Khi bình về Tam Quốc, Từ Dụ hoàng thái hậu (mẹ vua Tự Đức) từng nói rằng “Hà Tiến, Viên Thiệu đều rất vô mưu”, lại còn nói rằng “Viên Thiệu, Viên Thuật đều ngu, mà Thiệu lại ngu quá”. Người đời nay bình Tam Quốc vẫn thường nói về Viên Thiệu như vậy. Nhưng một kẻ ngu như Viên Thiệu vì sao lại chiếm được bốn châu, trở thành cường địch lớn nhất trong đời Tào Tháo? Vậy rốt cuộc chúng ta có hiểu đúng về Viên Thiệu chăng?
Viên Thiệu thành công vì là "phú tứ đại"?
Nếu như người đời chửi mắng sự gian ác và ngu ngốc của Đổng Trác, thì họ cũng mô tả Viên Thiệu như là một kẻ thất bại. Hình mẫu của Viên Thiệu trong mắt người đời nay không khác gì một cậu ấm thừa hưởng cơ đồ to lớn của gia tộc, nhưng cuối cùng lại đánh mất tất cả trong tay Tào Tháo. Thực vậy, họ Viên là một gia tộc lớn, “bốn đời có năm người làm chức Công”. Đó là lý do vì sao nhắc tới Viên Thiệu người ta thường gắn với mấy chữ “bốn đời Tam công”. Vậy bốn đời Tam công có tác dụng gì?
Minh họa Viên Thiệu trong bản in Tam quốc diễn nghĩa thời Thanh
Có hai tác dụng.
Thứ nhất là làm dày sĩ tịch. Kẻ sĩ thời Hán tiến thân nhờ danh tiếng, vì phương pháp tuyển dụng chủ yếu là tiến cử và triệu gọi. Muốn được tiến cử hay triệu gọi thì phải được người đời biết đến. Vì vậy xuất thân từ gia tộc danh giá có nhiều người làm quan cũng là một dạng danh tiếng. Chí ít cũng hơn hẳn bọn học trò chân trắng.
Thứ hai là có sẵn mạng lưới thân hữu. Tam công có quyền triệu gọi kẻ sĩ địa phương tới làm phụ tá cho mình. Người từng được triệu gọi dù đi làm quan ở chỗ khác vẫn bị xem là cố lại (thuộc lại cũ) của trưởng quan. Mối quan hệ giữa trưởng quan và cố lại gần tương tự như quan hệ giữa quân chủ và bề tôi. Họ Viên bốn đời năm người làm Tam công, quả thực đã xây dựng được một mạng lưới môn sinh (học trò) và cố lại không nhỏ.
Vấn đề nằm ở chỗ “bốn đời Tam công” là tài sản chung của dòng họ, không phải của một mình Viên Thiệu. Người họ Viên khởi binh đánh Đổng Trác cũng không chỉ có mỗi Viên Thiệu, mà còn có Viên Thuật, Viên Di. Viên Thuật là Hậu tướng quân, Viên Di là Thái thú Sơn Dương, Viên Thiệu là Thái thú Bột Hải. Tính ra thì xuất phát điểm của Viên Thuật cao hơn, nhưng thành tựu của Viên Thuật lẫn Viên Di đều không thể so sánh nổi với Viên Thiệu. Điều đó cho thấy ngoài yếu tố vốn liếng có sẵn của gia tộc, Viên Thiệu còn phải sở hữu những ưu điểm khác mới dẫn tới thành công.
Minh họa Khổng Dung trong bản in Tam quốc diễn nghĩa khoảng năm 1664
Lưu Bị từng nhắc đến danh tiếng “bốn đời năm chức công” của Viên Thuật. Lúc đó Khổng Dung đáp rằng: “Viên Công Lộ há phải dạng lo nước quên nhà đâu? Xương khô trong mả, sao đủ để ý!”. Thực vậy, “bốn đời Tam công” chẳng qua chỉ là một dạng điểm tín dụng, có thể dựa vào đó huy động được nhiều vốn liếng hơn người khác. Nhưng có huy động được hay không, huy động rồi có làm ăn phát đạt hay không lại phải dựa vào tư chất cá nhân. Nếu tư chất không đủ thì mấy đời Tam công cũng chỉ là xương khô trong mả, không hề có tác dụng. Viên Thuật chính là một ví dụ.
Viên Thuật cũng “bốn đời Tam công”, muốn kết giao với danh sĩ Hà Ngung mà không được. Thế mà Hà Ngung lại kết làm bạn du hiệp với Viên Thiệu. Lý do rất đơn giản. Viên Thuật kết giao không được, lại công khai nói xấu Hà Ngung. Hà Ngung đánh bạn với Viên Thiệu thì mỗi năm một lần lén tới kinh đô, cùng Thiệu bày kế cứu vớt những kẻ sĩ bị bức hại trong họa Đảng cố. Đây có lẽ là lý do khiến Viên Thiệu có uy tín lớn trong giới kẻ sĩ thời đó. Viên Thiệu đã hành động như một Cập Thời Vũ Viên Công Minh thời Hán mạt. Khi thiên hạ nổi dậy cần người lãnh đạo, cố nhiên Viên Thiệu chính là ứng viên số một cho vị trí sĩ lâm minh chủ.
Các lộ chư hầu đánh Đổng Trác. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí
Kẻ sáng suốt duy nhất trước thềm loạn lạc
Viên Thiệu đã chuẩn bị lực lượng cho mình từ sớm. Đồng thời cũng đã có kế hoạch kinh dinh thiên hạ từ sớm. Liên quân Quan Đông nổi dậy từ năm Sơ Bình thứ nhất (190). Vào lúc bấy giờ, gần như toàn bộ các “lộ chư hầu” đều không hiểu được thiên hạ sẽ biến chuyển như thế nào. Chẳng hạn như Tào Tháo. Viên Thiệu từng hỏi đánh Đổng Trác không thành thì phải làm gì tiếp theo. Bấy giờ Tào Tháo cũng chỉ có thể trả lời đại khái chung chung. Những người như Tôn Kiên, Lưu Bị cũng chỉ hành động tùy theo sự thay đổi của tình thế trước mắt. Họ cho rằng chỉ cần diệt được Đổng Trác là thiên hạ sẽ yên ổn. Chỉ riêng có Viên Thiệu là hiểu thiên hạ sẽ loạn lạc, đồng thời có kế hoạch tranh thiên hạ một cách rõ ràng.
Trong khi những người khác mò mẫm trong bóng tối, Viên Thiệu cứ đi thẳng theo kế hoạch đã định. Trong vòng bốn năm, Viên Thiệu chiếm được bốn châu. Lúc đó Tôn Kiên đã tử trận, dư đảng gần như bị Viên Thuật nuốt chửng. Lưu Bị đang chạy vạy khắp nơi. Tào Tháo cũng đang loay hoay giải bài toán chiến lược mở đất. Cổ nhân có nói: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Có hiểu được thời thế xoay chuyển ra sao thì mới biết được phải hành động như thế nào. Vì hoạt động theo kế hoạch, Viên Thiệu đạt thành tựu nhanh chóng hơn những người chỉ hành động theo như tổ tiên mách bảo, như hạng Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Kiên. Điều đó chứng tỏ Viên Thiệu không hề “vô mưu” hay “ngu” như người đời vẫn tưởng. Rốt cuộc Viên Thiệu còn có những tư chất gì mà ta chưa biết đến?