Nếu như thiên hạ nhà Hán thái bình, có lẽ Đổng Trác sẽ tiếp tục chiến đấu ở Tây Lương, để bảo vệ sự yên bình cho biên cương nhà Hán. Sau khi qua đời, tiểu sử của Đổng Trác sẽ được Phạm Diệp đưa vào trong Hậu Hán thư, tề danh với Trương Hoán – một danh tướng mà Đổng Trác hâm mộ. Nhưng ma xui quỷ khiến thế nào, Đổng Trác lại đi về Đông, tham gia cách mạng. Hành động đó cũng cách luôn sinh mạng chính trị cả đời của Đổng Trác. Tại sao ông ta lại bị cuốn vào vòng xoáy này?
Những phân tranh bí mật cuối thời Hán Linh đế
Trong hoạch định của Viên Thiệu, ông ta cần kêu gọi binh lực từ bên ngoài, đánh tiếng tiêu diệt hoạn quan. Hành động này là để gây sức ép, buộc Hà Tiến và ngoại thích họ Hà phải đoạn tuyệt với hoạn quan. Nhưng tại sao lại là Đổng Trác?
Sử liệu hiện nay không còn ghi lại được tường tận, nhưng có nhiều dấu chỉ giúp ta phán đoán tình hình lúc đó. Phần trước có nói, Hán Linh đế không ủng hộ việc lập Lưu Biện – con trai Hà hoàng hậu, mà muốn lập Lưu Hiệp. Hán Linh đế giao Lưu Hiệp cho gia đình của mẹ mình là Đổng thái hậu nuôi dưỡng. Từ đó hình thành nên xung đột giữa hai dòng ngoại thích họ Đổng và họ Hà. Cả hai họ này đều nắm binh quyền trong tay.
Năm 189, hoạn quan Kiển Thạc xui Hán Linh đế phái Đại tướng quân Hà Tiến dẫn quân về tây đánh phản quân của Hàn Toại. Hà Tiến lại kiến nghị xin sai Viên Thiệu đi mộ quân ở hai châu Thanh, Từ để kéo dài thời gian. Có lẽ chính vào lúc này mà phe Hà Tiến tìm cách bắt liên lạc với các lực lượng quân sự phía Tây, trong đó có Đổng Trác.
Hà Tiến mưu diệt hoạn quan. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591
Cũng vào khoảng thời gian này, triều đình Hán Linh đế tìm mọi cách tước binh quyền của Đổng Trác. Thoạt tiên Linh đế gọi Đổng Trác về làm Thiếu phủ, nhưng bị từ chối. Linh đế lại điều Đổng Trác đi làm Tinh Châu mục. Cả hai lần triều đình đều yêu cầu Đổng Trác giao quân dưới quyền cho Hoàng Phủ Tung, nhưng Đổng Trác đều từ chối khéo.
Lúc bấy giờ cháu họ của Hoàng Phủ Tung là Hoàng Phủ Lịch đã khuyên Tung trừ khử Đổng Trác. Không rõ lúc đó Hoàng Phủ Lịch có nhắm rượu cất với mơ xanh hay không, mà lại bảo rằng:
“Bản triều thất chánh, thiên hạ treo ngược. Kẻ có thể an định nghiêng nguy chỉ có đại nhân và Đổng Trác mà thôi”
Hoàng Phủ Lịch nói tiếp:
“Nay oán ghét đã kết, không thể cùng tồn tại. Trác nhận được chiếu bắt giao quân, mà dâng thư tự xin xỏ. Đó là nghịch mệnh. Lại lấy cớ kinh sư mê loạn, trù trừ không tiến. Đó là ôm lòng gian vậy. Vả hắn hung ác không có tình thân, tướng sĩ không theo. Đại nhân nay làm nguyên soái, cậy oai nước để đánh dẹp, trên tỏ trung nghĩa, dưới trừ hung hại. Đó là việc làm của Hoàn, Văn vậy”.
Tạo hình Hoàng Phủ Lịch (giữa) trong bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
Lời Hoàng Phủ Lịch có hai chỗ khó hiểu. Thứ nhất, Đổng Trác không nghe lệnh vua ngay mà còn tranh biện, đó là chuyện của ông ta. Can chi Hoàng Phủ Tung phải nhảy vào đánh giết? Thứ hai, tại sao tiêu diệt Đổng Trác lại sánh với việc làm của Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công?
Chúng ta đều biết Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công là bá chủ chư hầu thời Xuân Thu. Giết một Đổng Trác lại có tác dụng to lớn đến vậy. Rốt cuộc là vì sao? Bây giờ chỉ có thể đoán, việc làm đó có liên hệ đến câu chuyện lập người kế nghiệp nhà Hán. Nó phần nào cho thấy Đổng Trác khi đó dường như đã có dấu hiệu theo phe Hà Tiến.
Mối quan hệ giữa Đổng Trác, Hà Tiến đã được thiết lập như thế nào? Cụ thể là từ bao giờ? Chúng ta không có sử liệu ghi chép lại. Nhưng bản thân Đổng Trác không phải tới lúc được triệu về diệt hoạn quan mới hợp tác với Hà Tiến. Bằng chứng là khi Đổng Trác còn chưa đến nơi thì em trai Trác là Đổng Mân đã ở trong số thủ hạ của Hà Tiến đánh hoạn quan. Sau khi dâng biểu từ chối làm Tinh Châu mục, Đổng Trác liền “đóng quân ở Hà Đông, để xem thời cuộc biến đổi”. Hành động này cho thấy Đổng Trác biết ở kinh sư đang có vấn đề lục đục nội bộ, và đã sẵn sàng hành động từ khi Hán Linh đế ốm nặng.
Đổng Trác đông tiến
Hoàng Phủ Tung không đồng ý tiêu diệt Đổng Trác, mà chọn phương pháp tố cáo. Hoàng Phủ Tung cho rằng: “Tự đưa ra mệnh lệnh là có tội, nhưng tự tiện giết chóc cũng bị trách phạt. Chi bằng tâu rõ việc này, để triều đình xử trí”. Kết quả Hán Linh đế nhượng bộ Đổng Trác. Kỳ thực thì lúc đó Linh đế lo mạng mình còn chưa xong. Không lâu sau thì ông băng hà.
Thường thị xin Hà thái hậu bảo toàn cho mình. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1664
Đổng Trác là một trong ba thế lực được Viên Thiệu chọn gọi về kinh để uy hiếp họ Hà. Trong số các thế lực đó, cũng chỉ có Đổng Trác hành động có hiệu quả nhất. Khi đưa quân về phía đông, Đổng Trác dâng thư chỉ trích bọn hoạn quan Trương Nhượng “khinh mạn lẽ trời, thao túng vương mệnh; cha con anh em đều chiếm cứ châu quận, một lá thư rời cửa, liền thu được ngàn vàng, mấy trăm vạn mẫu ruộng tốt ở các quận kinh kỳ đều thuộc về bọn Nhượng”. Ngược lại, tướng sĩ của Đổng Trác bị phái đi đánh Thiền vu Ư Phù La thì “thiếu đói, không chịu vượt sông; thảy đều nói muốn tới kinh sư, trước tiên diệt yêm hoạn để trừ hại cho dân, tới đài gác để cầu xin quân phí”.
Đổng Trác tiến quân tới Thằng Trì thì Hà Tiến đổi ý, sai Gián nghị Đại phu Chủng Thiệu đi tuyên chiếu ngăn Đổng Trác. Đổng Trác không nhận chiếu, lại tiến quân tới Hà Nam. Lúc bấy giờ Chủng Thiệu ra đón, lại nói rõ lệnh lui quân. Đổng Trác nghi ngờ có biến, nên dùng quân lính để ép Thiệu. Chủng Thiệu dùng danh nghĩa chiếu chỉ hô lớn nạt nộ. Quân sĩ mất vía, kéo nhau tới gặp Đổng Trác để nói chuyện. Đổng Trác đuối lý, bèn quay về đình Tịch Dương ở phía tây thành Hà Nam.
Minh họa Đổng Trác trong bản in Tam quốc diễn nghĩa do Mao Tôn Cương bình điểm
Sự việc này khiến Đổng Trác lỡ mất những sự kiện chính trong vụ diệt hoạn quan. Lúc Đổng Trác tiếp tục tiến quân, tới gần Lạc Dương đã nhìn thấy ánh lửa bốc lên, nên giục tiến quân. Trời còn chưa sáng, Đổng Trác đã tới phía tây kinh thành. Lúc này nghe tin Hán Thiếu đế Lưu Biện đã chạy ra Bắc Mang, Đổng Trác liền dẫn quân bộ kỵ của mình đi đón.
Khi quân đội của Đổng Trác tới nơi, các công khanh cùng đi đón vua liền truyền lệnh rằng: “Có chiếu lui quân”. Nếu Đổng Trác nghe theo lời chiếu đó, số phận của ông ta có lẽ cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng Đổng Trác lúc này lại phạm một sai lầm không thể sửa chữa. Rốt cuộc đó là sai lầm gì?