Thủ đoạn chính trị thời Quốc Sơ nước Việt – Kỳ 1: Nhận con nuôi

Tác giả Phach Ho Nguyen
Thủ đoạn chính trị thời Quốc Sơ nước Việt – Kỳ 1: Nhận con nuôi

Trong giai đoạn Quốc sơ (905-1010), trải qua 6 đời lãnh tụ và triều đại (Khúc, Dương, Kiều, Ngô, Đinh, Tiền Lê), tính chuyên chế của các triều đại phong kiến chưa cao. Sự tồn tại của một triều đại thời đó phần nhiều dựa vào uy tín/tài năng và cũng không kém quan trọng, là mối quan hệ xã hội của vị vua/lãnh tụ đương thời. Trong các phương pháp để thu hút người tài, cố kết quan hệ giữa các thế lực của thời đó, nổi lên hai phương pháp đáng chú ý, là “nhận con nuôi” và “thông gia”. 

Thời bấy giờ, người đầu tiên và cũng là người sử dụng phương pháp này một cách quy mô nhất, chính là Dương Đình Nghệ (? – 937). Toàn Thư viết, Dương Đình Nghệ nuôi 3000 nghĩa tử. Những người này không nên bị hiểu đơn thuần là binh lính của Dương Đình Nghệ, mà còn là những nhân tài mà ông thu nhặt được, và là những thế lực địa phương khác chịu quy tụ dưới sự lãnh đạo của ông. 

Cũng Toàn Thư cho biết thêm, Dương Đình Nghệ có ít nhất hai nha tướng là Ngô Quyền – kiêm con rể – và Kiều Công Tiễn – người về sau sẽ giết ông. Dù không có bằng chứng rõ ràng, nhưng ta có thể suy luận rằng cả Ngô Quyền lẫn Kiều Công Tiễn đều là 2 trong số các nghĩa tử của Dương Đình Nghệ. An Nam Kỷ Yếu của Cao Trùng Hưng vào cuối thế kỷ 17 cũng đồng tình với suy luận này, khi cho rằng Kiều Công Tiễn là con nuôi của Dương Đình Nghệ.

Đến thời loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh (924-979) “nghe Trần Minh Công (sứ quân Trần Lãm) là người có đức mà không có con, bèn cùng con là Đinh Liễn đến nương nhờ.”. Kết quả, ông được Trần Lãm “nuôi làm con”, và giao hết binh quyền cho, khiến hai thế lực Đinh – Trần Lãm hợp nhất trong hoà bình.

Cũng trong giai đoạn loạn 12 sứ quân, xuất hiện một trường hợp nhận con nuôi khác là Lê Hoàn (941 – 1005). Cũng Toàn Thư cho biết, cha mẹ ông mất sớm. Có viên quan sát họ Lê ở trong vùng nhìn thấy ông, “cho là người kỳ (lạ)… lại thấy là cùng họ, mới nhận làm con, sớm tối nuôi dạy, không khác gì con đẻ”. Lê Hoàn sau lớn lên, theo Đinh Liễn (con trai cả của Đinh Bộ Lĩnh) đánh dẹp, lập nhiều công lao, đường hoạn lộ ngày càng rộng mở, thăng đến chức Thập đạo tướng quân, nắm quyền thống lĩnh quân đội cả nước thời nhà Đinh. 

Đến lượt vua Lê Hoàn, lúc sinh thời cũng nhận con nuôi. Theo Toàn Thư, năm 983, tức chỉ 3 năm sau khi lên ngôi (và 2 năm sau khi đánh bại quân Tống xâm lược), nhà vua đã “sai con nuôi (không rõ tên)” đi đàn áp cuộc nổi dậy do một người tên Lưu Kế Tông lãnh đạo. Đến năm 995, nhà vua lại phong người con nuôi đó là Phù Đái vương, cho đóng ở hương Phù Đái (thuộc tp. Hải Phòng ngày nay).

Sau khi Lê Long Đĩnh (986-1009) giết anh ruột để cướp ngôi, tân vương cũng đi theo truyền thống cũ, liền nhận nhiều người làm con nuôi cho mình. Cụ thể, năm 1006, vua “phong con nuôi là Thiệu Lý làm Sở Vương, cho ở bên tả, Thiệu Huân làm Hán Vương, cho ở bên hữu.”. Đáng chú ý là ta còn được biết vợ vua là Cảm Thánh hoàng hậu cũng có nhận một người con nuôi là Lê Ốc Thuyên. Đến năm 1008, vua Lê Long Đĩnh lại phong Ốc Thuyên làm Tam Nguyên vương.

Từ những sự kiện nêu trên, ta có thể rút ra một vài đặc điểm đáng chú ý về hành vi “nhận con nuôi” đương thời.

Lợi ích thứ nhất là thu thập người tài, đưa họ vào họ tộc của mình với tư cách một thành viên. Điều này góp phần duy trì và tăng cường sức mạnh của vị quân chủ nói riêng, và họ tộc của ông ta nói chung. Có thể thấy qua các trường hợp của Dương Đình Nghệ, Trần Lãm, và rõ nhất ở vị quan đã nhận nuôi Lê Hoàn. Khi Lê Hoàn đạt được những thành tựu chính trị, đương nhiên gia đình, họ tộc của người cha nuôi cũng sẽ được hưởng lợi không kém mà với tài năng của họ tộc ông ta, khó có thể đạt được thành tựu tương đương. Đến lượt Lê Hoàn cũng nhận nuôi con, và sử dụng người con nuôi này như một vị tướng để trấn giữ đất đai, đánh dẹp nổi dậy. 

Bên cạnh việc thu thập nhân tài, hành vi nhận con nuôi còn được sử dụng như một biện pháp để xử lí những mối quan hệ chính trị. Dương Tam Kha có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất, khi nhận nuôi Ngô Xương Văn sau khi vừa cướp ngôi cha ruột của người con này. Ý đồ của ông khá dễ nhận ra, là hy vọng có thể dùng tình thân để “tẩy não” và hoá giải thù hận của bản thân với thế lực nhà Ngô. Tuy vậy, ý đồ này cuối cùng đã thất bại.

Về phía người con nuôi, việc được những thế lực đương thời nhận nuôi có thể mang đến những lợi ích không thể đo đếm được. Lợi ích trước mắt là họ được hưởng nền giáo dục và trang bị tốt nhất thời đó, cũng như cơ hội tiếp cận những yếu nhân quyền lực để có thể thể hiện năng lực bản thân, hòng leo lên nấc thang quyền lực mà một người dân thường khó thể nào mơ đến. 

Bên cạnh Lê Hoàn, trường hợp Lê Ốc Thuyên là ví dụ rõ nhất cho lợi ích này. Sau khi được hoàng hậu – tức thế lực ngoại thích – nhận nuôi, ông đã được nhà vua phong vương, chính thức bước vào hàng ngũ quý tộc. Hiển nhiên, những người con nuôi này, dù có trèo cao đến đâu cũng khó có thể được “vua cha” truyền ngôi cho. Tuy nhiên, vị thế một vị thân vương có đất phong và quyền sử dụng quân sự hẳn hoi (con nuôi của Lê Hoàn), hay một vị quan lớn trong truyền (Lê Hoàn), cũng đều là những kết quả không tồi. 

Đinh Bộ Lĩnh có thể xem là trường hợp đặc biệt và cũng là thành công nhất, khi ông tự giác xin làm con nuôi của một thế lực khác, và cuối cùng đã “tiêu hoá”, biến thế lực đó thành một bộ phận của quyền lực bản thân. Tuy nhiên, để đạt được thành tựu này cần rất nhiều yếu tố đặc biệt ở bên ngoài. Cụ thể, người cha nuôi Trần Lãm của ông vốn không con, và bản thân Đinh Bộ Lĩnh phải sở hữu sẵn một thế lực hùng mạnh không thua kém vị sứ quân trên. Nhờ thế, việc sát nhập hai thế lực trên mới có thể diễn ra suôn sẻ.

Nhận nghĩa tử:

Dương Đình Nghệ, Trần Lãm nhận Đinh Bộ Lĩnh

Cha nuôi của Lê Hoàn.

Lê Hoàn nhận con nuôi, phong làm Phù Đái vương.

Lê Long Đĩnh nhận con nuôi, phong làm Sở vương, Hán vương, Tam Nguyên vương.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế và minh họa: Gia Thuần

Share