Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 29: Gian thần Đổng Trác yêu hiền sĩ

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 29: Gian thần Đổng Trác yêu hiền sĩ

Khi nhận xét về Đổng Trác, học giả nhà Minh là Tiền Thời (1577 – ?) có nói: “Trác thực là kẻ đại gian, không thể nào trốn được tội. Nếu có thể thực sự ngộ ra, tự sửa sai lầm, triệu gọi người hiền, dốc lòng ủy nhiệm, khiến cho triều đình một phen biến đổi thành khuôn khổ của người quân tử. Tông xã vững vàng, trong cõi yên ổn, thì không chỉ thân mình miễn được tru lục, mà còn bảo tồn lộc vị lâu dài. Sửa chữa lỗi lầm, may ra mới được, mà Trác không làm vậy. Ô hô! Cũng là ngu rồi!”. Nếu như Đổng Trác có thể nghe được mấy lời này, ông ta sẽ cạo trọc đầu, ra đứng chống nạnh ở sân vận động và bảo với Tiền Thời: Tiên sinh à, những lời ngài nói ta đã làm rồi! Vậy Đổng Trác đã hành động ra sao?

Một triều đình toàn hiền thần

Khi Tào Tháo tiến vào Lạc Dương đón Hán Hiến đế, việc đầu tiên ông ta làm là giết một loạt đại thần bên cạnh nhà vua, với danh nghĩa là trị tội bọn họ. Kế đó, Tào Tháo bổ nhiệm những người thân tín của mình vào các chức vụ quan trọng trong triều ngoài quận. Từ đó hình thành nên cục diện tập đoàn Tào Tháo khống chế triều đình. 

Đổng Trác thì không như vậy. Sau khi lập Hán Hiến đế, Đổng Trác đổi Thái úy Lưu Ngu làm Đại tư mã, tự mình làm Thái úy, sau đó lần lượt phong Thái trung Đại phu Dương Bưu làm Tư không, Dự Châu mục Hoàng Uyển làm Tư đồ. Mấy tháng sau, Đổng Trác lên làm Tướng quốc, tháng sau nữa thì phong Hoàng Uyển làm Thái úy, Dương Bưu làm Tư đồ, Quang lộc huân Tuân Sảng thành Tư không. Cả ba người này không có ai là thuộc hạ của Đổng Trác, mà đều là nhân vật hàng đầu trong giới kẻ sĩ phương Đông.

Hoàng Uyển (141-192)

Hoàng Uyển tự là Tử Diễm, người An Lục, quận Giang Hạ, xuất thân là sĩ tộc. Ông cố là Thái thú Hoàng Hương. Ông nội là Tư đồ Hoàng Quỳnh. Dưới thời Hán Hoàn đế, Hoàng Uyển từng được cử làm Ngũ Quan trung lang tướng, làm bạn với Quang Lộc huân Trần Phiền. Theo thể chế, Quang lộc huân được tiến cử quan Lang cho tam thự. Tam thự là trỏ công thự của Ngũ quan trung lang tướng, Tả trung lang tướng và Hữu trung lang tướng, đều nằm dưới quyền Quang lộc huân. 

Có bốn tiêu chuẩn đề cử là: công cao, làm quan lâu, tài đức và có điều vượt trội hơn người. Những người đáp ứng một trong bốn tiêu chuẩn đó thì có thể xếp vào hạng Mậu tài, gọi vào làm quan ở tam thự. Thế nhưng dưới chính sự Đông Hán, chức vụ này lại do con em các nhà danh giá thỉnh thác mà có. Thời đó có câu ca dao: “Muốn tìm kẻ vô năng, Quang lộc huân Mậu tài”. 

Hoàng Uyển cùng Trần Phiền quyết định khôi phục mô phạm cũ, chỉ đề cử người tài đức. Kết quả, các nhà quyền quý chống đối, vu cho họ là bè đảng. Trần Phiền bị bãi quan. Hoàng Uyển bị cấm cố hơn hai chục năm, đến thời Hán Linh đế mới được trở lại quan trường, làm quan tới Dự Châu mục, tước Quan nội hầu.

Tuân Sảng can Đổng Trác. Bản in Tam quốc chí truyện thời Vạn Lịch

Dương Bưu người Hoa Âm, quận Hoằng Nông, cũng là sĩ tộc. Tổ tiên là Xích Tuyền hầu Dương Hỉ thời Hán Cao Tổ, chính là người bị Hạng Vũ mắng phải chạy trốn trong chiến dịch Cai Hạ. Nhà họ Dương tính cả Dương Bưu có bốn đời làm chức Thái úy. Dương Bưu chính là người giúp Tư lệ Hiệu úy Trần Cầu tiêu diệt hoạn quan Vương Phủ. 

Tuân Sảng người Dĩnh Âm, quận Dĩnh Xuyên, là dòng dõi triết gia Tuân Tử. Cha ông là Tuân Thục, làm quốc tướng cho Lan Lăng hầu. Tuân Thục sinh tám người con đều có tài, được người đời gọi là Bát Long. Tuân Sảng từ nhỏ đã nổi tiếng học rộng. 

Thời Hán Hoàn đế, Tuân Sảng từng được cử làm Lang trung. Nhưng ông ta thấy thời thế không tốt, nên bỏ chức ẩn cư. Đó là thời kỳ nổ ra cái họa Đảng cố. Tuân Sảng trốn tránh hơn mười năm. Đến khi việc cấm cố bị bãi bỏ, ông ta cũng không ra làm quan. Đại tướng quân Hà Tiến sai công xa tới triệu. Nhưng chưa mời được thì Hà Tiến đã chết. Đổng Trác mới cử Tuân Sảng làm Bình Nguyên tướng. Lần này do sứ giả kềm kẹp chặt quá, Sảng không trốn được. Tuân Sảng còn chưa tới chỗ nhậm chức đã được gọi về triều làm Quang lộc huân. Ngồi chức đó được ba hôm, Đổng Trác thăng luôn Tuân Sảng làm Tư không. Tuân Sảng chỉ là một kẻ sĩ áo vải, trong vòng chín mươi lăm ngày ngôi vị lên đến tột bậc.

Chân dung Sái Ung (133-192) trong Tam tài đồ hội

Ngoài ba danh sĩ hàng đầu nói trên, Đổng Trác còn bổ nhiệm một loạt các nhân vật khác. Đổng Trác chọn Vương Doãn làm Thái bộc, rồi sau đó dời làm Thủ thượng thư lệnh. La Quán Trung thường mô tả Vương Doãn như một ông già vô dụng chỉ biết khóc lóc, thực ra không phải như vậy. Vương Doãn người huyện Kỳ, quận Thái Nguyên, là một trong số những nhân vật chống hoạn quan mạnh mẽ nhất, nên bị hãm hại. Vương Doãn phải thay tên đổi họ, trốn tránh một thời gian dài. Sau khi Hán Linh đế băng hà, Vương Doãn mới trở về Lạc Dương, được Hà Tiến gọi ra giúp việc trừ hoạn quan, được bổ nhiệm Tòng sự Lang trung, rồi Hà Nam doãn.

Một người nữa cũng được Đổng Trác gọi ra từ chỗ trốn tránh là Sái Ung. Sái Ung người huyện Ngữ quận Trần Lưu, có học vấn sâu rộng. Thời Hán Linh đế, Sái Ung dâng sớ xin cải cách nhiều điểm trong thể chế quan lại, bị hoạn quan Tào Tiết đọc trộm được tờ sớ. Vì vậy, hoạn quan tìm cách loại bỏ Sái Ung. Sái Ung phải trốn tránh ở đất Ngô suốt 12 năm. 

Sau khi Đổng Trác làm Tư không, liền mời ra làm quan. Sái Ung lấy cớ có bệnh để từ chối. Đổng Trác tức giận nói: “Sức ta có thể diệt tộc người khác. Sái Ung mà ngạo mạn, thì không trở gót được nữa đâu”. Tuy là dọa chém dọa giết, nhưng Đổng Trác lại yêu cầu châu quận ra sức đề cử, đưa Sái Ung tới kinh. Sái Ung bất đắc dĩ phải đi. Khi đến nơi, Sái Ung được bổ làm thự Tế tửu, rất được kính trọng. Đổng Trác liên tiếp đề cử Sái Ung là Cao đệ, bổ làm Thị ngự sử, rồi chuyển làm Thị thư Ngự sử, rồi dời làm Thượng thư, tất cả vỏn vẹn mất có ba ngày.

Chính quyền do Đổng Trác xây dựng nếu không phải là tài học sâu sắc thì cũng là người có lòng cải cách, nếu không phải là kẻ đối đầu hoạn quan thì cũng là đảng nhân bị cấm cố. Trong đó như Tuân Sảng, Sái Ung còn không mặn mà đi làm quan, mà bị Đổng Trác ép ra để cống hiến cho đời. Một triều đình với vua sáng ở trên, tôi hiền ở dưới, cuối cùng sẽ đưa đến thiên hạ thái bình, phục hồi thịnh trị chăng? Đáng tiếc là không phải.

Sái Ung can Đổng Trác. Bản in Tam quốc chí truyện thời Vạn Lịch

Họa từ hiền thần

Triều đình hiền thần do Đổng Trác xây dựng nhanh chóng mở rộng xuống địa phương. Đổng Trác nghe theo kiến nghị của Thị trung Chu Bí, Thành Môn hiệu úy Ngũ Quỳnh, bổ nhiệm nhiều danh sĩ làm quan ở các châu quận. Hàn Phức được bổ nhiệm làm Thứ sử Ký Châu, Lưu Đại làm Thứ sử Duyện Châu, Khổng Trụ làm Thứ sử Dự Châu, Trương Tư làm Thái thú Nam Dương, Trương Mạc làm Thái thú Trần Lưu. Đây chính là động thái chính thức chôn vùi sự nghiệp Đổng Trác. Những người này tới nhiệm sở liền hình thành liên minh Quan Đông tiến đánh Đổng Trác.

Ngài Lã Tư Miễn có một nhận xét rất thú vị. Ông nói rằng: “Những người mà bản thân Đổng Trác yêu mến thì chỉ làm quan trong quân đội, chứ không hề tham dự chính trị”. Ở đây Lã Tư Miễn muốn nói đến những thân tín cùng theo Đổng Trác từ Lương Châu tới. Những người này chỉ được bổ nhiệm các chức vụ trong quân đội.

Con rể của Đổng Trác là Ngưu Phụ làm Trung lang tướng. Con nuôi là Lữ Bố làm Kỵ đô úy. Ngưu Phụ, Lữ Bố là võ biền làm võ tướng là chuyện bình thường. Nhưng văn thần như Giả Hủ cũng chỉ được làm Thái úy duyện, rồi dời làm Đô úy Bình Tân, thăng Thảo Lỗ hiệu úy. Có lẽ Đổng Trác hiểu rằng thuộc hạ của mình không có kiến thức để làm quan văn, nên chỉ giao cho họ công việc phù hợp với sở trường. Những người đó lại tiếp tục ra trận bán mạng cho nhà Hán.

Phế vua Hán, Đổng Trác lộng quyền. Bản in Tam quốc diễn nghĩa hệ Mao Tôn Cương, Đại Khôi đường tàng bản

Gian thần Đổng Trác đã xây dựng một triều đình hết sức kỳ lạ. Đổng Trác không dùng thủ hạ thân tín cùng làm chính trị, mà lại bổ nhiệm hiền sĩ để làm chính trị với họ. Kết quả là ở trên thượng tầng triều đình, Đổng Trác sẽ gặp rất nhiều chống đối. Ở hạ tầng châu quận, những người được ông bổ nhiệm lại vung đao đòi đánh Đổng Trác. Chính những hiền sĩ được Đổng Trác trọng dụng như Tuân Sảng, Vương Doãn cũng âm thầm chiêu mộ lực lượng để mưu diệt Đổng Trác ở bên trong. 

Đổng Trác muốn liên minh với hiền sĩ, nhưng lại không biết rằng hiền sĩ lại không xem Đổng Trác là người đáng để giúp đỡ. Họ thậm chí còn xem ông ta là mối họa cần phải diệt trừ. Vậy Đổng Trác là người như thế nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share