Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 17: Viên Thiệu xuất hiện

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 17: Viên Thiệu xuất hiện

Tình thế chính trị bế tắc cuối thời Đông Hán cuối cùng cũng bị thanh toán dứt điểm. Người đã làm được điều này – kỳ lạ thay – lại là một trong những kẻ bị chê bai nhiều nhất trong lịch sử cuối Đông Hán. Đó là Viên Thiệu. Viên Thiệu để lại dấu ấn trong lòng hậu thế như một kẻ có rất nhiều tài nguyên trời cho, nhưng lại không biết tận dụng chúng. Viên Thiệu bị xem là một kẻ vô cùng kém cỏi. Sự thực thì sao?

Cái bóng Tam công đè lên Viên Thiệu

Khi nói đến Viên Thiệu, người ta thường nhắc đến cụm từ “bốn đời Tam công”. Họ Viên của Viên Thiệu là một gia tộc sĩ hoạn lớn mạnh. Thời Hán tuyển chọn quan lại chủ yếu thông qua tiến cử và triệu gọi. Giữa trưởng quan và thuộc lại hình thành nên mối quan hệ ơn nghĩa. Người từng làm thuộc cấp cho trưởng quan được gọi là cố lại (thuộc lại cũ). Mối quan hệ của họ gần như là phiên bản thu nhỏ của quan hệ quân thần. Ngoài ra, những người từng theo học tập cũng có nghĩa thầy trò. 

Người ta thường nói họ Viên “môn sinh”, “cố lại” đầy khắp thiên hạ. Đó dường như là vốn liếng to lớn để Viên Thiệu dựng nghiệp. Viên Thiệu do đó là một cậu ấm hưởng đống gia tài chính trị mà tổ tiên để lại. Nhưng sự thực không phải như vậy.

Minh họa Viên Thiệu trong bản in Tam Quốc Diễn Nghĩa thời Thanh

Họ Viên là một gia tộc lớn. Người họ Viên không chỉ có Viên Thiệu. Trong số các lộ chư hầu nổi lên cùng với Viên Thiệu còn có Viên Thuật, Viên Di. Hàng trưởng bối của Viên Thiệu còn có Thái phó Viên Ngỗi. Nhưng Viên Ngỗi làm Tam công lại chẳng làm nên trò trống gì. Viên Di là anh em họ của Viên Thiệu, được người ta khen là “có ý chí trùm đời, khí lượng lo cho thời thế”. Khi các lộ chư hầu nổi lên, Viên Di làm Thái thú Sơn Dương, cũng có tham gia, cuối cùng lại chuyển thành thuộc hạ của Viên Thiệu, rồi bị Viên Thuật đánh bại. 

Người cạnh tranh được với Viên Thiệu chỉ có Viên Thuật. Nhưng Viên Thiệu hùng cứ bốn châu, thế lực lớn mạnh; còn Viên Thuật chỉ có thể dựa vào nhà họ Tôn để đứng chân ở khu vực Giang Hoài. Viên Thiệu qua đời vẫn để lại cơ nghiệp thống nhất Hà Bắc. Viên Thuật thì qua đời trong cảnh thế lực tan rã, đến mức phải chết đói. 

Bốn người Viên Ngỗi, Viên Thiệu, Viên Thuật, Viên Di đều có thể xem là “bốn đời Tam công”. Nhưng cuối cùng cơ nghiệp Viên Thiệu đồ sộ nhất. Xuất phát điểm của họ là giống hệt, kết quả lại khác biệt. Điều đó đủ thấy “bốn đời Tam công” không phải là yếu tố tiên quyết. Điểm cốt yếu vẫn là tư chất cá nhân của từng nhân vật.

Minh họa Viên Thuật trong bản in Tam Quốc Diễn Nghĩa thời Thanh

Sự khác biệt về tư chất giữa Viên Thiệu và Viên Thuật là rõ ràng nhất. Viên Thiệu nổi tiếng hào hiệp. Viên Thuật “cũng hào hiệp, cùng Thiệu tranh danh”. Đương thời danh sĩ Hà Ngung có danh tiếng, cùng giao hảo sâu sắc với Viên Thiệu, nhưng chưa từng tới gặp Viên Thuật. Viên Thuật vì thế hận Hà Ngung, còn ở trước mặt mọi người kể ba tội của Hà Ngung. Cả ba “tội” này đều bị danh sĩ Đào Khâu Hồng bẻ lại. Khí độ của Thuật hẹp hòi đến như vậy. 

Hà Ngung cũng là một học sinh nhà Thái học, rất được Thái phó Trần Phồn, Tư lệ Lý Ưng thưởng thức. Lúc họa Đảng cố nổ ra, Hà Ngung cũng bị liên lụy, phải thay tên đổi họ trốn tránh ở Nhữ Nam. Hà Ngung đi tới đâu cũng kết giao hào kiệt. Có lẽ ông ta đã gặp Viên Thiệu ở quê ông này tại Nhữ Nam. Hà Ngung cùng với Viên Thiệu, Trương Mạc, Hứa Du, Ngũ Quỳnh và Ngô Tử Khanh “kết làm bạn bôn tẩu”, cùng nhau làm du hiệp. Hà Ngung tuy thuộc diện bị truy nã, nhưng “mỗi năm hai ba lần vẫn lén vào Lạc Dương, gặp Thiệu bàn kế”, “người gặp cùng khốn bế tắc thì giúp họ cầu viện, để giải họa cho họ; có ai bị bắt bớ thì bày đặt kế sách, giúp họ trốn thoát lẩn tránh”. Nhờ có Hà Ngung và Viên Thiệu mà “rất nhiều người được thoát”. 

Minh họa Viên Thiệu trong bản in Tam Quốc Diễn Nghĩa năm 1605

Trong mắt kẻ sĩ thời đó, Viên Thiệu nếu không phải là một Cập Thời Vũ Viên Công Minh thì cũng là một Tiểu Toàn Phong Sài Tiến. Viên Thuật thì ngược lại. Sau này Lưu Bị từng nói Viên Thuật ở Hoài Nam vốn là “tứ thế ngũ công”. Khổng Dung đáp lại ngay rằng: 

Viên Công Lộ há phải hạng lo nước quên nhà đâu. Xương khô trong mả, sao đủ để ý

Xương khô trong mả chính là nói đến cái danh hiệu bốn đời Tam công. Tất nhiên, cũng không phải không có người bị cái danh đó lừa bịp. Ví như Tôn Kiên. Nhưng về cơ bản mà nói, sức hiệu triệu của một người chủ yếu là dựa trên thực lực cá nhân. Danh tiếng gia tộc chỉ là thứ bổ trợ, giúp người ta có ấn tượng tốt đẹp lúc đầu mà thôi. Trong số các nhân sĩ họ Viên, Viên Thiệu nổi lên mạnh nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do tư chất cá nhân của bản thân Viên Thiệu, chứ hoàn toàn không phải vì cái danh bốn đời Tam công.

Mị lực của Viên Thiệu

Viên Thiệu thực sự là người có khả năng tập hợp lực lượng. Viên Thiệu lúc còn thơ ấu đã được cử làm quan Lang. Đến lúc trưởng thành làm lễ đội mũ liền được cử làm Trưởng huyện Bộc Dương. Rồi vì có tang mẹ, Viên Thiệu bỏ chức quan về chịu tang. Có rất nhiều người đi theo xe của Viên Thiệu. Về đến quê nhà, Thiệu bảo rằng: “Xe cộ và quần áo của ta như thế này, sao có thể khiến Hứa Tử Tương ra gặp mặt”. Viên Thiệu bèn một mình đi xe về nhà. Sử gia Trần Thọ khen Viên Thiệu “có thể khuất tiết đối đãi kẻ sĩ, kẻ sĩ đa phần theo về”. Đây là một thí dụ.

Sau khi chịu tang xong, Viên Thiệu không quay lại con đường làm quan nữa, mà “ẩn cư ở Lạc Dương, không phải người được trong nước biết danh thì không cho gặp mặt”. Ông ta cùng với năm người Hà Ngung, Trương Mạc, Hứa Du, Ngũ Quỳnh và Ngô Tử Khanh kết làm bạn du hiệp. Vào thời điểm này, Viên Thiệu lôi kéo được rất nhiều người. Nguyên nhân thì như đã nói, Viên Thiệu gần như trở thành lãnh tụ cứu giúp kẻ sĩ trong cái họa Đảng cố do hoạn quan gây ra. Sử gia Phạm Diệp cho biết Thiệu “yêu kẻ sĩ, dưỡng danh tiếng; vốn là nhiều đời làm quan ở đài ty, được tân khách theo về, lại chú tâm khuất tiết, nên chẳng ai không tranh nhau kéo tới sân; không kể là sang hay hèn đều tranh nhau kính lễ”. 

Viên Thiệu (phải) và Trương Giác (trái) trong Hội Bản Tam Quốc Chí Tiểu Truyện thời Edo

Điều kỳ lạ là Viên Thiệu dường như không có ý muốn ra làm quan nữa. Ông ta từ chối lệnh triệu gọi của triều đình. Cách hành xử của Viên Thiệu khiến Trung thường thị Triệu Trung nghi ngờ. Ông ta công khai nói rằng: “Viên Bản Sơ ngồi đó trau dồi thanh danh, không ứng lệnh triệu mà lại nuôi dưỡng tử sĩ. Chẳng biết thằng nhóc này muốn làm gì đây?”. Chú của Thiệu là Viên Ngỗi nghe nói như vậy, sợ quá, mới về trách Thiệu: “Mày sẽ phá nhà ta!”. Viên Thiệu bấy giờ mới chịu vâng lệnh triệu, đi làm quan Duyện cho Đại tướng quân Hà Tiến.

Sự nghi ngờ của Triệu Trung không phải không có lý. Mục tiêu của con người nếu không giàu thì cũng là sang. Muốn giàu thì lo kinh tế, muốn sang thì phải làm quan. Viên Thiệu không lo kinh tế, không chịu làm quan, mà lại ngấm ngầm chiêu mộ lực lượng. Rõ ràng ý đồ của ông ta không hề đơn giản. Trong số các lãnh tụ hoạt động vào thời điểm này, chỉ có Viên Thiệu và Lưu Bị là có ý thức gầy dựng lực lượng. Nhưng Lưu Bị cần lực lượng để làm “đầu gấu” – sau này sẽ nói tới – còn Viên Thiệu là nhằm đấu tranh chính trị. Rốt cuộc thì ông ta muốn gì? 

Chia sẻ câu chuyện này
Share