Nhàn Thoại Tam Quốc – kỳ 38: Chân tướng Hán Hiến đế

Tác giả Wong Trần
Nhàn Thoại Tam Quốc – kỳ 38: Chân tướng Hán Hiến đế

Vào lúc đón Hán Thiếu đế ở Bắc Mang, hình ảnh của Đổng Trác chính là một vị anh hùng cứu chúa. Đó là lý do vì sao Đổng Trác quy tụ được tất cả các lực lượng quân sự khác ở Lạc Dương. Nhưng việc phế Hán Thiếu đế, lập Hán Hiến đế đã đánh dấu bước trượt dài về chính trị của họ Đổng. Đổng Trác đã trả một cái giá rất đắt để lập Hán Hiến đế. Điều đó có xứng đáng không?

Đứa trẻ thông minh

Vào lúc bàn bạc phế Hán Thiếu đế Lưu Biện để lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp, Đổng Trác đã nói với Viên Thiệu: “Chủ của thiên hạ, nên chọn được người hiền minh. Mỗi khi nhớ tới Linh đế, khiến cho người ta phẫn hận. Đổng hầu tựa hồ có thể được, nay nên lập lên”. Nói cách khác, trong mắt Đổng Trác, Trần Lưu vương Lưu Hiệp “tựa hồ” là người “hiền minh”. Ấn tượng này đã phát sinh từ lần gặp đầu tiên ở Bắc Mang. 

Chúng ta đều đã biết, lúc đó Đổng Trác nói chuyện với Hán Thiếu đế, nhưng Thiếu đế không thể nói nên lời. Ngược lại, Lưu Hiệp có thể trả lời hết sức rõ ràng về đầu mối của họa loạn, từ đầu chí cuối không có sai sót. Đổng Trác vào kinh với ý tưởng muốn nắn sửa việc triều chính, cho nên cần thiết phải lựa chọn minh quân. 

Hán Hiến đế (trên cùng). Trích Hội bản Tam quốc chí tiểu truyện năm 1858

Lưu Hiệp sinh năm 181, cùng năm với Gia Cát Lượng. Năm Lưu Hiệp qua đời là năm 234, cũng cùng năm với Gia Cát Lượng. Thân mẫu của Lưu Hiệp là Mỹ nhân Vương Vinh (? – 181). Vương Vinh vừa có sắc đẹp, lại thông minh nhanh nhạy, có tài sáng suốt. Hán Linh đế sủng ái Vương Vinh, nên hoàng hậu họ Hà đâm ra ghen ghét. Khi Vương Vinh sinh Lưu Hiệp, Hà hậu đã cho người hạ độc. Cái chết của Vương Vinh khiến Hán Linh đế suýt phế Hà hậu. May nhờ có hoạn quan cứu gỡ, Hà hậu mới giữ được ngôi vị. Đứng từ góc độ xuất thân mà nói, Lưu Hiệp có chút hiềm thù với hoạn quan. Cộng thêm bộ gen thông minh của người mẹ, việc Lưu Hiệp nhận thức được nguồn cơn họa loạn của nhà Hán từ sớm là việc có thể hiểu được. 

Tất nhiên, Đổng Trác còn nói: “Con người khi bé thì trí, đến lớn có khi lại ngu, cũng biết làm sao được. Chỉ đành thế thôi”. Lúc Đổng Trác lập Lưu Hiệp làm hoàng đế, Lưu Hiệp chỉ mới 8 tuổi (theo cách tính tuổi thời đó thì là 9 tuổi). Đến khi Đổng Trác bị giết, Hán Hiến đế cũng chỉ mới 11 tuổi. Vì nhỏ tuổi như thế, việc Hán Hiến đế không thể trở thành trung tâm của chính trị là điều có thể hiểu được. Nhưng bản thân Hán Hiến đế đã bộc lộ một số biểu hiện đáng khen.

Sau lúc triều đình dời đô về Trường An, tức năm 190, Thượng thư lệnh Vương Doãn tâu với Hán Hiến đế: “Thái sử Vương Lập giảng sáu điều ẩn kín trong Hiếu kinh, xin lệnh cho triều đình thực thi, có thể giải trừ được tai họa, có ích với Thánh cung”. Hán Hiến đế bèn ban chiếu nói rằng: “Nghe nói bậc vương giả nên sửa đức, chứ không nghe nói Khổng Tử soạn Hiếu kinh để tiêu trừ tà dị”. Quan điểm của Hán Hiến đế cũng được sử gia Viên Hoành thời Đông Tấn tán thành. Viên Hoành cho rằng: “Thần thật thông minh chính trực, thì xem người mà làm việc. Bậc vương giả chuộng đức, dâng lễ hậu mà được hưởng trời đất, có thể gọi là đủ rồi đó. Nếu theo sáu điều giấu kín, thì đó không phải là cái đạo của thánh nhân vậy. Kẻ thất phu càn bậy còn không thể theo, huống chi là người nắm số mệnh đế vương ư!”.

Vương Lập (trái) và Tông chính Lưu Ngải. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Có thể thấy rõ Hán Hiến đế có nhận xét sáng suốt về nhiều sự việc. Nếu muốn tìm một vị vua anh minh, thì Hán Hiến đế quả thực là một cửa đáng để đặt cược. Đổng Trác đã cược hết vốn liếng chính trị của mình vào đó. Nhưng kết quả là thua cược, mất mạng trong tay Vương Doãn. Rồi đến lượt Vương Doãn mất mạng trong tay thủ hạ của Đổng Trác. Chính sự Trường An từ đó rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc. Nhưng điều chúng ta không để ý tới chính là người giải bài toán khủng hoảng đó không ai khác chính là Hán Hiến đế.

Loạn Lý Quyết - Quách Dĩ

Nhóm âm mưu của Vương Doãn hành thích được Đổng Trác, nhưng chỉ mới diệt được kẻ đầu sỏ. Vấn đề còn lại là xử lý đám thủ hạ của Đổng Trác đang cầm binh ở phương đông. 

Con rể của Đổng Trác là Trung lang tướng Ngưu Phụ còn đóng đồn ở huyện Thiểm. Các tướng dưới quyền là Lý Quyết, Quách Dĩ và Trương Tế thì chia nhau đi đánh liên quân Quan Đông ở hai hướng Trần Lưu và Dĩnh Xuyên. Chiến sự cũng có chút khả quan. Tôn Kiên thua trận ở huyện Lương, Hà Nam doãn Chu Tuấn cũng bị đánh cho tan tác. 

Lữ Bố bèn sai thủ hạ là Lý Túc đưa quân tới huyện Thiểm, định dùng chiếu thư để giết Ngưu Phụ. Nhưng Ngưu Phụ đem quân chống cự, đánh bại Lý Túc. Túc thua chạy về Hoằng Nông, rồi bị Lữ Bố xử tử.

Ngưu Phụ sau đó chết một cách lãng nhách, vì trong thành đột nhiên xảy ra nội phản. Ngưu Phụ cho rằng cả thành đều làm phản, nên định mang vàng bạc châu báu cùng với mấy thủ hạ thân tín là Chi Hồ Xích Nhi trèo thành chạy trốn. Các sử gia đời sau có ý kiến cho rằng Chi Hồ là tên bộ tộc, Xích Nhi là tên người. Người Hồ nói với Ngưu Phụ: “Phía Bắc thành đã có ngựa, có thể đi được”. Họ lấy dây thừng buộc quanh eo Ngưu Phụ, rồi thả từ trên thành xuống. Còn cách đất chừng một trượng, chúng thả tay ra. Ngưu Phụ rơi xuống đất, bị thương không đi nổi. Bọn người Hồ bèn lấy hết vàng bạc châu báu, chém đầu Ngưu Phụ gửi về Trường An.

Hồ Xích Nhi giết Ngưu Phụ. Trích hội bản Thông tục Tam quốc chí

Triều đình Trường An còn chưa kịp phản ứng, thì bọn Lý Quyết, Quách Dĩ và Trương Tế đã đưa quân về huyện Thiểm. Hai người Lý, Quách cho rằng Vương Doãn và Lữ Bố đều là người Tinh Châu, nên cho xử tử hết người Tinh Châu đang ở trong quân. Tổng cộng mấy trăm nam nữ người Tinh Châu đều bị giết. Mặc dù vậy, họ vẫn gửi sứ giả về Trường An xin lệnh xá miễn.

Phản ứng của Vương Doãn thật khó biết chắc. Hậu Hán thư của Tạ Thừa nói: Vương Doãn cho rằng lúc giết Đổng Trác đã xá tội, nay lại cầu xin, một năm không thể hai lần đại xá”. Hậu Hán kỷ của Viên Hoành thì nói khác. Viên Hoành bảo rằng Vương Doãn và Sĩ Tôn Thụy đã bàn xá tội. Nhưng Vương Doãn vẫn còn nghi ngại. Ông ta lập luận rằng: “Bộ khúc đi theo chủ. Nay nếu mang danh ác nghịch rồi được xá tội, chúng sợ hãi mà tự nghi ngờ sâu sắc, không phải là cách vỗ yên đâu”. 

Nói cách khác, Vương Doãn cho rằng nếu xá tội cho thủ hạ của Đổng Trác thì chứng minh là họ có tội, sẽ khiến những người đó không yên. Chi bằng không xá để coi như không có việc gì. Tính toán như vậy là rất dở. Vì thủ hạ của Đổng Trác đang lo lắng cho số mệnh của mình, nên mới đến xin xá miễn. Chí ít Vương Doãn cũng nên cho họ một đáp án rõ ràng để họ yên tâm. 

Cũng theo Viên Hoành, có người bày kế cho Vương Doãn rằng: “Bộ khúc của Trác vốn ngại họ Viên mà sợ quân Quan Đông. Nếu một sớm bãi binh mở cửa ải, tất ai ai cũng tự thấy nguy. Chẳng bằng sai Hoàng Phủ Tung thống lãnh bọn chúng, nhân đó sai đóng đồn ở đất Thiểm để vỗ yên, dần dần cùng với Quan Đông thông mưu, ngồi mà xem biến”. Vương Doãn cũng bác bỏ kế sách này. Ông nói: “Không được. Kẻ cử binh ở Quan Đông đều là người của ta vậy. Nay nếu chiếm chỗ hiểm, đóng đồn ở Thiểm; tuy yên người Lương Châu mà làm Quan Đông nghi ngờ vậy”.

Minh họa Vương Doãn trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Bây giờ nhìn lại, có thể Vương Doãn đã muốn dùng sự im lặng để khiến quân Lương Châu hoang mang và tự tan rã. Tính toán đó không phải là không có chỗ đúng đắn của nó. Bất kể là đại xá hay là chiêu an, thì tiếp sau đó vẫn là phải sử dụng quân đội Lương Châu; mà quân Lương Châu lại là dư đảng Đổng Trác. Về căn bản không thể hợp tác, càng không thể giữ lại. Thực tế cho thấy ý đồ của Vương Doãn thành công, vì bọn Lý Quyết, Quách Dĩ đã toan bỏ quân chạy trốn. Vương Doãn không ngờ trong quân họ Đổng có một kỳ nhân tên là Giả Hủ.

Giả Hủ người quận Vũ Uy, làm Đô úy trong quân. Lúc bọn Lý Quyết định bỏ quân chạy trốn, Giả Hủ đã bàn rằng: “Nghe nói ở Trường An bàn bạc muốn giết sạch người Lương Châu. Nếu các ngài bỏ quân đi một mình, thì một Đình trưởng cũng trói được ngài rồi. Chi bằng dẫn nhau về Tây, tiến đánh Trường An, báo thù cho Đổng công. Việc thành thì phụng quốc gia để chính thiên hạ. Nếu như không xong thì chạy cũng chưa muộn”. 

Bọn Lý Quyết, Quách Dĩ cho là có lý. Họ loan tin rằng: “Kinh sư không xá tội bọn ta, nên quyết liều chết. Nếu đánh Trường An mà thắng, thì được thiên hạ rồi. Nếu không thắng thì cướp lấy phụ nữ và tiền của ở Tam phụ, về quê ở phía Tây, cũng kéo dài mạng sống”. Đó là lời chép trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp. Theo Hậu hán thư của Tạ Thừa, thì câu nói đó khúc sau là: “Không thắng thì cướp lấy phụ nữ và tiền của ở Tam phụ, sang Tây lên Lũng Tây, trở về làng xóm, làm giặc để kéo dài mạng sống, cũng còn được mấy năm!”. Thế là đoàn người hùng hổ kéo về Trường An.

Minh họa Giả Hủ trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh

Để đối phó với bọn Lý Quyết, Vương Doãn sai hai “đại nhân” Lương Châu là Hồ Chẩn và Dương Định đi. Vương Doãn nói: “Lũ chuột Quan Đông muốn làm gì chứ? Khanh hãy đi gọi chúng”. Cùng đi với Hồ Chẩn còn có Từ Vinh – người đánh bại Tào Tháo năm ngoái. Bọn Hồ Chẩn gặp quân Lý Quyết, Quách Dĩ ở Tân Phong. Hai bên giao chiến. Từ Vinh tử trận. Hồ Chẩn đem quân đầu hàng.

Lý Quyết, Quách Dĩ còn liên hợp với bộ khúc cũ của Đổng Trác là Phàn Trù, Lý Mông, Vương Phương đem quân vây Trường An. Quách Dĩ đóng quân ở phía Bắc thành. Lữ Bố liền rời thành, bảo với Dĩ: “Hãy lui quân, chỉ một mình quyết thắng bại”. Quách Dĩ đấu tay đôi với Lữ Bố. Bố vung mâu đâm trúng Dĩ. Kỵ binh của Dĩ liền xông lên cứu. Lữ Bố lại lui vào trong thành.

Lý Mông, Vương Phương đầu hàng. Trích Tam quốc chí truyện thời Vạn Lịch

Chừng tám ngày sau, lính Tẩu dưới trướng Lữ Bố làm nội phản. Quân Lý Quyết, Quách Dĩ kéo vào thành. Lữ Bố chống cự không nổi, bèn chạy tới ngoài cửa Thanh Tỏa, gọi Vương Doãn, bảo rằng: “Ông có đi được không?”. Vương Doãn nói: “Nếu được nhờ linh thiêng của xã tắc, trên yên được nước nhà, đó là điều ta nguyện. Nếu như không đạt được, thì đem thân này vào chỗ chết. Triều đình nhỏ dại, cậy mỗi mình ta. Lâm nạn lại cẩu thả mong thoát, ta không nỡ làm. Gắng sức xin lỗi các ông ở Quan Đông. Hãy lấy nước nhà làm tâm niệm”.

Lý Quyết, Quách Dĩ vào thành, đóng ở Dịch môn tại Nam cung. Họ giết Thái thường Chủng Phất, Thái bộc Lỗ Du, Đại hồng lư Chu Hoán, Thành Môn hiệu úy Thôi Liệt, Việt Kỵ hiệu úy Vương Hân. Lúc đó, Vương Doãn đã dẫn Hán Hiến đế lên cửa thành Tuyên Bình để lánh nạn. Bọn Lý Quyết tới đó, lạy ở dưới cửa. Theo Hán kỷ của Trương Phan, Hán Hiến đế nói với bọn Lý Quyết: “Khanh không làm oai làm phúc, mà lại thả quân tung hoành, là muốn làm gì?”. Lý Quyết nói: “Đổng Trác trung với bệ hạ, mà vô cớ bị Lữ Bố giết. Chúng thần báo thù cho Trác, không dám làm nghịch. Xin đợi việc xong rồi, sẽ tới chỗ Đình úy nhận tội”. Vương Doãn cùng đường, phải ra nộp mình.

Lý Quyết, Quách Dĩ gặp Vương Doãn. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Ngày hôm sau, Hán Hiến đế đại xá thiên hạ, bái Lý Quyết làm Dương Vũ tướng quân, Quách Dĩ làm Dương Liệt tướng quân, bọn Phàn Trù đều làm Trung lang tướng.

Lúc đó người trong phe đảng của Vương Doãn là Tống Dực làm quan quận Tả Phùng Dực, Vương Hoành làm quan Hữu Phù Phong. Bọn Lý Quyết bèn triệu gọi cả hai. Vương Hoành sai sứ giả nói với Tống Dực: “Quách Dĩ, Lý Quyết thấy hai người bọn ta ở ngoài, nên chưa làm nguy cho Vương công. Hôm nay theo lời gọi, ngày mai sẽ liên lụy cả tộc. Phải dùng kế gì?”. Tống Dực hồi đáp rằng: “Tuy họa phúc khó lường, nhưng vương mệnh không thể tránh được”. Vương Hoành lại nhắn: “Nghĩa binh như vạc nước sôi, cũng vì Đổng Trác. Huống chi là bè đảng của hắn! Nếu cất quân cùng đánh kẻ ác bên cạnh vua, thì Sơn Đông ắt hưởng ứng. Đó là kế chuyển họa thành phước”. Tống Dực không nghe theo kế sách này, mà vâng theo lệnh triệu. 

Vương Hoành còn lại một mình, không dám khởi sự, cũng không chạy trốn, mà đi theo Tống Dực. Lý Quyết, Quách Dĩ bèn tống hai người cùng với Vương Doãn vào ngục. Đến hôm sau, Vương Doãn, Tống Dực, Vương Hoành cùng Hoàng Uyển đều bị giết, lây tới cả dòng tộc. Đến lượt Vương Doãn theo gót Đổng Trác, bị phơi thây mà không ai dám chôn. Chỉ có Tả bộc xạ Sĩ Tôn Thụy không nhận ban thưởng công giết Đổng Trác là được thoát nạn. Từ lúc giết Đổng Trác tới lúc phe Vương Doãn diệt vong còn chưa đầy hai tháng.

Lý Quyết, Quách Dĩ cướp Trường An. Trích bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591

Hán Hiến đế vượt loạn

Sau khi diệt Vương Doãn, triều đình rơi vào lũng đoạn của tàn đảng Lương Châu. Người ta gọi đó là loạn Lý Quyết – Quách Dĩ. Nhiều bản in Tam quốc diễn nghĩa trong đó có bản của Mao Tôn Cương đem chữ Quyết 傕 gia thêm một chữ Sơn trên đầu, thành ra chữ Thôi 催. Vì vậy nhân vật lịch sử Lý Quyết đã hóa thành nhân vật tiểu thuyết Lý Thôi. Sự phổ biến của bản dịch tiểu thuyết khiến một số người dịch sử liệu Tam quốc chí, Tư trị thông giám cũng đem Lý Quyết dịch thành Lý Thôi. Đó là một việc làm không chính xác.

Trường An từ đó rơi vào tình trạng hết sức bi đát. Năm 194, hạn hán suốt mấy tháng. Trường An có nạn đói. Hán Hiến đế sai phát gạo và đậu trong kho cho Thị ngự sử Hầu Vấn nấu cháo, phát cho dân chúng. Nhưng người chết vẫn không giảm. Hán Hiến đế nghi ngờ việc phát chẩn không đúng, nên sai Thị trung Lưu Ngải đong năm thăng gạo, năm thăng đậu đem tới, nấu ngay trước mặt mình, được hai chậu to. Hán Hiến đế nói: “Gạo đậu năm thăng được hai bồn cháo, mà dân xơ xác là sao vậy? Trẫm rất thương xót. Dân không thể tự giúp, nên mới sai sứ giả xuất gạo, đậu; mong được ích lợi. Ngự sử không thêm bớt thì sao lại như vậy?”. Công việc phát chẩn từ đó mới không bị bớt xén nữa.

Tình hình còn kéo dài đến đầu năm 195. Hán Hiến đế lại sai bán ngựa để lấy tiền, đồng thời xuất lụa tạp trong kho ra để thưởng cho mọi người. Từ công khanh xuống tới dân nghèo đều thuộc diện cấp phát. Nhưng số tiền lụa đó lại bị Lý Quyết chở về làm của riêng. Lý Quyết, Quách Dĩ sau đó nghi ngờ nhau. Hai bên tự đem quân đấu đá. Hán Hiến đế phải tìm mọi cách để hòa giải hai người. Một lần, Lý Quyết vào nói chuyện với Hán Hiến đế. Lúc đi ra, ông ta vui vẻ nói: “Bệ hạ là chúa hiền minh”. 

Lý Quyết, Quách Dĩ loạn Trường An. Bản in Tam quốc diễn nghĩa của Đại Khôi đường

Đến giữa năm 195, Trương Tế từ huyện Thiểm đưa quân về, để giảng hòa hai người Lý – Quách. Đó là cơ hội để Hán Hiến đế thoát khỏi kềm kẹp. Hán Hiến đế sai Thị trung Lưu Ngải bảo với Giả Hủ: “Khanh trước giữ chức công trung thành, vì thế được thêm vinh sủng. Nay Khương Hồ đầy đường, nên nghĩ phương lược”. Giả Hủ vâng lệnh vua, bèn gọi người Khương Hồ tới, cho họ ăn uống, rồi hối lộ họ. Bọn Khương Hồ bèn giải tán quay về nhà. Lý Quyết vốn muốn dựa vào bọn họ để chống Quách Dĩ, nên từ đó thành ra đơn độc. Cuối cùng, hai bên Lý – Quách giảng hòa. Hán Hiến đế được Trương Tế bảo hộ, bèn rời Trường An quay về Lạc Dương.

Hành trình từ Trường An về tới Lạc Dương là một cuộc tháo chạy kinh hoàng. Lý Quyết, Quách Dĩ thấy Hán đế đi rồi mới biết mình dại, bèn liên thủ để truy kích. Hán Hiến đế phải vừa đánh vừa chạy, vượt qua sông Hoàng Hà tiến vào An Ấp. Rồi lại được Đổng Thừa, Trương Dương tới đón, đưa xa giá vượt sông quay về Lạc Dương. Lúc này Lữ Bố đã ở Từ Châu, Hán Hiến đế bèn sai đưa thư gọi Lữ Bố về bảo vệ. Nhưng Bố không có lương thực để hành quân. Cuối cùng Hán Hiến đế rơi vào tay Tào Tháo, bị đưa về huyện Hứa.

Hán Hiến đế lên thuyền vượt Hoàng Hà. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí

Hán Hiến đế có thể thành một minh quân hay không? Rất có thể. Ít ra thì ông ta cũng đỡ hơn Hoàn đế, Linh đế. Khi Viên Thuật muốn xưng đế, chính Tôn Sách cũng đã khen ngợi tư chất của Hán Hiến đế. Vấn đề nằm ở chỗ, Hán Hiến đế chưa từng có được lực lượng ủng hộ đủ mạnh, để thực hiện đường lối chính trị của cá nhân. Từ Đổng Trác tới Lý Quyết, Quách Dĩ, chót cùng là Tào Tháo, chưa có lúc nào Hán Hiến đế kịp tạo ra sự ngưng tụ lực lượng, để phò tá cho mình. Lực lượng duy nhất mà Hán Hiến đế còn trông cậy được là thế lực của Đổng Thừa và Phục Hoàn – hai nhà ngoại thích của hoàng đế. Sau khi rơi vào tay Tào Tháo, dưới chiêu bài “phụng thiên tử” của lão tặc Tuân Úc, Hán Hiến đế đã trở thành con rối chính trị, dù nhiều lần cố vùng vẫy thoát ra. Sân khấu chính trị bây giờ nhường lại cho kẻ khác.

Kẻ mở ra sân khấu đó – như đã biết – chính là Viên Thiệu. Viên Thiệu đã đưa Đổng Trác lên đài, cho ông ta diễn một màn Vương Mãng, để Viên Thiệu thành Quang Vũ đế khởi binh ở Hà Bắc. Nhưng đạo trời vay trả. Viên Thiệu bôi đen người khác ra sao, thì người đời cũng bôi đen Viên Thiệu lại như vậy. Vậy câu chuyện về Viên Thiệu là như thế nào? 

Chia sẻ câu chuyện này
Share