Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 14: Ba trụ cột

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 14: Ba trụ cột

Vào lúc còn đang đánh dẹp Khăn Vàng, Hộ quân Tư mã Phó Tiếp dâng sớ lên Hán Linh đế, nói rằng: “Khăn Vàng dẫu thịnh, chẳng đủ làm mối lo lắng của miếu đường”. Ông ta cho rằng: “Mối họa trong thiên hạ chẳng do ở bên ngoài, mà đều hưng khởi ở trong”. Vậy mối họa đó là gì?

Hán cung chia chân vạc

Gia Cát Lượng từng nói: mỗi khi bàn bạc về sự suy sụp của nhà Đông Hán, Lưu Bị thường nghiến răng căm giận với Hoàn, Linh. Nhưng mầm mống sự suy sụp đó chẳng phải tới Hoàn, Linh mới có, mà đã nảy mầm từ trong thời kỳ thịnh trị của Hán Hòa đế (88 – 106). Sử sách gọi thời kỳ đó là Vĩnh Nguyên chi long – tức sự hưng thịnh trong niên hiệu Vĩnh Nguyên.

Minh họa Hán Hòa đế trong Tục liệt nữ truyện

Năm 88, Hán Chương đế qua đời lúc 30 tuổi. Thái tử Triệu lên ngôi lúc mới 10 tuổi. Đó là Hán Hòa đế. Vì hoàng đế còn quá nhỏ tuổi, Đậu thái hậu buông rèm. Bà ủy thác triều chính cho anh trai là Đậu Hiến. Nhiều người khác trong nhà họ Đậu cũng được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng. Từ đây, trong triều đình xuất hiện hai thế lực là kẻ sĩ được bổ nhiệm làm quan lại và ngoại thích được bổ nhiệm làm quan lại.

Ngoại thích họ Đậu càng tăng cường thế lực, xung đột giữa họ và kẻ sĩ ngày càng gay gắt. Điều này làm cho Hán Hòa đế lo ngại. Hán Hòa đế chỉ có thể dựa vào những người hầu cận thân gần để mưu chính sự. Dưới sự phò tá của hoạn quan Trịnh Chúng, Hán Hòa đế tập kích, tiêu diệt được các anh em nhà họ Đậu, buộc Đậu thái hậu lui về phía sau. Trịnh Chúng là hoạn quan đầu tiên được phong chức Đại tướng quân, nắm giữ binh quyền trong nước. Bản thân Trịnh Chúng còn được phong hầu. Sự kiện này mở đầu cho một thế lực chính trị thứ ba nổi lên trong cung đình Đông Hán: thế lực hoạn quan.

Tượng hoạn quan trong mộ thời Hán

Thời kỳ của Hán Hòa đế vẫn còn xem là yên ổn. Nhưng Hán Hòa đế qua đời lúc 27 tuổi. Hán Thương đế (105-106) lên ngôi lúc mới được 100 ngày tuổi. Đặng thái hậu lại coi chính sự, và ủy thác chính quyền cho anh trai là Đặng Chất. Ngoại thích lại trỗi dậy. Hán Thương đế ở ngôi không lâu thì lại qua đời. Hán An đế lên ngôi lúc 12 tuổi. Ngoại thích họ Đặng tiếp tục nắm quyền. Đến năm 121, Đặng thái hậu qua đời. Hán An đế lại dùng hoạn quan để tiêu diệt ngoại thích họ Đặng. Có điều, hoàng đế không thể không lấy vợ, vợ của hoàng đế không thể không vun vén cho gia đình mình. Ngoại thích nhà Đông Hán chẳng khác nào cây mai dương xâm hại, cứ cắt đi rồi lại mọc.

Năm 125, Hán An đế qua đời. Diêm hoàng hậu cùng anh trai là Diêm Hiển lập Bắc Hương hầu Lưu Ý lên ngôi. Diêm hậu lại lâm triều xưng chế. Lần này ngoại thích và hoạn quan hợp tác với nhau, nhưng không được lâu dài. Lưu Ý chỉ ở ngôi được 7 tháng thì bệnh chết. Hoạn quan Tôn Trình liên kết với 18 hoàng môn quan khác tấn công vào cung, lập con trai Hán An đế là Tế Âm vương Lưu Bảo mới 10 tuổi lên ngôi. Đó là Hán Thuận đế. 

Thuận đế sai bọn hoạn quan Tôn Trình đem quân Vũ Lâm đánh đám ngoại thích Diêm Hiển, tiêu diệt bọn họ, giam lỏng Diêm thái hậu. Mười chín người có công đều được phong hầu. Không chỉ có thế, mà về sau hoạn quan còn được phép truyền đất phong cho con nuôi. Thế lực hoạn quan càng được củng cố. Tất nhiên, Hán Thuận đế không thể không lấy vợ. Ông ta thấy Quý nhân Lương Nạp thường khuyên vua đừng sủng ái riêng mình. Hán Thuận đế cho rằng đó là người hiền, nên lập làm hoàng hậu. Cha bà là Lương Thương cũng leo lên chức Đại tướng quân, lại mở ra một thế lực ngoại thích mới.

Năm 144, Hán Thuận đế qua đời. Hán Xung đế mới 1 tuổi đã lên ngôi. Lương thái hậu lại coi triều chính. Anh trai là Đại tướng quân Lương Ký lại nắm chính quyền. Xung đế (144 – 145) ở ngôi không lâu thì bệnh chết. Chất đế (145-146) lên ngôi lúc mới 8 tuổi. Chất đế sớm tỏ ra vẻ ghét Lương Ký, nên bị Lương Ký hạ độc. Hán Hoàn đế mới 14 tuổi được đưa lên ngôi. 

Năm 159, Hán Hoàn đế lúc này đã lớn. Ông ta lại dùng hoạn quan tiêu diệt ngoại thích họ Lương. Các hoạn quan có công cũng được phong hầu. Sử sách gọi họ là Ngũ hầu. Tất nhiên, Hán Hoàn đế không thể không lấy vợ. Ông ta lập con gái Đậu Vũ làm hoàng hậu, sẽ mở ra một dòng ngoại thích mới.

Tôn Thọ - vợ Lương Ký. Với nhà họ Lương bà là ngoại thích của ngoại thích.

Từ Hòa đế tới Hoàn đế, hoàng đế đều lên ngôi từ rất nhỏ, quyền lực rơi vào tay Thái hậu và người nhà bên ngoại. Ngoại thích hống hách thường mâu thuẫn với một bộ phận sĩ nhân. Để diệt trừ ngoại thích, hoàng đế chỉ có thể dựa vào thế lực thân cận là hoạn quan. Tình thế cung đình triều Hán giống như một Tam quốc không chia nước. Nhưng cũng bắt đầu từ thời Hán Hoàn đế, mâu thuẫn chủ yếu giữa ba thế lực bắt đầu có thay đổi.

Hoạn quan được thời

Ngũ hầu thời Hán Hoàn đế gồm Đan Siêu, Từ Hoàng, Cụ Viện, Tả Quán, Đường Hành. Đan Siêu được phong hầu thực ấp hai vạn hộ. Bốn người còn lại mỗi người hơn vạn hộ. Ngược lại, sự sụp đổ của ngoại thích Lương Ký dẫn đến tình trạng “triều đình gần như trống rỗng”. Cùng một lúc có hơn 300 cố lại và tân khách của Lương Ký bị truất chức. Đó là cơ hội tốt để sĩ nhân tiến hành cải cách. Nói như ghi chép của sử sách, “thiên hạ đều mong chính trị thay đổi”. 

Di chỉ nghi là mộ Hán Hoàn đế ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc)

Thái úy Hoàng Quỳnh, Thượng thư lệnh Trần Phồn một mặt thanh lọc quan lại tham bạo ở châu quận, một mặt tiến cử những kẻ sĩ có đức hạnh và tài năng. Nhưng lực lượng của hoạn quan cũng bành trướng. Hán Hoàn đế lại phong tặng gia đình của hoàng hậu, lại phong Trung thường thị Hầu Lãm làm Quan nội hầu, tám người bọn tiểu hoàng môn Trương Phổ, Triệu Trung làm Hương hầu. Thế là “từ đấy quyền thế triều chính quy thuộc về hoạn quan”. 

Năm 160, Đan Siêu qua đời. Ngũ hầu còn lại bốn người, nhưng họ lại càng lộng hành. Đến nỗi có câu nói: “Tả hồi thiên, Cụ độc tọa, Từ ngọa hổ, Đường vũ đọa”. Đại khái là nói Tả Quán xoay chuyển trời đất, Cụ Viên độc tôn không ai sánh cùng, Từ Hành ngồi xổm như hổ ngó, Đường Hành thế như mưa xối. Đó là chưa kể đến mấy Thường thị, Hoàng môn khác như Hầu Lãm, Đoàn Khuê. Cũng chưa kể anh em thân thích của bọn người này nắm quyền ở châu quận, “vơ vét bóc lột bá tánh, không khác gì đạo tặc, tàn ngược khắp thiên hạ”. 

Trong tình thế ngoại thích tổn thương nguyên khí, sĩ nhân và hoạn quan bành trướng thế lực. Hai nhóm này chuyển sang đối đầu nhau. Sự đối đầu của hai thế lực này thì có liên quan gì tới thời Tam quốc? Và tại sao lại phải mở đầu câu chuyện xa xôi như thế?

Chia sẻ câu chuyện này
Share