Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 26: Bản án chế độ nhà Đông Hán

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 26: Bản án chế độ nhà Đông Hán

Khi Đổng Trác dẫn quân tới Lạc Dương, hoạn quan đã bị đánh bại. Người ra chỉ thị cho Đổng Trác là Hà Tiến cũng đã chết. Lúc ông ta kéo quân tới Bắc Mang, công khanh nhà Hán lấy danh nghĩa Hán đế ra lệnh bãi binh. Đổng Trác có thể hành xử như Tuxedo Mặt Nạ, tuyên bố nhiệm vụ của mình đã xong, rồi rút lui. Nhưng Đổng Trác lại không chấp nhận, vì sao vậy?

Đối thoại Bắc Mang

Đối thoại ở Long Trung giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng là cuộc nói chuyện nổi tiếng nhất trong số các cố sự Tam Quốc. Trong cuộc nói chuyện đó, Lưu Bị bày tỏ chí hướng của mình, đồng thời đặt vấn đề tìm cách để thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Gia Cát Lượng đã đề ra chiến lược hành động, còn gọi là Long Trung sách. Cuộc nói chuyện đó được gọi là Long Trung đối. Muốn hiểu được động cơ hành động của tập đoàn Lưu Bị, ta phải nắm được nội dung của Long Trung đối. Tương tự, tại Bắc Mang, Đổng Trác cũng có một cuộc đối thoại mang tính chất giống hệt. Nó chính là tuyên ngôn chính trị chỉ đạo toàn bộ hành động của Đổng Trác trong những năm cuối đời.

Hán Thiếu đế và Trần Lưu vương chạy đến trang Thôi Liệt. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo

Cuộc đối thoại Bắc Mang được ghi chép trong nhiều tư liệu lịch sử khác nhau. Điển lược của sử gia Ngư Hoạn cuối thời Tào Ngụy cho biết: Lúc quân Đổng Trác tới, Hán Thiếu đế sợ hãi khóc lóc. Các quan Tam công bèn bảo Trác: “Có chiếu lui quân”. Đổng Trác đáp trả ngay: “[Tam] công các ông là đại thần của quốc gia, không thể giúp đỡ vương thất, đến nỗi khiến cho nước nhà chao đảo, còn nói “lui quân” gì nữa?”. Theo lời của Vương Xán – một thuộc quan của Tào Tháo sau này viết trong Anh hùng ký – khi đó Thái úy cũ là Thôi Liệt dẫn đầu đoàn người. Thôi Liệt nạt Trác tránh ra. Đổng Trác liền mắng Thôi Liệt: “Ngày đêm đi ba trăm dặm tới đây, sao lại bảo tránh? Ta không thể chém đầu khanh ư?”.

Đổng Trác mắng Thôi Liệt, mắng cả các công khanh. Đó là một hành động mang tính biểu tượng sâu sắc. Thôi Liệt người An Bình quận Trác, lúc trẻ có danh tiếng tốt, làm tới chức Đình úy. Nhưng dưới thời Hán Linh đế, nhà vua cùng bọn thuộc hạ làm chuyện mua bán quan chức. Thôi Liệt cũng thông qua bảo mẫu của Linh đế là Trình phu nhân, bỏ ra năm vạn tiền mua chức Tư đồ. Về sau Hán Linh đế nói đùa là bán chức cho Thôi Liệt rẻ quá, đáng ra phải bán một vạn tiền. Danh tiếng của Thôi Liệt từ đó bị suy giảm. Chính con trai Liệt là Thôi Quân cũng nói thẳng vào mặt ông ta: “Người ta bàn luận, hiềm rằng ngài hôi mùi đồng quá”. “Chính trường tanh tưởi hơi đồng” chính là lấy điển tích từ Thôi Liệt. Đổng Trác mắng Thôi Liệt, kể tội công khanh, cũng chính là chỉ trích nền chính trị thối nát cuối thời Đông Hán.

Đổng Trác đón Hán Thiếu đế và Trần Lưu vương. Bản in Tam quốc chí truyện thời Vạn Lịch

Không dừng lại ở đó, Đổng Trác còn vạch tội cả hoàng đế. Mắng Thôi Liệt xong, Đổng Trác tiến tới chỗ Hán Thiếu đế, rồi nói: “Bệ hạ sai bọn Thường thị, Tiểu hoàng môn gây loạn đến thế này, mới chuốc họa bại. Trách nhiệm không nhỏ đâu!”. Linh đế kỷ của người đương thời là Tông chính Lưu Ngải cho biết: Hán Thiếu đế nói chuyện với Đổng Trác, nhưng “không nói nên lời”. Đổng Trác bèn quay sang nói chuyện với em trai vua là Trần Lưu vương Lưu Hiệp (tức là Hán Hiến đế sau này). Đổng Trác “hỏi họa loạn do đâu mà khởi lên; vương đáp, từ đầu tới cuối, không chút sai sót. Trác cả mừng”.

Cuộc đối thoại Bắc Mang là cơ hội để Đổng Trác chỉ ra lỗi lầm của vua quan triều đình Đông Hán. Đổng Trác nói thẳng bọn họ chính là đầu mối gây ra loạn lạc. Đổng Trác không thể giao lại chính sự cho những người này mà lui về Lương Châu được. Sử gia thời Dân Quốc là Lã Tư Miễn có nhận xét: Lúc này nhà Hán “giống như vừa qua một cuộc phẫu thuật ung nhọt”, “chính là một cơ hội tốt để mưu tính nền thịnh trị”. Đó là cơ hội mà Đổng Trác không muốn để lỡ.

Đổng Trác lên triều

Đổng Trác cùng công khanh đón Hán Thiếu đế trở về Lạc Dương. Để đánh dấu một giai đoạn mới, triều đình cho đổi niên hiệu từ Quang Hi thành Chiêu Ninh – hàm ý tỏ rõ sự yên ổn. Nhưng thực ra tình hình chính trị vẫn biến động liên tục. Người cầm đầu phái chống hoạn quan là Hà Tiến đã chết. Em trai ông ta là Chu Miêu cũng bị giết. Lực lượng quân sự dưới trướng hai người này như rắn mất đầu. Các lực lượng quân sự do Hà Tiến gọi vào cũng bắt đầu đấu đá lẫn nhau. 

Trong tình cảnh như vậy, kẻ giật dây vụ diệt hoạn quan là Viên Thiệu đột nhiên lại từ chối hành động. Thủ hạ của Hà Tiến là Kỵ đô úy Bào Tín đem quân mới mộ ở Thái Sơn về kinh, liền xui Viên Thiệu: “Trác ôm binh mạnh, có chí khác, không sớm mưu đồ, thì sẽ bị hắn chế ngự. Nhân lúc hắn ta mới đến còn mệt mỏi, tập kích là có thể bắt được”. Nhưng Viên Thiệu lại không có hành động gì. Bào Tín đành bỏ về Thái Sơn. Kết quả là Đổng Trác trở thành nơi ngưng tụ lực lượng tàn quân của họ Hà. Những đội quân này mất người chỉ huy. Họ đều tới nương nhờ Đổng Trác. 

Lữ Bố giết Đinh Nguyên. Minh họa Tam quốc diễn nghĩa hệ bản Mao Tôn Cương, do Đại Khôi đường tàng bản

Kẻ cạnh tranh với Đổng Trác là Chấp kim ngô Đinh Nguyên cũng nhanh chóng bị loại bỏ. Lúc biến loạn xảy ra, Đinh Nguyên đóng quân ở quận Hà Nội, phía Bắc Hoàng Hà. Đinh Nguyên có công cứu họ Hà, nên được phong Chấp kim ngô. Đổng Trác mua chuộc thân tín của Đinh Nguyên là Chủ bạ Lữ Bố. Bố bèn giết Đinh Nguyên, đem đầu ông ta sang gặp Đổng Trác. Thế là số quân dưới quyền Đinh Nguyên cũng rơi vào tay Đổng Trác.

Diệt Đinh Nguyên xong, “binh quyền tại kinh đô đều nằm ở chỗ Trác”. Đổng Trác liền chuyển sang xây dựng địa vị trong triều đình. Đổng Trác tìm cách bãi chức Tư không của Lưu Hoằng, để bản thân mình làm Tư không. Bấy giờ, Đổng Trác còn đóng ở vườn Hiển Dương, phía Tây thành Lạc Dương. 

Nhân vật Lưu Hoằng trong thời đại nhiễu nhương đó lại không để lại mấy dấu ấn. Hán quan nghi chỉ ghi Lưu Hoằng tự Tử Cao, người huyện An Chúng quận Nam Dương thuộc Kinh Châu. Phạm Diệp cho biết Lưu Hoằng làm Quang Lộc Huân vào mấy năm cuối đời Hán Linh đế, rồi thăng Tư không. Vào thời đại Tam công phải mua mới có mà Lưu Hoằng lên được chức ấy cũng không đơn giản.

Ngụy thư của Vương Thẩm thời Ngụy cho biết bấy giờ vì đã lâu mà trời không mưa, nên Lưu Hoằng bị bãi chức. Nhưng Hậu Hán kỷ của Viên Hoành thời Đông Tấn lại bảo là vì trời mưa suốt từ tháng sáu đến tháng chín mới dứt, nên Lưu Hoằng bị bãi chức. Dù sao đi nữa thì đó cũng chỉ là cái cớ. Lưu Hoằng là Tư không, chẳng phải là Kinh Hà long vương. Sao lại lấy chuyện trời mưa hay không để trách phạt ông ta? Chẳng qua Đổng Trác muốn vào thay chức, nên tìm cái cớ nhẹ nhàng để Lưu Hoằng hạ cánh. Từ đó Lưu Hoằng biến mất khỏi lịch sử.

Sau sự phong chức này, Đổng Trác bắt đầu thực hiện những vận động chính trị lớn lao. Nhưng cũng từ đây, ông ta lại phạm phải nhiều sai lầm. Trong số những sai lầm đó, có hai sai lầm nặng nề nhất. Một là, Đổng Trác đã phế bỏ một hôn quân để lập một minh quân. Hai là, Đổng Trác không trọng dụng vây cánh của mình mà lại tin dùng hiền sĩ. Điều này cuối cùng khiến cho Đổng Trác hỏng việc, nát thân, trở thành kẻ độc ác nhất “từ khi có sử đến nay”. Sao lại kỳ lạ như thế?

Chia sẻ câu chuyện này
Share