Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 13: Ba người mở ra ba nước

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 13: Ba người mở ra ba nước

Khi bàn luận về hồi thứ nhất của Tam quốc diễn nghĩa, cha con Mao Luân đã chỉ ra tính nghệ thuật trong việc chọn ba người Trương Giác làm mở đầu câu chuyện. Thực vậy, chính từ bối cảnh cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng mà các nhân vật chủ chốt của câu chuyện Tam Quốc được đưa lên sân khấu. Đối với các sử gia mà nói, mở đầu sự suy tàn của một triều đại phong kiến là một cuộc khởi nghĩa nông dân. Còn gì đúng lý thuyết hơn thế?! Thế nhưng một người trong cuộc là Phó Tiếp lại từng nhận xét: “Khăn Vàng dẫu thịnh, chẳng đủ thành mối lo lắng của miếu đường”. Vì sao lại nói như vậy?

Khăn Vàng nổi dậy

Âm mưu nổi dậy của Trương Giác bị một tín đồ là Đường Chu tố cáo với triều đình. Nhà Hán liền cho bắt Đại phương Mã Nguyên Nghĩa – người lãnh đạo công tác nổi dậy ở huyện Nghiệp. Mã Nguyên Nghĩa bị đưa về Lạc Dương, đem cho xe xé xác. Hán Linh đế sai Tam công và quan Tư lệ (người coi sóc kinh kỳ) tra xét binh lính và người trong cung. Ai thờ đạo Thái Bình thì hết thái bình. Người bị giết đến hơn một nghìn. Triều đình còn truyền cho Ký Châu truy bắt Trương Giác.

Trương Giác thấy việc đã lộ, liền nổi dậy sớm một tháng. Tháng hai năm Giáp Tý, Quang Hòa thứ 7 (184), Trương Giác nổi dậy ở Ký Châu. Giác xưng là Thiên Công tướng quân, em là Trương Bảo xưng là Địa Công tướng quân, em kế là Trương Lương xưng là Nhân Công tướng quân. Trương Giác nổi dậy ở Ký Châu. Người các nước An Bình, Cam Lăng thuộc Ký Châu cũng bắt vương gia họ Lưu của nước mình để hưởng ứng quân nổi dậy.

Khăn Vàng nổi dậy. Minh họa Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên

Ở Kinh Châu thì có Trương Man Thành hoạt động ở khu vực huyện Uyển, quận Nam Dương phía bắc Kinh Châu. Gần đó, thuộc địa bàn Duyện Châu thì có Ba Tài ở Dĩnh Xuyên, Bành Thoát ở Tây Hoa. Lực lượng của Trương Man Thành và Ba Tài mới là khó đối phó. Hán Linh đế lập ba cánh quân, bổ nhiệm ba Trung lang tướng. Lư Thực (thầy của Lưu Bị) làm Bắc Trung lang tướng, đi đánh Trương Giác; còn Hoàng Phủ Tung làm Tả Trung lang tướng, Chu Tuấn làm Hữu Trung lang tướng, cùng hợp sức đánh Khăn Vàng ở Dĩnh Xuyên.

Ba Tài thoạt tiên còn đem binh lực áp đảo bao vây Hoàng Phủ Tung ở trong thành huyện Trường Xã. Hoàng Phủ Tung thấy quân địch đóng quân ở gần đám cỏ, lại gặp lúc có gió lớn. Vì vậy, ông ta dùng hỏa công, khiến cho quân Khăn Vàng sợ hãi bỏ chạy. Sau đó, nhờ có Chu Tuấn và Kỵ đô úy Tào Tháo đem quân tới. Ba người hợp lực, tam anh chiến Ba Tài mới đánh bại được ông ta.

Đánh bại Ba Tài rồi, triều đình mới lệnh cho hai người chia quân. Hoàng Phủ Tung tiếp tục đánh dẹp Khăn Vàng ở Đông Quận thuộc Duyện Châu. Tung sẽ tiếp tục vượt Hoàng Hà lên phía bắc đánh quân Trương Giác. Còn Chu Tuấn thì ngoặt về Nam đánh Khăn Vàng ở quận Nam Dương.

Khởi nghĩa Khăn Vàng và các phong trào chống đối nhà Hán khác năm 184

Trương Giác thực sự không khó đối phó. Bắc Trung lang tướng Lư Thực vốn đã bao vây Giác ở Quảng Tông. Nhưng vì Hán Linh đế phái hoàng môn Tả Phong tới thị sát việc quân. Lư Thực lại không chịu hối lộ cho Phong. Tả Phong quay về, bơm đểu với Linh đế rằng giặc dễ phá, nhưng Lư Thực không chịu đánh ngay. Lư Thực liền bị cách chức. Triều đình phái Đổng Trác làm Đông Trung lang tướng đi đánh. Đổng Trác từ phía tây xa xôi tới, không nghe theo kế của Thái thú Cự Lộc là Quách Điển, nên bị thua trận, mất chức. Việc đánh dẹp Khăn Vàng ở Ký Châu rơi vào vai Hoàng Phủ Tung.

Hoàng Phủ Tung giải quyết Khăn Vàng trong vòng bốn tháng. Tháng tám, ông ta đánh Bặc Tỵ ở Thương Đình. Tháng mười, ông ta chém Trương Lương ở Quảng Tông. Thần y Trương Giác trước đó lại chết vì bệnh. Mộ của Giác bị đào lên, đầu bị đưa về kinh đô. Tháng mười một, Hoàng Phủ Tung chém Trương Bảo ở Hạ Khúc Dương. Từ khi Trương Giác nổi lên cho đến khi Trương Bảo bị chém, tổng cộng trải qua mười tháng.

Hoàng Phủ Tung hỏa công Trường Xã. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Quân Khăn Vàng ở Nam Dương hình như trụ được lâu hơn. Đó là vì bọn họ không đánh nhau ngoài đồng, mà bị vây ở trong thành huyện Uyển. Nhưng về cơ bản đến cuối năm đó họ cũng bị diệt.

Cuộc nổi dậy xoay chuyển thời đại?

Nếu xét về địa bàn và thời gian, khởi nghĩa Khăn Vàng là một cuộc nổi dậy lớn thời Hán. Nhưng nếu so với những cuộc khởi nghĩa khác có vai trò lật đổ triều đại, như Trần Thắng – Ngô Quảng, Xích Mi – Lục Lâm trước đó, Hoàng Sào, Sấm Vương sau này, thì cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng thực sự không bằng. Triều đình của Hán Linh đế vẫn còn trụ vững sau cuộc nổi dậy. Di sản được chú ý nhất của nó chính là những phong trào nổi dậy ăn theo.

Quân Khăn Vàng thi triển pháp thuật. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Sau loạn Khăn Vàng, tại Ký Châu có Trương Ngưu Giác ở quận Bác Lăng, Chử Phi Yến ở quận Thường Sơn, ở phía đông vùng Hà Sóc có quân Bạch Ba. Ngoài ra còn có các nhóm lẻ tẻ khác “lớn thì hai ba vạn người, nhỏ thì sáu bảy nghìn người”. Vào năm Trương Giác nổi dậy, ở Giao Châu cũng có người xưng là Trụ Thiên tướng quân. Số này hoặc bị đánh dẹp, hoặc xin “hàng” triều đình; một vài lực lượng tồn tại rất lâu, nhưng cũng có nhiều kẻ biến mất không dấu vết. 

Các lực lượng tàn dư này giống như thêu hoa trên gấm. Họ tạo ra một đặc thù của thời cuối Đông Hán, nhưng hoàn toàn không phải là động lực chủ yếu của các biến cố lịch sử. Sau năm 184, lịch sử không vì họ mà tiến lên, không vì họ mà lùi lại. Nhưng điều đó không có nghĩa họ hoàn toàn vô dụng. Cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng cho phép một lực lượng quan trọng trở lại vũ đài, mở ra một trường quyết chiến mới, cuối cùng dẫn đến Đông Hán sụp đổ, thiên hạ chia ba. Đó là lực lượng nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share