Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 36: Thực hư chuyện Điêu Thuyền

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 36: Thực hư chuyện Điêu Thuyền

Nhắc tới việc tiêu diệt Đổng Trác, chúng ta nhớ ngay tới cố sự liên hoàn kế. Tư đồ Vương Doãn đã dùng Điêu Thuyền li gián cha con Đổng Trác và Lữ Bố, từ đó cứu nhà Hán qua cơn nước lửa. Sự thực thì thế nào?

Có hay không nhân vật Điêu Thuyền?

Điêu Thuyền là một nhân vật quan trọng trong câu chuyện về Đổng Trác, là người có công đầu trừ họa Đổng Trác – một việc mà không một nam nhân nào làm được. Nhưng cũng giống như Tây Thi, sử sách đương thời lại không nhắc nhở gì đến Điêu Thuyền. Tam quốc chí của Trần Thọ chỉ nhắc đến một thị tỳ của Đổng Trác có tư thông với Lữ Bố. Đó là mầm mống khiến Lữ Bố cảm thấy bất an với Đổng Trác. Nhưng người thị tỳ đó tên họ là gì thì sử sách không ghi chép lại. Câu chuyện về Điêu Thuyền thì phải nhiều thế kỷ sau mới thấy xuất hiện.

Thời nhà Thanh, học giả Lương Chương Cự (1775 – 1849) nghe học giả Hoàng Thích (1809-1853) nói rằng trong quyển thứ 33 của bộ sách Khai Nguyên chiêm kinh, phần Huỳnh Hoặc phạm Tu Nữ có lời chú dẫn sách Hán thư thông chí. Trong đó nói rằng: “Tào Tháo lúc chưa đắc chí, trước tiên dụ Đổng Trác, dâng Điêu Thuyền để mê hoặc vua mình”. Khai Nguyên chiêm kinh là sách do người gốc Ấn Độ là Cồ Đàm Tất Đạt biên soạn vào thời Đường Huyền Tông. Chính vì chuyện này mà giới nghiên cứu cho rằng dấu vết của Điêu Thuyền xuất hiện sớm nhất là vào thời nhà Đường.

Chân dung Lương Chương Cự trong Thanh đại học giả tượng

Vấn đề nằm ở chỗ Lương Chương Cự cũng chỉ nghe Hoàng Thích nói thế, chứ không có sách Hán thư thông chí để đối chiếu. Nhưng tựa hồ vào đầu thời nhà Thanh sách đó có lưu hành. Vì học giả Thẩm Tự Nam (1612 – 1667) soạn Nghệ lâm vựng khảo từng dẫn một nội dung khác từ sách đó, liên quan tới nhà Tần và Triệu Đà. Tuy nhiên, các phần Kinh tịch chí trong sử sách các triều Tùy và Đường đều không nhắc tới Hán thư thông chí. Đoạn chú mà Hoàng Thích bảo nằm trong Khai Nguyên chiêm kinh cũng không hề có trong các bản Khai Nguyên chiêm kinh hiện hành.

Hán thư thông chí ghi tên người con gái này là Điêu Thuyền 刁蟬 chứ không phải Điêu Thuyền 貂蟬. Nhưng đây chỉ là vấn đề cách viết một chữ Hán mà người Trung Quốc được nghe nói. Thời cổ, chữ Đao 刀 còn có âm là Điêu 貂, sau đó lại có biến thể chữ viết là Điêu 刁. Cái tên này chính ra phải đọc là Điêu Thiền (thiền nghĩa là con ve sầu). Nhưng các nhà dịch thuật Tam quốc diễn nghĩa sang Quốc ngữ hồi đầu thế kỷ 20 đã gọi nàng là Điêu Thuyền. Từ đó cái tên này đã in sâu vào tâm thức người Việt, trở thành phiên bản “đúng”, tương tự như trường hợp nhân vật Thần Hành Thái Bảo Đới Tung của Thủy hử truyện.

Người họ Điêu được ghi nhận sớm nhất là Điêu Bột – bề tôi nước Tề thời Chiến Quốc. Nhưng danh tính của Điêu Thuyền trong lời kể của dân gian thì lại khác hẳn. Nhà nghiên cứu Hồng Mai Tinh cho biết trong các tiêu đề kịch thời Kim và Nguyên đã thấy ghi tên Điêu Thuyền. Thời Kim đã có các vở Thích Đổng Trác, Điêu Thuyền nữ. Nhưng hiện nay chỉ còn lại cái tên, không rõ nội dung cụ thể là gì. 

Kịch thời Nguyên về Điêu Thuyền cũng nhiều. Tiêu biểu là vở Cẩm Vân đường ám định liên hoàn kế. Trong kịch, Điêu Thuyền cho biết mình là người Hãn Châu trại, Yến Mộc Nhĩ thôn, là con gái của Nhậm Ngang. Tên của nàng là Hồng Xương. Nhậm Hồng Xương làm cung nữ cho Hán Linh đế, coi giữ mũ Điêu Thuyền, nên được người ta gọi là Điêu Thuyền. Hán Linh đế ban Nhậm Hồng Xương cho Đinh Kiến Dương (tức Đinh Nguyên). Đinh Kiến Dương lại gả cho con nuôi là Lữ Bố làm vợ. Về sau Khăn Vàng nổi loạn, vợ chồng Lữ Bố lạc nhau. Nhậm Hồng Xương lưu lạc vào nhà Tư đồ Vương Doãn, được Vương Doãn xem như con ruột.

Mộ Điêu Thuyền ở thôn Mộc Chi tỉnh Sơn Tây

Nhà nghiên cứu Mạnh Phồn Nhân theo chỉ dẫn của tạp kịch thời Nguyên, tìm tới Hãn Châu. Mạnh Phồn Nhân xác nhận cách Hãn Châu ba cây số có thôn Mộc Chi. Thôn này lúc trước tên là thôn Mộc Nhĩ, vì sản xuất nhiều mộc nhĩ. Về sau người trong thôn phát hiện một cây linh chi, nên đổi tên thôn thành thôn Mộc Chi. Trong thôn còn nhiều di tích như nơi thờ cúng Điêu Thuyền, hí đài và mộ của Điêu Thuyền. Tương truyền ba anh em Lưu, Quan, Trương đã thả nàng về quê. Cũng có thuyết nói Điêu Thuyền tự sát, được Quan Vũ đưa về chôn cất ở quê nhà. Đáng tiếc là Mạnh Phồn Nhân chỉ nghiên cứu thực địa chứ chưa khảo sát ghi chép lịch sử, để xem “ký ức” về Điêu Thuyền đã xuất hiện tại Hãn Châu từ thời điểm nào.

Tam quốc chí bình thoại thời nhà Nguyên cũng ghi chép tương tự. Sách đó nói rằng Điêu Thuyền họ Nhậm, tiểu tự là Điêu Thuyền, là người Lâm Thao ở Quan Tây, lấy chồng là Lữ Bố. Về sau Đinh Kiến Dương (tức Đinh Nguyên) làm loạn ở phủ Lâm Thao. Hai vợ chồng lạc nhau. Điêu Thuyền bèn tới nương nhờ Vương Doãn. La Quán Trung dựa vào sách này, chỉnh sửa một chút, bỏ đi họ Nhậm và thân phận vợ Lữ Bố, để Điêu Thuyền thành một cô gái trẻ đương độ thanh xuân, mê hoặc Lữ Bố là người đàn ông đã có vợ. Bà vợ của Lữ Bố đã bị Mao Tôn Cương cắt mất mấy cảnh trong bản chỉnh sửa của ông này.

Vương Doãn (trái) giới thiệu Điêu Thuyền cho Đổng Trác (phải). Trích Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên Anh Tông

Tư đồ Vương Doãn dùng Điêu Thuyền để thực thi liên hoàn kế, ly gián cha con Đổng Trác – Lữ Bố. Đó là một cố sự Tam quốc hết sức quan trọng. Vai trò của Điêu Thuyền thì mang tính chất quyết định. Nhưng sự thực thì thế nào?

Sự thực liên hoàn kế

Tam quốc chí bình thoại mô tả liên hoàn kế khá đơn giản. Vương Doãn cho Đổng Trác gặp Điêu Thuyền trước, rồi cho Lữ Bố gặp sau. Lữ Bố nói rõ đầu đuôi vợ chồng ly biệt. Vương Doãn hẹn chọn ngày tốt đưa Điêu Thuyền tới phủ Thái sư trả cho Lữ Bố. Nhưng sau đó lại đưa cho Đổng Trác. Hai hôm sau, Lữ Bố từ Khúc Giang trở về, nghe tin Đổng Trác sủng ái Điêu Thuyền, liền xông vào giết Đổng Trác. 

Câu chuyện đó tất nhiên không phù hợp với ghi chép chính sử. La Quán Trung đã dung hợp nó với tài liệu lịch sử, viết lại thành một câu chuyện lâm ly đầy lắt léo, từ đó làm tăng độ tin cậy của câu chuyện. Nhưng tiểu thuyết là tiểu thuyết. Không thể dùng nó làm tư liệu lịch sử.

Lữ Bố giết Đổng Trác. Trích Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên Anh Tông

Về mâu thuẫn giữa Đổng Trác và Lữ Bố, Tam quốc chí – Lữ Bố truyện chỉ nói rằng Đổng Trác “tính cứng cỏi mà nóng nảy, lúc giận thì không nghĩ đến họa”. Có một lần vì một chuyện nhỏ nhặt không như ý, Đổng Trác cầm thủ kích ném thẳng vào Lữ Bố. Lữ Bố dũng mãnh, né được, rồi xin lỗi Đổng Trác. Đổng Trác liền nguôi giận. Nhưng Lữ Bố thì ghi hận trong lòng. Ghi chép này chính là cảm hứng cho tình tiết Đổng Trác bắt ghen ở Phụng Nghi đình, rồi cầm phương thiên họa kích ném Lữ Bố. Chỉ khác ở chỗ theo Tam quốc chí, Đổng Trác ném kích trước, rồi mới nói chuyện Lữ Bố tư thông với thị tỳ của Đổng Trác. Người thị tỳ này tên họ là gì? Ngày nay chúng ta không được biết. Vì mối quan hệ lén lút đó, Bố “sợ việc bị phát giác, trong lòng tự thấy không yên”. Vai trò của người thị tỳ kết thúc ở chỗ đó.

Chúng ta cũng không biết người thị tỳ có liên quan gì đến Vương Doãn hay không. Nhưng bản thân Vương Doãn từ trước đã tìm cách lôi kéo Lữ Bố. Nguyên nhân là vì cả hai là người cùng châu. Vương Doãn người quận Thái Nguyên, Lữ Bố người quận Ngũ Nguyên, đều thuộc Tinh Châu. Một nguyên nhân nữa không được sử sách nêu ra là vì Bố là hộ vệ thân cận của Đổng Trác. Trong tình hình Đổng Trác phòng bị cẩn mật, cần phải có nội ứng thì mới dễ hành sự.

Đổng Trác cầm kích đâm Lữ Bố. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605

Nếu như gạt bỏ câu chuyện Điêu Thuyền, thì Đổng Trác thực không có lỗi lầm gì lớn với Lữ Bố ngoài chuyện ném kích. Ngược lại, Đổng Trác chính là người đã nâng đỡ Lữ Bố. Lữ Bố có tài cung ngựa, nhưng theo Đinh Nguyên thì phải làm Chủ bạ. Chủ bạ tất nhiên không phải là chức bé, nhưng đó là văn chức. Lữ Bố không có cơ hội dương danh thiên hạ. Các bạn tưởng tượng Quan Vũ, Trương Phi, Điển Vi, Hứa Chử không được ra trận mà phải lo việc giấy tờ sổ sách, thì họ sẽ cảm thấy thế nào? Đổng Trác chiêu nạp Lữ Bố, phong ngay làm Kỵ đô úy, còn thề làm cha con. Lữ Bố liền nổi danh, có được xưng hiệu Phi tướng (tướng quân bay), rồi lại dời làm Trung lang tướng, được phong tước Đô đình hầu.

Lữ Bố đã làm gì để đáp lại ơn tri ngộ đó? Không làm gì cả. Lữ Bố vì chút ganh ghét cá nhân, hãm hại Hồ Chẩn, khiến cho toàn quân thua trận, Đổng Trác phải bỏ Lạc Dương lui về Trường An. Đổng Trác sai Lữ Bố canh gác. Lữ Bố lại tư thông với thị tỳ của Đổng Trác. Lữ Bố lo sợ chuyện xấu mình lộ ra, liền chạy tới kể lể với Vương Doãn, “trình bày việc Trác đã muốn giết mình”. Vương Doãn liền dụ Bố làm nội ứng, để giết Đổng Trác. Lữ Bố còn chút vướng mắc, nên nói: “Chỉ hiềm còn chuyện như cha con thì sao?”. Theo lời Trần Thọ thì Vương Doãn đáp: “Ngài họ Lữ, vốn không phải cốt nhục. Nay lo chết còn chưa rỗi, còn nói chuyện cha con làm gì?”. Còn theo lời Phạm Diệp thời Lưu Tống, Vương Doãn bảo: “Cái lúc ném kích thì có tình cha con chăng?”. Lữ Bố bèn đồng ý tham gia.

Vương Doãn trao kế trừ Đổng Trác. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591

Cái chết của Đổng Trác

Tháng Tư năm Sơ Bình thứ ba [191], Hán Hiến đế vừa khỏi bệnh, đại hội quần thần ở điện Vị Ương. Đó là cơ hội để Đổng Trác rời chỗ ở đi vào cung. Nhóm âm mưu của Vương Doãn lúc này có Thượng thư Bộc xạ Sĩ Tôn Thụy, các Thượng thư Trịnh Thái và Dương Toản, Tư lệ Hiệu úy Hoàng Uyển. Vương Doãn và Sĩ Tôn Thụy đem việc giết Đổng Trác tâu với Hán Hiến đế. Không rõ thái độ của hoàng đế như thế nào, nhưng Sĩ Tôn Thụy tự tay viết chiếu thư diệt Đổng Trác, trao cho Lữ Bố.

Đổng Trác mặc triều phục, lên xe đi vào cung. Đang đi thì con ngựa kinh hãi, chiếc xe lật xuống bùn. Đổng Trác phải quay về thay áo. Người vợ bé có lẽ thấy điềm xấu, khuyên Trác không nên đi. Đổng Trác không nghe.

Đổng Trác sai bố trí quân hai bên đường, bên trái là bộ binh, bên phải là kỵ binh, kéo dài từ lũy của Đổng Trác cho tới cung điện. Vệ sĩ vây xung quanh Đổng Trác thì do Lữ Bố chỉ huy. Lữ Bố lận giáp sau lớp áo, giấu chiếu thư. Người cùng quận với Bố là Lý Túc dẫn chừng chục tên thân tín là bọn Tần Nghị, Trần Vệ, Lý Hắc, giả làm vệ sĩ phục ở cửa nách của cung điện.

Đổng Trác tới nơi. Con ngựa của ông ta lại kinh sợ không đi tiếp nữa, mà còn muốn quay lại. Lữ Bố khuyên dụ, bắt nó tiến lên, chiếc xe mới đi vào cửa. Lúc này, Lý Túc dẫn đám vệ sĩ của mình cầm trường kích xông tới. Có người đâm vào trong xe của Đổng Trác, có người thì đâm con ngựa. Lý Túc dùng kích đâm Đổng Trác. Đổng Trác có mặc giáp nên không bị đâm vào, chỉ bị thương ở cánh tay, ngã lăn ra khỏi xe. Đổng Trác vội hô to: “Lữ Bố đâu rồi?”. Lữ Bố bước ra, nói: “Có chiếu thư đánh tặc thần!”. Đổng Trác mắng luôn: “Thằng chó quèn, sao dám như thế!”. Lữ Bố lập tức vung mâu đâm Đổng Trác, rồi thúc quân chém chết.

Lữ Bố hành thích Đổng Trác. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Chủ bạ Điền Cảnh và nô bộc của Đổng Trác vội xông tới chỗ Trác. Cũng bị Lữ Bố giết. Phe ám sát giết ba người, thì mới không ai dám tới gần nữa. Lữ Bố sai tuyên bố thư xá tội cho trong ngoài đều biết. Quân sĩ hay tin đều hô vạn tuế. Trăm họ thì ca múa ngoài đường. Sĩ thứ Trường An đem châu ngọc, quần áo đi bán lấy tiền mua rượu thịt để chúc mừng nhau. Người đi chật đường. Họ chỉ thiếu mỗi một việc là cùng nhau hét lên: “We’re free! We’re free!”. Một tương lai tươi sáng rồi sẽ đến chăng? Cuộc đời Đổng Trác rốt cuộc để lại cho ta bài học thực sự nào?

Chia sẻ câu chuyện này
Share