Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 18: Viên Thiệu mài gươm

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 18: Viên Thiệu mài gươm

Sau khi bị hoạn quan nghi ngờ, Viên Thiệu trở lại chính trường lần thứ hai. Lần này, Viên Thiệu sẽ làm một việc chọc trời khuấy nước. Thế cân bằng chính trị “chân vạc” cuối thời Đông Hán sẽ bị phá vỡ, kéo theo cả vận mệnh chính trị của nhà Hán. Tam quốc diễn nghĩa mô tả nó như một đề xuất đột ngột từ Viên Thiệu. Sự thực thì thế nào?

Chuẩn bị của Viên Thiệu

Viên Thiệu trở lại chính trường vào năm nào, chúng ta không được rõ. Anh hùng ký của Vương Xán cho biết Viên Thiệu ứng mệnh triệu của Đại tướng quân. Đại tướng quân nói ở đây chắc là Hà Tiến. Hà Tiến làm chức này là vào năm Trung Bình thứ nhất (184), vào lúc Khăn Vàng nổi dậy. Viên Thiệu làm quan Duyện cho Đại tướng quân, rồi sau đó chuyển sang làm Thị ngự sử, rồi làm Trung lang tướng.

Minh họa Hà Tiến trong bản in Tam Quốc Diễn Nghĩa thời Thanh

Năm Trung Bình thứ năm (188), Hán Linh đế lập ra Tây Viên bát hiệu úy. Trong số tám hiệu úy này, Tiểu hoàng môn Kiển Thạc được bổ nhiệm làm Thượng quân Hiệu úy. Kế sau Kiển Thạc chính là Viên Thiệu. Thiệu lúc đó là Hổ Bôn trung lang tướng, được bổ làm Trung quân Hiệu úy. Trong số các hiệu úy còn có hai người bạn du hiệp của Viên Thiệu: Nghị lang Tào Tháo làm Điển quân Hiệu úy, Thuần Vu Quỳnh làm Hữu hiệu úy. Ngoài ra còn có một vị Trợ quân Hữu hiệu úy Phùng Phương 馮芳. Em họ Thiệu là Viên Thuật có một người thiếp rất xinh đẹp là con gái Phùng Phương 馮方. Người ta ngờ rằng đó là cùng một người.

Tây Viên bát hiệu úy là lực lượng được Hán Linh đế đặt ra sau loạn Khăn Vàng. Khăn Vàng nổi dậy đã làm cho Linh đế “lưu tâm đến việc binh nhung”. Hoàng môn Kiển Thạc “tráng kiện, có võ lược”, được Hán Linh đế tin dùng. Dẫu là Đại tướng quân cũng phải chịu sự chỉ huy của Kiển Thạc. Vì vậy, có thể nói, Tây Viên bát hiệu úy là lực lượng được lập ra để bảo vệ hoàng đế, mà lại do hoạn quan chỉ đạo. Có điều, họ không ngờ rằng bên trong lực lượng thân binh của họ lại có “phần tử chống phá” cài cắm vào đó. Đó chính là Viên Thiệu.

Minh họa con gái Phùng Phương trong bản in Samkok năm 1892 ở Singapore

Viên Thiệu là đại biểu ngấm ngầm của phái kẻ sĩ. Ở trước ta đã biết, trong họa Đảng cố, Viên Thiệu và Hà Ngung đã bí mật cứu vớt rất nhiều kẻ sĩ. Mục tiêu đánh bại hoạn quan có lẽ đã được đưa ra từ lâu. Lần trở lại chính trường thứ hai chính là để thực hiện mục tiêu đó. Viên Thiệu lựa chọn làm quan Duyện cho Đại tướng quân Hà Tiến cũng là có tính toán. 

Trong thế chân vạc hoạn quan – ngoại thích – kẻ sĩ, “kẻ sĩ” Viên Thiệu chủ tâm xây dựng quan hệ cố lại với “ngoại thích” Hà Tiến. Viên Thiệu sẽ đóng vai Trần Phồn còn Hà Tiến chính là Đậu Vũ. Viên Thiệu còn rút ra bài học từ Đậu Vũ. Ông ta đã biết đến vai trò của binh lực trong đấu tranh chính trị. Trần Phồn, Đậu Vũ sở dĩ thất bại là vì không nắm chắc lực lượng quân sự, mà lại để cho hoạn quan nắm chắc. 

Trong trận chiến đấu, ai có kiếm thì mới có cơ hội giành chiến thắng. Viên Thiệu đã âm thầm đoạt lấy thanh kiếm từ tay hoạn quan, nhưng vẫn khiến hoạn quan tưởng mình còn đang cầm chúng. Viên Thiệu sẽ càng thúc đẩy kế hoạch tiêu diệt hoạn quan hơn nữa.

Âm mưu thứ nhất

Thời kỳ âm mưu của Viên Thiệu còn được ghi chép rõ trong Hậu Hán thư, Cái Huân truyện. Viên Thiệu mật mưu với Thảo Lỗ hiệu úy Cái Huân và Tông chính Lưu Ngu. Lý do là vì cả ba đều “cùng nắm cấm quân”. Cái Huân từng nói chuyện với Hán Linh đế. Linh đế hỏi: “Sao thiên hạ lại khổ vì phản loạn như thế chứ”. Cái Huân nói: “Là do con em của bề tôi được sủng hạnh quấy nhiễu”. 

Bấy giờ hoạn quan Kiển Thạc cũng ngồi đó. Hán Linh đế quay sang hỏi Thạc. Thạc lúng túng không biết trả lời thế nào. Hán Linh đế ngược lại tán thưởng Cái Huân, bảo rằng “hận gặp ngài muộn”. Kiển Thạc thấy Cái Huân muốn vạch lỗi hoạn quan, lại được Hán Linh đế đánh giá cao, nên từ đó xem Cái Huân như mối đe dọa.

Cái Huân sau đó tới nói chuyện với Lưu Ngu và Viên Thiệu. Ông ta bảo rằng: “Tôi diện kiến chúa thượng. Chúa thượng rất thông minh, chỉ là bị tả hữu che lấp thôi. Nếu chung sức tru diệt bọn nịnh thần, rồi sau triệu gọi và đề bạt người anh tuấn, làm hưng Hán thất, công thành thân thoái, há chẳng khoái trá sao!”. Viên Thiệu và Lưu Ngu vốn cũng có ý diệt hoạn quan, nên cùng âm mưu với Huân.

Viên Thiệu bàn diệt hoạn quan. Minh họa Tam Quốc Diễn Nghĩa năm 1591

Trong lúc còn đang trù tính thì Tư lệ Hiệu úy Trương Ôn đề cử Cái Huân làm Kinh Triệu doãn. Kinh Triệu doãn tức là quan trị nhậm địa phương ở tây kinh Trường An. Bọn hoạn quan Kiển Thạc vốn đang e dè Cái Huân, nên ra sức khuyên Hán Linh đế chấp nhận sự tiến cử này. Thế là Cái Huân đi sang Tây làm Kinh Triệu doãn. Sau đó, đến lượt Lưu Ngu đi ra U Châu để lo việc đánh dẹp cuộc phản loạn của Trương Thuần. Ở Lạc Dương chỉ còn lại Viên Thiệu.

Lúc ở Trường An, Cái Huân điều tra ra vụ hối lộ của Trường An lệnh Dương Đản. Cha Đản làm Trung thường thị. Vụ án gây chấn động thiên hạ. Cái Huân còn ngăn trở vụ Kiển Thạc muốn tiến cử Tiểu hoàng môn Cao Vọng làm Hiếu liêm. Nhưng lúc kế sách của Viên Thiệu phát động, Cái Huân lại không có vai trò gì. Người có tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy kế hoạch của Viên Thiệu hóa ra lại là Hán Linh đế. Vai trò của Hán đế là như thế nào? 

Chia sẻ câu chuyện này
Share