Thế giới tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương

Tác giả xnghiem
Thế giới tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương (1772 – 1822), thi sĩ tài ba của thế kỷ 18 và 18, là một hiện tượng kỳ thú trong dòng chảy thi ca cổ điển Việt Nam, với những tác phẩm khiến hậu thế phải suy ngẫm. Bà sống trong một xã hội với nhiều quan niệm đạo đức và lễ giáo khắt khe, nhưng không vì thế mà thơ bà chịu khuất phục trước những khuôn khổ ấy. Ngược lại, Hồ Xuân Hương đã vượt qua mọi giới hạn truyền thống, để lại một dấu ấn đậm nét với tiếng nói mạnh mẽ, táo bạo và đầy cá tính.

Với những dòng thất ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt, thơ bà không chỉ là sự kết hợp giữa điệu thức cổ điển và ngôn từ hiện đại mà còn là nơi bà bộc lộ những suy tư sâu sắc về xã hội, con người, đặc biệt là về tình yêu và thân phận của người phụ nữ trong một thời đại đầy khắc nghiệt. Những tác phẩm của bà, dù có vẻ ngoài mộc mạc, giản dị, nhưng thực chất chứa đựng sự mỉa mai sắc sảo và đôi khi là sự đối đầu trực diện với những lề lối đạo đức cổ hủ. Chính vì vậy, Hồ Xuân Hương không chỉ được tôn vinh là Bà chúa thơ Nôm mà còn là biểu tượng của một nữ sĩ dám phá vỡ mọi giới hạn để cất lên tiếng nói của mình.

Đặc biệt, thơ Hồ Xuân Hương không chỉ là sự phản kháng mà còn là sự thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với cuộc sống, dù cuộc sống ấy đầy nghiệt ngã và khắc nghiệt. Những câu thơ của bà thường mang đậm sắc thái của một người phụ nữ tự do, mạnh mẽ, nhưng cũng đầy đau thương, tiếc nuối. Chính sự táo bạo trong cách nghĩ, cách thể hiện của bà đã làm cho thi ca Hồ Xuân Hương trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng văn học Việt Nam, phản ánh những biến động của thời đại và cả tâm hồn sâu lắng của người phụ nữ trong quá trình tìm kiếm tình yêu và tự do.

Tình yêu trong thế giới của Hồ Xuân Hương, tựa như một khúc nhạc buồn vang vọng giữa những năm tháng u uẩn của cuộc đời. Là nữ sĩ tài ba với tâm hồn nhạy cảm, bà đã ghi dấu trong lịch sử văn học Việt Nam bằng những vần thơ đậm chất nữ tính, đầy ám ảnh về tình yêu. Nhưng tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là một khái niệm đơn giản, nó không chỉ là sự đắm say, mê mẩn mà còn là nỗi buồn, là sự khắc khoải, là niềm hy vọng hòa lẫn với sự tuyệt vọng.

Tình yêu của bà, như một ngọn lửa nhỏ trong đêm lạnh, vừa ấm áp, vừa thiêu đốt tâm hồn, dường như không bao giờ tìm được lời đáp xứng đáng. Mỗi câu thơ bà viết đều là một lần lắng đọng, là một khúc tình ca da diết, nơi bà không chỉ yêu mà còn phải gánh chịu, không chỉ mơ mà còn phải thức tỉnh. Tình yêu ấy, trong cái thế giới đầy thách thức của Hồ Xuân Hương, không chỉ là mơ ước được chắp cánh bay lên mà còn là sự hòa giải sâu sắc với chính mình, với nỗi cô đơn và những điều chưa thể thành hình.

1. Yêu là tận hiến

Trong thế giới thơ Hồ Xuân Hương, tình yêu hiện lên không chỉ như một niềm vui hay trò chơi cảm xúc, mà là sự dâng hiến tuyệt đối, một cực lạc mà con người hòa mình vào để cảm nhận, để sống trọn từng khoảnh khắc. Đối với bà, yêu là một sự tận hiến – nơi trái tim được trao đi, không toan tính, không giữ lại điều gì.

Hồ Xuân Hương nhìn nhận tình yêu như một bể ái– rộng lớn, bao la và không có giới hạn.

Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào là cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười.

Hồ Xuân Hương đã ví tình yêu như một bể ái – rộng lớn, bao la, và không thể đo đếm. Cách dùng từ ngàn trùng và khôn tát cạn vừa gợi lên sự vô hạn của tình yêu, vừa cho thấy sự sâu sắc không thể dò lường của nó. Bà nhìn nhận tình yêu không chỉ là cảm xúc thoáng qua, mà là một đại dương cảm xúc, nơi con người hòa mình vào đó để tận hưởng, để dâng hiến trọn vẹn. 

Câu thơ thứ hai tiếp tục khẳng định tình yêu như một nguồn ân sủng lớn lao, không dễ gì khơi vơi. Từ ân ở đây không chỉ là sự dịu dàng, âu yếm mà còn là ý thức về sự cho đi, sự tận hiến. Hồ Xuân Hương không quan niệm tình yêu chỉ là nhận mà còn phải là cho – một cách cho đi không tính toán, không mong cầu hồi đáp. 

Cực lạc vốn là khái niệm trong đạo Phật, gợi lên sự an lạc và hạnh phúc tuyệt đối. Tuy nhiên, ở đây, Hồ Xuân Hương táo bạo đặt cực lạc vào tình yêu, như một khẳng định rằng hạnh phúc đích thực không phải ở chốn hư vô, mà hiện diện ngay trong cuộc sống đời thường, trong chính tình yêu con người dành cho nhau. “Cực lạc là đây” – không cần tìm đâu xa, bởi tình yêu, với tất cả sự tận hiến và hòa quyện, chính là thiên đường giữa đời thực. Hình ảnh “chín rõ mười” thể hiện sự viên mãn, trọn vẹn, không chút hoài nghi. Bà tin rằng khi con người dám sống hết mình vì tình yêu, họ sẽ chạm tới niềm hạnh phúc tuyệt đối.

Yêu là tận hiến tất cả, sống trọn cho nhau trong từng nhịp thở, tuy nhiên sự tận hiến đó phải có một điều kiện kèm theo đó là sự chân thành:

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Phận ốc nhồi kia dẫu nhỏ bé, yếu ớt, vẫn ngùn ngụt cháy trong lòng một khát vọng được yêu đến tận cùng, yêu như muốn hòa tan cả linh hồn. Đêm ngày lăn lóc trong đám cỏ hôi, cái lấm lem ấy không làm mờ đi ánh sáng bên trong mà chỉ khiến khát vọng yêu thương càng trở nên dữ dội. “Quân tử có thương thì bóc yếm” – động từ “bóc” ấy vang lên đầy khẩn thiết, như lời gọi mời hãy đến, hãy chạm vào, hãy thấu hiểu và nâng niu. Nhưng tình yêu không thể là sự chạm khẽ hời hợt, không thể là ánh mắt ngó nghiêng vụng trộm. Lời khẩn cầu “xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi” không phải chỉ để bảo vệ phẩm giá, mà còn là tiếng hét cất lên từ sâu thẳm trái tim: yêu tôi đi, nhưng hãy yêu bằng tất cả sự trân trọng, bằng bàn tay ấm áp và đôi mắt thành thật. 

Hẳn ai đọc Hồ Xuân Hương cũng đã quen với bài thơ Mời trầu. Ở đó. tình yêu bền chặt, đắm say, chuyện trai gái nâng lên thành chuyện vợ chồng

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Dưới ánh sáng tư tưởng “yêu là tận hiến cho tình yêu“, bài thơ trở thành bức thông điệp đầy ý nhị, gửi đến những ai yêu nhau cần sự chân thành, thấu hiểu và bền chặt. Mở đầu bài thơ, “quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi” đưa người đọc vào thế giới đời thường, nơi tình yêu được bắt đầu bằng những điều mộc mạc. Hình ảnh cau và trầu là biểu tượng truyền thống của tình yêu và hôn nhân trong văn hóa Việt Nam, gợi lên sự gắn bó, hòa quyện. Đặc biệt, từ “hôi” không mang nghĩa tiêu cực, mà là một cách nhấn mạnh tính chân thật, gần gũi của tình yêu – nó không cần quá phô trương, chỉ cần đủ nồng đậm để hai trái tim cảm nhận được.

Câu thơ thứ hai mang tính cá nhân, khi Hồ Xuân Hương tự xưng “Xuân Hương”, nhấn mạnh vào hành động “quệt“. Miếng trầu này không chỉ đơn thuần là vật chất, mà là biểu tượng của sự sẻ chia, của tấm lòng mà nhà thơ trao gửi. Từ “mới quệt” hàm ý về sự tươi mới, ngọt ngào của tình cảm, như một lời mời gọi chân thành: hãy đón nhận tình yêu bằng sự trân trọng và tương tác. 

Câu thơ thứ ba là lời nhắn gửi đến sự đồng cảm và hòa hợp giữa hai người yêu nhau. “Duyên” là yếu tố quan trọng trong quan niệm tình yêu thời bấy giờ, không chỉ là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà còn là sợi dây gắn kết từ tâm hồn. Động từ “thắm lại” mang ý nghĩa tình cảm ngày càng sâu sắc, bền chặt. Đối với Hồ Xuân Hương, yêu không chỉ là đón nhận mà còn là quá trình hai bên cùng nhau làm cho tình yêu trở nên đẹp hơn, rực rỡ hơn. 

Câu kết như một lời cảnh tỉnh nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. “Xanh như lá” và “bạc như vôi” là hai hình ảnh đối lập, gợi lên sự thay đổi, phản bội trong tình yêu. Lá xanh dễ úa, vôi trắng dễ bạc màu, tất cả đều ám chỉ những tình cảm hời hợt, thiếu chân thành. Hồ Xuân Hương mong muốn tình yêu phải bền chặt, trung thực, không thay lòng đổi dạ trước những thử thách của thời gian và cuộc sống.

Đọc đến đây người ta mơ hồ nhận ra rằng trong thế giới tình yêu của Hồ Xuân Hương, tất cả mọi thứ đều được đẩy lên đến mức cao nhất. Từ màu sắc:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi”

“Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom

Cho đến hành động: 

"Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa.
Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa"

“Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”

“Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm

Tình yêu trong thơ Hồ Xuân Hương là thế: đắm say mà đứt ruột, day dứt mà cháy bỏng. Nó không chấp nhận sự dối lừa, cũng không cam lòng với những cái chạm qua loa. Yêu là tận hiến đến tột cùng – như lửa đốt, như nước cuốn, như ngọn sóng vỗ tràn bờ, vừa dịu dàng, vừa dữ dội, vừa nâng niu, vừa khát khao chiếm trọn.

2. Yêu là trách nhiệm

Trong tình yêu, Hồ Xuân Hương đi kèm với những ái ân hoan lạc là cả sự trách nhiệm. Trách nhiệm ấy được bộc lộ rõ nhất qua bài thơ Không chồng mà chửa:

Cả nể cho nên hoá dở dang,
Sự này có thấu hỡi chăng chàng.
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao mà nảy nét ngang.
Cái tội trăm năm chàng chịu cả,
Chữ tình một khối thiếp xin mang.
Quản chi miệng thế lời chênh lệch,
Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan.

đây, người phụ nữ oán trách sự “cả nể” của người đàn ông, sự nhu nhược đã khiến cuộc tình dang dở. Tình yêu đáng lẽ là tổ ấm hạnh phúc nay chỉ còn là nỗi đau chia lìa. Với Hồ Xuân Hương, cái “tội” lớn nhất của “chàng” không chỉ là phủi bỏ trách nhiệm mà còn là đẩy người phụ nữ vào ngõ cụt sinh tử trong xã hội phong kiến.

Hai câu thực dùng lối chơi chữ sắc sảo: chữ “thiên” (天) nếu nhô thêm một nét dọc sẽ thành chữ “phu” (夫), ám chỉ người chồng – nhưng nét ấy vẫn chưa xuất hiện, nghĩa là nàng chưa được thừa nhận. Chữ “liễu” (了 – xong, hoặc 柳 – cây liễu, biểu tượng người phụ nữ), nếu thêm nét ngang sẽ thành chữ “tử” (子 – con), ám chỉ người phụ nữ đã mang thai nhưng không chồng. Trong bối cảnh xã hội phong kiến, đây là điều nhục nhã, làng xã có thể áp đặt hình phạt kinh hoàng như cạo đầu, thả lồng heo trôi sông. Người đàn ông không chỉ bỏ rơi mẹ con nàng mà còn nhẫn tâm đẩy nàng vào con đường chết, chỉ vì không dám đối diện trách nhiệm.

Nhưng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không yếu mềm hay khuất phục. Nàng khẳng định đầy bản lĩnh: “Chữ tình một khối thiếp xin mang“. Đứa con, kết tinh của tình yêu, dù trong nghịch cảnh, vẫn là máu thịt, là trái ngọt từ một lần ân ái. Nàng không phủ nhận, không xấu hổ, mà nhận lấy đứa trẻ như một phần cuộc đời mình.

Hơn thế, nàng đứng hiên ngang trước dư luận: “Quản chi miệng thế lời chênh lệch, Chẳng thế nhưng mà thế mấy ngoan“. Dư luận có chua cay, miệng đời có nghiệt ngã, nhưng nàng kiêu hãnh sống với sự thật, với tình yêu và bản năng làm mẹ. Câu thơ cuối không chỉ là lời vỗ về cho những người phụ nữ lỡ mang thai trong xã hội cổ hủ, mà còn là lời thách thức mạnh mẽ, dám đối diện và vượt qua mọi định kiến gông cùm. 

Hồ Xuân Hương
Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tranh: Tạ Tâm

3. Yêu là tự hòa giải với bản thân

Khi soi bóng cuộc đời của Hồ Xuân Hương và đọc lại thơ bà, tình yêu hiện lên như một nỗi ám ảnh mãnh liệt, như một bóng ma quẩn quanh trong tâm tưởng. Ở nơi nữ sĩ, tình yêu không chỉ là khát khao, là đam mê cháy bỏng, mà còn là sự tận hiến vô điều kiện. Nhưng đau đớn thay, đôi khi tình yêu ấy chỉ là hành trình của một người: yêu hết mình, còn việc được yêu hay không lại trở thành một câu chuyện bỏ ngỏ.

Tình yêu, trong lý tưởng thường thấy, là sự hòa điệu của hai tâm hồn và hai thể xác. Thế nhưng, chính ước vọng cháy bỏng về hạnh phúc lại thường dẫn con người đến cô đơn. Nỗi cô đơn ấy, với Hồ Xuân Hương, không phải là sự trống rỗng mà là cuộc đối thoại đầy giằng xé giữa những khát khao và thực tại. Trong Lưu Hương Ký, bà liên tục chất vấn trăng sao, số mệnh, và những người tình xa cách về nỗi đau làm người. Đó là nỗi đau khi cứ mãi mơ về những điều dường như không bao giờ thành hiện thực. Hai câu đề của bài thơ như tiếng thở dài thấm đẫm vị đời:

Mới biết vị đời chua lẫn ngọt,
Mà xem phép tạo nắng thì mưa.

Cái đắng chua lẫn ngọt ngào ấy, cũng như kiếp người, là chuỗi những bất toàn đầy băn khoăn mà chính bà cũng không thể diễn tả thành lời.

Nhưng tình yêu không chỉ là những hoài nghi và tiếc nuối. Nó khiến người ta sống mãnh liệt trong hiện tại, trọn vẹn từng khoảnh khắc. Bà viết:

 Sau này dẫu có bao nhiêu nữa,
Dầu có bao nhiêu mặc bấy giờ

Những giây phút bên nhau, dẫu ngắn ngủi hay phù du như ánh trăng thu, vẫn trở thành ký ức đẹp đẽ và duy nhất, bởi bà hiểu rằng mỗi khoảnh khắc yêu thương đều mang ý nghĩa không thể thay thế.

Tình yêu của Hồ Xuân Hương là sự hòa quyện giữa nỗi buồn và niềm vui, giữa hạnh phúc và lo âu. Như câu thơ:

Son phấn trộm mừng duyên để lại,
Bèo mây thêm tủi hận về sau.

Niềm vui và nỗi tiếc nuối, niềm hy vọng và nỗi sợ hãi về tương lai đan xen, phản chiếu sự phức tạp của lòng người trong tình yêu.

Nhưng sau cùng, tình yêu của Hồ Xuân Hương là hành trình tự hòa giải. Bà không gục ngã trước định mệnh hay buông xuôi trước nỗi đau. Nếu Nguyễn Du từng viết qua Thúy Kiều:

Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?

thì Hồ Xuân Hương đã trả lời bằng sự thanh thản:

Trăm năm dẫu có duyên thừa nữa,
Cũng đỏ tay tơ, cũng trắng đầu.

Với bà, tình yêu không chỉ là sự gắn kết giữa hai người, mà còn là mối duyên sâu đậm với cả cuộc đời, với những điều hữu hạn và vô hạn của kiếp người.

Tình yêu, khi chỉ còn là câu chuyện của một người, ban đầu khiến ta lạc lõng với chính mình và thế gian. Nhưng chính từ đó, ta học cách yêu lại bản thân, tự hòa giải với những gì không trọn vẹn, và một lần nữa tìm thấy sự gắn bó sâu sắc với cuộc đời. Ở Hồ Xuân Hương, tình yêu không chỉ là cơn mơ lãng mạn mà là hành trình dũng cảm đối diện với chính mình, với thế giới, và yêu thương cả những điều không biết, không chắc chắn.

Như vậy, tình yêu trong thế giới của Hồ Xuân Hương không chỉ là sự đắm say ngọt ngào mà còn là hành trình đầy giằng xé giữa khát khao và thực tại, giữa niềm vui và nỗi đau. Thơ bà, với ngôn từ táo bạo và hình ảnh sống động, phản ánh một cách sâu sắc những khát vọng, sự bất lực và cả sự chịu đựng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên, tình yêu ấy không chỉ là sự vỡ mộng mà còn là sự khẳng định bản lĩnh và khí phách của một con người dám đứng lên đối diện với số phận. 

Hồ Xuân Hương, qua những vần thơ đầy sắc sảo và mẫn cảm, đã vẽ nên một bức tranh tình yêu đa chiều, không chỉ dành cho những ai đang yêu mà còn cho cả những ai đang tìm kiếm ý nghĩa đích thực của tình yêu trong cuộc đời. Bà đã không chỉ là người phụ nữ tìm kiếm tình yêu mà còn là người phụ nữ tìm cách hòa giải với chính mình, với thế giới, và với những điều không thể thay đổi.

Tác Giả Xuân Nghiêm
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share