Nón lá: Hành trình ngàn năm đi vào tâm hồn người Việt

Tác giả Huyết Vy
Nón lá: Hành trình ngàn năm đi vào tâm hồn người Việt

Từ ngàn xưa, người Việt đã biết ứng đối với đất trời nắng mưa bằng những chiếc nón lá đội đầu, biến nó thành vật bất ly thân trong đời sống canh nông. Nón lá Việt Nam trên hành trình trình lịch sử của mình, đã vượt qua công dụng che chắn mà trở thành một biểu tượng đặc biệt.

Nón lá đẹp
Ngày đó, ngoại vội thu gom mớ chuối khô đang phơi ngoài vườn. Chiếc nón trên đầu trông như tả tơi thêm dưới mưa rào chiều hạ. Tôi quen biết chiếc nón này đã lâu. Nó che chắn cho ngoại khắp mọi nẻo trần gian, đựng đầy quả chim chim, dủ dẻ cho tôi những buổi cùng ngoại thăm đồng. Nó đã ố vàng xâm kim, tơi đi một góc sau bao bận nắng mưa, nhưng vẫn nằm lại ngôi nhà cũ của ngoại như một “chiến tướng” hữu dụng. Tôi biết ngoại còn có một chiếc nón khác, được trân trọng để trên nóc tủ và chỉ được lấy ra đội những khi đi giỗ, tiệc. “Nàng mỹ nữ” ấy mới mẻ, trắng phau, được mắc quai nhung huyền. Tôi yêu thích không rời vẻ xinh đẹp ấy và đã lén lấy đội đầu soi gương từ những ngày chưa biết làm duyên là gì.
Ngày nay, khắp nẻo Nam – Bắc tôi qua, đâu đâu cũng bắt gặp dáng hình chiếc nón lá Việt Nam. Chiếc nón dãi nắng dầm mưa cùng bóng lưng người nông dân, rồi theo gánh hàng rong in dấu khắp ngõ xóm đường làng. Chiếc nón ve vẩy gió đưa giấc ban trưa cho em nhỏ, rồi dịu dàng gài trên mái đầu điểm trang nàng thiếu nữ. Dường như từ lâu đã thế rồi, và đến giờ còn chưa đổi.
Từ niềm mến yêu vẻ đẹp chiếc nón, tôi nghĩ về nó nhiều hơn, rồi mày mò lần theo hành trình của nó trong suốt chiều dài không và thời gian của đất nước. Theo dấu chân người Việt, chiếc nón cũng viết nên cho mình một lịch sử riêng với những biến dời từ dáng hình, nguyên liệu, đến công năng.
Đồng bào đội nón lá gặt lúa
Các bà các mẹ đội nón gặt lúa. (Ảnh: Lý Thảo Vy)

Lịch sử ngàn năm tuổi của nón lá Việt Nam

Mưu sinh ngàn đời trên dải đất nắng lắm mưa nhiều cùng công việc đồng áng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, từ xa xưa người Việt đã biết ứng phó với thời tiết bằng chiếc nón được làm từ nhành cây ngọn cỏ quanh mình. Việc khởi nguồn từ đời sống nông nghiệp được thi vị hóa bằng truyền thuyết ra đời của nón lá. Theo truyền thuyết, chiếc nón con người sử dụng là được được mô phỏng theo chiếc nón của thần nữ chỉ dạy canh nông. (1)
Đến giờ vẫn chưa có tư liệu lịch sử xác định chính xác thời gian ra đời của nón. Nhưng ta đã có thể tìm thấy được tiền thân mang dáng dấp thô sơ của nó trên trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh cách đây 2.500 – 3.000 năm. “Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ và từ xa xưa, có thể bằng tàu lá, bằng lông chim kết lại“. (2)
Từ sau thời Lý, sách sử đã bắt đầu ghi nhận chiếc nón lá như một “item” trong trang phục dân gian Việt. Bấy giờ nón lá khá dày và nặng, được dùng làm phụ kiện cho cung tần mỹ nữ nhà Trần. Ðến thời Lê Mạt, nó đã được cải tiến trong việc chọn thứ lá nhỏ làm nguyên liệu. Việc tiện dụng hơn khiến nón lá trở thành “khách quen” trong phục sức thường nhật của chúng dân và binh lính thời Nguyễn.
Ảnh xưa người Việt đội nón lá
Ảnh xưa người Việt đội nón lá
Ảnh xưa người Việt đội nón lá
Nón lá trong phục sức thường nhật của chúng dân và binh lính thời Nguyễn.

Những dấu tích còn lưu lại trong sử sách và hội họa chứng tỏ nón lá cũng đã có ít nhiều ngàn năm lịch sử. Chiếc nón có lẽ được ghi nhận lần đầu bằng văn bản qua chiếc loa lạp (nón hình ốc) trong trong Lĩnh Ngoại đại đáp năm 1178 của Chu Khứ Phi, và sau đó được miêu tả tỏ tường hơn như một chiếc “nón hình xoắn ốc, hình dáng của nó giống như những con ốc… được làm rất khéo từ lạt tre mỏng” trong Văn hiến thông khảo năm 1307 của Mã Đoan Lâm . (3)

Hình ảnh sớm nhất về nón lá của người Việt được ghi nhận là trong bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ của Trần Giám Như (4) khoảng năm 1363 thời Nguyên. Hai người đàn ông được khắc họa trong tranh đội hai chiếc nón có hình dáng khác nhau: Một người đội chiếc nón vành xòe rộng, bên trên có cái chũm nhô cao, trong khi người kia đội chiếc nón cũng rộng vành nhưng chóp nhọn.
Nón lá trong Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ
Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ.

Lịch sử biến hóa và tung hoành dọc Bắc chí Nam của nón lá

Lát cắt hai chiếc nón khác nhau được đội cho hai thân phận khác nhau trong bức xuất sơn đồ cho thấy một điều. Trước khi được sử dụng phổ biến dưới hình chóp như hiện nay, chiếc nón đã có một cuộc phiêu lưu dài trên mảnh đất Việt với nhiều hình dạng, chất liệu và thân phận người mang. Từ vật bất ly thân trong đời sống canh nông, qua thời gian nón lá trở thành bạn đường của mọi lớp người trong xã hội.

Dẫu khắc nghiệt, nhưng thổ nhưỡng nhiệt đới gió mùa cũng hào phóng ban tặng cho con dân xứ sở đa dạng nguyên liệu. Dưới bàn tay tài tình của người, trước là nông dân sau là nghệ nhân, đủ loại nón lá được ra đời. Từ những chiếc nón được lợp bằng lá của các cây họ cọ như lá kè, lá gồi, lá lụi hoặc lá buông, lá dứa, lá dừa… cho đến các thành phẩm được đan từ sợi rơm, nan giang, ghép từ cật tre, lá sen. Những nguyên liệu ấy hiển hiện khắp ba miền đất nước, làm nên những làng nghề làm nón nổi danh như: nón thúng xứ Nghệ, nón ngựa Bình Định, nón bài thơ xứ Huế, nón lá làng Chuông,….

Các loại nón lá của người Việt xưa

Dần dà, chiếc nón không chỉ được dùng như một vật chở nắng che mưa mà trở thành một phục sức không thể thiếu, biểu thị thân phận và nghề nghiệp của người Việt khi ra đường. Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép nón lá như một phục sức đặc trưng của người dân Nam Bộ: 

Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao Chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách (…), đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế ”(5)

Gia Định Thành thông chí

Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng đã liệt kê nhiều loại nón với kiểu dáng và nguyên liệu khác nhau, được dùng cho các lớp người trong xã hội nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 .(6)

Ảnh xưa người An Nam đội nón lá
Ảnh xưa người An Nam đội nón lá
Ảnh xưa người An Nam đội nón lá
Ảnh xưa người An Nam đội nón lá
Chiếc nón trở thành một phục sức không thể thiếu của người Việt khi ra đường.
Nón lá được sử dụng rộng rãi khiến tỉnh huyện nào cũng có làng nghề đan nón mới đủ cung ứng cho cả xã hội. Hàng trăm làng nghề đan nón hình thành và phát triển phồn thịnh hàng trăm năm đã cung cấp kế sinh nhai nhiều đời thợ đan từ nam, nữ, lão, ấu. Thậm chí làng nghề đan nón ở Bình Định đã đưa sản phẩm nón lá sánh ngang với kỳ trân dị bảo, sơn hào hải vị, thành một thứ sản vật tiến vua.

Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí của Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định nhà Nguyễn có ghi chép về thổ sản Bình Định gồm: kỳ nam, trầm hương, mỏ sắt, diêm tiêu, hồ tiêu, sáp mật ong, tê giác, voi, lụa sống, lụa đen, tơ màu, vải trắng, trà ngọt đắng, lông nhím, nón trắng, cá chình, than củi, muỗng dừa, dầu rái, trầu nguồn.

Hay trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, khi đề cập đến mục thuế khóa của các địa phương đã nhắc đến việc Bình Định phải chịu nộp thuế nón lá. Theo đó, vào năm Gia Long thứ 7 (1808), nhà vua chuẩn lời tâu cho lệ thuế ở trại Lá Trám, nguồn Hà Thiêu, thuộc Bình Định, mỗi năm 210 quan và “thợ làm nón trắng 20 người phải nộp thuế sản vật cả năm nón trắng 20 cái; nay số dân nộp thuế sản vật đã sung vào lính tuyển mà lệ cũ về nón trắng vẫn còn, nên trừ miễn lệ cả năm nộp 20 năm nón trắng…”.
Ảnh xưa làng nghề làm nón lá
Ảnh xưa làng nghề làm nón lá
Thợ đan ở các làng nghề đan nón.

Sang thế kỷ 20, sự ưa chuộng nón lá của người Việt đã được thể hiện rõ nét trong những thước phim, tấm ảnh lưu dấu thời đại. Dù chủ thể hình ảnh là nữ sinh tha thướt áo dài, thiếu nữ đạp xe bên người tình, nông phu cấy cày hay một phiên họp chợ, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp dáng dấp hình chóp xinh xinh của chiếc nón lá.

Nữ sinh Việt đội nói lá cùng tà áo dài

Nón lá len lỏi rồi trường tồn trong tâm hồn người Việt

Thiếu nữ đội nón lá hái bông súng

Có mặt khắp mọi ngóc ngách đời sống, chiếc nón lá dần dà đi vào tâm hồn người Việt. Mà trong bầu văn hóa phồn thực của làng quê Việt, không gì dễ dàng bộc bạch hơn những câu hò lời đối đầy tình ý lứa đôi:

 Nón mua một đồng mốt, tốt tựa như rồng
Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn

Trong Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (chủ biên) đã kể lại chuyện hát đối rôm rả thâu đêm suốt sáng ở các phường nón thuộc huyện Thạch Hà, huyện Nghi Xuân xưa kia. Trong đó có câu ca “thả thính” con gái làng Bảo Kệ của chàng trai làng nón Giáp Tiền đầy thi vị:

Em đừng bứt niệt mỏi tay
Về đây làm nón đợi ngày du xuân

Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đổng Chi

Cô gái Tây Nam Bộ bên chiếc nón lá, xuồng ghe cũng dạn dĩ đáp trả sự chòng ghẹo của đàng trai xứ mình bằng những câu hò:

Anh thương em đưa nón đội đầu,
Về nhà ba má hỏi, đi qua cầu gió bay.
Và để lấy cớ giận hờn, thử thách:
Năm ngoái năm xưa em còn kha khá,
Năm nay nghèo quá nên đội nón lá bung vành.
Ðứt quai nên nón tròng trành,
Hỏi anh xin cắc bạc mua nón lành đội chơi

Vô hình trung, bao lời ca câu hát đều khắc họa nên một chiếc nón lá gắn liền với nét duyên dáng của người phụ nữ Việt. Dẫu bươn chải ruộng vườn hay lạc chốn phù hoa, người phụ nữ Việt luôn biết cách điểm tô nhan sắc bằng chiếc nón lá. Tà áo dài, chiếc áo bà ba hay bộ áo tứ thân dường như thêm phần cốt cách, lịch thiệp khi đi kèm cùng nón lá nghiêng che. Từ đây, nón lá đã có thêm một bước chuyển mình từ công dụng thuở đầu, trở thành trang sức điểm tô, đọng lại lòng người như một biểu tượng của tính nữ Việt.

Vẻ đẹp ấy tiếp tục chinh phục tâm hồn người Việt khi phủ sóng hầu hết trong mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nón lá làm nên linh hồn cho bức tranh đắt giá và khó lòng vắng bóng trên những sàn diễn áo dài. Nón lá uyển chuyển trở mình theo điệu múa dưới muôn hồng nghìn tía ánh đèn sân khấu (7), rồi biến hóa tài tình thành đồ trang trí nội thất dưới tay kiến trúc sư.

Nón lá biểu tượng sân khấu
Đêm diễn “Nón” của Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang.
Nón lá trang trí nội thất
Nón lá được biến hóa thành đồ trang trí nội thất.
Ứng dụng nón lá trong thiết kế kiến trúc
Nhà hát nghệ thuật biểu diễn Cao Văn Lầu ở Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Cùng với những biến dời của thời đại, công năng và sự tiện dụng thuở đầu của nón lá không còn là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng thành thị. Giá trị của nón lá đang dần dịch chuyển sang tính thẩm mỹ và bản sắc đậm đà ẩn chứa đằng sau. Nhưng chính vì thế, tôi thấy nón lá càng có sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết trong hành trình lịch sử của nó.

Người khách lữ hành mang chiếc nón lá chu du khắp bốn phương trời, muốn cùng nón đánh dấu những trải nghiệm diệu vời. Bạn bè năm châu mang nón lá vượt đại dương làm quà tặng thân nhân, muốn sẻ chia chút bầu không của đất nước họ vừa ghé thăm. Cứ như thế, chiếc nón lá từ một vật che chắn đơn thuần đã hóa thân thành một biểu tượng Việt, mà một khi tâm hồn người Việt còn, thì nón lá còn.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Lê Nhi
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
HÌnh ảnh người nông dân đội nón lá làm đồng
Share