Người Trung Quốc rành thời Tam Quốc hơn mọi thời đại khác trong lịch sử của họ, cớ là vì sao?
Hồi đầu thế kỷ 20, sử gia Trung Quốc là Lã Tư Miễn (1884-1957) nói rằng:
“Tôi dạy môn lịch sử ở trường học đã nhiều năm. Khi trường học thi tuyển học sinh mới cũng như thi tốt nghiệp chung mấy năm lại đây đã được đọc không ít bài thi lịch sử. Có một số bài thi kết quả rất kém, đúng thực là “chẳng biết Hán Tổ, Đường Tông là hoàng đế triều đại nào. Thế nhưng, hỏi đến những chuyện thời Tam Quốc thì ít em bị sai sót quá tệ. Điều này rõ ràng chịu ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa không nghi ngờ gì nữa”.
Từ lời của ngài Lã Tư Miễn thì thấy, ngay cả đến người Trung Quốc cũng không hẳn đã hiểu biết hết lịch sử Trung Quốc. Giai đoạn lịch sử mà họ biết được chẳng qua cũng chỉ có một giai đoạn Tam Quốc mà thôi. Rốt cuộc là tại sao?
Ngài Lã Tư Miễn giải thích:
“Chưa hẳn là các bạn ấy ai nấy cũng đều tự đọc cả, nhưng những kiến thức ấy, đã phổ biến trong xã hội rồi, nên cơ hội nắm bắt của mọi người là rất nhiều, có sức mạnh hơn rất nhiều so với việc truyền thụ trong nhà trường và dùi mài trên bàn học. Điều ấy cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa xã hội với giáo dục đại chúng”.
Cái mà ngài Lã Tư Miễn nhắc đến chính là tác dụng của xã hội hóa giáo dục. Cái gọi là xã hội hóa giáo dục tức là trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thông của xã hội đều có mang tính giáo dục, đều có tác dụng cung cấp kiến thức, cung cấp thông tin.
Đến đầu thế kỷ 21, người Việt Nam mới bắt đầu nói tới xã hội hóa giáo dục. Nhưng cái xã hội hóa giáo dục này lại hàm ý xã hội phải nộp tiền cho nhà trường để nhà trường tự làm giáo dục. Giáo dục bỗng hóa thành một ngành mua bán dịch vụ có trả phí. Gánh nặng cung cấp kiến thức, đào tạo con người hoàn toàn đổ lên vai của nhà trường – những người đã nhận tiền của xã hội để làm giáo dục. Trên thực tế, việc đào tạo con người là nhiệm vụ của toàn xã hội. Xã hội tập trung vào cái gì thì sẽ đào tạo được con người thông thạo về mảng đó.
Lấy xã hội Trung Quốc vào thời ngài Lã Tư Miễn làm ví dụ. Xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ đã phổ biến nhiều kiến thức về thời kỳ Tam Quốc. Vì thế, người biết chuyện Tam Quốc sẽ nhiều hơn người biết chuyện Hán Tổ, Đường Tông. Đó cũng là một việc hết sức bình thường. Vậy tại sao lại là Tam Quốc mà không phải là một thời kỳ nào khác?
Một thời đại kỳ lạ
Trong lời tựa Tam quốc diễn nghĩa bản in thời Thanh, “Kim Thánh Thán” (1608-1661) có đặt giải thích vì sao Tam quốc diễn nghĩa lại hấp dẫn người đọc. Mặc dù đây không phải là lời của Kim Thánh Thán mà chỉ là bài tựa ngụy tạo của Mao Tôn Cương, nhưng những gì mà “ngụy” Kim Thánh Thán (Kim Thánh Thán giả) nói rất có lý. Ông nói:
“Từ Tần Chu về trước, Hán Đường về sau, có rất nhiều chuyện “diễn nghĩa” dựa vào sử mà viết, nào có khác gì Tam Quốc chí, mà sao lại khen Tam Quốc chí là kỳ?”
“Ngụy” Kim Thánh Thán nói rằng nguyên do là:
“Cục diện Tam Quốc đã là một cuộc tranh thiên hạ ly kỳ đệ nhất cổ kim, mà người diễn nghĩa Tam Quốc lại là tiểu thuyết gia có tay bút kỳ diệu đệ nhất kim cổ”.
Cục diện Tam Quốc có ba điểm ly kỳ: một là vận trời biến chuyển không lường trước được; hai là nhân tài xuất hiện trùng điệp để cầm giữ lẫn nhau; ba là thời gian chia cắt lâu dài, ba nhà khi lên cùng lên, khi mất cùng mất.
Vận trời biến chuyển không lường trước được
Vào lúc Đổng Trác chiếm quyền, bốn biển nổi dậy, ví thử Lưu Bị sớm gặp Khổng Minh, được đất Kinh Châu rồi kéo thẳng lên Hà Bắc, truyền hịch ra Hoài Nam, kế đó bình định Giang Đông, Tần Ung, thì đó rõ ràng là một cơ nghiệp trung hưng thứ hai của nhà Hán. Nhưng sự tình lại không như vậy. Lưu Bị phải chạy vạy khắp nơi, Hán Hiến đế thì rơi vào tay Tào Tháo. Đó là một lần vận trời biến chuyển không lường trước được.
Viên Thiệu thống nhất Hà Bắc, ngồi giữ bốn châu, binh lực hùng cường, cất chục vạn quân muốn đánh tới Hứa Đô để bắt sống Tào Tháo. Nếu làm được như vậy, thì thiên hạ rơi vào tay họ Viên là chuyện một sớm một chiều. Tào Tháo thế lực nhỏ yếu, cuối cùng có thể dùng kỳ mưu, đại thắng Quan Độ. Viên Thiệu nửa đường gãy gánh, các con nối nghiệp đấu đá nhau. Rốt cuộc bị Tào Tháo thâu tóm. Đó là hai lần vận trời biến chuyển không lường trước được.
Trong lúc Lưu Bị còn đang bôn tẩu, Tào Tháo đã thống nhất Trung Nguyên, Tôn Quyền ngồi giữ Giang Đông. Ví như Lưu Bị không gặp được Gia Cát Lượng, không có trận chiến Xích Bích, thì Lương Châu, Ích Châu cũng sẽ rơi vào tay Tào Tháo, mà Giang Đông cũng khó thành một nước độc lập, thiên hạ sẽ nhất thống dưới tay họ Tào. Thế mà cuối cùng Tào Tháo bại binh ở Xích Bích. Lưu Bị ngược lại “đông liên Ngô Việt, tây thu Ba Thục, cất quân bắc chinh, Hạ Hầu nộp đầu”. Kinh Châu, Ích Châu trở thành một thế lực mạnh. Thiên hạ chia chân vạc. Đó là ba lần vận trời biến chuyển không lường trước được.
Sau khi Lưu Bị có đất Hán Trung, thì Kinh Châu, Ích Châu liền thành một mối, thế lực tăng vọt. Quan Vũ tấn công Tương, Phàn, tiêu diệt bảy cánh quân Tào. Tào Tháo suýt phải dời đô. Nhưng rồi “Ngô trái lời thề, Quan Vũ thua chết, Tỷ Quy sơ sẩy, Tào Phi xưng đế”. Triển vọng trùng hưng Hán thất rơi vào ngõ cụt. Đó là bốn lần vận trời biến chuyển không lường trước được.
Nhân tài cầm giữ nhau, ba nước chung vận mệnh
Trong Hậu xuất sư biểu, chính bản thân Gia Cát Lượng cũng thừa nhận rằng những biến chuyển như vậy không phải là điều mà ông có thể thấy trước được. Lại nữa, trong cuộc nói chuyện ở Long Trung, Khổng Minh nói rằng Tào Tháo so với Viên Thiệu thì danh mọn mà người ít, nhưng rốt cuộc có thể biến yếu thành mạnh, thắng được Viên Thiệu; đó không phải chỉ do thiên thời, mà còn bởi mưu người. Lời bình luận của Gia Cát Lượng là hoàn toàn chính xác.
Thời kỳ Tam Quốc là giai đoạn nhân tài đầy rẫy, thậm chí có thể nói là “tinh anh tận xuất”. Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền đều có thể gọi là nhân kiệt. Mưu sĩ phe Tào nhiều như mây tụ. Hai phe Lưu, Tôn tuy không bằng được về lượng nhưng cũng chẳng hề kém cạnh về chất. Xét về võ tướng, Ngụy có ngũ lương tướng, Thục có ngũ hổ tướng, Ngô cũng có thập nhị hổ thần.
Tư Mã Ý thường được xem là kẻ chiến thắng cuối cùng. Nhưng Tư Mã Ý lại thua Gia Cát Lượng ở Kì Sơn; Gia Cát Lượng lại thua Trương Cáp ở Nhai Đình; Trương Cáp lại thua Trương Phi ở Ba Tây; Trương Phi lại thua Tào Hưu ở Vũ Đô; Tào Hưu lại thua Lục Tốn ở Thạch Đình. Có thể nói là nhân tài trùng điệp xuất hiện cầm giữ nhau.
Sự cầm giữ này tạo nên cục diện phân liệt lâu dài hết sức cân bằng. Đúng như “ngụy” Kim Thánh Thán nói:
“Từ xưa, cảnh chia cắt đất đai đã có, cảnh xưng Vương xưng Bá từng phương đã có: nào thiên hạ chia 12 nước, nào chia 7 nước, chia 16 nước, nào thời Nam Bắc triều, nào là Đông Tây Ngụy, nào Tiền Hậu Hán, nhưng thoảng được thoảng thua, hoặc còn hoặc mất, … nhà nào bền lắm thì được một đời, chóng thì không đầy một năm, dăm bảy tháng. Chứ chưa bao giờ có cái cảnh chia cắt suốt 60 năm, khi lên cùng lên, khi mất cùng mất như cục diện ly kỳ của ba nước Ngụy, Thục, Ngô vậy”.
Đứng ở góc độ người làm nội dung mà xét, thời Tam Quốc dung lượng vừa phải, thế lực cân bằng, nhân vật đặc sắc. Đó là ưu điểm để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn người đọc. Chia ba thiên hạ là vừa đẹp, chia đôi thiên hạ thì đơn điệu, chia nhiều quá thì lại rối rắm, khó theo dõi.
Có điều, những ưu điểm đó của giai đoạn Tam Quốc đều bắt nguồn từ thiên kiến kẻ sống sót. Thiên kiến kẻ sống sót khiến ta nhìn thấy những ưu điểm của kẻ thành công duy nhất, mà không thấy rằng những kẻ đã thất bại tiêu vong cũng sở hữu những ưu điểm giống y hệt. Rốt cuộc, chúng ta phải trở lại câu hỏi ban đầu. Thời Tam Quốc có điểm gì đặc sắc mà lại hấp dẫn người đời đến như vậy?