Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 3: Khi Tam quốc chỉ nhìn từ một phía

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 3: Khi Tam quốc chỉ nhìn từ một phía

Nếu nhìn nhận thật kỹ, thời Tam Quốc không phải là thời kỳ duy nhất mà vận trời biến chuyển khôn lường. Lấy giai đoạn giao thời Tần – Hán làm ví dụ. 

Tần thống nhất thiên hạ, tưởng rằng sẽ truyền cho vạn vạn thế, cuối cùng chỉ hai đời là sụp đổ. Trần Thắng nổi lên, khí thế bốc trời, cuối cùng lại thua trong tay Chương Hàm. Chương Hàm vây bức nước Triệu, như Thái Sơn đè lên quả trứng, cuối cùng lại thua trong tay Hạng Vũ. Hạng Vũ chiến thắng, nhưng Lưu Bang lại vào Hàm Dương trước. Lưu Bang vào Hàm Dương trước, nhưng lại bị chế ngự trong tay Hạng Vũ. Hạng Vũ làm bá chư hầu, nhưng lại bị Lưu Bang tập kích chiếm giữ căn cứ địa Bành Thành. Đại quân Lưu Bang đóng giữ Bành Thành lại bị hai vạn quân Hạng Vũ đánh thua, phải chạy về phía Tây. Quân Sở truy đuổi về Tây, lại bị quân Hán đánh bại ở giữa miền Kinh, Sách. 

Cục diện xoay chuyển vùn vụt như thế, nếu so với những biến chuyển cuối Đông Hán đầu Tam Quốc e rằng còn khó lường hơn. Nhưng Hán Sở tranh hùng so với Tam quốc diễn nghĩa rõ ràng lại lép vế hơn. Vì sao vậy? Vì ta không thấy được tình trạng nhân tài trùng điệp xuất hiện cầm giữ nhau.

Kẻ thắng làm vua

Thời kỳ Hán – Sở được phản ánh trong tác phẩm Sử ký của Tư Mã Thiên. Sử ký là một tuyệt tác sử học của Trung Quốc cổ đại. Bút pháp kể chuyện của Tư Mã Thiên cũng hết sức kỳ diệu. Hạng Vũ anh hùng cái thế. Lưu Bang lưu manh thô lỗ. Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín, Tiêu Hà đều có tính cách điển hình, được mô tả hết sức sống động. Vấn đề nằm ở chỗ nhân tài thì có, nhưng không có sự cân bằng, nói gì đến việc “cầm giữ” nhau.

Nhân vật Hạng Vũ trong buổi diễn Nogaku (Năng nhạc) Nhật Bản. Tranh của Tsukioka Kogyo (1869-1927)

Sử ký chép rất kỹ càng các nhân vật của nhà Hán. Nhưng đối với phe Sở, ngoài Hạng Vũ ra, người được lập truyện chỉ có vài người như Anh Bố, Quý Bố. Đó chẳng qua là vì họ sau này có quy thuận nhà Hán. Anh Bố còn có chút thành tích được ghi chép lại, nhưng chẳng qua cũng chỉ là kiểu lý lịch mà người đời hay ghi vào hồ sơ xin việc. Quý Bố thê thảm hơn, chỉ được có mấy chữ “Hạng Tịch sai làm tướng coi quân, mấy lần làm khốn quẫn Hán vương”. 

Sau khi thống nhất thiên hạ, Lưu Bang treo thưởng ngàn vàng để bắt Quý Bố, ai dám chứa chấp sẽ tội lây ba họ. Điều đó cho thấy thành tích của Quý Bố bên phe Sở hẳn không tầm thường. Nhưng muốn làm rõ thì cũng đành chịu. Sở đã diệt vong, Hán đang nắm quyền, kể lể những thành tích lúc còn ở Sở chẳng có lợi gì, ngược lại có thể còn mang họa. Sử gia của bên thắng thế khi viết về kẻ địch nếu không bôi nhọ, xuyên tạc đã là may mắn lắm rồi; còn mong gì họ nhặt nhạnh cái tốt của kẻ thù ra để tán dương. Đối với võ tướng hành động ồn ào ngoài chiến trận, ai ai cũng thấy, cũng biết mà còn như thế, thì nói gì đến hạng mưu thần trong màn trướng như Phạm Tăng.

Tranh tường vẽ cảnh Hồng Môn yến trong mộ cổ thời Hán. Bên dưới, từ trái sang: Hạng Trang, Phạm Tăng, Trương Lương, Hạng Bá

Sự chênh lệch sử liệu như thế cho ta cảm giác rằng bên Hán nhân tài như mây, còn phía Sở toàn hạng tầm thường. Nếu không có Hạng Vũ anh hùng khiến người đời yêu thích, thì toàn nước Sở chỉ là một đám thất phu hữu dũng vô mưu không đáng kể đến. Tất nhiên, đó là chủ đích của kẻ viết sử. Phải có sự chênh lệch như vậy mới rút ra được kết luận là mệnh trời đã quy về với Hán, nhân tài trong thiên hạ toàn bộ đều theo họ Lưu, từ đó kêu gọi người thiên hạ đừng chống đối mà hãy hết lòng phụng sự họ Lưu. 

Tuy nhiên, về mặt tự sự mà nói, đúng như Mao Tôn Cương nhận xét: “Xem người tài địch với người vô tài thì không lạ. Xem tài chọi với tài mới lạ”. 

Nói theo ngôn ngữ biên kịch hiện đại, nhân vật phải vượt qua lực cản để đạt tới thành công. Lực cản càng lớn, thành công càng rực rỡ, câu chuyện càng hấp dẫn. Nhân vật xứng tầm cần có một đối thủ xứng tầm. Một đám nhân tài đánh bại một lũ ngu thì có gì đáng xem? Nếu không có Hạng Vũ vớt lại, câu chuyện Hán – Sở chắc cũng không có được vị thế hiện tại, còn nói gì đến tranh hơn thua cùng Tam Quốc! Đến đây chúng ta lại phải nói: “Ồ, lại là thiên kiến kẻ sống sót. Những khuyết điểm Hán Sở có há Tam Quốc lại không!”. Trên thực tế, thời Tam Quốc suýt nữa cũng đi vào vết xe đổ của Hán Sở.

Khi sử gia Tam quốc bôi nhọ kẻ địch

Có một sự kiện thời Tam Quốc thường được người đời tranh cãi. Hầu như năm nào cũng có người đặt ra vấn đề này. Mỗi lần như vậy, sẽ chia ra hai phe tranh biện với nhau. Kết quả cuối cùng chẳng đi tới đâu. Đó là câu chuyện kỳ mưu ở Tý Ngọ cốc.

Đối với Thục Hán mà nói, lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng chính là cơ hội tốt nhất. Nước Ngụy không có phòng bị, vì họ chỉ biết “trong Thục có Lưu Bị”, nhưng Lưu Bị đã chết rồi. Để chuẩn bị cho lần Bắc phạt này, Thừa tướng Gia Cát Lượng đem đại quân đóng ở Hán Trung. Tướng quân Ngụy Diên bèn đề xuất chia quân cho mình, đi theo đường Tý Ngọ để đánh thẳng vào Trường An; còn đại quân Thục Hán sẽ theo đường Tà Cốc kéo ra tiếp ứng. 

Dự đoán của Ngụy Diên hết sức lạc quan: Tướng Ngụy giữ Trường An là Hạ Hầu Mậu gặp Ngụy Diên đến sẽ không giao chiến, không cố thủ, mà vứt thành bỏ chạy. Ngụy Diên sẽ dễ dàng chiếm được thành trì và lương thực của địch. Kẻ địch sẽ phản ứng hết sức chậm chạp, còn đại quân Thục Hán sẽ hành quân thần tốc tới hội họp với Ngụy Diên. Nói tóm lại, “một lần cử sự là Hàm Dương về Tây có thể định được”. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng lại cho rằng đó là kế hoạch nguy hiểm. Ông chủ trương đi theo đường bằng để chiếm giữ Lũng Hữu. Làm như vậy thì “thập toàn tất thắng mà chẳng phải lo gì”.

Ngụy Diên trình bày "kỳ mưu Tý Ngọ cốc" bản in "Tân khiết Kinh bản hiệu chính Thông tục diễn nghĩa án Giám Tam quốc chí truyện" năm 1605

Kết quả chiến dịch thì ai cũng biết: Mã Tắc kiêu ngạo mất Nhai Đình. Chiến dịch Bắc phạt thất bại. Từ đó về sau, quân Ngụy đề cao cảnh giác. Sự nghiệp Bắc phạt của Gia Cát Lượng gần như công cốc. Mỗi khi nghĩ đến sự tiếc nuối ấy, người ta lại nhớ đến kỳ mưu Tý Ngọ cốc. Nếu Gia Cát Lượng nghe theo kế của Ngụy Diên thì chẳng đã tốt hơn sao?

Trên thực tế, chúng ta không biết kế sách ấy có thể thành công hay không. Ngay như cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương khi bình Tam quốc diễn nghĩa cũng đã có ý kiến trái nhau trong vấn đề này.

Không có bằng chứng nào đảm bảo kế sách của Ngụy Diên sẽ thành công, cũng không có bằng chứng nào đảm bảo nó sẽ thất bại. Quân Ngụy có phòng bị đường Tý Ngọ hay không, cũng không có tư liệu nào nói đến. Vì thế có tranh luận thế nào rồi cũng sẽ đi vào bế tắc. Nhưng có điều chúng ta không để ý: Kỳ mưu Tý Ngọ cốc không phải là sử liệu do Thục Hán ghi chép. Nó là tài liệu của nước địch. Người viết những dòng chữ đó là sử gia Ngư Hoạn của nước Ngụy.

Trang đầu và trang cuối bộ "Ngụy lược tập bản" của Trương Bằng Nhất. Bộ sử của Ngư Hoạn nay đã thất truyền, chỉ còn lại các đoạn trích trong các sách khác và được các sử gia đời sau tổng hợp lại.

Ngư Hoạn là người quận Kinh Triệu, làm Lang trung thời Ngụy Minh đế. Bấy giờ nước Ngụy đang thúc đẩy việc soạn sử. Ngư Hoạn cũng tự viết một bộ sử riêng có đủ các phần Đế kỷ, chí, truyện, gồm 50 quyển, đặt tên là Ngụy lược. Kỳ mưu Tý Ngọ cốc là do Bùi Tùng Chi trích dẫn Ngụy lược, để chú thích cho Ngụy Diên truyện trong Tam quốc chí của Trần Thọ. Trên thực tế, Tam quốc chí của Trần Thọ không nói gì về kỳ mưu Tý Ngọ cốc.

Sử gia Trương Bằng Nhất (1867 – 1943) từng nhận xét rằng Ngư Hoạn chép truyện về Hoàn Phạm, Lý Thắng là kẻ thù của Tư Mã Ý, nhưng “đều là trực bút, không vì họ Tư Mã mà né tránh”. Tuy nhiên, khi xem xét ghi chép của Ngư Hoạn về kẻ địch của nước Ngụy thì tình hình khác hẳn. 

Nhà nghiên cứu Vương Văn Tiến khảo sát quan điểm viết sử của Ngư Hoạn, đã kết luận rằng một trong những tư tưởng của Ngụy lược chính là “hủy báng hình tượng Khổng Minh, nhằm đề cao uy thế nước Ngụy”. Cụ thể, Vương Văn Tiến chỉ ra bốn biểu hiện: Một là, hủy diệt thần thoại quân thần “Tam cố mao lư”, để thay bằng chuyện Khổng Minh tự tiến cử mình với Lưu Bị; hai là, phô trương “kỳ mưu Tý Ngọ đạo” của Ngụy Diên, để cho thấy Khổng Minh kém về chiến lược; ba là, mô tả tướng Ngụy kiêu dũng thiện chiến, để đối sánh với Khổng Minh thất bại về chiến lược; bốn là, chép việc Mạnh Đạt chần chừ trong việc khởi binh, để cho thấy Khổng Minh không sáng suốt trong cách nhìn người.

Tam cố mao lư. Tranh của Tsukioka Yoshitoshi vẽ năm 1895

Cứ cho rằng Ngư Hoạn không chủ tâm bài xích Gia Cát Lượng, chúng ta phải thừa nhận rằng Ngư Hoạn ở Ngụy, nên chỉ có thể tiếp xúc với những tài liệu thù địch và bôi nhọ Gia Cát Lượng. Cho dù Ngư Hoạn có muốn chép sự thật về Gia Cát Lượng thì cũng lực bất tòng tâm. Thông qua những đoạn văn bản Ngụy lược còn sót lại, chúng ta sẽ thấy nó chứa rất nhiều thông tin sai lệch (chẳng hạn như lý lịch của Hậu chủ Lưu Thiện).

Gia Cát Lượng không phải là nhân vật duy nhất bị bôi nhọ như vậy. Sử thần nước Ngụy là Vương Thẩm trong sách Ngụy thư cũng ra sức bôi nhọ Lưu Bị. Vương Thẩm từng chép rằng Lưu Bị ở Từ Châu “tự dẫn mấy chục quân kỵ ra nhìn quân của Tào Công, trông thấy cờ chỉ huy, liền vứt quân mà chạy”. Tư Mã Quang mặc dù không ủng hộ Lưu Bị, nhưng cũng phải phê rằng: “Tính ra Lưu Bị không đến nỗi như vậy. Ngụy thư đa phần nói xằng”.

Lưu Bị chạy trốn Tào Tháo trong trận Từ Châu. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo.

Người Ngụy nói xấu bên địch được thì bên địch đương nhiên cũng có thể nói xấu người Ngụy. Tào Man truyện do người nước Ngô biên soạn, cũng mô tả Tào Tháo rất không ra gì. Trong đó có vài ghi chép đã được chứng minh là bịa đặt. Khi bàn về Tào Tháo, chúng ta sẽ nói đến. 

Nhìn một cách tổng quan thì thấy, bất kể là sử nước Ngụy hay sử nước Ngô, họ đều tìm cách nói xấu bên địch và đề cao bên mình. Rốt cuộc lại cũng không tránh khỏi tình trạng “người tài địch với người vô tài”. Vậy tại sao cuối cùng câu chuyện về thời Tam Quốc lại không đi vào vết xe đổ của Hán – Sở?

Kỳ sau: Thiên hạ chia ba, sử sách chia ba.

Chia sẻ câu chuyện này
Share