Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 37: Bài học Đổng Trác

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 37: Bài học Đổng Trác

Chúng ta đã xem qua cuộc đời Đổng Trác từ đầu đến cuối. Liệu cuộc đời ông ta chỉ là chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu, hay còn để lại bài học gì sâu sắc? Bài học đó có giống bài học mà sử gia các đời muốn dạy chúng ta hay không?

Nghị luận về Đổng Trác

Trong mắt người đương thời cũng như sử quan hậu thế, Đổng Trác hiện lên như là một kẻ độc ác, là nguồn cơn loạn lạc của triều Hán. Vương Doãn từng nhận xét: “Trác là giặc lớn của nước, giết chúa, hại bề tôi. Trời đất không giúp, người và thần đều ghét”. Tôn Kiên thì cáo buộc: “Đổng Trác nghịch thiên, vô đạo, lật nhào vương thất”. Trịnh Thái thì nói: “Trác mạnh bạo, tàn nhẫn, ít nghĩa, ý chí ham muốn không có điểm dừng”. Lưu Bị thì nói: “Đổng Trác mở đầu thềm loạn. Từ đó về sau, quần hung tung hoành, tàn sát hải nội”. Công Tôn Toản cũng nói: “Đổng Trác là kẻ tạo ra sự mở đầu loạn lạc”.

Dân chúng Trường An bạo hành thi thể Đổng Trác. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Trần Thọ soạn Tam quốc chí, đánh giá Đổng Trác “lang sói tàn nhẫn, bạo ngược bất nhân, từ lúc có sách vở đến nay, chưa có ai như vậy”. Bùi Tùng Chi thì nhận xét: “Kiệt, Trụ vô đạo; Tần, Mãng bạo ngược, đều trải qua nhiều năm, rồi sau mọi việc ác mới tỏ lộ. Đổng Trác từ lúc trộm quyền bính, đến lúc bỏ mạng, tính theo ngày tháng thì chưa trọn ba năm, mà họa chất như non, độc tràn bốn biển, thực chẳng khác sài lang”. Tổng luận về cuộc đời của Đổng Trác, thì nên dẫn lời của Cao Thích thời Đường. Ông ta nói:

Đổng Trác chiếm đất hình thắng, tay nắm ấn quân, không chống đỡ sự nghiêng ngả, mà lại xướng lên mối họa. Hưng binh giáp Tấn Dương, mà giặc bên cạnh vua chưa trừ. Vào cung đình Lạc Dương, tiết bề tôi như quét sạch. Đến mức khai quật lăng tẩm, bức nhục phi tần. Thái hậu băng hà, há là thiên mệnh? Hoằng Nông bị phế, lòng người ở đâu? Dám chế nhạo triều đình, để tự tôn mình là quý. Thỏa sức cướp giết, cho cùng cực lòng tham muốn giết chóc. Đốt cháy đô ấp, rong ruổi tung hoành. Mũ áo đói lạnh, dựa chết nơi tường vách. Dân chúng khốn cùng, nát thân trên cỏ dại.

 

Vì thế trời đất oán phẫn, quỷ thần gào khóc. Rồi cờ nghĩa Sơn Đông, vén tay áo tranh nhau nổi lên, liên châu chiếm quận, đều lấy danh diệt Đổng Trác. Vì thế tan quân đội với Tôn Kiên, mất khí thế với Viên Thiệu. Tiếm dùng quần áo, xe cộ; trợ giúp kẻ gian tà, lùa người dân phía đông, ép hoàng đế về tây. Lạm dụng hình phạt, hơn cả vạc nước sôi. Tìm kiếm điều hủ bại, mổ xẻ lời dị đoan, rồi cho là có thể dời vạc Hán. Mi Ổ vừa hưng, mà không biết họa ác đã đầy tràn, không khỏi diệt vong. Cho nên thần giúp cho Doãn, trời mượn tay Bố. Mẹ và thiếp đều bị tàn sát, dòng tộc không còn ai. Treo đầu, đốt bụng, để thối vạn đời. Cốt nhục ra tro, há chẳng khoái ư!

Cao Thích - Hán tặc thần Đổng Trác miếu nghị
Minh họa Cao Thích trong Tam thập lục thi tiên đồ thời Edo

Cứ như lời họ nói, Đổng Trác là nguồn gốc của họa loạn. Nếu vậy chỉ cần trừ bỏ nguồn gốc họa loạn, thì họa loạn sẽ hết. Nhưng Tam quốc diễn nghĩa có một lời chất vấn rất xác đáng: “Trác chết rồi đây. Có bãi binh?”. Trên thực tế, khác với kỳ vọng của những người dân nhảy nhót ăn mừng ở Trường An năm đó, họa loạn không chấm dứt, mà còn thê thảm hơn. Vì sao vậy? Vì họa loạn không bắt đầu từ Đổng Trác, mà là từ kẻ khác. Người đó là ai? Đó là Viên Thiệu.

Kẻ thực sự mở đầu họa loạn

Chúng ta đều biết vào lúc mới khởi binh đánh Đổng Trác thì Viên Thiệu đã hỏi Tào Tháo: “Nếu sự việc không thành thì chiếm cứ phương diện nào?”. Tào Tháo lúc đó còn chưa biết phải làm gì, mới hỏi ngược Viên Thiệu: “Ý túc hạ muốn làm sao?”. Thiệu nói ngay: “Ta Nam chiếm Hoàng Hà, Bắc ngăn Yên, Đại, kiêm gồm người Nhung, Địch, hướng về Nam tranh thiên hạ. Như vậy có thể nên việc chăng?”. Đó chính là sách lược tranh thiên hạ của Viên Thiệu, là “Long Trung sách – Viên Thiệu bản”.

Sử gia Hồ Tam Tỉnh thời Tống có nhận xét: “Xem lời này của Thiệu, thì lúc khởi binh vốn đã không có lòng cần vương, mà có chí cát cứ rồi”. Cái chí cát cứ đó xuất hiện từ lúc nào? Thật khó nói chắc. Nhưng nhìn lại cục diện cuối Đông Hán, mới thấy mọi thứ đều do Viên Thiệu sắp đặt và thúc đẩy. Đầu tiên, ông ta thúc ép Hà Tiến tiêu diệt hoạn quan, rồi đề xướng việc mời gọi Đổng Trác, Đinh Nguyên, Vương Khuông đem quân về kinh. Viên Thiệu từ chối đàn áp Đổng Trác, ngược lại còn bỏ chạy ra ngoài. Tuy Thiệu chạy ra ngoài nhưng đám bạn du hiệp của Thiệu như Hà Ngung vẫn còn ở kinh đô, vận động ngầm cho Viên Thiệu và nhiều người khác ra làm quan châu quận, từ đó xuất hiện liên quân Quan Đông. Viên Thiệu làm minh chủ. Liên quân xuất hiện khiến thiên hạ loạn lạc, là thời cơ vàng để Viên Thiệu thực hiện “Long Trung sách”. Nói tóm lại, kẻ mở đầu loạn lạc chính là Viên Thiệu, còn Đổng Trác chẳng qua chỉ là con cờ bị Viên Thiệu giật dây. 

Viên Thiệu (cầm giáo), Trương Giác (ngậm kiếm) và Tôn Kiên trong Hội bản Tam quốc chí tiểu truyện

Tất nhiên, Viên Thiệu không hẳn đã nhắm Đổng Trác từ trước. Cả ba lựa chọn của Viên Thiệu đều là kẻ “có vấn đề”. Đổng Trác thì khỏi nói. Vương Khuông về sau lúc tham gia quân Quan Đông cũng bắt người vô cớ để lấy của. Đinh Nguyên thì nghe lệnh Viên Thiệu đốt phủ quan và nhà dân để gây rối. Nói chung đều là những kẻ sẽ làm ra những việc cho thiên hạ chỉ trích. Chẳng qua Vương Khuông nửa đường quay lại, Đinh Nguyên bại trong tay Đổng Trác, nên họ Đổng mới thành tấm bia cho Viên Thiệu bắn. Sử gia Lưu Tri Kỷ thời Đường nói: “Hán có Đổng Trác như Tần có Triệu Cao”. Người cần Triệu Cao không phải nhà Hán, mà là kẻ muốn nổi lên thay thế nhà Hán, chính là Viên Thiệu.

Nhìn nhận của người đương thời cũng như sử gia hậu thế về Đổng Trác chính là điều mà Viên Thiệu muốn. Viên Thiệu cần một tặc thần để thiên hạ – bao gồm cả bản thân Viên Thiệu – nổi dậy. Ý đồ đó đã đạt được một cách hoàn hảo. Trên thực tế, Đổng Trác không hẳn đáng ghét, cũng không phải ông ta làm nhiều việc xấu ác nên bị ghét. Ngược lại, Đổng Trác có nhiều điểm khả thủ, lúc mới vào kinh cũng muốn nắn sửa triều chính, lập vua sáng, dựng tôi hiền. Nhưng cái mà Đổng Trác nhận lại là sự chê trách, phản đối, bất hợp tác, rồi tột cùng là khởi binh đòi tru diệt. Sự cô lập và tấn công cả về mặt chính trị lẫn quân sự khiến Đổng Trác càng đưa ra những hành vi cực đoan. Rồi hành vi cực đoan đó lại bị lấy làm lý do biện minh và thúc đẩy tư tưởng chống Đổng Trác. 

Đổng Trác giống như hoàng tử Oedipus. Người ta tiên đoán Oedipus sẽ giết cha, cưới mẹ, nên tìm cách đối phó với Oedipus, cuối cùng dẫn đến kết quả là Oedipus giết cha, cưới mẹ. Đổng Trác cũng bị nhiều kẻ sĩ “tiên đoán” là sẽ gây ra họa loạn, từ đó thúc đẩy chính sách chỉ trích, chống phá Đổng Trác. Cuối cùng thực sự gây thành họa loạn. Thủ đoạn như vậy ngày nay được sử dụng hết sức phổ biến trong nền chính trị quốc tế, không thể không đề phòng.

Oedipus và Antigone do Charles Jalabert vẽ năm 1843

Bài học từ Đổng Trác

Người đưa ra nhìn nhận công bằng với Đổng Trác có lẽ chỉ có học giả Đinh Diệu Kháng (1599-1669) cuối thời Minh đầu thời Thanh. Ông nói: “Trác gần người Khương, thô dũng, không biết lẽ làm người. Đương thời không triệu về, thì chỉ là một phiên tướng thôi. Vạc Hán sắp dời, như rào giậu rơi rụng không kiên cố, nên hổ sói lọt vào, rồi mới thành họa độc hại, thí, phế. Đến khi cố thủ Mi Ổ, tự cho là đại sự không thành thì lùi về hưởng tuổi già, có khác gì Tào Sảng nói không mất thân phận ông lão nhà giàu đâu. Thật là một kẻ thô thiển, ngu xuẩn!.

Chân dung Đinh Diệu Kháng

Thật vậy, Đổng Trác nhìn chính trị hết sức đơn giản. Triều đình rối loạn vì vua ngu tối như Hán Linh đế, bề tôi gian tà như Thập thường thị. Vậy thì ta phế vua đi, lập một minh quân, sau đó triệu gọi nhiều hiền tài vào nắm quyền là xong. Nhưng ông ta không hiểu rằng kẻ sĩ thời Hán mưu sinh bằng tiết tháo và học vấn. Phế chúa đổi vua dù là tốt đẹp họ cũng không tán thành, mà còn phải chống đối thật dữ. Nếu không chống đối thì sẽ bị những kẻ sĩ khác phản đối. Lúc đó đừng nói tiến thân làm quan, ngay cả tìm một người bạn ăn uống e rằng cũng không thể được.

Căn bản của chính trị chính là lực lượng. To lớn như chuyện an bang trị quốc, hay nhỏ nhặt như chuyện vận chuyển ba cái bàn và năm mươi cái ghế, đều cần phải có lực lượng. Vì vậy, phàm là con người phải hiểu biết sâu sắc về lực lượng, phải hiểu được sự phân chia của xã hội thành các nhóm, phải biết lợi ích và yêu ghét của mỗi nhóm xã hội. Có như vậy mới biết được lực lượng nào có thể hợp tác, lực lượng nào cần phải đề phòng, lực lượng nào cần phải đấu tranh, để hoàn thành công việc. Đổng Trác thì không hiểu việc đó. Ông ta muốn trọng dụng kẻ sĩ, để cùng tiến tới cải cách. Nhưng ông ta không nghĩ đến việc kẻ sĩ có vui lòng giúp đỡ mình hay không. Trên thực tế, kẻ sĩ không muốn dung nạp Đổng Trác vào trong nhóm của mình, ngược lại còn cho việc bài bác Đổng Trác là nghĩa vụ. Còn nói gì đến chuyện phò tá ông ta. 

Đổng Trác nằm mơ thấy rồng. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Đổng Trác thất bại không phải vì ông ta gian ác, mà vì không có nhận thức sâu sắc về lực lượng, nên tự đặt mình vào thế bị cô lập và công kích. Đổng Trác thành thực hợp tác và trao quyền cho lực lượng không dung nạp mình. Ngược lại, lực lượng thân tín của Đổng Trác thì bị đẩy ra xa, làm phòng tuyến bảo vệ triều đình. Đó là quân sĩ xuất thân Lương Châu đi theo Đổng Trác. Cũng may là lực lượng thân Đổng còn nắm binh quyền, nên lực lượng phản Đổng mới phải mài dao rất lâu mới lật được Đổng Trác. Dù lật được Đổng Trác, nhưng phe phản Đổng cũng không đủ sức chống lại sức phản kích của lực lượng thân Đổng. Điều này về sau sẽ nói.

Nếu chúng ta là Đổng Trác, hiểu được thực chất của lực lượng chính trị thời Hán, thì phải làm gì? E rằng cũng phải bó tay. Lịch sử tiến lên là nhờ có lực lượng cách mạng. Lực lượng cách mạng chính là tầng lớp sẽ nắm giữ của cải trong xã hội và quyền lực chính trị. Xu thế chiến thắng của lực lượng đó chính là cái mà người xưa gọi là Thiên thời. Đúng như Dịch Trung Thiên nói, người đại diện cho xu thế lịch sử lúc đó, kẻ đại diện cho thiên thời chính là Viên Thiệu. Vì sao vậy? 

Vì xu thế lịch sử là sĩ tộc bành trướng thế lực. Viên Thiệu chính là sĩ tộc. Do đó, Đổng Trác chỉ có hai con đường. Một là, phải trở thành sĩ tộc, gia nhập giới sĩ lâm. Đổng Trác đã thất bại trong việc chen chân vào tầng lớp đó. Sau này, Tào Tháo cũng rất chật vật để cố chen chân vào tầng lớp đó. Hai là, Đổng Trác phải nhường hẳn quyền lực cho sĩ tộc, rồi triệt để rút lui. Đổng Trác đã làm theo hướng này, nhưng quá muộn, và cũng thiếu quyết đoán. Nói thẳng thắn, con đường tiến lên của lịch sử thời đó không có chỗ cho Đổng Trác. Đổng Trác lại nhảy ra chắn ngang đường đi của nó. Tất nhiên là sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền cho tan nát.

Về cuộc đời Đổng Trác, những gì cần nói có lẽ chúng ta đã nói gần hết. Chỉ còn sót lại một vấn đề. Ta luôn ra rả rằng Đổng Trác “lập minh quân” để cứu vãn nhà Hán. Vậy Hán Hiến đế có thực sự là minh quân chăng?

Chia sẻ câu chuyện này
Share