Phong tình dải yếm

Tác giả Huyết Vy
Phong tình dải yếm

Một ngày xuân của 600 năm trước, nước nhà rầu rĩ trước vó ngựa quân Minh, nhưng hoa đào vẫn thuận theo bốn mùa mà đơm bông rực rỡ.

Chàng võ sinh họ Đỗ làng Nghĩa xứ Thanh, có tài võ nghệ, nhưng chí chẳng gặp thời. Chàng buồn thẩn thơ, dạo bến vắng theo lối hoa đào về phía làng Vĩnh cạnh bên. Mắt trông theo con đò thả trong dòng nước biếc, mà hồn đã trôi lãng nơi đâu.

Ước gì sông hẹp bề ngang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi…

Từ bên kia sông, lảnh lót tiếng hò gọi chàng Đỗ về thực tại. Nơi cất tiếng, thấp thoáng cô hàng rượu làng Vĩnh bên kia sông, vẫn thường quẩy rượu mời nếm thử mặc chàng không có tiền mua. Người con gái ấy vốn xinh đẹp, nết na, nay lại càng chứa chan tình ý trong dải yếm đào, yểu điệu như hoa rơi trong tiết xuân đầm ấm.

Dải yếm đào vắt trên vai thôn nữ, làm má nàng thêm ửng, làm người ngắm nàng nôn nức như lòng nở hoa. Mà đâu chỉ riêng gì với chàng Đỗ sinh và cô hàng rượu, ngàn năm qua, dải yếm đã là chứng nhân, là bằng cớ của hàng bao mối tương tư trên xứ sở này.

Phong tình dải yếm
Thiếu nữ mặc yếm trắng trong bức tranh lụa Hát ả đào (Femmes musiciennes) của họa sĩ Phạm Hậu

1. Dải yếm bắc cầu ái ân

Vắt trên thân người phụ nữ Việt bao lâu, là bấy lâu thời gian dải yếm chứng kiến nhân duyên lứa đôi. Câu chuyện của dải yếm, là câu chuyện của ái tình, của ân nghĩa đã xuôi ngược ngàn năm trên xứ sở này.

Được xem là món đồ lót mặc sát người. Nhưng ở xứ sở nắng nóng, nữ giới ở nhà mặc yếm quanh năm suốt tháng cho mát mẻ và cũng để tiện việc nhà, việc đồng áng. Chỉ khi có việc cần ra ngoài hoặc nhà có khách, họ mới khoác thêm áo ngoài. Cùng gắn bó mật thiết, dải yếm trở thành đại từ danh xưng chỉ người phụ nữ Việt, đại diện cho ái tình và cũng là số mệnh của họ.

Là món đồ ôm sát thịt da, bức bình phong cho gò ngực hồng nhan, nên dường như dải yếm là những gì nữ tính nhất. Không chỉ là trang phục, dải yếm còn nhuốm đầy sự bí ẩn của tính nữ mà trở thành một thứ trang sức, thứ thư tình, thứ bùa tình phong nguyệt. Thị Mầu từng tìm cách dắt anh Nô vào tiệc tình:

Gió xuân tốc dải yếm đào,

Anh trông thấy oản, sao không vào thắp hương.

Thậm chí, Hồ Xuân Hương còn gợi ý cho người tình nhân: “Quân tử có thương thì bóc yếm…”

Dường như thông qua dải yếm, tâm tư người con gái trở nên cởi mở hơn với thứ tình xuân bản năng trỗi dậy trong mình. Nàng bằng mọi cái trao gửi tình ý, bằng dải yếm đeo bùa, bằng khẩu trầu dải yếm.

Phong tình dải yếm
Thiếu nữ mặc yếm trong bức Les joueuses de cartes – Người chơi bài (1940) | Lê Phổ

Thứ nước hoa của người con gái xưa là một ít xạ hương, đựng trong cái túi buộc vào dải yếm. Người con gái có cổ yếm đeo túi bùa xạ hương, tỏa ra hương vị nữ tính, đã trở thành cái đẹp chuẩn mực, đứng hàng thứ 5 trong Mười thương:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt hữu tình với ai

Dải yếm quyện ngấm xạ hương cùng hương thơm thiếu nữ, để rồi thương lắm mà chi, làm rối lòng người còn vương thế tục:

Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

“Hồ lô” người con gái còn có miếng trầu được “ém” trong dải yếm, gọi là khẩu trầu dải yếm, để đem ra dò ý tình nhân:

Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.

Trầu này trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn),
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào ?

Đặt trong thế chọn, nếu chàng trai chỉ chọn trầu trong túi trong khăn, tức tỏ ý chỉ là bằng hữu. Còn nếu chàng đã cầm lên khẩu trầu dải yếm, nghĩa là lòng đã nguyện cùng nàng kết mối lương duyên.

Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?

Tình nồng ý đượm đến vậy, khó mà lòng chàng không say. Ngày nàng cởi khẩu trầu buộc trên dải yếm đem mời, duyên tình thấm đượm trong miếng trầu cay khiến chàng ôm tương tư cả đời. Dải yếm, nương đó mà đi vào giấc mơ của đấng mày râu qua hàng thế kỷ:

Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.

Đêm nằm đắp chục chiếc chăn,
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.

Trời mưa trời gió kìn kìn,
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.

Nhưng khiến người đàn ông ghi khắc, nhớ mãi không quên không chỉ là cái đẹp phập phồng nơi dải yếm, mà son sắc hơn, là cái tình cái nghĩa đậm sâu được gói ghém trong nó.

Phong tình dải yếm
Mặc yếm ăn trầu
Mặc yếm ăn trầu
Mặc yếm ăn trầu

2. Dải yếm buộc chặt ân nghĩa

Tương truyền, dải yếm đào đã từng cứu nguy cho nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn của Nguyễn Chích trong những ngày chống chọi ác liệt với giặc Minh. Khi ấy, nghĩa quân bị Lương Nhữ Hốt vây chặt trên núi. Nguyễn Chích chỉ đành mang trống lớn lên thành đá đánh ngũ liên vang trời mà gọi viện binh. Nguyễn Thị Bành vợ Nguyễn Chích ở Vạn Lộc nhận hung tin, bèn kêu gọi chị em phụ nữ quê nhà, lấy dải yếm làm cờ, câu liêm, nọc chuột, dao phay, đao rựa… làm vũ khí, tập hợp thành đội quân năm, sáu trăm người.

Đoàn quân váy vận, yếm mang dấn bước vào đêm đen, một lòng đánh cược sinh mạng để cứu nguy những nam nhi đang xả thân vì nước. Dưới sao đêm mờ tỏ, giặc Minh nghe thấy bước chân rầm rập dội vào vách núi Xích Lộ, rồi một đoàn người đông nghịt, giáo gươm tua tủa, cờ xí rợp trời, khí thế rung trời chuyển đất ập đến. 

Đoàn nữ binh phất cờ dải yếm đã hù cho Lương Nhữ Hốt thần hồn nát thần tính, ra lệnh lui binh, thế quân tan tác. Thu cờ bỏ xuống gươm đao, cũng không rõ đã bao nhiêu váy, yếm được đem ra băng bó vết thương cho những anh hùng thất cơ, kiệt vận.

Lui khỏi chiến trường khói lửa, dải yếm vẫn có thể dệt nên hậu phương đong đầy tình cảm cho đấng trượng phu. Cúc Hoa, trong vở chèo Tống Trân Cúc Hoa do đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng, đã bán tấm yếm đào quý giá cho Tống Trân có tiền đăng kinh ứng thí:

Em xa chàng lên đường ứng thí

Em muốn chàng đi vui vẻ trong lòng

Nên em còn một tấm yếm hồng

Đem bán rẻ để cho chàng sớm trẩy.

(Cúc Hoa)

Tấm lụa đào của Cúc Hoa vốn làm từ lụa tốt, là món hồi môn thiết thân quý giá của nàng. Kể từ khi bỏ lại phú quý vinh hoa để theo Tống Trân, trải muôn ngàn khổ cực, chỉ có dải yếm đào từ thời con gái được nàng gìn giữ bên thân. 

Bán đi dải yếm đào, Cúc Hoa kiếm được bốn quan tiền –  có thể đổi được vài đấu gạo, chứng tỏ đây là một món đồ tốt. Tuy nhiên, định lượng kim tiền ở đây chỉ là thứ yếu, thứ quý yêu nhất trong nơi dải yếm bị bán đi chính là tấm chân tình của kẻ thuyền quyên đối với chồng. 

Sau này biết chuyện, Tống Trân buộc vợ phải trả lại món tiền để chuộc yếm về: “Em hãy đem bốn quan tiền trả cô hàng xóm, rồi lấy yếm mặc vào, để anh vui lòng chốc lát lên đường”. Đôi phu phụ trọng tình, ân nghĩa như nước, quyến luyến mềm mại mà lưu chảy mãi không cạn, được cao xanh báo đáp hậu hĩ, kết cục viên mãn.

Phong tình dải yếm
Phong tình dải yếm
Phong tình dải yếm
Phụ nữ Việt mặc yếm trong nhiều hoạt động đời sống, tranh của Victor Tardieu (1870-1957)

Lại nhắc về chàng Đỗ sinh làng Nghĩa và cô hàng rượu làng Vĩnh bên bến xuân đào hoa nở rộ năm nào. Nàng muốn qua sông để đến bên chàng nhưng lại bị các đòn gánh khác đánh đuổi, cấm không được đến làng Nghĩa bán rượu cạnh tranh. Chàng thấy thế, chỉ một lòng muốn dựng công danh để nhuộm thắm yếm nàng, để vai nàng không còn nặng nề đòn gánh, bèn theo quân Lam Sơn đánh giặc lập công.

Từ đó đằng đẵng biệt li. Đến khi chàng tung hoành trăm trận, trở thành võ tướng, trống dong cờ mở, về làng vinh quy, đã là 10 năm sau. Đỗ tướng truyền mở hội khao làng và chỉ cho mua rượu làng Vĩnh. Thế nhưng cô hàng rượu làng Vĩnh đã vì chàng bỏ làng mà đi biệt tăm mà phẫn uất đến vong thân, để lại trong lòng Đỗ tướng mối hận sầu tương tư đến tận khi mất. 

Xuyên qua thời gian, xuyên không gian, phảng phất đâu đó tâm tình của Kim Trọng trong kết cục bi thương của Võ tướng:

“Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”

Nỗi u uất của đôi tình nhân đọng lại nơi cỏ cây núi đá, thấm ngấm vào giấc mộng người làng. Sau khi Võ tướng mất, nhờ công trạng mà được phong thành hoàng làng. Dân làng Nghĩa mơ thấy ông dẫn cô hàng rượu năm xưa về làng. Cùng cảm ứng, dân làng Vĩnh cũng mơ thấy ông xin phép được đón dâu.

Thế rồi từ đây lễ hội yếm đào làng Nghĩa ra đời. Hằng năm, người làng Tào Xuyên, Hoằng Hóa, Thanh Hóa tổ chức hội xuân để tương thưởng mối tình sâu duyên bạc của hai người. Thực hành nghi lễ, trai gái hai làng Nghĩa – Vĩnh rước kiệu ông bà, trao hoa đào và nhấp rượu cùng nhau.

Sự tích được ghi lại từ thế kỷ 15, người xưa đã đem thực hư, thăng trầm hòa cùng dĩ vãng, nhưng tình ý họ để lại vẫn còn nối dài nhân duyên cho nhiều đôi lứa sau này. Dòng đời chảy, dòng tình trôi. Có mối duyên đơm bông kết quả. Nhưng cũng có mối tình chảy vào hư vô. Có người tình sâu nghĩa nặng nào ôm lòng luyến tiếc mà ước nguyện?

“Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.”

Phong tình dải yếm
Phong tình dải yếm
Phong tình dải yếm
Ảnh của Leon Busy chụp thôn nữ Việt duyên dáng trong chiếc yếm trắng
Share