Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 9: Lịch sử hòa quyện với dân gian

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 9: Lịch sử hòa quyện với dân gian

Khi bắt đầu chấp bút bộ Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, La Quán Trung đã thừa kế một di sản văn học đồ sộ các cố sự về Tam Quốc. Đó là thuận lợi rất lớn cho người viết. Nhưng La Quán Trung không chỉ làm công việc chép lại, mà đã biến tấu và phát huy nó. Ông đã làm điều đó như thế nào?

Thời gian của Bình thoại và thời gian của La Quán Trung

Vào thời nhà Nguyên, các hình thức kể chuyện Tam Quốc đã có một độ dày dặn nhất định, cho phép xuất hiện tập đại thành đầu tiên. Đó là Tam quốc chí bình thoại. 

Câu chuyện bắt đầu từ thời Hán Quang Vũ đế nhà Đông Hán. Trong một lần, Quang Vũ đế cùng các quan ăn yến ở ngự hoa viên. Sau khi biết được đây là vườn hoa do Vương Mãng bắt ép dân chúng trồng lên, Quang Vũ đế quyết định mở cửa công khai cho mọi người cùng đến thưởng thức. Một trong số người đến thăm là Tú tài Tư Mã Trọng Tương. Trong lúc say rượu, Trọng Tương buông lời oán Thiên Công (ông trời) vì đã không làm gì khi Tần Thủy Hoàng bạo ngược. Thiên Công bèn sai người đưa Trọng Tương xuống thử làm vua địa phủ, xử án của Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt kiện Hán Cao Tổ và Lữ Hậu phụ rẫy công thần. Sau khi Trọng Tương tra được sự thực, Thiên Công ra phán quyết cho tất cả thác sinh: Hàn Tín làm Tào Tháo, Anh Bố làm Tôn Quyền, Bành Việt làm Lưu Bị, Hán Cao Tổ làm Hán Hiến Đế. Ba người Tào, Lưu, Tôn cùng chia thiên hạ nhà Hán. Tư Mã Trọng Tương thác sinh làm Tư Mã Trọng Đạt, gồm thâu Tam Quốc.

Trọng Tương xử án chốn âm ty

Câu chuyện nhảy thẳng sang cuối thời Đông Hán. Có Ngô Học Cứu vô tình tìm được Thiên thư, sau đó truyền thụ cho Trương Giác. Trương Giác lập ra Thái Bình đạo, kêu gọi nổi dậy phản Hán. Đó là khởi nghĩa Khăn Vàng. Từ cuộc khởi nghĩa này, các nhân vật chủ chốt trong ba phe Lưu, Tào, Tôn lần lượt được giới thiệu. Nhưng chuyện kể không kết thúc ở chỗ Tư Mã gồm thâu Tam Quốc, mà còn kể tiếp tới việc Lưu Uyên khởi binh tiêu diệt nhà Đông Tấn, lập ra nhà Hậu Hán, khôi phục lại việc thờ cúng các vua nhà Hán.

Tam quốc chí bình thoại luôn cố gắng tạo cho câu chuyện của mình một màu sắc lịch sử chân thực, bằng cách gắn các sự kiện với những mốc thời gian, ngày tháng, niên hiệu cụ thể. Nhưng có lẽ do điều kiện sách vở thời đó, cũng như trình độ của người làm sách, Tam quốc chí bình thoại đã không đạt được mục đích này. Các niên điểm, niên hiệu được dùng trong sách hầu hết đều không khớp với thực tế. Thậm chí, một số nhân vật như Lữ Mông, Triệu Vân vẫn xuất hiện trong các sự kiện diễn ra sau khi họ đã qua đời.

Triệu Vân đứng cạnh Khương Duy, xem Khổng Minh tế sao để cầu tăng thọ

La Quán Trung đã phải tiến hành sắp xếp lại biểu thời gian các sự kiện cho phù hợp với lịch sử. Mặc dù mang tên Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, bộ sử mà La Quán Trung dựa vào có vẻ không phải bộ sử của Trần Thọ thời Tây Tấn, mà là bộ Tư trị thông giám của nhóm sử gia Tư Mã Quang nhà Bắc Tống. Điều này cũng dễ hiểu. Tam quốc chí của Trần Thọ viết theo thể kỷ truyện. Nó là tập hợp các bản tiểu sử của các nhân vật riêng rẽ. Trong khi Tư trị thông giám là sử biên niên. Các sự kiện trong đó đã được sắp xếp lại theo trình tự thời gian. Việc nào trước chép trước, việc nào sau chép sau. Nếu muốn tìm hiểu tiến trình của sự kiện thì tham khảo Tư trị thông giám rõ ràng sẽ tiện lợi hơn xem Tam quốc chí.

Bản dịch tiếng Việt của Tư trị thông giám

Sự hòa quyện giữa chuyện kể dân gian và sự thực lịch sử

Bằng cách chỉnh sửa lại biểu thời gian sự kiện theo đúng lịch sử, La Quán Trung đã làm tăng độ thuyết phục cho câu chuyện của mình. La Quán Trung đã viết lại nhiều trường đoạn khác với bình thoại, cho phù hợp với ghi chép lịch sử. Chẳng hạn, chuyện Lưu Bị đánh Khăn Vàng, Trương Phi đánh Đốc bưu hoặc chiến dịch chinh phục Ích Châu của Lưu Bị đều đã được viết lại dựa trên ghi chép lịch sử. 

Trương Phi đại náo Hạnh Lâm - một cố sự đánh Khăn Vàng đã bị La Quán Trung cắt bỏ

Câu chuyện tiểu thuyết của La Quán Trung là sự kết hợp giữa cố sự dân gian và ghi chép lịch sử. Mặc dù vậy, trong một vài trường hợp, La Quán Trung ưu tiên sử dụng cách kể của cố sự dân gian đã nổi tiếng, chứ không dùng đến ghi chép lịch sử. Tam chiến Lữ Bố (kể về chuyện ba anh em Lưu, Quan, Trương đánh Lữ Bố ở Hổ Lao), lưỡng quân sư cách giang đấu trí (kể về cuộc đấu trí giữa Chu Du và Gia Cát Lượng sau trận Xích Bích) là những ví dụ cụ thể. Vào thời nhà Nguyên, đó là những tích chuyện quá nổi tiếng – không chỉ được thể hiện trong bình thoại mà còn trong các vở tạp kịch. Việc loại bỏ chúng đi chắc chắn sẽ vấp phải thắc mắc và phản ứng từ công chúng. Hơn nữa, về mặt văn học, câu chuyện được kể theo cố sự dân gian sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với diễn biến chính sử.

Kho tàng cố sự dân gian vốn đã có sẵn những cốt truyện hay, được công chúng đón nhận. Đó là một lợi thế cho nhà văn trung đại. Trên thực tế, những câu chuyện ấn tượng trong Tam quốc diễn nghĩa hầu hết đều bắt nguồn từ cố sự có sẵn, chứ không phải do La Quán Trung tự sáng tạo ra. Chẳng hạn, Tào Tháo tặng áo bào cho Quan Vũ là việc đã thấy từ trong tạp kịch Quan Vân Trường thiên lý độc hành thời nhà Nguyên. Tuy nhiên, La Quán Trung đã viết lại chúng bằng một văn phong và kỹ thuật tự sự cao, giúp nâng cao chất lượng câu chuyện.

Ví dụ tiêu biểu cho sự nâng cấp đó chính là trường đoạn Khổng Minh dùng trí thuyết Chu Du. Trong Tam quốc chí bình thoại, Lỗ Túc cùng Khổng Minh đi mời Chu Du về làm Nguyên soái đánh Tào. Khổng Minh đã cắt cành quýt thành ba đoạn, biểu thị cho sự chênh lệch lực lưỡng giữa Tào với Tôn, Lưu. Cuối cùng, bằng việc nói Tào Tháo muốn bắt Tiểu Kiều làm vợ, Khổng Minh đã thuyết phục được Chu Du. 

Khổng Minh cắt cành quýt để thuyết phục Chu Du

La Quán Trung đã kể lại câu chuyện bằng một kỹ thuật tự sự lắt léo điêu luyện. Đầu tiên, cho phe hàng Tào và phe đánh Tào mấy lần thay nhau vào gặp để thuyết phục, Chu Du gặp bên nào cũng hùa theo ý kiến của bên đó; khiến người đọc nghi ngờ về tâm ý của Chu Du. Sau khi Khổng Minh và Lỗ Túc vào gặp, Chu Du liền ngỏ ý muốn hàng Tào, để cho Lỗ Túc tranh biện. Khổng Minh cũng giả vờ hùa theo Chu Du, còn bày kế để hàng Tào. Nhưng hóa ra lại là kế dâng vợ Chu Du cho Tào Tháo. Để chứng thực ham muốn của Tháo, Khổng Minh đọc bài phú Đồng Tước đài của Tào Thực, từ đó chọc giận chiến ý của Chu Du.

Một ví dụ tiêu biểu khác là chuyện thuyền cỏ mượn tên. Trong Tam quốc chí bình thoại, người mượn tên là Chu Du. Trong trận chiến đầu tiên với Tào Tháo ở Tam Giang, Chu Du sai căng vải trên thuyền để hứng tên của quân Tào. La Quán Trung đã đổi nó thành câu chuyện của Khổng Minh. Nhờ phương pháp kể chuyện hấp dẫn, các phần truyện do La Quán Trung viết lại đã hoàn toàn thay thế cách nói của cố sự gốc. Trên cái nền sự thật lịch sử và cố sự dân gian, ngòi bút tài hoa của La Quán Trung có vai trò kết nối và nâng tầm câu chuyện. Tất nhiên, La Quán Trung không chỉ thành công trên mảnh đất đã thành công sẵn. Chính bản thân ông đã đóng góp nhiều khía cạnh quan trọng cho chuyện kể Tam Quốc. Đó là đóng góp gì?

Kỳ sau: Vén mây mù huyền thoại “tôn Lưu”.

Chia sẻ câu chuyện này
Share