Nhàn thoại Tam quốc – kỳ 04: Thiên hạ chia ba, sử sách chia ba

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – kỳ 04: Thiên hạ chia ba, sử sách chia ba

Nếu như thời kỳ Tam Quốc chỉ được ghi chép lại bởi một sử gia duy nhất, e rằng nó cũng không thoát khỏi lối phản ánh phiến diện như thời kỳ Hán – Sở. Điểm khác biệt nằm ở chỗ, trong khoảng thời gian 60 năm chia cắt ngắn ngủi, các triều đại Ngụy, Ngô đều đã xúc tiến biên soạn lịch sử về triều đại mình. Thêm vào đó, học giả của ba nước cũng tự mình viết sử về triều đại của nước họ. Tình trạng này đã tạo nên cục diện thiên hạ chia ba, mà sử sách cũng chia ba.

Nước Ngụy soạn sử bắt đầu ngay từ thời Ngụy Văn đế Tào Phi. Sử gia Lưu Tri Kỷ thời Đường đã chép về việc biên soạn đó như sau:

Trong khoảng niên hiệu Hoàng Sơ, Thái Hòa, mới bắt đầu sai Thượng thư Vệ Ký, Mâu Tập soạn thảo kỷ, truyện, nhiều năm mà chưa xong. Lại sai Thị trung Vi Đản, Ứng Cừ, Bí thư giám Vương Thẩm, Đại tướng quân Tòng sự Trung lang Nguyễn Tịch, Tư đồ Hữu trưởng sử Tôn Cai, Tư lệ Hiệu úy Phó Huyền tiếp tục cùng nhau soạn định. Sau này Vương Thẩm một mình hoàn thành sự nghiệp ấy, gom thành 44 quyển Ngụy thư.

(Lưu Tri Kỷ - Sử thông)

Chính vì Vương Thẩm là người cuối cùng hoàn thành bộ sách, nên ông ta cũng nghiễm nhiên đứng tên là tác giả sách – dù đây là công trình tập thể.

Mặc dù cả Tam quốc chí chú lẫn Tấn thư đều chép tên ông là Vương Thẩm 王沈, nhưng bia Vương Tuấn thê Hoa Phương mộ chí minh lập năm 307 lại chép tên ông là Vương Vấn 王汶. Vương Tuấn là con trai Vương Thẩm. Hoa Phương là con dâu Vương Thẩm. Hai người này chắc chắn phải biết cha mình tên gì. Vì vậy có lẽ phải gọi Vương Thẩm là Vương Vấn mới đúng (hai chữ Thẩm, Vấn có dạng chữ Hán gần giống nhau). 

Bản dập mộ chí của Phương Hoa (con dâu Vương Thẩm)

Tấn thư khen Vương Thẩm “thích sách, giỏi làm văn”. Đại tướng quân Tào Sảng gọi Vương Thẩm ra làm quan Duyện cho mình, rồi chuyển làm Trung thư môn hạ Thị lang. Sau khi Tào Sảng bị Tư Mã Ý tiêu diệt, Vương Thẩm là cố lại của Tào Sảng, nên bị miễn chức quan. Cái gọi là cố lại tức là trỏ người từng làm thuộc lại cho một quan viên nào đó. Thời Hán tuyển người làm quan thường thông qua việc tiến cử, hoặc vì biết đến danh tiếng một ai đó mà tiến hành triệu gọi họ đến làm việc dưới quyền mình. Người được triệu gọi giống như nhận ơn tri ngộ, mà cố lại đôi khi không khác gì gia thần

Nói tóm lại, Vương Thẩm vì bị liệt vào hàng bè đảng của Tào Sảng, nên bị bãi chức. Nhưng ít lâu sau, ông ta lại được khởi phục làm Trị thư Thị ngự sử, rồi chuyển làm Bí thư giám. Từ chi tiết này cho thấy Vương Thẩm nối tiếp công việc biên soạn Ngụy thư là trong thời kỳ của Ngụy chủ Tào Phương, sau vụ biến Cao Bình lăng của nhà Tư Mã.

Cũng theo Tấn thư, vào niên hiệu Chính Nguyên của Ngụy chủ Tào Mao, Vương Thẩm “dời làm Tán kỵ Thường thị, Thị trung, Điển trứ tác, cùng Tuân Nghĩ, Nguyễn Tịch cùng soạn Ngụy thư”. Tuân Nghĩ là con trai thứ sáu của Tuân Úc, nhưng lại là phe của nhà Tư Mã. Công việc biên soạn bộ sử nước Ngụy trải qua chí ít là bốn đời hoàng đế mới làm xong.

Có lẽ vì Vương Thẩm là cố lại của Tào Sảng nên Ngụy chủ Tào Mao có ý muốn cậy dựa. Tào Mao dùng Vương Thẩm và Bùi Tú là giảng quan cho mình, gọi Vương Thẩm là Văn Tịch tiên sinh (tiên sinh sách vở). Lúc Tào Mao muốn khởi binh đánh Tư Mã Chiêu, đã đem việc này báo với Vương Thẩm và hai người nữa. Kết quả, Vương Thẩm bèn chạy đi báo cho Tư Mã Chiêu. Tư Mã Chiêu liền tổ chức phòng bị. Tào Mao bị giết trong lúc chiến đấu với quân lính của phe Tư Mã. Vương Thẩm vì thế lại được phong hầu. Tấn thư nói rằng: “Thẩm đã bất trung với chủ, hết sức bị dư luận đương thời chỉ trích”. Sử gia thời Đường là Lưu Tri Kỷ nhận xét rằng bộ sử của Vương Thẩm “đa phần húy kỵ kẻ đương thời, không phải là chép thực”. 

Giả Sung thí Ngụy chủ Tào Mao. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo.

Ngô thư của nước Ngô

Theo lời quan Hữu Quốc Sử nước Ngô là Hoa Hạch tâu với Ngô chủ Tôn Hạo, việc biên soạn lịch sử nước Ngô đã được bắt đầu từ cuối thời Ngô Đại đế Tôn Quyền. Tôn Quyền sai Thái sử lệnh Đinh Phu, Lang trung Hạng Tuấn biên soạn Ngô thư. Nhưng “Phu, Tuấn đều không có tài viết sử, văn của họ chẳng đáng để ghi chép”. Đến thời Thiếu đế, mới sắc cho Vi Diệu, Chu Chiêu, Tiết Oánh, Lương Quảng, Hoa Hạch “tìm hỏi việc cũ, cùng nhau ghi chép”. Thiếu đế ở đây có lẽ là chỉ Ngô chủ Tôn Lượng. Tam quốc chí – Vi Diệu truyện có nói khi Tôn Lượng lên ngôi, Gia Cát Khác làm phụ chính, dâng biểu cử Diệu làm Thái sử lệnh, soạn sách Ngô thư. Bọn Hoa Hạch, Tiết Oánh đều cùng tham dự.

Chân dung Vi Diệu (204-273)

Việc biên soạn Ngô thư cũng kéo dài rất lâu. Gia Cát Khác bị giết, Tôn Lượng bị phế, Ngô chủ kế tiếp là Tôn Hưu qua đời, nhưng bộ sách vẫn chưa xong. Ngô chủ Tôn Hạo muốn Vi Diệu viết truyện về cha mình là Tôn Hòa (phế Thái tử của Tôn Quyền), đặt tên truyện ấy là kỷ. Nhưng kỷ chỉ dùng cho phần viết hoàng đế. Vi Diệu cho rằng Tôn Hòa chưa từng làm hoàng đế, nên kiên trì gọi phần viết về Tôn Hòa là truyện. Tôn Hạo nổi giận, tìm cớ bắt Vi Diệu giam vào ngục. Hoa Hạch dâng sớ lên Tôn Hạo, viện cớ “Diệu đã bảy mươi, tuổi thừa chẳng còn bao, xin giảm tội một bậc, thành tội đồ suốt đời, để cho hoàn thành việc viết sách”. Tôn Hạo không đồng ý, cuối cùng giết Vi Diệu.

Bấy giờ người cùng tham gia soạn sử là Chu Chiêu, Lương Quảng đã chết trước, Tiết Oánh bị đày đi Quảng Châu. Hữu quốc sử Hoa Hạch lại dâng biểu xin Tôn Hạo gọi Tiết Oánh về để tiếp tục việc biên soạn. Tôn Hạo đồng ý, cho Tiết Oánh làm Tả quốc sử. Cuối cùng Ngô thư cũng biên soạn xong, tổng cộng 55 quyển. Mặc dù vậy, Vi Diệu vẫn được ghi nhận là tác giả của bộ Ngô thư. Bộ sách này đến thời Lương vẫn còn. Đến thời nhà Tùy thì tàn khuyết, chỉ còn 25 quyển. Đến nay thì mất hẳn, chỉ còn lại những đoạn trích dẫn trong các thư tịch khác.

Trần Thọ và lịch sử nhà (Thục) Hán

Trong số ba nước, chỉ riêng Thục Hán chưa từng xúc tiến việc biên soạn sử của triều đại mình. Trần Thọ nhận xét về Hậu chủ rằng: “Nước không đặt chức Sử, không có quan ghi chép, vì thế đức hạnh và sự việc phần nhiều bị bỏ sót”. Về vấn đề Thục Hán có sử quan hay không, học giả các đời tranh luận rất nhiều. 

Lương Chương Cự thời Thanh chỉ ra rằng trong Tam quốc chí – Hậu chủ truyện có ghi chuyện năm Cảnh Diệu thứ nhất “sử quan tâu rằng có sao Cảnh xuất hiện”. Như thế thì rõ ràng Thục Hán có sử quan. Nhưng sử gia Lưu Hàm Hân lại nói rằng thời cổ sử quan chia làm hai kiểu. Sử quan mà Trần Thọ bảo không có là sử quan giữ việc ghi chép lịch sử; sử quan mà Hậu chủ truyện nhắc là sử quan lo việc chiêm nghiệm điềm trời. Điều ta biết chắc là việc biên soạn quốc sử chưa từng được triều đình Thục Hán nhắc đến.

Hậu chủ Lưu Thiện và các bề tôi. Bản in Samgok năm 1892 ở Singapore.

Nhìn lại hai nước Ngụy, Ngô, việc biên soạn lịch sử hoàng triều đã được xúc tiến ngay từ thời hoàng đế khai quốc như Tào Phi, Tôn Quyền. Điều này hết sức quan trọng. Ngụy, Ngô đều là triều đại mới dựng, cần phải làm rõ nguồn gốc hoàng triều, hòng đề cao tính chính thống của mình đối với sĩ thứ trong nước. Thục Hán thì ngược lại, họ nối tiếp tông thống nhà Hán, thừa kế di sản lịch sử đồ sộ tính từ thời Hán thư của Ban Cố. Sự nghiệp trùng hưng Hán thất của họ lúc đó cũng chưa có gì khởi sắc, chưa có công lao đồ sộ gì để khoe khoang, truyền cho hậu thế. Vì vậy việc soạn sử chưa được đặt ra thành nhu cầu bức thiết.

Sau khi Thục Hán bị tiêu diệt, Trần Thọ từ Thục sang làm Trứ tác lang cho nhà Tấn. Tấn Vũ đế Tư Mã Viêm yêu cầu Trần Thọ thu thập và chỉnh lý văn chương của Gia Cát Lượng. Bản thân Trần Thọ cũng tiến hành biên soạn sử sách của ba nước, làm thành bộ Tam quốc chí. Tấn thư – Trần Thọ truyện còn cho biết ông từng biên soạn sách Cố quốc chí gồm 15 thiên. Số lượng thiên sách này vừa bằng với 15 quyển của phần Thục chí trong Tam quốc chí. Vì vậy e rằng Cố quốc chí chỉ là tên gọi nguyên gốc của Thục chí mà thôi. Bản thân tên gốc của bộ sách cũng cho thấy rằng Trần Thọ đứng trên lập trường bề tôi cũ của nước Thục để soạn nên phần Thục chí.  

Trần Thọ (233-297)

Thực vậy, trong Tam quốc chí, Trần Thọ chép cái chết của Tào Tháo bằng chữ băng, của Lưu Bị là chữ tồ, của Tôn Quyền là chữ hoăng. Băng là dùng cho hoàng đế, hoăng chỉ dùng cho vua chư hầu. Riêng chữ tồ của Lưu Bị là lấy ý từ trong kinh Xuân Thu, câu “Thiên vương tồ Lạc” (Chu thiên tử qua đời ở đất Lạc) – tức cũng là chữ dùng cho hoàng đế. Trần Thọ soạn sách vào thời Tấn. Tấn nhận nhường của Ngụy, vì vậy không thể không xem Ngụy là hoàng đế chính thống. Nhưng Trần Thọ vẫn ngấm ngầm thể hiện Thục Hán của mình cũng chính thống không kém. Về cơ bản có thể xem Trần Thọ như Vương Thẩm đối với sách Ngụy thư, Vi Diệu đối với sách Ngô thư. Ai thờ chủ nấy.

Ba phe Ngụy, Thục, Ngô đều có sử do người bên mình biên soạn. Điều này khiến cho những chỗ tốt đẹp của ba phía đều được truyền lại. Tào Tháo anh hùng thì Tôn Quyền, Lưu Bị cũng không kém cạnh. Mưu sĩ của Ngụy giỏi thì mưu sĩ Ngô, Thục cũng tài. Võ tướng của Ngụy trí dũng thì võ tướng của Ngô, Thục cũng chẳng kém. Ngược lại, sử quan ba phía tha hồ vạch trần sở đoản của bên kia. Cục diện thành ra không có ai trong ba phe hoàn toàn là thiện, cũng không có ai hoàn toàn là ác. Mỗi người đều có sở trường sở đoản, mặt tốt mặt xấu. Câu chuyện không phải là kẻ có tài đối chọi kẻ vô tài, mà trở thành nhân tài so kè.

Nói cách khác, câu chuyện Tam quốc cân bằng là do sử liệu cân bằng. Đó là cái nền vững chắc làm nên tính hấp dẫn của Tam quốc. Nhưng muốn Tam quốc có được vị thế hiện tại trong lòng người đọc thì bấy nhiêu còn chưa đủ. Rốt cuộc cần phải có thêm điều gì? 

Kỳ sau: Chuyện trăm năm kể suốt nghìn năm.

Chia sẻ câu chuyện này
Share