Vieseries Hồ Sơ W

Nhìn lại tư liệu về “họ Trần người Mân”

Tác giả Wong Trần
Nhìn lại tư liệu về “họ Trần người Mân”

Thư tịch lịch sử là công cụ truyền tải quá khứ cho thế hệ mai sau. Nhưng sử sách thường biên soạn với một độ trễ nhất định so với thời gian xảy ra sự kiện. Người viết sử không chỉ thu thập các tài liệu gốc, mà đôi khi còn chấp nhận những lời đồn thổi trong dân gian. Một trong những trường hợp như vậy là câu chuyện các hoàng đế họ Trần có gốc tích từ đất Mân (Phúc Kiến). Truy tới tận cùng của lời đồn đó, ta sẽ thấy gì?

Gốc tích họ Trần trong sử sách thời Lê

Mở đầu kỷ Thái Tông hoàng đế nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn thư có viết: 

Lúc đầu, tiên tổ của đế là người Mân (có người nói là người Quế Lâm). Có một người tên là Kinh tới sống ở hương Tức Mặc, [phủ] Thiên Trường, sinh ra Hấp. Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề cá. Đế là con thứ của Thừa. Mẹ họ Lê. 

(Sử thần triều Lê - Đại Việt sử ký toàn thư)
gốc tích, họ Trần
Gốc tích họ Trần trong Đại Việt sử ký toàn thư

Họ Trần người gốc Mân (tức tỉnh Phúc Kiến). Đây là một quan điểm được nhiều người mặc nhiên thừa nhận. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng ngay trong chính bản văn Đại Việt sử ký toàn thư vẫn còn ghi chú một thuyết khác về gốc tích họ Trần: thuyết họ Trần gốc Quế Lâm (Trung Quốc). Điều đó có nghĩa tuy sử gia nghiêng về thuyết gốc Mân, nhưng giả thuyết nguồn gốc Quế Lâm vẫn đáng để bổ chú và nghiên cứu. Ai là người đã viết những dòng sử này? Chúng ta không chắc.

Lần theo lịch sử biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, ta biết người đầu tiên biên soạn phần lịch sử nhà Trần chính là Phan Phu Tiên – sử gia thời Lê sơ. Năm 1455, Phan Phu Tiên đã biên soạn Đại Việt sử ký, chép tiếp phần sử từ thời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút về nước. Để  phân biệt với công trình của Lê Văn Hưu, bộ sách của Phan Phu Tiên còn được gọi bằng một cái tên khác là Đại Việt sử ký tục biên

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta không hề được biết Phan Phu Tiên đã dựa vào những nguồn tư liệu nào để biên soạn phần lịch sử nhà Trần, cũng không biết phần lịch sử do Phan Phu Tiên biên soạn còn giữ được đến mức độ nào trong văn bản Đại Việt sử ký toàn thư hiện tại (vốn cũng đã qua nhiều hiệu chỉnh). Muốn xác nhận được việc đó có lẽ chỉ có cách tìm đến những nguồn tư liệu gốc mà Phan Phu Tiên có lẽ đã sử dụng.

Gốc tích họ Trần trong thư tịch Trung Quốc cuối Tống đầu Nguyên

Gốc tích nhà Trần là người Mân được nhắc đến sớm nhất trong sách Tề Đông dã ngữ của Chu Mật (1232 – 1298) cuối thời Nam Tống – đầu thời nhà Nguyên. Quyển 19 của bộ sách này có một truyện ngắn tiêu đề An Nam quốc vương, trong đó nói rằng tổ tiên nhà Trần là một người đất Mân. Truyện này viết rằng:

“An Nam quốc vương Trần Nhật Chiếu vốn là người ấp Trường Lạc, thuộc Phúc Châu, tên họ là Tạ Thăng Khanh, lúc nhỏ có chí lớn, không đoái hoài tới cái học cử nghiệp, lúc nhàn hạ thì làm thơ ca. Có câu rằng:

 

Trì ngư tiện tác côn bằng hóa
Yến tước an tri hồng hộc tâm
(Cá trong ao sẽ liền hóa thành cá côn, chim bằng
Én sẻ sao biết được lòng chim hồng, chim hộc?)

 

Thường thường là những lời không chịu câu thúc, thích cùng bọn cờ bạc, hào hiệp rong chơi, thường trộm cắp của cải trong nhà để đem ra xài phí, vì thế mà không được cha yêu quí. Người chú lại đặc biệt cho là lạ, thường ra sức bảo bọc. Gặp lúc nhà của anh trai có đám cưới, đồ đạc bày la liệt phồn thịnh. Đến đêm, bèn cuốn chiếu đem đi hết, tới nương dựa họ hàng làm quan ở đất Tương.

 

Đến giữa đường, gọi đò. Người lái thuyền muốn đợi vì thuyền chưa đầy, [Khanh] bèn đánh người ấy, trúng chỗ yếu hại. Lái thuyền vội vàng rời bờ. [Khanh] đứng ở đầu bến để đợi, nghe nói người lái thuyền đã chết, nên đổi tên họ. Tới đất Hành, bị người ta bắt được. Thích chủ [chức chỉ huy quân đội] cũng là người Mân, bèn lén thả đi. Đến Vĩnh Châu, đã lâu mà không nương dựa được ai, bèn nhận dạy dỗ sinh đồ để tự chu cấp. Quan thú ở Vĩnh là Lâm Tiết cũng là người cùng làng, hơi có tính giúp người [Bản sao lại trong Việt Tây tùng tải viết là “hơi đối xử tốt”].

 

Ở chẳng bao lâu, có Tuần kiểm trại Vĩnh Niên [Việt Tây tùng tải viết là Vĩnh Bình] ở Ung Châu đi qua, vừa gặp một lần đã cho là kỳ lạ, bèn dẫn theo về nam. Trại nằm ở khoảng Ung, Nghi, cùng với Giao Chỉ lân cận. Bờ cõi có chỗ đất bỏ đi rộng mấy trăm dặm. Mỗi khi bạc dịch [mua bán giữa hai nước], ắt quí nhân của nước ấy đều ra đó lập chợ. Quốc tướng là rể của vương, có người con gái cũng đi theo, thấy Tạ Khanh nhỏ tuổi mà đẹp, thì vừa lòng; nhân đó mời cùng về với mình, sai thi cử nhân. Tạ trúng tuyển đầu bảng, bèn được nạp làm rể.

 

Vương nước ấy không có con trai, nên đem quốc sự giao cho quốc tướng. Quốc tướng lại già cả sờ sệt, bèn phó thác cho chàng rể. [Khanh] nhờ đó mà được nước vậy. Từ đó về sau thường sai người tới Mân hỏi thăm nhà mình. Người nhà cho là việc chẳng thể lường trước được [là họa hay phước], nên không giao thiệp [Việt Tây tùng tải viết là: “có người cho rằng việc chẳng thể lường trước được, không nên cùng giao thiệp”]. Vì vậy đã lâu năm mà không hỏi thăm được, bèn quay trở về. Việc ấy là do Thiêm xu Trần Hợp, tự là Duy Thiện kể lại”.

Chu Mật - Tề Đông dã ngữ
Câu chuyện về Tạ Thăng Khanh trong sách Tề Đông dã ngữ

Thiêm xu Trần Hợp mà Chu Mật lấy làm chứng cũng quê ở Trường Lạc, Phúc Châu. Năm Thuần Hựu thứ 4 [1244], Trần Hợp đỗ Tiến sĩ, trải nhiều chức quan. Năm Đức Hựu thứ nhất [1275], Trần Hợp được bổ làm Đồng thiêm thư Xu mật viện sự. Về sau miễn chức quan, trở về nhà, rồi chết. Chu Mật gọi Trần Hợp là Thiêm xu. Điều đó hàm ý Chu Mật chỉ được nghe chuyện này từ năm 1275 trở về sau. Khoảng thời gian này ngang với triều đại Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông ở Đại Việt.

Gốc tích họ Trần qua lời sứ thần Trần Phu nhà Nguyên

Thông tin họ Trần gốc người Mân được sứ thần nhà Nguyên là Trần Phu nhắc lại trong lời chú bài thơ An Nam tức sự. Trần Phu đã sang Đại Việt vào năm 1293 – lúc này Chu Mật vẫn còn sống. Trần Phu thuật lại gốc tích nhà Trần rằng:

Họ Trần vốn là người Mân [có bản chép là yêm nhân thay vì Mân nhân], có tên Trần Kinh, ngụy thụy là Văn vương, làm rể của họ Lý. Gặp lúc Long Hàn [Lý Cao Tông] già cả tăm tối, không lo chính sự. Kinh cùng em là Bản, ngụy thụy là Khang vương trộm quyền bính trong nước. Hạo Sảm [Lý Huệ Tông] còn bé, nên con của y là Thừa soán ngôi tự lập, tiếm hiệu là Thái thượng hoàng, rồi chết. Con trai là Quang Bỉnh nối nghiệp, với Tống thì xưng tên là Uy Hoảng, dâng biểu xin nội phụ. Quốc triều phong làm An Nam vương. [Hoảng] chết, con trai là Nhật Huyên lập, với Tống thì xưng tên là Nhật Chiếu. [Chiếu] chết, nay Nhật Tôn thay thế, thống lĩnh mọi người. Tính ra đã được nước sáu mươi chín năm rồi

(Trần Phu - An Nam tức sự)
Nguồn gốc họ Trần trong An Nam tức sự

Trần Phu kể ra một phả hệ khá khớp với thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng theo lời ông ta, Trần Kinh thay vì là ông cố của Trần Thừa thì lại là cha của Trần Thừa. Ông cũng không kể đúng các danh xưng mà vua Trần sử dụng trong giao thiệp với hai triều đại Tống, Nguyên. Đúng ra phải là: Trần Thái Tông xưng là Quang Bỉnh, Nhật Chiếu; Trần Thánh Tông xưng là Uy Hoảng, Nhật Huyên. 

Phải chăng ghi chép của Chu Mật và Trần Phu là những tài liệu nền tảng, gợi ý cho câu chuyện họ Trần người Mân, mà cuối cùng đã được ghi vào trong Đại Việt sử ký toàn thư

Gốc tích nhà Trần qua phát biểu của chính người thời Trần

Trong học giới Trung Quốc thời đó, việc truyền bá những câu chuyện về các quân chủ nước ngoài có nguồn gốc Trung Quốc là không hiếm. Chính Lý Công Uẩn – người mở ra triều đại nhà Lý – cũng từng bị xem là người Mân. Tục tư trị thông giám trường biên chép việc năm 1076 có nói người Trung Quốc là Từ Bá Tường viết thư gửi sang cho Lý Nhân Tông, trong đó nói rằng: 

Đại vương đời trước gốc tích vốn là người Phúc Kiến, nghe nói các công khanh Giao Chỉ hiện nay phần lớn là người Phúc Kiến

Lý Đảo - Tục tư trị thông giám trường biên

Đó tất nhiên là một thông tin sai lạc. Lê Tắc khi viết An Nam chí lược có chép rõ rằng: “Lý Công Uẩn người Giao Châu (có người nói người Mân là không đúng)”. 

Về nguồn gốc họ Trần, Lê Tắc viết về đời thứ nhất (Trần Thừa) “là người Giao Chỉ, ngoại thích của họ Lý”. Lê Tắc là người Đại Việt, mới chạy sang hàng Nguyên năm 1285. Lê Tắc thậm chí không biết đến câu chuyện họ Trần người Mân của Chu Mật và Trần Phu. 

Địa danh Hiển Khánh trên bản đồ Nam Định năm 1891

Trước đó, vào năm 1267, Trần Thánh Tông đã cho xác định “ngọc điệp” (phả hệ hoàng gia) để phong tước. Không thể nói rằng nhà Trần hoàn toàn không biết gì về phả hệ của gia tộc mình. Về sau, Trần Nhân Tông cũng có nói: “Nhà ta vốn người hạ lưu”. Cụm từ “hạ lưu” (ở cuối dòng sông) được bản văn Đại Việt sử ký toàn thư chú thích rằng “thủy tổ là người Hiển Khánh”. Ngày nay ở Nam Định vẫn còn địa danh Hiển Khánh, ở không xa hương Tức Mặc xưa là mấy. Hương Tức Mặc là nơi có “tiên miếu” mà Trần Thái Tông đã về dâng lễ vào năm 1231.

Chia sẻ câu chuyện này
Share