Viên Thiệu diệt hoạn quan, đã kết thúc luôn cục diện tam phân chính trị triều Hán, nhưng đồng thời lại mở ra cục diện tam phân chính trị triều Hán! Câu chuyện “Tam quốc” từ đây mới chính thức bắt đầu. Nhìn kỹ sẽ thấy, thời Tam quốc tựa hồ mở ra nhờ Viên Thiệu.
"Tam phân" tan tành
Trong cách nhìn của hậu thế – mà tiêu biểu là La Quán Trung – quan điểm của Tào Tháo dường như là đúng đắn. Tào Tháo cho rằng hoạn quan là một lực lượng không thể xóa bỏ khỏi cung đình nhà Hán. Vì vậy, chỉ có thể loại bỏ mặt xấu, trừ đi những kẻ ác trong bộ phận hoạn quan. Tào Tháo nói như vậy là có cái lý của Tào Tháo, đồng thời cũng phục vụ cho nhóm lợi ích của Tào Tháo. Điều này rất dễ hiểu, vì gia đình Tào Tháo cũng thuộc thành phần của hoạn quan. Diệt sạch hoạn quan khác gì diệt sạch Tào Tháo. Sau này chúng ta sẽ bàn rõ.
Tào Tháo và Trần Lâm can ngăn Hà Tiến. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Viên Thiệu thì khác hẳn. Viên Thiệu xuất thân từ sĩ tộc. Thời Hán, sĩ tộc là lực lượng chủ yếu tham gia vào bộ máy chính trị. Sĩ tộc dựa vào danh vọng để tiến thân. Danh vọng đó có được nhờ xuất thân danh gia, nhờ học vấn phi thường, nhờ phẩm hạnh phi thường và hành vi phi thường. Một kẻ sĩ có thể không có tất cả, nhưng nhất định không được để một mặt nào đó trong bốn tiêu chí này bị hoen ố. Sự được thời đắc thế của hoạn quan lại khiến khía cạnh “phẩm hạnh” của kẻ sĩ bị hoen ố. Vì vậy, chiến đấu đến cùng với hoạn quan mà không thỏa hiệp mới là con đường phải đi của kẻ sĩ. Hoạn quan phải bị tiêu diệt hoàn toàn về mặt chính trị thì kẻ sĩ mới giành lại được phẩm hạnh cá nhân và quyền lực chính trị. Trong bối cảnh hoạn quan đã trở thành một tập hợp có địa vị chính trị, có lực lượng kinh tế và có quân đội ủng hộ, việc xử lý hoạn quan bằng “một viên ngục lại” – như quan điểm của Tào Tháo – là một cách nghĩ hết sức ngây thơ.
Điều đáng nói là cuộc binh biến này không chỉ tiêu diệt hoạn quan, mà còn đập tan luôn ngoại thích. Hà Tiến bị bọn Trương Nhượng giết thì cũng là việc bình thường. Nhưng Hà Miêu bị Ngô Khuông và Đổng Mân (em trai Đổng Trác) giết mới là việc đáng nói. Ngô Khuông đổ lỗi cho Hà Miêu câu kết hoạn quan. Điều này cũng có lý. Vì Hà Miêu từng nhận hối lộ của hoạn quan và bao che cho họ. Trong bối cảnh binh biến, quân sĩ cần phải một lòng. Nhưng cái chết của hai trưởng nam họ Hà (dù Hà Miêu có lẽ là họ Chu) đã khiến thế lực ngoại thích cũng bị xóa sổ. Quyền lực chính trị ở kinh đô lúc này đã rơi vào tay kẻ sĩ, mà cụ thể là họ Viên.
Hà Miêu. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Lúc này Viên Ngỗi làm Thái phó nắm quyền Lục thượng thư sự, Viên Thiệu làm Tư lệ Hiệu úy, Viên Thuật làm Hổ bôn Trung lang tướng. Nhà họ Viên chính là “nhà Tư Mã” cuối thời Đông Hán, đã gồm thâu cục diện Tam phân. Theo lý mà nói, tiếp sau đó sẽ là thời kỳ họ Viên thao túng triều chính Đông Hán. Nhưng sau đó cục diện lại nhanh chóng vuột khỏi tay họ Viên rồi rơi vào tay Đổng Trác một cách khó hiểu. Hơn nữa, cục diện đó không hẳn là do Đổng Trác giành lấy, mà là do họ Viên từ bỏ.
Hai sự khó hiểu
Để gây sức ép buộc ngoại thích họ Hà đối đầu với hoạn quan, Viên Thiệu đã kêu gọi viện binh từ bên ngoài. Nhưng người đời khi nói về chuyện tiêu diệt hoạn quan lại chỉ để ý đến việc kêu gọi Đổng Trác. Trên thực tế Đổng Trác chỉ là một trong số đó. Ngoài Đổng Trác ra còn có Đinh Nguyên từ Tinh Châu, Vương Khuông từ Hà Nội, Bào Tín từ Duyện Châu. Nhưng Vương Khuông đi nửa chừng nghe Hà Tiến chết đã không tiến lên nữa. Rốt cuộc chỉ có Đinh Nguyên và Bào Tín là tiếp tục tiến quân.
Đổng Trác đón Hán Thiếu đế. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Sở dĩ Đổng Trác nổi bật là vì ông ta có một lợi thế hơn người. Đổng Trác là lực lượng quân sự đầu tiên đón được Hán Thiếu đế Lưu Biện rồi đưa về thành. Nhưng lực lượng của Đổng Trác lúc này còn chưa đáng kể. Cửu châu xuân thu cho biết lúc Trác nhập kinh, quân bộ kỵ chẳng quá ba ngàn. Đổng Trác phải bày trò ban đêm cho quân lén rời thành, đến sáng lại dựng cờ gióng trống đi vào, rồi tuyên bố đó là viện binh mới tới, khiến người ta tưởng Đổng Trác có nhiều quân. Tất nhiên, trò vặt này chỉ lừa được quần chúng, chứ làm sao lừa nổi giới quyền chức.
Kỵ đô úy Bào Tín đã sớm khuyên Viên Thiệu tiêu diệt Đổng Trác. Bào Tín nhận xét rằng Đổng Trác “nắm quân mạnh, có chí khác”, nên “thừa lúc hắn mới đến mỏi mệt mà tập kích, có thể bắt được”. Nhưng Viên Thiệu “e ngại” Trác, “không dám phát động”.
Thái độ của Viên Thiệu đối với Đổng Trác khác hoàn toàn thái độ của chính ông với hoạn quan. Trái với thái độ thúc đẩy tích cực, Viên Thiệu hoàn toàn thụ động trước Đổng Trác. Viên Thiệu cũng không thể trở thành trung tâm ngưng tụ lực lượng, mà lại là Đổng Trác. Tàn quân của Hà Tiến, Chu Miêu đều quy phục dưới trướng Đổng Trác. Đổng Trác còn dụ được Lữ Bố, giết Đinh Nguyên rồi thu tóm luôn binh lực của Đinh Nguyên. Tất nhiên, bằng việc đón Hán Thiếu đế đưa về kinh, Đổng Trác có được cái mác “anh hùng cứu chúa”. Nhưng Viên Thiệu là Tư lệ Hiệu úy cầm đầu việc tiêu diệt hoạn quan, có chú làm Thái phó đang nắm quyền Lục thượng thư sự. Quyền lực chính trị và quân sự không thể nói là yếu. Thế mà họ Viên lại lựa chọn khuất mình hợp tác với Đổng Trác. Đó là điểm khó hiểu thứ nhất.
Lữ Bố giết Đinh Nguyên. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo
Đổng Trác có được sự hợp tác của họ Viên, binh lực cũng đã mạnh lên, liền bàn chuyện phế Hán Thiếu đế mà lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp (tức là Hán Hiến đế). Đổng Trác đem việc này nói với Viên Thiệu trước. Viên Thiệu không đồng ý với kế hoạch đó, nhưng lại không đương trường đối chọi với Đổng Trác ở kinh đô, mà lại bỏ chạy ra ngoài. Viên Thiệu chạy ra ngoài nhưng không về quê nhà ở Nhữ Nam, mà lại chạy đi Ký Châu. Sau khi Thiệu chạy đi Ký Châu thì liên quân Quan Đông đánh Đổng Trác xuất hiện. Liên quân Quan Đông xuất hiện thì triều Hán đại loạn, Tam quốc hình thành. Nói tóm lại, Viên Thiệu đã vứt bỏ lực lượng chính trị và quân sự ở trong tay để khuấy động lực lượng của toàn thiên hạ, hòng đối phó một tên Đổng Trác. Đó là điểm khó hiểu thứ hai.
Chúng ta phải tự hỏi rằng: Rốt cuộc Viên Thiệu đang toan tính những gì?