Những dấu tích trao đổi, giao thương đã xuất hiện từ buổi nguyên thủy xa xôi, khi loài người tinh khôn biết đúc kết nguyên lý sống và tạo ra của cải dư thừa. Một sự xuất hiện bản năng, phát nguồn từ nhu cầu thiết thực của con người, là bản chất của những cuộc đổi chác đầu tiên.
3. Cuộc trao đổi đầu tiên
Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn ý nhiều nhà kinh tế – xã hội học cho rằng, trao đổi đầu tiên trong xã hội loài người là… trao đổi đàn bà. Bởi lẽ, nguyên lý đầu tiên của xã hội loài người là nguyên lý cấm loạn luân giữa những người cùng dòng máu. Ngay từ đầu, các thị tộc nguyên thủy phải kiếm tìm một vài thị tộc khác để liên hôn. Hôn nhân được cho hợp lẽ là hôn nhân ngoại tộc, dù tộc ngoại đó là phía mẹ hay phía cha. (3)
Tiếp theo sự “trao đổi hôn phối”, là trao đổi quà tặng. Với công trình Tiểu luận về quà tặng, học giả Marcel Mauss cho rằng, con người nguyên thủy luôn sống trong nỗi bất lực giữa một vũ trụ mênh mang khó lường. Buổi hồng hoang, núi cách sông ngăn, con người chen chúc với tự nhiên trong một khoảng không nhỏ hẹp, thiếu thốn đủ đường. Tính chất thiếu thốn phát nguồn từ việc con người “bất mãn”, không thấy đủ với những gì trời đất sẵn cho – tính năng bất mãn đó cũng chính là nét cơ bản khiến con người khác biệt với những loài động vật khác.
Để xoa dịu nỗi bất mãn đó, người nguyên thủy tìm cách đánh bạn với những công xã – thị tộc láng giềng để trao đổi vật phẩm, có đi có lại, lấp vào chỗ trống cho nhau. Các nhà xã hội học gọi đó là cuộc “trao đổi quà tặng”. Cội nguồn thương nghiệp phát nguồn từ cuộc trao đổi quà tặng buổi nguyên sơ như thế. Thương nghiệp – thương trường với nghĩa hẹp theo kiểu “tiền trao cháo múc”; tiền bạc, tâm lý bạc tiền, trò chơi tiền tệ là câu chuyện dài về sau. Những ý niệm ích kỷ, vụ lợi như “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” cũng là những thứ phát sinh theo cùng tâm tính xã hội sau này.
4. Những dấu tích giao thương sớm nhất trên đất Việt
“Có con người là có phân công, có trao đổi”. Dù sau này cuộc trao đổi đó có biến hóa tinh vi và phức tạp thành một tràng lý luận của môn kinh tế học, thì thoạt kỳ thủy, bản chất trao đổi cũng chỉ để bù đắp khiếm khuyết, nâng cao chất lượng cuộc sống. Về lại ao ta, dõi theo dòng chảy giao thương, cũng là dịp điểm lại dòng chảy lịch sử – xã hội người Việt, trong mối tương quan khó lòng tách rời của chúng.
Trên đất Việt, những dấu tích giao thương sớm nhất đã có từ khoảng 1 vạn năm trước trong các di chỉ văn hóa Hòa Bình. Trong hang Bưng, một di chỉ văn hóa Hòa Bình, có đến 52 vỏ ốc biển Cypraca đã được tìm thấy. Các nhà khảo cổ tin rằng món trang sức này đã từ đại dương xa xôi đến với miền sơn cước Hòa Bình bằng con đường trao đổi. Các di chỉ thuộc nền văn hóa Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Đa Bút cũng để lại dấu tích của hiện tượng này.
Các thị tộc mẫu hệ nguyên thủy xứ ta đã bước lên một cương vị mới, thực sự là một bước nhảy vọt so với giai đoạn săn bắt hái lượm, khi bắt đầu tiếp cận một nền nông nghiệp sơ khai. Không gian sống của họ bắt đầu tách biệt với thiên nhiên hoang dã khi xuất hiện những mảnh vườn trồng rau củ, cây ăn quả, và đặc biệt quan trọng, lúa nước.
Cuối thời đồ đá mới, khoảng 5.000 – 6.000 năm trước, phần lớn các bộ lạc nguyên thủy trên lãnh thổ nước ta đều đã bước sang giai đoạn trồng lúa. Những cánh đồng lúa nước cung ứng ổn định nguồn lương thực cần thiết cho sự phát triển của tộc người. Con người không còn phải rong ruổi trong rừng sâu núi thẳm để săn bắt hái lượm, kiếm cái ăn rày đây mai đó. Họ phải sống cố định trong khoảng thời gian ít nhất là một vụ mùa để cày cuốc mảnh vườn mảnh ruộng của mình.
Đồng thời mảnh vườn mảnh ruộng đó cung cấp đủ đầy cái ăn, tạo tiền cho con người dùng tinh lực và tính năng bất mãn của mình để chuyên môn hóa, nghiên cứu, sản xuất những vật dụng khác. Bắt đầu xuất hiện những vật chất nằm ngoài nhu cầu tồn sinh cơ bản của cá nhân và cộng đồng, mà thuật ngữ kinh tế học gọi là “thặng dư”.
Khi đã xuất hiện thặng dư, trao đổi tiếp sau là một hoạt động hiển nhiên. Khảo cổ học đã chỉ ra sự trao đổi các loại rìu đá màu, đồ gốm có chân đế trổ lỗ ở vùng núi từ Cao Bằng đến Hoàng Liên Sơn với sản phẩm của các bộ lạc vùng ven biển Quảng Ninh (4). Ký ức tập thể về quá trình trao đổi giữa hai miền sơn thủy còn đọng lại trong truyền thuyết Ngư Tinh, Lĩnh Nam chích quái: “giống Đản Nhân sống ở một cái gò dưới bể, chuyên nghề bắt cá … giao dịch với man dân đổi lấy thóc gạo, dao, búa, thường qua lại ở Đông Hải”
Lưỡi rìu mài Bắc Sơn và Gốm thố Phùng Nguyên
Những dấu tích ở cả vật chất và tâm tưởng này gợi lên mường tượng về những dòng chuyển di quy mô lớn giữa các tộc người. Mang theo ước vọng bước ra vòm hang chật hẹp, dòng người từ vùng trung du, miền núi tràn xuống khai phá đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Vùng đất trù phú này là cái nôi dung dưỡng nên những nền văn hóa lớn từ sơ kỳ thời đại đồng thau trở về sau, Phùng Nguyên qua Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn. Trên nền “phù sa” mà những dòng chảy văn hóa ngàn năm bồi đắp, hạt mầm của nhà nước đầu tiên nảy nở – nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.
5. Dòng chảy giao thương dưới nhà nước sơ khai Văn Lang
Với sự xuất hiện của nhà nước, phân tầng trong xã hội và phân chia lao động thêm rõ rệt, giao thương càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tầng lớp tinh hoa cai trị những người tham gia tích cực và bước đầu chi phối giao thương của khu vực. Ký ức tập thể về hoạt động giao thương của quý tộc còn rải rác đọng lại trong tình tiết của sử thi, truyền thuyết. Vua Dịt Dàng của sử thi Mường sai thợ “lấy đồng đúc được trống trăm trống nghìn. Trống nào đẹp Dịt Dàng sai cất vào kho, trống nào xấu Dịt Dàng sai chú Khóa thằng Lồi đem bán khắp nơi” (5).
Vợ chồng Tiên Dung – Chử Đồng Tử sau khi nên duyên lành, đã “mở bến chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán, dần dần trở thành cái chợ lớn”, mà nay được cho là chợ Thám, còn gọi là chợ Hà Lương (6). Mai An Tiêm được vua yêu, “dần dần trở nên phú quý”. Sau bị đày ra đảo, An Tiêm ở đấy trồng dưa hấu “ăn không hết, lại đem đổi lấy gạo nuôi vợ con … Phường chài phường buôn ăn đều cho là ngon. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua lấy giống” (7). Những hoạt động giao thương ấy cho mặt hàng chủ yếu lúc bấy giờ là nông sản và đồ thủ công – cũng là mặt hàng chính trong suốt lịch sử giao thương của xứ sở.
Bước ra khỏi địa hạt của huyền sử, ta thấy những chứng tích xác thực hơn trong những di chỉ khảo cổ thuộc về thời đại này. Theo đà tiến triển của xã hội, lao động được chuyên môn hóa, xưởng thủ công mỹ nghệ cũng nảy nở bên những đồng bằng lúa nước. Vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… được sản xuất và phân phối hầu khắp khu vực văn hóa Đông Sơn.
Một vài ví dụ điển hình là, loại giáo có chuôi tra cán hình lá mía của khu vực sông Mã được phát hiện ở Cổ Loa, hay Cương Hà (Quảng Bình). Dao găm cán tượng người đặc trưng của khu vực sông Mã được tìm thấy nhiều nơi ở lưu vực sông Hồng như Thủy Nguyên (Hải Phòng), Lãng Ngâm (Bắc Ninh). Đồng thời, loại kiếm dao găm lưỡi lượn có chắn tay thẳng là đặc trưng của vùng sông Hồng cũng thấy xuất hiện ở Phà Công (Thanh Hóa), ở Cương Hà. Khóa thắt lưng tượng rùa có ở Đồng Văn, Trung Mầu, Làng Văn, cũng có mặt ở Làng Vạc (Nghệ An)… (9). Trong số những hàng hóa thủ công của văn hóa Đông Sơn, có hai loại vật phẩm mà sự hiện diện là dấu chỉ cho hai tiến trình quan trọng của lịch sử giao thương xứ sở.
Các cổ vật Đông Sơn được tìm thấy trong thời Pháp thuộc, được chụp và lưu trữ tại thư viện online Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Thứ nhất là trang sức Đông Sơn. Đây là thời đại mà hình thức trao đổi được cho là vật đổi vật – trao đổi ngang giá. Khảo cổ học vẫn chưa chỉ ra sự hiện diện của loại hình tiền tệ hoặc vật ngang giá chung thời Hùng Vương. Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu đặt giả thiết rằng, những vòng trang sức bằng đồng thau, đá quý nhiều kích cỡ mà người Đông Sơn chôn thành túi trong mộ táng, ngoài công dụng là đồ trang sức còn mang ý nghĩa như một vật ngang giá, một loại tiền tệ chung.
Thứ hai là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng – biểu tượng của văn hóa Đông Sơn, nhưng rất nhiều chứng cứ khảo cổ đã chỉ ra sự xuất hiện của nó ở bờ bên kia đại dương – khu vực đa đảo của Đông Nam Á.
Ở Indonesia đã tìm được 80 trống đồng, kể cả mảnh vỡ. Trong đó, có 78 trống loại Heger I, chỉ có 2 trống loại IV, mà hầu hết nhập cảng từ Bắc Việt Nam và một số từ Trung Hoa (10). Năm 1964, trên bờ biển phía Tây Malaysia đã tìm thấy 2 trống đồng loại I muộn đặt trên một tấm ván, có lẽ là di tích của một chiếc thuyền.
Năm 1967, trên bờ biển phía Đông Malaysia cũng tìm được trống loại I muộn tương tự như trống Hữu Chung (Hải Hưng), trống Dak Giao (Kon Tum) của Việt Nam. Niên đại của những tấm ván kê những trống ấy là 2.435 ± 95 năm (11).
Cổ vật đồng thau Đông Sơn, lần lượt thạp, khóa thắt lưng tượng rùa, kiếm dài, lư hương.
Bên cạnh những cuộc ngoại thương theo cung đường lục địa, sự xuất hiện của trống đồng ở khu vực đa đảo là những bằng cớ không thể chối cãi về những cuộc giao thương lớn theo dòng nước của người Đông Sơn với rẻo đất bên kia bờ. Một tiếng trống đồng âm vang, giữa muôn vàn ý nghĩa, cất lên lời vọng ngàn năm của truyền thống hải thương trên đất Việt.
Những dấu tích trong cả truyện kể dân gian và di chỉ khảo cổ, cho phép ta tin tưởng về một thị trường sôi động trong – ngoài nhà nước Văn Lang. Sự lệ thuộc lẫn nhau về sản vật bản địa, đồng thời mối lợi chung trong cuộc giao thương với bên ngoài thắt chặt mối cố kết giữa các bộ lạc. Để rồi, dù không ngừng tiếp nạp văn hóa tứ phương trong quá trình giao thương, mảnh đất này vẫn giữ được mối cố kết nội địa bền chặt trước sức ép đến từ đế quốc đại Tần phương Bắc. Mối tương quan không thể tách rời giữa nhu cầu, giao thương, chính trị lại là câu chuyện dài theo dòng chảy lịch sử sau này.
Chú thích:
(3) Với những thị tộc theo Mẫu hệ như Ê đê, Gia Rai, Chăm ở Việt Nam thì lấy mẹ hay họ mẹ là trung tâm, những thị tộc theo Phụ hệ như Kinh/Việt thì lấy cha hay họ cha làm trung tâm. (4) Lê Quốc Sử. “Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam”. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 429. (5) Trần Quốc Vượng, Nguyễn Cao Lũy. “Những mẩu chuyện lịch sử Việt Nam, tập 1”. NXB Giáo dục, 1976, trang 7. (6) Vũ Quỳnh, Kiều Phú. “Lĩnh Nam chích quái”. NXB Kim Đồng, 2001, trang 35. (7) Vũ Quỳnh, Kiều Phú. “Lĩnh Nam chích quái”. NXB Kim Đồng, 2001, trang 51-58. (8) Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Mạnh Dũng. “Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt- thực tế lịch sử và nhận thức”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 376, tháng 8-2007, trang 27. (9) Lương Ninh. “Nam Á và Nam Đảo”. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 388, tháng 8-2008, trang 10. (110) Lê Quốc Sử. “Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam”. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 430.
Tham khảo: Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, GS. Trần Quốc Vương.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?