Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 21: Thắng lợi của kế hoạch “tất bại”

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 21: Thắng lợi của kế hoạch “tất bại”

Quyền lực hoạn quan được xây dựng suốt mấy trăm năm, từ thời Trịnh Chúng dưới quyền Hán Hòa đế cho tới thời Trương Nhượng, Triệu Trung dưới thời Hán Thiếu đế, cuối cùng cũng đã bị đánh đổ. Công lao to lớn nhất thuộc về Viên Thiệu. Nhưng đối với việc này, đương thời lại có nhiều ý kiến không tán thành Viên Thiệu. Là vì sao vậy? 

Người người phản đối

Ngay từ khi Hà Tiến điều động quân đội, đã có nhiều nhân sĩ lên tiếng phản đối kế hoạch của Viên Thiệu. Sử sách ghi lại có ít nhất bốn người đưa ra quan điểm không đồng thuận, bốn người đó gồm có Tào Tháo, Trần Lâm, Trịnh Thái và Lư Thực.

Tào Tháo và Trần Lâm can ngăn Hà Tiến. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605

Tào Tháo lúc này là Điển quân Hiệu úy. Tào Tháo cho rằng hoạn quan là một tồn tại khách quan không thể loại bỏ (kẻ hoạn giả làm quan, xưa nay đều có); vấn đề nằm ở chỗ hoàng đế đã cho họ quá nhiều quyền lực. Tào Tháo chủ trương chỉ loại bỏ những kẻ phạm pháp (nên giết kẻ thủ ác) và phải làm việc đó bằng biện pháp chính trị (một viên ngục lại là đủ rồi). Tào Tháo cho rằng không cần phải “rối rít triệu binh ở bên ngoài”. Nếu như muốn tiêu diệt hết hoạn quan thì “việc tất phát lộ”. Thất bại là điều chắc chắn.

Chủ bạ Trần Lâm cũng có suy nghĩ tương tự. Trần Lâm can ngăn Hà Tiến. Ông ta cho rằng hiện nay Hà Tiến đang nắm giữ quyền tối cao về chính trị (tổng lĩnh hoàng uy) và quân sự (nắm giữ binh quyền cốt yếu). Với thế lực như thế, Hà Tiến hoàn toàn có thể xử lý vấn đề một cách nhanh chóng. Nếu như còn triệu thêm binh lực từ bên ngoài, “đại binh tụ hội, kẻ cường mạnh sẽ xưng hùng”. Trần Lâm cho rằng đó là đưa cán gươm cho người khác nắm, “công tất chẳng thành, là việc làm rước loạn thôi”.

Trương Nhượng mưu sát Hà Tiến. Bản in Tam quốc dixễn nghĩa năm 1664

Cả Tào Tháo và Trần Lâm đều không hiểu rằng việc triệu quân từ bên ngoài hoàn toàn không phải để tăng cường binh lực cho Hà Tiến. Họ nói đúng. Xét về binh lực, Hà Tiến đã đủ mạnh. Nhưng ông ta không đủ quyết tâm tiêu diệt hoạn quan. Nguyên nhân thì đã nói ở trước, nhà họ Hà thu được rất nhiều lợi ích từ hoạn quan. Mâu thuẫn giữa họ Hà và hoạn quan xuất hiện chẳng qua là do Hán Linh đế gửi gắm lại cho Kiển Thạc. Bản thân nhiều thành viên khác của hoạn quan chẳng có thù hằn gì với họ Hà. Viên Thiệu cần phải triệu gọi những nhân vật khác có quyết tâm hơn, để thúc đẩy kế hoạch tiêu diệt hoạn quan, đồng thời cũng thúc đẩy mâu thuẫn giữa hoạn quan và ngoại thích họ Hà. Tào Tháo và Trần Lâm đều dự đoán sự thất bại của kế hoạch. Nhưng thực tế lịch sử đã trả lời ngược lại. Kế hoạch đã thành công mỹ mãn. 

Bốn ngày biến động

Mặc dù hoạn quan đánh úp, giết được Hà Tiến, nhưng Hà Tiến hoàn toàn không phải là người chủ mưu việc giết hoạn quan, mà chỉ là con rối bị Viên Thiệu giật dây. Cái chết của Hà Tiến không khiến âm mưu tan vỡ, mà còn thúc đẩy nó. Hoạn quan đã giúp Viên Thiệu nhổ bỏ nhân tố cản trở bao lâu nay – chính là Hà Tiến.

Ngay khi biết tin Hà Tiến bị giết, tướng bộ khúc của Tiến là Ngô Khuông và Trương Chương liền muốn kéo quân vào cung. Nhưng cửa cung đã bị đóng. Hổ Bôn trung lang tướng Viên Thuật điều quân tới hỗ trợ bọn Ngô Khuông. Quân đội hè nhau chém cánh cửa để tiến vào. Ở bên trong thì bọn Trung hoàng môn thuộc phe hoạn quan cũng cầm binh khí giữ cửa. 

Viên Thuật đốt cửa Thanh Tỏa. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo

Đến tối, Viên Thuật táo tợn sai đốt cửa Thanh Tỏa ở Nam cung, để ép người trong cung giao bọn hoạn quan Trương Nhượng ra. Bọn Trương Nhượng lại lấy cớ quân của Hà Tiến làm phản, ép Thái hậu, Hán Thiếu đế Lưu Biện và Trần Lưu vương Lưu Hiệp (tức Hán Hiến đế sau này) bỏ Nam cung chạy lên Bắc cung. Hai cung này đều ở trong thành, nối nhau bằng một đường phức đạo. Chạy tới phức đạo thì gặp Thượng thư Lư Thực – thầy của Lưu Bị – đang cầm cây mác. Lư Thực không ở trong phức đạo mà ở bên ngoài. Hà thái hậu liền nhân lúc hoạn quan sợ hãi, nhảy khỏi cửa sổ phức đạo xuống chỗ Lư Thực.

Việc mất đi Thái hậu khiến hoạn quan mất con bài chính trị có giá vào tay phe sĩ nhân. Sang hôm sau, Viên Thiệu cùng chú là Viên Ngỗi giả chiếu mệnh, gọi Phàn Lăng và Hứa Tương tới. Phàn Lăng được hoạn quan dự định bổ nhiệm thay Viên Thiệu làm Tư lệ Hiệu úy, còn Hứa Tương sẽ thay Vương Doãn làm Hà Nam doãn. Hai người Phàn, Hứa tới nơi, liền bị chém chết. Viên Thiệu liền cùng Xa kỵ tướng quân Hà Miêu tới đóng quân ở cửa Chu Tước, bắt hoạn quan Triệu Trung chém đi.

Kinh thành Lạc Dương thời Hán

Chuyện tiếp theo mới là kỳ lạ. Lúc này bộ tướng của Hà Tiến là Ngô Khuông lại tuyên bố Hà Miêu là kẻ thông đồng với hoạn quan giết Hà Tiến. Thế rồi Ngô Khuông cùng em trai Đổng Trác là Đổng Mân hùa nhau giết Hà Miêu. Sau đó, Viên Thiệu phong tỏa Bắc cung, rồi cầm quân đi bắt giết hoạn quan. 

Đến ngày thứ ba của cuộc binh biến, bọn hoạn quan Trương Nhượng và Đoàn Khuê đành phải dẫn Hán Thiếu đế và Trần Lưu vương chạy bộ theo cửa Cốc môn ở phía bắc để thoát ra khỏi cấm thành. Họ bị Thượng thư Lư Thực và Hà Nam trung bộ duyện Mẫn Cống truy đuổi. Bọn Trương Nhượng cùng đường, phải đâm đầu xuống sông Hoàng Hà tự sát. Mẫn Cống đón được Hán Thiếu đế và Trần Lưu vương, hộ tống hai người trở về kinh.

Đến ngày biến loạn thứ tư thì Đổng Trác đưa quân tới. Lúc tờ mờ sáng, Đổng Trác đã tới phía tây thành Lạc Dương. Nghe nói hoàng đế đã chạy lên phía bắc, Đổng Trác liền chuyển hướng. Ông ta đón được Hán Thiếu đế ở núi Bắc Mang, rồi hộ tống về kinh thành. Thế lực hoạn quan đã bị quét sạch.

Đổng Trác đón Hán Thiếu đế về kinh. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605

Với thắng lợi của cuộc binh biến, Viên Thiệu đã làm được một việc mà rất nhiều kẻ sĩ đã không làm được. Viên Thiệu đã đập tan hoàn toàn thế lực hoạn quan. Nếu biên soạn lịch sử triều Hán, thì truyện về Viên Thiệu đáng xếp chung hàng với Trần Bình, Chu Bột, hoặc chí ít cũng ở sau truyện của Trần Phồn, Đậu Vũ, Giả Bưu. Nhưng rốt cuộc Viên Thiệu không được khen ngợi, nhà Hán cũng chẳng thể hưng thịnh. Vì sao vậy? Đó là vì Viên Thiệu đã mời hổ vào kinh. Con hổ đó chính là Đổng Trác. Viên Thiệu có tính toán gì khi làm như vậy? Đổng Trác rốt cuộc là người thế nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share