Tam quốc chí bình thoại là tập đại thành đầu tiên về các câu chuyện thời Tam quốc. Dù văn phong đơn giản, tự sự sơ sài, tác phẩm này vẫn có giá trị như một “kinh điển” cho những người kể chuyện. Chúng ta sẽ thấy La Quán Trung tận dụng đến từng chi tiết nhỏ của cuốn sách này vào trong Tam quốc diễn nghĩa. Một trong những thừa kế quan trọng nhất chính là tạo hình nhân vật.
Tạo hình của ba anh em Lưu - Quan - Trương trong bình thoại
Lưu Bị là nhân vật hiếm hoi được Trần Thọ mô tả diện mạo trong lịch sử. Trần Thọ tả Lưu Bị “mình cao bảy thước năm tấc, hai tay dài quá gối, ngoảnh đầu tự thấy được tai mình”. Để tăng thêm tính chất đế vương của Lưu Bị, các tác giả bình thoại đã thêm vào hình tượng “mũi rồng mắt phượng, lưng vua Vũ, vai vua Thang”. “Mũi rồng” (long chuẩn) – nghĩa là mũi cao, gồ lên. Nhưng tác giả bình thoại đã đổi chữ long (nổi lên) thành chữ long (con rồng), để nó đối với “mắt phượng”. “Long chuẩn” cũng là chi tiết đặc trưng diện mạo Hán Cao Tổ Lưu Bang trong Sử ký của Tư Mã Thiên.
Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, người Trung Quốc có quan niệm rằng “tai vua Vũ có ba lỗ, lưng vua Thang dài hai cùi tay”. Nhà nghiên cứu Riftin cho rằng tác giả bình thoại đã dựa vào quan niệm này. Nhưng vì đã mô tả về đôi tai dài của Lưu Bị nên họ đã sửa “tai vua Vũ” thành “lưng”. Ở đây ám chỉ Lưu Bị có đôi vai rộng và lưng dài, phù hợp với một con người cao lớn.
Trong đoạn gặp Hán Hiến Đế, tác giả lại tả thêm Lưu Bị “mặt như trăng tròn, hai tai buông xuống vai”. La Quán Trung đã lặp lại những tạo hình này. Ở đó, Lưu Bị được tả là “mình cao 8 thước, hai tai lớn như chảy xuống vai, hai tay dài quá gối, ghé mắt có thể nhìn thấy tai”, “mặt như ngọc trên mũ, môi chẳng khác gì son” (diện như quan ngọc, thần nhược đồ chi). Khuôn mặt trăng tròn đã được đổi thành khuôn mặt như viên ngọc. Vì vào thời đó, mặt như trăng tròn thường dành mô tả khuôn mặt nữ giới.
Quan Vũ được bình thoại tả là “mày thần mắt phượng, râu xoăn, mặt như ngọc tía, thân cao chín thước ba tấc”. Hai đặc trưng quan trọng nhất chính là bộ râu và màu sắc khuôn mặt. Trong Tam quốc chí, Trần Thọ nói: “Vũ có râu cằm và ria mép đẹp, vì vậy Lượng gọi là Nhiêm” (Vũ mỹ tu nhiêm, cố Lượng vị Nhiêm).
Trần Thọ không nói gì về độ dài của bộ râu. Tác giả bình thoại phát triển thêm, mô tả Quan Vũ có nét giống người Hồ, với bộ râu xoăn, dài tới bụng. Vì vậy, nhân vật Trương Phi trong bình thoại đôi khi còn gọi Quan Vũ là Hồ Nhiêm công (ông có bộ râu của người Hồ), hoặc thường hơn là Mỹ Nhiêm công (ông râu đẹp). La Quán Trung cũng sử dụng lại tạo hình này, nhấn mạnh thêm bộ râu “dài hai thước”. Khuôn mặt như ngọc tía được đổi thành “mặt [đỏ] như trái táo”.
Trương Phi được mô tả là “đầu báo mắt tròn, cằm én râu hổ, thân cao hơn chín thước, tiếng nói như chuông to”. Trong số các đặc trưng này, chỉ có tiếng nói là được gợi ý từ lịch sử. Trong trận chiến Trường Bản, Trương Phi đứng bên cầu hô vang đòi tử chiến. “Cằm én, râu hổ” là tướng mạo của Ban Siêu thời Đông Hán. Theo như lời người xem tướng, đó là biểu hiện của kẻ “bay mà ăn thịt”. Đấy là tướng được phong hầu và nhận thực ấp ở ngoài vạn dặm.
La Quán Trung đã lấy lại hầu hết các chi tiết này. Ông mô tả Trương Phi “thân trường bát xích, báo đầu hoàn nhãn, yến hạm hổ tu, thanh nhược cự lôi, thể như bôn mã” (mình cao tám thước, đầu báo mắt tròn, cằm én râu hổ, tiếng như sấm lớn, dáng như ngựa chạy).
Hình tượng văn học và hình tượng lịch sử
Những tạo hình này đã trở thành diện mạo kinh điển của ba nhân vật Lưu, Quan, Trương. Mặc dù một vài chi tiết trong số đó có nguồn gốc từ lịch sử, về tổng thể, nó tạo ra một cảm quan khác hẳn. Lưu Bị để lại ấn tượng là một người hiền từ, nhân đức. Riftin chỉ ra rằng nhiều dấu hiệu diện mạo Lưu Bị có nguồn gốc từ văn học Phật giáo. Nhưng Lưu Bị trong lời nói của các nhân vật thời Tam Quốc để lại một ấn tượng khác hẳn. Đó là ấn tượng về một kẻ “dũng mà có uy”, “kiêu hùng”, đôi khi nóng nảy và bộc trực. Khi bàn về Lưu Bị, chúng ta sẽ lại có dịp nói đến.
Sử sách đời sau cũng ghi nhận Trương Phi là một họa sĩ và nhà thư pháp. Thậm chí có ý kiến cho rằng Trương Phi có thể không thô dữ, mà diện mạo khá tuấn tú. Bằng chứng là Trương Phi có hai người con gái, cả hai người này đều được Hậu chủ Lưu Thiện lần lượt chọn làm hoàng hậu. Điều này cho thấy hai chị em họ Trương có lẽ rất xinh đẹp. Nếu con gái xinh đẹp, diện mạo của người cha hẳn cũng không đến nỗi tệ.
Dù đúng sai thế nào, tạo hình của Tam quốc chí bình thoại đã đóng dấu ấn vào trong tâm thức của hậu thế. Xét trên góc nhìn hiện đại, họ đã rất thành công tạo ra những nhân vật với diện mạo điển hình. Khi nói đến những đặc trưng diện mạo ấy, ta nghĩ ngay đến các nhân vật do họ xây dựng. Đến đây ta lại phải hỏi, vì sao một cuốn sách có văn phong khá kém như Tam quốc chí bình thoại lại ghi dấu ấn sâu sắc đến thế?