Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 7: Ngòi bút tài hoa bí ẩn

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 7: Ngòi bút tài hoa bí ẩn

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc xếp Tam quốc chí bình thoại vào loại hình thoại bản. Thoại bản tức là văn bản để những người kể chuyện miệng tham khảo. Họ dùng nó như tư liệu hoặc kịch bản ban đầu cho buổi kể chuyện. Nhà văn Lỗ Tấn từng nhận xét nó “văn phong đơn giản, thô suất”, “lời không đạt ý, chỉ cốt đủ đại cương mà thôi”. Mặc dù vậy, trong diễn trình kể chuyện Tam quốc, tác phẩm này có một vị trí hết sức quan trọng. Đó là vì trong số những người dùng nó làm tư liệu nền tham khảo, có một ngòi bút hết sức tài hoa đã kế thừa và phát huy giá trị của nó. Người đó là La Quán Trung.

Ngày nay chúng ta thường nói về tiểu sử La Quán Trung như những sự thực hiển nhiên. Ông vốn tên là Bản, tự Quán Trung, người Thái Nguyên, có hiệu là Hồ Hải Tản Nhân. La Quán Trung hoạt động vào giai đoạn cuối Nguyên đầu Minh, từng làm việc trong mạc phủ của Trương Sĩ Thành – một quân phiệt cuối Nguyên. La Quán Trung là học trò của Thi Nại Am (tác giả Thủy hử truyện). Ông từng “có chí đồ vương”, nhưng cuối cùng không thành, mới chuyển sang viết tiểu thuyết. Trên thực tế, tình hình tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của La Quán Trung phức tạp hơn nhiều.

Tượng La Quán Trung ở quảng trường Đông Bình

Điền Nhữ Thành (1503 – 1557) nói rằng La Quán Trung là người thời Nam Tống. Ông cho biết:

La Quán Trung Bản ở Tiền Đường, người thời Nam Tống, biên soạn tiểu thuyết mấy chục loại, mà Thủy hử truyện kể chuyện bọn Tống Giang gian trộm lừa gạt, quỷ quyệt, rất là kỹ lưỡng, nhưng biến trá trăm bề, làm hại tâm thuật của con người. Con cháu của y ba đời đều câm. Đạo trời vay trả, báo ứng như thế

Điền Nhữ Thành - Ủy hạng tùng đàm

Thông tin của Điền Nhữ Thành ít được các nhà nghiên cứu đời sau tin dùng. Bởi vì còn có một thuyết khác chép trong Lục quỷ bộ tục biên. Tác giả sách này tự nhận rằng mình là bạn của La Quán Trung. Sách đó viết:

La Quán Trung là người Thái Nguyên, hiệu là Hồ Hải tản nhân, ít giao thiệp với người. Nhạc phủ, ẩn ngữ của y rất là trong sáng mới mẻ. Y cùng với tôi làm bạn vong niên (bạn bè có tuổi tác hết sức chênh lệch), gặp thời lắm việc, mỗi kẻ một phương. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Chí Chính (1364) lại gặp nhau, bặt tin nhau đến sáu chục năm, cuối cùng chẳng biết kết cục của y thế nào

Khuyết danh - Lục quỷ bộ tục biên
Giả Trọng Minh

Có người cho rằng tác giả Lục quỷ bộ tục biên chính là Giả Trọng Minh (1343-1422). Nhưng cũng có người cho rằng tác giả là một người khác khuyết danh. Việc La Quán Trung sống vào thời cuối Nguyên cũng được nhiều người khác nhắc đến. Như Bại sử vị biên của Vương Kỳ (1530-1615) chép:

Tông Tú La Quán Trung, Quốc Sơ Cát Khả Cửu đều có chí đồ vương, lúc gặp chân chúa (tức Chu Nguyên Chương nổi lên) thì Cát gửi sự thần kỳ vào nghề thuốc, La chuyển sự thần kỳ vào bại sử.

Vương Kỳ - Bại sử vị biên

Tháp Ảnh viên tập của Cố Linh (1609-1682) cho biết La Quán Trung từng là khách ở bá phủ của Trương Sĩ Thành. Hồ Ứng Lân (1551-1602) thì nói La Quán Trung là học trò của Thi Nại Am. Hồ Ứng Lân cho biết:

Người thời Nguyên ở Vũ Lâm là Thi mỗ biên soạn Thủy hử truyện, đặc biệt thịnh hành… Môn nhân của ông là La mỗ cũng học theo, làm Tam quốc chí, nhưng rất là nông cạn, thô thiển, thật tức cười.

Hồ Ứng Lân - Thiếu Thất sơn phòng bút tùng

Năm 1944, khi soạn Hưng Hóa huyện tục chí, các tác giả của nó đã đưa vào một văn bản Thi Nại Am mộ chí của Vương Đạo Sinh. Mộ chí nói rằng Thi Nại Am là tác giả Tam quốc diễn nghĩa. Vương Đạo Sinh còn bảo mình từng gặp La Quán Trung và nói chuyện với nhau về Thi Nại Am. Thi Nại Am mỗi khi viết xong tiểu thuyết sẽ đưa môn nhân (học trò) duyệt lại. Trong số các môn nhân đó thì La Quán Trung là người đắc lực nhất.

Nhà lưu niệm Thi Nại Am ở Giang Tô

Tất cả những ghi chép trên đây đem ghép lại sẽ tạo thành một câu chuyện khá logic về tiểu sử La Quán Trung. Đó là điều mà ta đã tổng hợp ở đầu tiết này. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng: Ngoại trừ một vài tác giả tự nhận đã gặp La Quán Trung, thì những người còn lại đều sống cách xa thời La Quán Trung.

Chúng ta cũng không biết chắc vị La Quán Trung mà tác giả Lục quỷ bộ tục biên quen biết có phải là La Quán Trung tác giả Tam quốc diễn nghĩa hay không. Mà thậm chí La Quán Trung có phải tác giả Tam quốc diễn nghĩa không, hay Thi Nại Am mới là tác giả? 

Nhiều người nghiên cứu ngờ rằng Thi Nại Am mộ chí thực ra là ngụy tác của người thời hiện đại. Nhưng cuộc tranh biện này vẫn chưa ngã ngũ. Chúng ta hãy tạm gác lại câu chuyện về La Quán Trung qua miệng của người khác, để chuyển sang tìm hiểu về “La Quán Trung” bằng chính lời lẽ của “La Quán Trung”.

Khác biệt giữa "thầy" và "trò"

Ngay từ thời Minh, đã có sự nhập nhằng về quyền tác giả của tác phẩm mà ngày nay ta gán hẳn cho Thi Nại Am. Trong Thất tu loại cảo, Lang Anh (1487-1566) đã nói: “Hai sách Tam quốc, Tống Giang là do người Hàng [Châu] là La Quán Trung biên soạn”. Nhưng chính Lang Anh đã thấy một bản có khắc hàng chữ “Tiền Đường, Thi Nại Am”. 

Như ta đã biết, Hồ Ứng Lân sau này nói rằng Thi Nại Am là thầy, đã viết Thủy hử truyện; còn La Quán Trung là học trò, đã học theo đó mà soạn Tam quốc diễn nghĩa. Chu Lượng Công (1612-1672) nói rằng: Đến thời Kim Thánh Thán, ông này đem Thủy hử truyện tước bỏ phần sau là phần mà ông cho rằng do La Quán Trung viết; rồi ngụy tạo một bài tựa của Thi Nại Am đặt lên đầu sách. Thủy hử truyện bèn chính thức thành tác phẩm của Thi.

Phiên bản Thủy hử truyện đề tên La Quán Trung

Hồ Ứng Lân cho rằng Tam quốc diễn nghĩa là sản phẩm ăn theo của Thủy hử truyện, nhưng với một trình độ kém hẳn. Thực ra vấn đề phức tạp hơn nhiều. Các bản in Tam quốc diễn nghĩa trước thời Mao Tôn Cương đều cho thấy tiêu đề hồi của nó là câu đơn. Chẳng hạn, hồi thứ nhất – Tế trời đất, đào viên kết nghĩa; hồi thứ hai – Lưu Huyền Đức chém giặc lập công. Nhưng ở Thủy hử truyện, tiêu đề của nó là hai câu đối ngẫu. Ví dụ, hồi thứ nhất – Trương Thiên sư cầu yên ôn dịch; Hồng Thái úy lỡ sổng yêu ma

Những người biên tập Tam quốc diễn nghĩa đời sau như Lý Trác Ngô giả, cha con Mao Luân – Mao Tôn Cương mới dần chỉnh sửa nó thành tiêu đề đối ngẫu, trên cơ sở ghép hai hồi gốc thành một hồi mới. Chẳng hạn, hồi 1 và 2 được ghép thành hồi thứ nhất mới, với tiêu đề: Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa; Chém Khăn Vàng, hào kiệt lập công

Khi ăn theo một tác phẩm nào đó, trước tiên người ta sẽ mô phỏng hình thức của tác phẩm ăn theo. Nhưng cách đặt tiêu đề của Tam quốc diễn nghĩa lại không cho thấy điều đó. Tiêu đề câu đơn dường như là hình thức sơ khởi của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc.

Bản in mạo danh Lý Trác Ngô đã ghép 2 hồi cũ thành 1 hồi mới, nhưng chưa đặt tiêu đề hai câu đối ngẫu

Xét về mặt tự sự, văn phong của Tam quốc diễn nghĩa cũng cổ hơn. Tam quốc diễn nghĩa gần gũi với hình thức kể chuyện miệng, trong khi Thủy hử truyện đã là tiểu thuyết hẳn hoi. Mục tiêu của tiểu thuyết là để đọc, mục tiêu của kể chuyện miệng là sự tương tác giữa người kể và thính giả bình dân. Sự khác biệt về bản chất thể loại đó dẫn tới những khác biệt về văn phong của hai tác phẩm.

Thứ nhất, số lượng nhân vật xuất hiện trong một hồi truyện Tam quốc là vừa đủ. Trong đó có một nhân vật sẽ đóng vai trò nhân vật chính của hồi truyện, một nhân vật khác sẽ làm đối trọng và những người còn lại làm nền. Nhân vật chính cũng là nhân vật đinh của hồi truyện. Khi hết hồi truyện, vai trò đó có thể đổi cho người khác. Chẳng hạn, trong chiến dịch Trường Bản, hồi 81 – Lưu Bị thể hiện lòng nhân đức; hồi 82 – Triệu Vân tung hoành ở Đương Dương; hồi 83 – Trương Phi trổ tài ở Trường Bản; hồi 84 – Gia Cát Lượng xuất hiện cứu nguy

Ngược lại, thường thấy ở Thủy hử truyện là các anh hùng Lương Sơn Bạc cùng ùa lên sân khấu của hồi truyện, giành giật nhau đất diễn, mỗi người một ít. Dấu ấn do nhân vật để lại bỗng hóa thành nhạt nhòa. Mặc dù trên thực tế, cách xây dựng tạo hình nhân vật của Thủy hử truyện tốt hơn nhiều so với Tam quốc diễn nghĩa; nhưng đa phần chỉ những người nào có những hồi truyện tả riêng – như cách làm của Tam quốc thì mới để lại dấu ấn sâu sắc (như Lâm Xung, Lỗ Trí Thâm, Tống Giang). 

Các anh hùng Lương Sơn bạc trong tranh khắc gỗ Nhật

Thứ hai, cách kể chuyện của Tam quốc gọn ghẽ hơn. Trong loại hình kể chuyện miệng, nhịp độ câu chuyện là thứ quyết định khán giả sẽ ở lại hay bỏ về, đồng nghĩa với việc người kể sẽ kiếm được tiền thưởng hay phải cạp đất. Vì vậy, câu chuyện của Tam quốc diễn nghĩa đã loại bỏ đi phần lớn các chi tiết thừa thãi đối với việc kể chuyện. Ngược lại, Thủy hử truyện là tiểu thuyết. Nhà văn có điều kiện thoải mái để vung ngòi bút của mình đi vào chi tiết – cái mà Lưu Hiệp thời Nam Tề gọi là điêu long (chạm trổ con rồng). 

Trong Tam quốc khi một nhân vật được cử đi đâu, họ sẽ đi thẳng tới điểm cần đến. Nhưng Thủy hử thì khác, tác giả sẽ tả người được cử đi sẽ ăn mặc như thế nào, tay trái cầm cái gì, tay phải cầm cái gì, chân mang giày gì; sau đó một nhân vật nào đó sẽ bình phẩm vài câu, nhân vật trả lại vài câu; khi nhân vật xuống núi sẽ thấy mệt và đói, liền ghé vào quán; tiểu nhị sẽ bước ra mời chào, giới thiệu thực đơn; nhân vật sẽ bình luận vài câu, gọi món, ăn uống… trong lúc đó thì thính giả sẽ bỏ về và người kể chuyện miệng sẽ chết đói. Sự khác biệt này càng thấy rõ trong các mô tả chiến trận của hai tác phẩm. Trong khi Tam quốc mô tả rất dễ hiểu và dễ nhớ thì Thủy hử lại hết sức phức tạp và lắt léo.

Chúc Dung phu nhân giao đấu với tướng Thục

Thứ ba, thi ca bình tán của Tam quốc được đưa vào là để phục vụ cho nhu cầu kể chuyện. Nó xuất hiện ở những chỗ quan trọng, ở những chi tiết đinh của buổi kể chuyện. Tác giả dùng nó để bình tán, đào sâu thêm chi tiết câu chuyện, hoặc đánh giá một nhân vật quan trọng khi họ đã qua đời, hoặc để nhấn mạnh một đại cảnh câu chuyện cho người đọc hình dung. Do đó, nó xuất hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm. Ngược lại, Thủy hử truyện dàn trải thơ ca của mình ra mọi nơi, như một cách điểm xuyết tài năng, thêm chút hoa lá cho câu chuyện.

Nói tóm lại, nếu xét về hình thức và văn phong, Tam quốc diễn nghĩa cổ hơn Thủy hử truyện. Vấn đề chính là, một tác phẩm ăn theo Thủy hử truyện lại không phỏng theo diện mạo và văn phong của Thủy hử truyện, mà lại thể hiện một diện mạo và phong cách tự sự cổ hơn. Điều này rõ ràng là vô lý. Vậy tại sao lại có thuyết Thi là thầy La là trò? Dựa vào những gì “La Quán Trung” thể hiện trong tác phẩm của mình, ta còn suy ra được gì về ông?

Chia sẻ câu chuyện này
Share