Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 27: Đổng Trác phế Hán Thiếu đế

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 27: Đổng Trác phế Hán Thiếu đế

Sau khi tập trung binh quyền trong tay, Đổng Trác bắt đầu có những bước đi táo bạo. Bước đi lớn thứ nhất chính là phế bỏ hoàng đế đương nhiệm là Thiếu đế Lưu Biện, lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp. Tiến trình này đã diễn ra như thế nào?

Đổng - Viên đối thoại

Sau khi lên chức Tư không, việc đầu tiên mà Đổng Trác làm chính là phế bỏ Hán Thiếu đế Lưu Biện. Đổng Trác đã không ưng Thiếu đế từ lần gặp đầu tiên. Đường đường là thiên tử, mà gặp quân lính kéo đến lại khóc lóc, nói chuyện với đại thần thì ấp úng, nói chẳng nên lời. Ngược lại, Trần Lưu vương Lưu Hiệp lại hết sức sáng dạ. Khi Đổng Trác hỏi “họa loạn do đâu mà nổi lên”, Trần Lưu vương trả lời, “từ đầu chí cuối, không có sai sót”. Đổng Trác “cả mừng, bèn có ý phế lập”.

Muốn làm được việc phế lập, Đổng Trác còn cần sự ủng hộ của họ Viên. Cụ thể, vào ngày Quý Dậu của tháng Chín, Đổng Trác nói chuyện với Tư lệ Hiệu úy Viên Thiệu. Cuộc nói chuyện giữa hai người được chép chi tiết trong nhiều thư tịch khác nhau. Nhưng lời nói cụ thể của Đổng Trác, phản ứng cụ thể của Viên Thiệu thì mỗi chỗ lại có xê xích một chút. 

Đại khái Đổng Trác cho rằng chọn người làm chủ thiên hạ thì nên chọn người hiền minh (theo Hậu Hán kỷ của Viên Hoành, Hậu Hán thư của Phạm Diệp), hoàng đế hiện tại nhỏ tuổi và tối tăm, Trần Lưu vương hơn hẳn, nên lập làm vua (theo Hiến Đế xuân thu của Viên Vĩ thời Tấn). Ngoài ra, Đổng Trác còn cảm thán về Hán Linh đế, “mỗi lần nhớ tới Linh đế, thật khiến người ta phẫn hận” (Hậu Hán kỷ, Hậu Hán thư). 

Một số tài liệu còn nhận rằng Đổng Trác cũng có tỏ ra lo ngại về tương lai. Như Viên Vĩ viết trong Hiến đế xuân thu. Đổng Trác nói với Viên Thiệu: 

Con người có khi lúc bé thì trí, lớn lên lại ngu, cũng làm sao mà biết được, vả biết phải làm sao? Khanh chẳng thấy Linh đế sao? Nhớ lại chuyện đó khiến người ta phẫn hận”.

Đổng Trác bàn lập Trần Lưu vương. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591

Cũng theo Viên Vĩ, khi biết ý định của Đổng Trác, Viên Thiệu đã đáp rằng: 

“Nhà Hán làm vua thiên hạ đã bốn trăm năm, ơn trạch thấm sâu, triệu dân đội ơn đã lâu lắm rồi. Nay hoàng đế tuy nhỏ dại, nhưng chưa có điều bất thiện nào đáng nói với thiên hạ. Ông muốn phế đích lập thứ, sợ mọi người sẽ không theo lời bàn của ông”. 

Đổng Trác nóng nảy đáp lại: 

Nhóc con! Việc thiên hạ há chẳng do ta quyết? Nay ta làm đây. Ai dám không theo? Ngươi nghĩ đao của Đổng Trác không sắc bén chăng?”. 

Phản ứng của Viên Thiệu mới là điều đáng nói. Hiến đế xuân thu của Viên Vĩ, Hậu Hán kỷ của Viên Hoành đều nói Viên Thiệu đáp lại rất thẳng thắn: 

Kẻ mạnh trong thiên hạ há chỉ có Đổng công?

Nói rồi cầm ngang thanh đao, vái dài bước thẳng ra ngoài. Nhưng Trần Thọ lại bảo rằng Viên Thiệu chẳng những không phản đối, mà còn giả vờ đồng ý. Thiệu nói: 

Đây là việc lớn. Sau khi ra ngoài sẽ bàn với Thái phó

Thái phó nói đây chính là Viên Ngỗi – chú của Viên Thiệu. Đổng Trác còn nói thêm: “Lưu thị chủng bất túc phục di”. Viên Thiệu không trả lời, cầm ngang thanh đao, vái dài rồi bỏ đi.

Sái Ung khuyên Đổng Trác đừng giết Viên Thiệu. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1601

Viên Thiệu rốt cuộc là thẳng thừng chống cự Đổng Trác, hay là giả vờ đồng ý để chuồn đi? Có thể là cả hai. Ban đầu Thiệu chống cự, sau đó giả vờ đồng ý để thoát khỏi đó. Thiệu ra khỏi cửa, bèn treo cờ tiết của mình ở cửa Thượng Đông, rồi trốn đi Ký Châu. 

Bạn bè đồng chí của Viên Thiệu còn ở lại kinh đô bèn nói giúp Thiệu. Đổng Trác tin lời họ, chẳng những không làm gì Thiệu, còn phong Thiệu làm Thái thú Bột Hải, phong tước Kháng hương hầu. Nguyên nhân chủ yếu là vì Đổng Trác cần sự ủng hộ của họ Viên. Hậu Hán kỷ cho biết: 

Đổng Trác đem việc bàn phế đế báo cho Thái phó Viên Ngỗi. Viên Ngỗi báo lại là đồng ý. Đổng Trác liền tiến hành“.

Phế hôn quân, lập minh quân

Đổng Trác hành động rất nhanh chóng. Có sách viết là ngay ngày Quý Dậu, có sách nói sang hôm sau là ngày Giáp Tuất, Đổng Trác đại hội công khanh, bàn chuyện phế lập. Ông ta nói: 

Lớn nhất là trời đất, kế đến là vua tôi, phải dựa vào đó mà làm chính trị. Nay hoàng đế tối tăm, nhu nhược, không thể thờ phụng tông miếu, làm chủ thiên hạ, muốn làm theo cố sự của Y Doãn, Hoắc Quang, lập Trần Lưu vương. Các người thấy thế nào?

Đổng Trác còn nói lớn: 

Xưa Hoắc Quang định kế sách, Diên Niên chống kiếm. Có ai dám cản trở lời bàn thì đều xử theo quân pháp!”.

Đổng Trác bàn lập Trần Lưu vương. Bản in Tam quốc diễn nghĩa hệ bản Mao Tôn Cương, Đại Khôi đường tàng bản

Đổng Trác muốn dựa vào điển tích Y Doãn phế Thái Giáp, Hoắc Quang phế Xương Ấp để làm ví dụ chính trị. Rốt cuộc chỉ có một người phản đối công khai. Đó là Thượng thư Lư Thực – thầy của Lưu Bị. Lư Thực nói: 

Xét sách Thượng thư, Thái Giáp đã thành nhân nhưng không sáng suốt, Y Doãn đuổi ra Đồng Cung. Xương Ấp vương được lập hai mươi bảy ngày, làm hơn một ngàn tội, vì thế Hoắc Quang phế đi. Nay kim thượng tuổi tác còn trẻ, hành động chưa có sai sót, không thể so bì với việc trước”. 

Đổng Trác nổi giận, định giết Lư Thực. Nhưng Thị trung Sái Ung, Nghị lang Bành Bá khuyên can. Bành Bá nói: 

Lư thượng thư là đại nho trong hải nội, được thiên hạ trọng vọng. Nay nếu hại ông ta trước, sợ thiên hạ chấn động”.

Đổng Trác liền thôi, chỉ bãi chức Lư Thực. 

Đổng Trác phế Thiếu đế, lập Trần Lưu vương. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1601

Ngày Giáp Tuất, Đổng Trác hội quần thần ở tiền điện Gia Đức, tiến hành phế Hà thái hậu và Hán Thiếu đế. Ông ta nhắc lại chuyện Hà thái hậu hại chết mẹ chồng là Đổng thái hậu, để kéo Hà thái hậu xuống. Đổng Trác tuyên bố: 

Thái hậu bức bách Vĩnh Lạc thái hậu, khiến bà lo lắng mà chết, làm trái lễ con dâu, không có tiết hiếu thuận; thiên tử nhỏ tuổi, không có tư chất làm vua. Xưa Y Doãn đuổi Thái Giáp, Hoắc Quang phế Xương Ấp, việc ghi vào sử sách, lời bàn cho là tốt đẹp. Nay Thái hậu nên như Thái Giáp, hoàng đế nên như Xương Ấp. Trần Lưu vương nhân hiếu, nên nối ngôi hoàng đế”.

Kết cục không chỉ có Hán Thiếu đế bị phế làm Hoằng Nông vương, mà Hà thái hậu cũng bị đuổi ra cung Vĩnh An. Hai hôm sau, Đổng Trác sai dâng rượu độc cho Hà thái hậu. Thế lực họ Hà kết thúc.

Ngài Lã Tư Miễn, ngài Lê Đông Phương đều cho rằng Đổng Trác “bị thịt”, “ngu xuẩn”, không biết lợi dụng hôn quân, mà lại đi lập minh quân. Hành động của Đổng Trác quả thực khó hiểu. Xưa nay chỉ có gian thần lập vua ngu tối, chứ làm gì có gian thần nào lại muốn nghênh đón minh quân! Rốt cuộc Đổng Trác đang mưu tính điều gì?

Chia sẻ câu chuyện này
Share