Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 28: Gian thần Đổng Trác thích minh quân

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 28: Gian thần Đổng Trác thích minh quân

Sử sách thường mô tả Đổng Trác như một gian thần độc ác, thậm chí còn có ý muốn cướp ngôi nhà Hán. Nhưng điều đặc biệt là, khác với những gian thần khác, gã gian thần này lại không vừa mắt một hôn quân, mà lại hứng thú với minh quân. Rốt cuộc là nghĩa làm sao?

Lập minh quân là "ngu xuẩn"

Về vấn đề này, sử gia thời Dân Quốc là Lã Tư Miễn có bình luận hết sức đáng chú ý. Ông nói vào thời phong kiến, việc phế lập là việc “dễ bị người ta công kích vô cùng”. Đến như bề tôi công chính trung thành, gặp hoàng đế không tốt, nhưng cũng “không dám khinh dị mà phế lập”. Còn hạng gian hùng muốn chuyên quyền hoặc thậm chí soán ngôi, thì “cũng lấy làm lợi về nỗi vua chúa vô dụng, hà tất phải phế tối lập sáng làm gì?”. Nếu muốn làm thì cũng phải đợi diệt hết kẻ đối lập, chứ có đâu vừa vào đã nhảy ra làm chuyện khó khăn đó trước! Lã Tư Miễn kết luận rằng Đổng Trác chỉ là đồ bị thịt.

Lã Tư Miễn (1884-1957, trái) và nhà giáo dục Mạnh Hiến Thừa

Sử gia Lê Đông Phương cũng tán thành quan điểm của Lã Tư Miễn. Ông chê Đổng Trác là kẻ “ngu xuẩn”. Lê Đông Phương lập luận rằng: “Một Thiếu đế hồ đồ thì dễ chế ngự hơn một Trần Lưu vương thông minh”. Lê Đông Phương cũng cho rằng Đổng Trác nên củng cố quyền lực trước, rồi làm việc phế lập sau.

Thật vậy, đối với sĩ phu phong kiến thời đó, chỉ cần kẻ làm vua không phải quá tệ, thì cũng chẳng cần phải tuyển chọn minh quân làm gì. Như “đại nho” Lư Thực quan niệm, muốn phế bỏ vua thì vua đó phải như Thái Giáp, trong 27 ngày phải làm được hơn 1000 tội. Vị chi mỗi ngày phải thực hiện được hơn 30 tội ác, mỗi giờ phải làm ra hơn 1 tội ác! Đó tất nhiên là con số không tưởng, dù là Kiệt, Trụ cũng khó mà đáp ứng nổi một KPI khắc nghiệt như thế. 

Trong góc nhìn của những người phản đối đương thời và người bình luận đời sau, vào thời điểm đó, phế vua không phải nhu cầu bức thiết, chẳng những thế còn có hại cho Đổng Trác. Đổng Trác làm việc không bức thiết, mà lại có hại cho mình để làm gì kia chứ? 

Đổng Trác lập Hán Hiến đế. Bản in Tam quốc diễn nghĩa khoảng năm 1664

Lã Tư Miễn, Lê Đông Phương suy nghĩ rất đúng. Nhưng cả hai không biết rằng Đổng Trác đã làm đúng như lời họ nói. Đổng Trác đã củng cố quyền lực trước. Ít ra thì Đổng Trác đã nắm trọn binh quyền trong kinh thành, quét sạch các đối thủ có nắm quân lực có thể đương đầu với mình, rồi mới đặt ra vấn đề phế lập. Từ lúc Đổng Trác đặt ra vấn đề cho đến khi thực hiện thành công chỉ mất… hai ngày. 

Cải cách phải đi từ gốc rễ

Sử gia Dịch Trung Thiên lại cho rằng Đổng Trác làm vậy là có lợi. Thứ nhất, là tăng thêm uy thế. Đổng Trác muốn gửi thông điệp rằng hoàng đế tối thượng là vậy mà mình cũng có thể tùy tiện phế bỏ, huống hồ công khanh các ngươi. Thứ hai, Hán Thiếu đế có mẹ là Hà thái hậu, còn Trần Lưu vương là trẻ mồ côi. Cho nên bỏ Hán Thiếu đế có thể đồng thời phế Hà thái hậu. Đổng Trác sẽ bớt đi mối lo Thái hậu can chính. Nói như vậy còn có chút lý lẽ. 

Dịch Trung Thiên (sinh năm 1947)

Vấn đề nằm ở chỗ, những phân tích đó chỉ là góc nhìn cá nhân của người bình luận đời sau. Đổng Trác không hề phát biểu như vậy. Ngược lại, từ lúc kéo quân về kinh cho đến khi phế lập, Đổng Trác đã có những phát biểu rõ ràng và hết sức nhất quán, nhưng không ai thèm đếm xỉa; mà có đếm xỉa thì cũng không tin đó là lời thực lòng. Đổng Trác muốn tiêu diệt hoạn quan để nắn sửa triều chính. Vào lúc gặp gỡ ở Bắc Mang, Đổng Trác đã nói thẳng với Hán Thiếu đế: việc tin dùng hoạn quan rồi dẫn tới tai họa ngày nay là trách nhiệm của hoàng đế. Bản thân Hán Thiếu đế cũng tỏ rõ sự mù mờ của mình đối với hiện thực chính trị đương thời. Ngược lại, Trần Lưu vương mới chín tuổi đã có thể nhận thức rõ ràng nguồn gốc của họa loạn, “từ đầu tới cuối không hề sai sót”. Đổng Trác rất mừng vì đã tìm được một người tông thất hiểu được điều đó. Ý tưởng phế lập đã nảy sinh ngay từ lúc ấy.

Tào Tháo từng nói hoàng môn, thường thị là một tầng lớp không thể không có. Vấn đề nằm ở chỗ người làm vua đã cho bọn người này quá nhiều quyền lực. Nhận định như vậy là đúng. Tiêu diệt một nhóm hoạn quan này thì sẽ lại mọc ra một nhóm hoạn quan khác. Bản thân Đổng Trác sau khi giết Hà thái hậu cũng phải bổ nhiệm một loạt người mới “để cho đủ hoạn quan quản lãnh các thự, coi sóc trên điện”. Cái họa hoạn quan không nằm ở bản thân hoạn quan, mà nằm ở chỗ kẻ làm vua muốn tin dùng hoạn quan. Đó là lý do Đổng Trác muốn lập một vị vua hiểu rõ nguồn gốc của mối họa hoạn quan. Trị bệnh phải trị tận gốc!

Hán Thiếu đế không những không hiểu rõ nguồn gốc họa loạn, mà lại còn là mầm mống họa loạn. Họ Hà xuất thân là nhà đồ tể. Họ bước vào cung đình, leo lên tột đỉnh là nhờ thế lực hoạn quan. Không có hoạn quan, họ sẽ chẳng làm được gì cả. Bản thân Hà thái hậu là người liên thủ chặt chẽ nhất với hoạn quan. Chính vì thế nên Viên Thiệu mới phải gọi quân đội từ bên ngoài vào để gây sức ép. Cho nên muốn trị tận gốc hoạn quan thì phải nhổ bỏ người muốn liên thủ với hoạn quan. Người đó là Hà thái hậu. Loại bỏ Hà thái hậu thì không thể giữ Hán Thiếu đế. Huống hồ Hán Thiếu đế không phải loại quân chủ hiểu được cái hại của việc tin dùng hoạn quan.

Lý Nho giết Hà Thái hậu. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo

 Các nhà bình luận đời sau chỉ xem Đổng Trác là gian thần muốn mưu lợi riêng, nên mới thấy việc phế hôn quân lập minh quân là việc làm không cần thiết. Nhưng đối với nhà cách mạng Đổng Trác mà nói, lập một minh quân chính là nền tảng bắt buộc để tiến hành cải cách, mà có cải cách mới quay lại thời kỳ thái bình thịnh trị. 

Một triều đại lý tưởng chính là “vua sáng” và “tôi hiền”. Đổng Trác đã lập ra “vua sáng”. Nhưng kết quả thu được là bị người đương thời phản đối, bị hậu nhân chê bai là “bị thịt”, là “ngu xuẩn”. Vấn đề nằm ở chỗ, khi binh quyền nắm chắc trong tay Đổng Trác, những kẻ phản đối chỉ dám hận mà không dám nói, dám nói mà không dám làm. Tỷ như Lư Thực, ông này đã chống đối bằng cách từ quan và trốn đi. 

Địa vị chính trị của Đổng Trác sau đó chỉ ngày càng củng cố. Cho đến khi Đổng Trác phạm phải một sai lầm thứ hai. Chính sai lầm này đã hoàn toàn chôn vùi Đổng Trác. Đổng Trác đã trọng dụng một loạt hiền sĩ. Chúng ta đã biết tại sao đón lập minh quân là mở đầu tai vạ. Thế thì tại sao trọng dụng hiền sĩ lại là đường tới diệt vong? 

Chia sẻ câu chuyện này
Share