“An Nam quốc vương Trần Nhật Chiếu vốn là người ấp Trường Lạc, thuộc Phúc Châu, tên họ là Tạ Thăng Khanh, lúc nhỏ có chí lớn, không đoái hoài tới cái học cử nghiệp, lúc nhàn hạ thì làm thơ ca. Có câu rằng:
Trì ngư tiện tác côn bằng hóa
Yến tước an tri hồng hộc tâm
(Cá trong ao sẽ liền hóa thành cá côn, chim bằng
Én sẻ sao biết được lòng chim hồng, chim hộc?)
Thường thường là những lời không chịu câu thúc, thích cùng bọn cờ bạc, hào hiệp rong chơi, thường trộm cắp của cải trong nhà để đem ra xài phí, vì thế mà không được cha yêu quí. Người chú lại đặc biệt cho là lạ, thường ra sức bảo bọc. Gặp lúc nhà của anh trai có đám cưới, đồ đạc bày la liệt phồn thịnh. Đến đêm, bèn cuốn chiếu đem đi hết, tới nương dựa họ hàng làm quan ở đất Tương.
Đến giữa đường, gọi đò. Người lái thuyền muốn đợi vì thuyền chưa đầy, [Khanh] bèn đánh người ấy, trúng chỗ yếu hại. Lái thuyền vội vàng rời bờ. [Khanh] đứng ở đầu bến để đợi, nghe nói người lái thuyền đã chết, nên đổi tên họ. Tới đất Hành, bị người ta bắt được. Thích chủ [chức chỉ huy quân đội] cũng là người Mân, bèn lén thả đi. Đến Vĩnh Châu, đã lâu mà không nương dựa được ai, bèn nhận dạy dỗ sinh đồ để tự chu cấp. Quan thú ở Vĩnh là Lâm Tiết cũng là người cùng làng, hơi có tính giúp người [Bản sao lại trong Việt Tây tùng tải viết là “hơi đối xử tốt”].
Ở chẳng bao lâu, có Tuần kiểm trại Vĩnh Niên [Việt Tây tùng tải viết là Vĩnh Bình] ở Ung Châu đi qua, vừa gặp một lần đã cho là kỳ lạ, bèn dẫn theo về nam. Trại nằm ở khoảng Ung, Nghi, cùng với Giao Chỉ lân cận. Bờ cõi có chỗ đất bỏ đi rộng mấy trăm dặm. Mỗi khi bạc dịch [mua bán giữa hai nước], ắt quí nhân của nước ấy đều ra đó lập chợ. Quốc tướng là rể của vương, có người con gái cũng đi theo, thấy Tạ Khanh nhỏ tuổi mà đẹp, thì vừa lòng; nhân đó mời cùng về với mình, sai thi cử nhân. Tạ trúng tuyển đầu bảng, bèn được nạp làm rể.
Vương nước ấy không có con trai, nên đem quốc sự giao cho quốc tướng. Quốc tướng lại già cả sờ sệt, bèn phó thác cho chàng rể. [Khanh] nhờ đó mà được nước vậy. Từ đó về sau thường sai người tới Mân hỏi thăm nhà mình. Người nhà cho là việc chẳng thể lường trước được [là họa hay phước], nên không giao thiệp [Việt Tây tùng tải viết là: “có người cho rằng việc chẳng thể lường trước được, không nên cùng giao thiệp”]. Vì vậy đã lâu năm mà không hỏi thăm được, bèn quay trở về. Việc ấy là do Thiêm xu Trần Hợp, tự là Duy Thiện kể lại”.