. Bạch Cư Dị lấy câu “khởi đái ô sa mạo, hành phi bạch y trang” để mô tả danh sĩ đương thời. Mũ ô sa thường được dùng làm quà tặng, như câu thơ của Lý Bạch: “Nhận được mũ ô sa; cắm đầy lông cò trắng”. Nhưng mũ ô sa nhanh chóng bị khăn Chiết thượng 折上巾 thay thế. 

Cựu Đường thư chép: “Mũ ô sa dần dần bị phế bỏ. Sang hèn đều đội khăn Chiết thượng. Quy cách của nó do Chu Vũ đế chế ra trong niên hiệu Kiến Đức”. Từ thời Đường trở về sau, mũ ô sa ít xuất hiện trong chế độ phục trang của quan lại.

Xét về phương diện tạo hình và công nghệ, mũ ô sa thời Minh và phác đầu 幞头 có quan hệ chặt chẽ. Trung Quốc phục sức danh vật khảo của Cao Xuân Minh 高春明, Trung Quốc cổ đại dư phục luận tùng của Tôn Cơ 孙机 khi nói về diễn tiến của phác đầu đều nhắc tới mũ ô sa thời Minh, xem mũ ô sa là biến thể hoàn chỉnh cuối cùng của phác đầu. Phác đầu ra đời vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, do một khối là đen vuông ba thước chế thành. Bốn góc là đen được kéo dài ra như cái đai. Vì vậy phác đầu còn có tên khác là tứ cước 四脚. Hai dải phía trước được vòng ra sau đầu rồi buộc lại. Hai dải phía sau hướng lên phần gập ở đỉnh đầu, thắt lại ở trước trán. Vì thế phác đầu lại có tên là khăn Chiết thượng

Hình dạng khăn Tứ Cước và cách quấn Phác Đầu

Phác đầu lưu hành rộng rãi vào thời Tùy Đường khiến nó từ “khăn” chuyển biến thành “”. 

Thoạt tiên, để cho phác đầu định hình cứng cáp và dễ thắt hơn, ở dưới phác đầu có thêm một lớp lót phía trên tóc gọi là Cân tử 巾子 (còn có tên là Sơn tử 山子). Trung Hoa cổ kim chú chép: “Năm Đại Nghiệp thứ mười nhà Tùy, lễ quan dâng sớ nói trùm đầu nên trùm cân tử, làm bằng gỗ vông, trong ngoài đều sơn đen. Là thường phục của quan lại lúc ở ngoài cung và của thứ dân”. 

Để càng tiện quấn hơn nữa, từ thời trung Đường, phác đầu bắt đầu chuyển từ khăn mềm sang khăn cứng rồi chế thành mũ, bỏ bớt đi động tác quấn đầu hàng ngày, lại càng tiện lợi. Sự vật kỷ nguyên chép: “Mục Tông thích đánh cầu, nên thường bất ngờ triệu gọi. Các quan cung phụng vì đi hầu gấp, mới bắt đầu làm ra khăn cứng, quấn trên gỗ, để phòng khi bị triệu gấp”.

Vân Lộc mạn sao cũng chép: “Cuối thời Đường rối loạn, từ niên hiệu Càn Phù về sau, cung nga và hoạn quan đều dùng mộc vi đầu 木围头, lấy giấy hoặc vải làm lớp lót, lấy đồng sắt làm khung, quấn khăn trên đó rồi lấy đội, lúc gấp gáp làm cách đó rất tiện, không rảnh soi gương quấn khăn như lúc bình thường. Hi Tông thích, bèn chế ra để ngự dụng”. 

Không chỉ bộ phận chính của phác đầu dần dần định hình, mà hai dải cước buông thõng phía sau cũng bắt đầu được lót các loại tơ làm từ những chất liệu cứng như đồng, sắt, tre. Đến thời Ngũ đại, tạo hình của hai dải cước bắt đầu có nhiều biến thể. Mộng Khê bút đàm của Thẩm Quát đã dựa vào hình dáng dải cước của phác đầu để phân chúng thành nhiều loại: “Phác đầu của triều ta có năm loại là: trực cước, cục cước, giao cước, triều thiên, thuận phong. Chỉ có trực cước là sang hèn đều dùng”. 

Tống sử chép: “Chế độ của quốc triều, vua tôi đều dùng bình cước. Hoàng đế có khi đội chiết thượng. Lúc đầu dùng mây dệt thành cân tử để làm lớp trong, dùng sa bọc ngoài, rồi quét sơn. Về sau chỉ dùng sơn để làm cứng, bỏ lớp mây bên trong”. 

Các loại hình dải cước phía sau Phác đầu

Người Tống gọi loại phác đầu cứng, đỉnh vuông, trực cước, làm bằng sa và sơn đó là “mũ phác đầu 幞头帽子”. Đến thời Minh đó là trang phục cung đình. Tạo hình mũ ô sa mà người thời Minh thường đội có cánh mũ viên cước. Đối với khởi nguồn của mũ ô sa thời Minh, dựa vào quá trình tiến hóa của phác đầu từ Ngụy Tấn Nam Bắc triều tới thời Tống, nhặt ra những liên hệ tương quan giữa mũ ô sa và phác đầu (bảng biểu 1), từ đó có thể đoán định mũ ô sa là một biến thể của phác đầu.

So sánh Phác Đầu thời Đường và Ô Sa thời Minh

Sự xác lập mũ quan Ô Sa thời Minh và quan hệ của nó với mão Dực Thiện

Mũ Ô Sa mà quan viên thời Minh đội và mão Dực Thiện của hoàng thất đội (tức Ô Sa Chiết Thượng cân 乌纱折上巾) không chỉ chất liệu tương đồng, mà trường hợp sử dụng cũng tườn đồng. Cũng giống như mũ ô sa. Cụm từ “mão Dực Thiện 翼善冠” không phải do thời Minh sáng tạo ra. Danh nghĩa khảo của Chu Kì 周祈 viết: “Mão Dực Thiện nhà Đường là do Thái Tông nhặt từ chế độ thời cổ mà đội. Thứ mà nhà vua hiện nay hay đội cũng gọi là mão Dực Thiện, có khi là do nhà Đường chế vậy”. 

Mão Dực Thiện thời Đường lại có tên là mão Xung Thiên 冲天冠, là mão mà hoàng đế thường đội. Nhà Minh dựa trên cơ sở nhà Đường tiến hành sửa đổi. Sự vật cam châu của Hoàng Nhất Chính 黄一正 chép: “Mão Xung Thiên do nhà Đường chế ra mão Giao Thiên 交天冠, bẻ cho dải cước chéo nhau hướng lên trên. Quốc triều đổi thành dải cước không chéo nhau, hướng ra phía trước. Dải mão ấy phỏng theo hình chữ Thiện 善, gọi là Dực Thiện”.

Hiện vật mão Dực Thiện bằng sa đen thời Minh

Về mặt tạo hình mão Dực Thiện và mũ Ô sa, ngoại trừ phương hướng của cánh mũ không giống nhau, còn những cái khác cơ bản là giống hệt. Mũ ô sa là trang phục của quan viên; mão Dực Thiện là thường phục của hoàng thất. Minh sử chép: “Thường phục của hoàng đế được quy định vào năm Hồng Vũ thứ ba, là Ô Sa Chiết Giác Hướng Thượng cân 乌纱折角向上巾 … Năm Vĩnh Lạc thứ ba quy định lại, mão bằng ô sa, bẻ góc hướng lên trên. Về sau đặt tên là mão Dực Thiện”. 

Lại chép: 

Thường phục của hoàng thái tử. Hồng Vũ năm đầu quy định là Ô Sa Chiết Thượng cân 乌纱折上巾. Năm Vĩnh Lạc thứ ba quy định đội Ô Sa Chiết Giác Hướng Thượng cân 乌纱折角向上巾”. 

Mão Dực Thiện và mũ Ô Sa đều là một trong nhiều biến thể của phác đầu. Mũ ô sa có cánh mũ nằm ngang vươn ra hai bên, nên có không gian biến hóa lớn. Vì thế mà có dạng cánh rộng cánh hẹp. Còn cánh mũ phía sau của mão Dực Thiện chỉ có một loại nhỏ và dài.

Vân Lộc mạn sao chép: “Đế vương thời Ngũ đại phần lớn đội Triều Thiên Phác đầu 朝天幞头, hai dải cước hướng lên trời”. 

Còn quan viên các thời đại phần lớn đội triển cước phác đầu 展脚幞头. Tham khảo quy luật duy trì trật tự đẳng cấp trong lịch sử thì biết, triều đình nhà Minh quy định văn võ quan viên đội mũ ô sa có cánh mũ nằm ngang; hoàng đế, hoàng thái tử, thân vương đội mão Dực Thiện có cánh mũ hướng lên. Không chỉ như thế mà một loại được gọi là “”, còn một loại được gọi là “mão”, còn về chất liệu, tạo hình và kỹ thuật chế tác hoàn toàn nhất trí. Về mặt danh xưng chúng còn bị định nghĩa thành hai loại trang phục đội đầu khác nhau, trở thành dấu hiệu phục sức của các giai tầng khác nhau.

Kỳ sau: Lịch sử biến đổi tạo hình mũ ô sa thời Minh.

Chia sẻ câu chuyện này
Share