Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 12: Thần y loạn thế

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 12: Thần y loạn thế

Bàn về thời Tam Quốc, người ta thường mở đầu bằng loạn Khăn Vàng. Đó là bối cảnh tuyệt diệu để giới thiệu các nhân vật chủ chốt trong thời Tam Quốc. Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Kiên, Đổng Trác đều từ trong bối cảnh đó mà xuất hiện. Nhưng loạn Khăn Vàng do đâu mà có?

Nguồn gốc Thái Bình đạo

Loạn Khăn Vàng nổ ra từ năm 184 – tức năm Quang Hòa thứ bảy thời Hán Linh đế. Nhưng nguồn gốc của nó đã có từ nhiều năm trước. Lời truyền rằng vào thời Hán Thuận đế (125 – 144) có người nước Lang Da là Cung Sùng (có chỗ ghi là Cung Tung) dâng thần thư cho Hán đế. Ông ta nói rằng bộ thần thư này do sư phụ ông ta là Can Cát (có chỗ ghi là Vu Cát) nhận được ở Khúc Dương. Bộ sách gồm 170 quyển, tên là Thái Bình thanh lĩnh thư. Hán Thuận đế không đánh giá cao bộ sách này, mà chỉ coi nó như một kiểu mê tín. Cung Sùng về sau vào núi, đắc đạo thành tiên.

Một cảnh trong Thái Bình kinh

Sách Thái Bình thanh lĩnh thư còn truyền đến ngày nay đại khái là cuộc đối thoại của Thiên sư với sáu vị chân nhân. Đạo giáo gọi người tu luyện thành công là chân nhân. Thiên sư tự nhận được ông trời phái xuống, hy vọng sẽ tìm được vị đế vương chân chính để truyền thụ đạo này. Thế nhưng vì không được hoàng đế chấp nhận, Thiên sư đành tìm kiếm đệ tử để truyền lại đạo pháp. Cuối cùng ông đã truyền lại chúng cho sáu vị chân nhân kia. 

Tư tưởng của Thiên sư là từ trị thân tiến tới trị quốc. Người tu luyện có thể đạt được ba cảnh giới: trước là trị bệnh, sau đến trường thọ rồi cuối cùng là thành tiên. Nếu như đã am hiểu đạo trị thân, thì cũng có thể trừ hết mọi tai ách trong trời đất. Lấy đó làm cơ sở để rèn đạo trị quốc, thì có thể đưa thiên hạ tới chỗ thái bình. Đó hẳn là lý do tôn giáo của Thiên sư sẽ được xưng là Thái Bình đạo. Ông ta mong rằng các đạo sĩ và đế vương có thể sử dụng thuật của mình để giúp cho đất nước bình yên, nhân dân trường thọ an lạc. Nói cách khác, trước tiên phải luyện thần công để cường tráng thân thể, sau đó sẽ mưu đồ chính trị.

Tôn giáo của Thái Bình đạo lấy y thuật làm gốc. Đây là chỗ cao minh của nó. Chữa bệnh là một trong những nhu cầu thiết yếu hàng đầu của con người. Vào thời cổ trung đại, khi trình độ y học và hệ thống y tế còn hạn chế, nhu cầu đó lại càng bức thiết. Tuy vậy, từ thời Hán Thuận đế qua thời Xung đế, Chất đế, Hoàn đế rồi tới Hán Linh đế, mới có một nhân vật sử dụng tốt được tư tưởng của Thái Bình đạo. Người đó là Trương Giác.

Minh họa Trương Giác trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Trương Giác người quận Cự Lộc thuộc Ký Châu. Ông ta chính là người truyền bá Thái Bình đạo. Trương Giác dùng nước phép và bùa chú để trị bệnh. Người tới chữa bệnh trước tiên phải xưng tội – tức kể lại tội lỗi của mình, rồi sau đó mới được cấp nước hoặc bùa. Hiệu quả của cách chữa trị này được truyền bá rộng rãi, “mọi người cùng tin thờ Giác như thần minh”. 

Thời Đông Hán chưa có Du Túp bơTóp Tóp cơ hỗ trợ, vì vậy Trương Giác phải đào tạo đồ đệ và phái đi khắp nơi để quảng bá. Dù phải tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả cũng tương đương. Người dân khắp nơi nghe tin tức về thần y, về bậc chân tu Trương Giác thì ùn ùn kéo nhau tới quê nhà Cự Lộc của Giác để xin trị bệnh hoặc đảnh lễ. Cự Lộc cuối cùng trở thành một thánh địa hành hương. Thậm chí “có người bán hết gia sản, chuyển đến theo Giác”. Giá đất xung quanh nhà Giác chắc là tăng vùn vụt. 

Bên cạnh đó còn nhiều người khác đến xin trị bệnh. Đông đảo đến mức “người đầy đường lấp lối, chưa đến nơi đã ốm bệnh chết trên đường tính kể vạn”. Trong vòng chục năm, Trương Giác thu được mấy chục vạn tín đồ trong phạm vi tám châu Thanh, Từ, U, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dự.

Trương Giác nhận thiên thư. Minh họa của Tsukioka Yoshitoshi

Sau khi đã có tín đồ, Trương Giác liền chuyển sang thành lập “công ty”. “Công ty” của Trương Giác tổ chức thành 36 phương. Sử sách giải thích rằng “phương” cũng tương tự như “tướng quân”. Đại phương thống lĩnh hơn vạn người, tiểu phương thì 6000 – 7000 người. Mỗi phương đều có cừ soái chỉ huy. Mục tiêu hoạt động của “công ty” đó hết sức cụ thể. Nó gói gọn trong mười sáu chữ: “Trời xanh đã chết, trời vàng đang dựng, đến năm Giáp Tý, thiên hạ đại cát”. Năm Giáp Tý chính là năm 184. Điều này rõ ràng ám chỉ thời điểm để Thái Bình đạo chuyển từ “trị bệnh” sang “trị quốc”. 

“Công ty” của Trương Giác thậm chí còn móc nối với hoạn quan ở kinh đô. Các Trung thường thị Phong Tư, Từ Phụng cũng bắt tay với người của Thái Bình đạo. Một tổ chức lớn mạnh như vậy, mà triều đình nhà Hán chẳng có thái độ gì ư?

Hệ lụy của sự buông lỏng

Khăn Vàng nổi dậy khiến nhà Hán suy yếu. Nhưng cốt lõi của vấn đề không nằm ở Khăn Vàng. Tôn giáo dân gian thời Hán rất đa dạng. Phong trào tôn giáo tự phát cũng đã nhiều lần xuất hiện. Vấn đề nằm ở chỗ triều đình Hán Linh đế nắm bắt tình hình mà không có giải pháp. Nguyên nhân thất bại là do buông lỏng quản lý vấn nạn thần y. 

Đối với hoạt động của “thần y” Trương Giác, quan lại địa phương chẳng những không nhìn thấy nguy cơ (chẳng hiểu ý đồ của Giác). Ngược lại, họ còn cho rằng “Giác dùng thiện đạo giáo hóa dân”; thiếu điều muốn thưởng bằng khen cho Trương Giác.

Trương Giác gặp Nam Hoa lão tiên. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo

Sự lớn mạnh của Trương Giác cuối cùng cũng được đánh động với cộng đồng. Tư đồ Dương Tứ dâng thư lên Hán đế, nói rằng: “Giác lừa dối huyễn hoặc trăm họ, gặp lúc xá tội không hối cãi, ngày càng khuếch trương lan rộng rãi”. Dương Tứ cho rằng tổ chức của Trương Giác đã lớn mạnh đến mức nếu “châu quận bắt bớ đánh dẹp, sợ là hỗn loạn càng nặng, sẽ nhanh chóng thành họa”. Dương Tứ đề nghị nên sai quan địa phương giải tán tín đồ, “xem xét phân biệt lưu dân, sai các hộ quay về bản quận, để cô lập làm suy yếu bè đảng của Giác, rồi sau mới giết cừ soái của hắn”. Dương Tứ bị cách chức Tư đồ. Đề xuất giải tán thế lực của Trương Giác bị xếp xó.

Dương Tứ (? - 185)

Dương Tứ bị cách chức Tư đồ hai lần: một lần vào năm 177, một lần nữa vào năm 181. Có lẽ việc dâng thư xin xử trị Trương Giác là vào năm 181. Mặc dù Dương Tứ đã lui, chủ trương của ông vẫn còn được nhóm Thị ngự sử Lưu Đào nhắc lại. Lưu Đào cùng Phụng Xa đô úy Nhạc Tùng, Nghị lang Viên Cống liên danh dâng thư đề nghị xử lý Trương Giác. Trong thư nói:

“Thánh vương dựa vào tai mắt của thiên hạ để nghe trông, vì vậy không gì mà không biết. Nay bè đảng của Trương Giác không thể kể xiết … tuy gặp lệnh ân xá, mà không từ bỏ âm mưu. Bốn phương nói riêng với nhau rằng bọn Giác lẻn vào kinh sư, rình mò triều chính, lòng như cầm thú, cùng nhau hô ứng. Châu quận kiêng kỵ, không dám tâu lên, chỉ nói riêng với nhau, chẳng ai dám dùng công văn”

Toàn Tam quốc văn

Nhóm Lưu Đào đề nghị “treo thưởng nặng để bắt bọn Giác, thưởng như bậc quốc sĩ; ai dám trái lệnh, thì xử chung tội”. Hán Linh đế đọc tờ tâu này nhưng vẫn không hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề. Vụ việc Trương Giác tiếp tục bị xếp xó. Lưu Đào thì được giao trách nhiệm biên soạn điều lệ cho bộ sách Xuân Thu mà triều đình đang biên tập.

Giữa lúc ấy thì Trương Giác ráo riết chuẩn bị nổi dậy. Tín đồ Thái Bình đạo chia nhau dùng đất trắng viết chữ Giáp Tý lên cửa các dinh thự ở kinh thành và cửa phủ quan ở châu quận. Đại phương Mã Nguyên Nghĩa tín đồ ở Kinh, Dương, hẹn kỳ nổi dậy đánh chiếm huyện Nghiệp là thủ phủ Ký Châu, quê nhà Trương Giác. Mã Nguyên Nghĩa còn hẹn bọn Trung thường thị Phong Tư, Từ Phụng, chọn ngày mồng năm tháng Ba năm sau là năm Giáp Tý [184] sẽ cùng nhau nổi dậy. Tình hình lúc đó có thể tóm tắt bằng mấy câu: 

Thái Bình thanh lĩnh,
Võ lâm chí tôn,
Hiệu lệnh thiên hạ,
Mạc cảm bất tòng? 
Hán triều bất xuất,
Thùy dữ tranh phong?

Cuộc nổi dậy Khăn Vàng sẽ khiến triều đại của Hán Linh đế rung động. Nhưng ảnh hưởng của nó lớn đến mức nào? Có đáng để xem là sự kiện khởi đầu Tam Quốc chăng?

Chia sẻ câu chuyện này
Share