Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 30: Gian tặc quân tử

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 30: Gian tặc quân tử

Đổng Trác đề bạt nhiều hiền sĩ, thiết lập một triều đình vua sáng tôi hiền. Những việc đó đáng lý phải mở ra thời kỳ thịnh trị. Thực tế lại trái ngược hẳn. Những người được Trác bổ nhiệm làm quan châu quận đã khởi binh đánh Đổng Trác. Những người cầm quyền ở trong triều đình thì tỏ ra bất hợp tác và cũng ngấm ngầm ủ mưu thủ tiêu Đổng Trác. Nguyên nhân chủ yếu là vì những hiền sĩ này coi Đổng Trác là một tên gian tặc cần phải trừ khử. Rốt cuộc Đổng Trác là người như thế nào?

Bản án Đổng Trác

Khi bình về Đổng Trác, sử gia Trần Thọ đã nói rằng: “Đổng Trác lang sói, tàn nhẫn, bạo ngược, bất nhân, từ lúc có sách vở tới nay, e rằng chưa có ai như thế”. Vào lúc Hà Tiến muốn triệu Đổng Trác, đã có không ít người can ngăn Hà Tiến. Thượng thư Lư Thực đã nhận xét: “Trác hung hãn khó chế ngự, ắt sanh hậu họa”. Quả thực sau khi vào kinh, Đổng Trác đã gây ra không ít tai tiếng.

Hậu Hán thư của Phạm Diệp đã chép về việc này rất rõ ràng. Phạm Diệp cho biết:

Bấy giờ, ở Lạc Dương, nhà cửa của quý thích đối diện lẫn nhau; vàng lụa tài sản, nhà nhà chất đống. Trác thả mặc cho binh sĩ đột nhập nhà cửa, dâm lược phụ nữ, cướp đoạt của cải, gọi là “sưu lao”. Nhân tình sợ hãi, tan lở, không thể đảm bảo sớm chiều. Đến khi Hà hậu hoăng, mở Văn lăng [lăng mộ Hán Linh đế], Trác lấy hết đồ quý chứa trong đó. Lại dâm loạn công chúa, bắt cung nhân làm vợ, lạm dụng hình phạt tàn khốc, trừng mắt là chết chắc. Quần thần trong ngoài chẳng thể tự giữ thân. Trác từng sai quân tới Dương Thành, gặp lúc người ta họp nhau tế thần Xã, bèn ra lệnh chém hết đi, đoạt lấy xe của họ, chở theo phụ nữ của họ, treo đầu họ trên càng xe, ca hát quay về.

Phạm Diệp - Hậu Hán thư, Đổng Trác truyện
Đổng Trác lộng quyền. Bản in Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên

Nói tóm lại, Đổng Trác có bốn tội ác chính: cướp bóc, dâm loạn, lạm hình, lạm sát. Trong bốn tội ác này, tội ác đầu tiên và tội ác cuối cùng được kể chi tiết nhất. Hai tội ác ở giữa chỉ được kể sơ qua. Muốn hiểu được các cáo buộc này chính xác đến mức nào, cần phải đi vào chi tiết của từng tội trạng.

Trước hết nói đến việc cướp bóc. Điều này hẳn là có thực. Hãy nhớ lại lời tự bạch của Đổng Trác khi kéo vào kinh. Đổng Trác đã nói rằng quân đội của mình được phái đi đánh Thiền vu Hung Nô là Ư Phù La, nhưng binh sĩ của ông ta lại đói kém, nhao nhao muốn kéo về kinh trừ giặc bên cạnh vua, sau đó sẽ tới đài sảnh cầu xin của cải. Đổng Trác phải tìm cách vỗ về, rồi thuận theo lời bọn họ. 

Lực lượng dưới quyền của Đổng Trác – theo như lời chính ông ta từng thừa nhận – gồm có “nghĩa tòng ở Hoàng Trung và lính Tần Hồ”. Hoàng Trung là trỏ lưu vực sông Hoàng. Đó chính là địa bàn hoạt động của người Khương Hồ, thường xuyên cướp bóc. Với bản chất quân đội và tình hình quân đội như thế, Đổng Trác chẳng thể ngăn họ đi cướp của để bù đắp cho tình cảnh đói kém. Nhưng cũng phải nói rằng đám quân sĩ đó không cướp bóc của thường dân, mà là nhắm đến đống của cải chất như núi của các nhà quý thích. 

Số của cải đó tất nhiên không phải do buôn chổi đót mà có. Nhưng bất kể thế nào, hành động của quân sĩ dưới quyền Đổng Trác đã động chạm đến tâm tình của những kẻ quyền quý, cũng hủy hoại luôn hình tượng vốn đã không mấy tốt đẹp của Đổng Trác. Trong tấn tuồng này, dân chúng không sao, nhưng Đổng Trác một sao.

Đổng Trác ngắm Điêu Thuyền. Bản in Tam quốc chí truyện thời Vạn Lịch (1581-1603)

Nói Đổng Trác “dâm loạn công chúa, bắt cung nhân làm vợ” thì chẳng hề có chứng cứ gì, thậm chí còn không thể chỉ ra ai là người bị hại. Vì vậy đề mục này đành phải tạm gác lại. Nhưng cũng cần biết rằng sau khi Đổng Trác làm Tướng quốc, ông ta thực sự có đi hỏi vợ. Nhưng người Đổng Trác chọn là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, dù đã có một đời chồng. Phẩm hạnh của người này cũng được đánh giá cao. Tiểu sử của bà được Phạm Diệp đưa vào trong thiên Liệt nữ truyện của Hậu Hán thư. Đáng tiếc, vì tự tôn cá nhân, bà đã từ chối Đổng Trác một cách quá sỗ sàng, nên câu chuyện rốt cuộc thành một bi kịch. Điều này phần sau sẽ nói chi tiết.

Nhưng cáo buộc thú vị nhất chính là nói Đổng Trác “lạm dụng hình phạt tàn khốc, trừng mắt là chết chắc”. Tội trạng này được sử gia Trần Thọ nói rõ hơn. Ông nói: “Trác tính tàn nhẫn bất nhân, bèn dùng nghiêm hình để hiếp người, chỉ cần trừng mắt là ắt báo thù”. Cái gọi là “chỉ cần trừng mắt” tức là chỉ cần có ai trừng mắt nhìn mình, Đổng Trác tất sẽ trả thù. Trên thực tế, kẻ thù của Đổng Trác cũng có vài người, kẻ chống đối Đổng Trác lại có không ít. Đổng Trác đã giết những ai? Đáp án là: Không ai cả.

Đổng Trác - một gian tặc đại nhân đại lượng

Trong thời đại quân chủ trung đại, việc kẻ có quyền tự ý dùng quyền sinh sát để thanh toán ân oán cá nhân không phải là việc hiếm gặp. Nói không xa, chính kẻ được khen là nhân nghĩa đầy mình như Lưu Bị mà cũng từng làm như vậy. 

Lưu Bị với Trương Dụ từng gặp nhau trong bữa tiệc của Lưu Chương. Trương Dụ có nhiều râu. Lưu Bị liền đem chuyện ở quê mình là huyện Trác có nhiều người họ Mao. Vì vậy quan huyện lệnh của huyện Trác nói đùa là: “Chư Mao sống quanh huyện Trác”. Chữ “chư Mao” (những người họ Mao) đồng âm với “trư mao” nghĩa là lông lợn. Huyện Trác đồng âm với chữ Trác là cái mỏ. Ý Lưu Bị trêu Trương Dụ miệng mọc đầy lông lợn. 

Trương Dụ thấy Lưu Bị không có râu, nên cũng bịa ra một câu chuyện khác để đùa lại. Ông ta bảo có người nọ làm Huyện trưởng huyện Lộ, được dời đi làm Huyện lệnh huyện Trác. Người ta viết thư cho ông ta không biết gọi thế nào, đành viết cả hai địa danh, gọi là Lộ Trác quân. Ba chữ này đồng âm với cụm từ “ngài lộ mõm” – ám chỉ Lưu Bị không có râu. Lưu Bị chọc người ta trước, nhưng bị chọc lại thì giận. Về sau, vì Trương Dụ nói bừa về vận mệnh nhà Hán, nên Lưu Bị bèn hạ ngục rồi giết Dụ; đến Gia Cát Lượng cũng không can được.

Lưu Bị trong tranh khắc gỗ của Tsukioka Yoshitoshi, năm 1893

Đem so sánh với nhân kiệt Lưu Bị, tấm lòng của gian tặc Đổng Trác rộng rãi hơn hẳn. Chuyện của Hoàng Phủ Tung là một ví dụ. Lúc Đổng Trác từ chối bổ nhiệm của Hán Linh đế, chú cháu Hoàng Phủ Tung và Hoàng Phủ Lịch đã bàn tới chuyện giết Đổng Trác. Sau khi Đổng Trác được thời đắc thế, vào năm Sơ Bình thứ nhất, ông ta gọi Hoàng Phủ Tung lúc này vẫn còn nắm quân ở Trường An về kinh để làm Thành Môn hiệu úy. Trưởng sử của Hoàng Phủ Tung là Lương Diễn đoán rằng: “Nay gọi tướng quân, lớn thì nguy họa, nhỏ thì khốn nhục”. Lương Diễn kiến nghị Hoàng Phủ Tung khởi binh đánh Đổng Trác, cùng hô ứng với Viên Thiệu. Nhưng Hoàng Phủ Tung không đồng ý. Kết quả, lúc tới Lạc Dương, hữu ti bắt Tung hạ ngục. 

Con trai Tung là Hoàng Phủ Kiên Thọ quen thân với Đổng Trác. Kiên Thọ nhân lúc Trác mở tiệc, “đi thẳng tới cật vấn, đem đại nghĩa ra trách cứ, dập đầu khóc lóc”. Khách khứa cũng cảm động, cùng nhau đứng ra xin. Đổng Trác đứng dậy, nắm tay Kiên Thọ dẫn lên ngồi cùng, rồi sai thả Hoàng Phủ Tung, bái làm Nghị lang, rồi thăng làm Ngự sử Trung thừa.

Ân oán giữa Đổng Trác và Hoàng Phủ Tung không chỉ là cái trừng mắt. Hai người nhiều lần cãi nhau về sách lược đánh giặc. Đổng Trác chức bé hơn, lần nào cũng bị áp chế. Đổng Trác mấy lần suýt mất binh quyền vào tay Hoàng Phủ Tung. Phe phái của Hoàng Phủ Tung còn không ít lần nói chuyện giết Đổng Trác. Nhưng con trai Tung tới vừa chửi vừa khóc thì Đổng Trác liền phóng thích, lại còn ban quan thăng chức. Độ lượng này so với Ngụy Vũ đế Tào Tháo thì hơn hẳn. 

Tào Tháo và Lưu Bị ở lầu Bạch Môn. Tranh của Utagawa Kuniyoshi, năm 1853

Tào Tháo từng bị người nước Bái là Hoàn Thiệu khinh bỉ. Đến khi Tháo đắc chí, tìm giết những kẻ thù “trừng mắt” năm xưa. Hoàn Thiệu ra đầu thú, lạy xin lỗi ở trước sân. Tháo nói: “Quỳ mà thoát chết ư?”. Rồi giết luôn Hoàn Thiệu. Những người bị Tào Tháo trả oán, “lúc bị hình phạt giết chóc, đều đối mặt rơi lệ, khóc than, nhưng cuối cùng chẳng ai được sống”. Ngược lại, sau này Đổng Trác dời đô về Trường An, lại nắm tay Hoàng Phủ Tung, nói một cách thân mật rằng: “Nghĩa Chân đã phục chưa?”. Hoàng Phủ Tung nói mấy câu đưa đẩy tâng bốc. Đổng Trác “bèn cởi bỏ hiềm thù”. Có câu thơ rằng: “Mở miệng cười tan cuộc oán thù”. Câu thơ đó dường như là nói trường hợp của Đổng Trác.

Một trường hợp đáng kinh ngạc hơn chính là Tôn Kiên. Tôn Kiên từng làm Tham quân sự cho tướng quân Trương Ôn để đi đánh dẹp Biên Chương, Hàn Toại. Lúc đó Trương Ôn triệu Đổng Trác, nhưng Trác đến muộn. Ôn trách Trác. Trác cãi lại. Tôn Kiên liền xui Ôn: “Trác không sợ tội mà còn lớn lối khoe khoang, nên lấy cớ triệu gọi mà không tới đúng hẹn, theo quân pháp chém đi”. Tôn Kiên với Đổng Trác không có hiềm thù gì. Chỉ mới thấy cãi mấy câu đã xui người ta giết Trác. 

Về sau Tôn Kiên tham gia quân Quan Đông, đánh Đổng Trác rất hăng. Nhưng khi Tông chính Lưu Ngải dè bỉu Tôn Kiên “lúc trước cùng người Khương đánh nhau ở Mỹ Dương, nguy ngập suýt chết, có khả năng gì”. Đổng Trác chẳng những không hùa theo, mà còn vì Tôn Kiên vạch rõ tình lý. Trác nói: “Kiên bấy giờ dẫn quân nghĩa tòng ô hợp, không sánh được với tinh binh của giặc, vả đánh nhau có thua được”. Đối với kẻ thù đã và đang muốn giết mình, Đổng Trác cũng không đánh giá thiên lệch, lại còn vì kẻ địch chủ trì công đạo. Độ lượng của Đổng Trác thật khiến người ta kinh ngạc.

Minh họa Tôn Kiên trong bản in Tam quốc diễn nghĩa phiên bản Mao Tôn Cương

Một trường hợp đáng nhắc nữa là Cái Huân. Lúc Đổng Trác phế Hán Thiếu đế, Cái Huân giữ chức Kinh Triệu doãn ở Trường An, gửi thư chê Đổng Trác: “Xưa Y Doãn, Hoắc Quang có quyền và lập công, mà còn đáng ghê lòng. Túc hạ là kẻ hèn mọn, kết cục sẽ ra sao?”. Về sau Cái Huân được gọi về Lạc Dương, cũng giữ thái độ đối kháng. Bấy giờ ai cũng “hạ mình với Trác, riêng Huân chỉ vái dài tranh lễ, người trông thấy đều tái mặt”. Có lần Đổng Trác bị Chu Tuấn phản đối nên dọa giết Chu Tuấn. Cái Huân bắt bẻ tới mức Trác phải xin lỗi. Đổng Trác cuối cùng vẫn không làm gì Cái Huân, mà tự Cái Huân bứt rứt trong lòng rồi sinh bệnh qua đời.

Trong con mắt sĩ phu thời đó, Đổng Trác hiện lên như một kẻ tàn độc khát máu. Nhưng chỉ cần kể lại đầu đuôi chi tiết của từng câu chuyện, một hình tượng Đổng Trác khác hẳn lại xuất hiện. Mức độ bao dung của Đổng Trác rộng rãi hơn người ta tưởng. Nhưng điểm khả thủ của Đổng Trác không chỉ dừng ở đó. Còn điều gì mà ta chưa biết?  

Chia sẻ câu chuyện này
Share