Vieseries Hồ Sơ W

Thực sự Hồ Nguyên Trừng có chế ra súng thần công không?

Tác giả Wong Trần
Thực sự Hồ Nguyên Trừng có chế ra súng thần công không?

Ngày nay, nhắc đến Hồ Nguyên Trừng, người ta thường gắn với sáng tạo súng thần công (tức súng đại bác), với tên gọi thần cơ thương pháo (hay thần cơ sang pháo). Nhận thức này cuối cùng đã đi vào các sản phẩm giải trí tái dựng về thời kỳ đó. Nhưng tư liệu lịch sử thực ra đã nói gì về Hồ Nguyên Trừng và “sáng chế” của ông ta?

Thần cơ sang pháo trong phim Tử chiến thành Đa Bang

Thần cơ thương pháo: sự thực về tên gọi và loại hình vũ khí

Người đầu tiên ở nước ta nhắc đến vũ khí mà Hồ Nguyên Trừng chế tạo cho nhà Minh là nhà bác học Lê Quý Đôn cuối thời Lê Trung hưng. Năm 1773, Lê Quý Đôn soạn sách Vân đài loại ngữ. Trong đó, ông đã dẫn phần Binh chí của sách Minh sử nói rằng:

Ở Trung Quốc từ thời cổ, khái niệm pháo chỉ dùng để chỉ máy bắn đá. Đến thời Mông Cổ tiếp thu được pháo của Tây Vực, dùng nó để đánh thành Sái Châu của nước Kim (1233-1234), từ đó mới có hỏa pháo. Nhưng phép chế tạo loại pháo này không được lưu truyền, về sau cũng ít được sử dụng. Đến khi Minh Thành Tổ xâm lược nước ta, học được phép thần cơ thương pháo (神機槍炮法), mới lập ra Thần Cơ doanh. 

Sau đó, Minh sử còn nói thêm về các hạng pháo lớn nhỏ. Điều này đã tạo ra ấn tượng rằng thần cơ thương pháo mà nhà Minh học được từ nước ta là kiểu súng đại bác.

Quân Mông Cổ dùng máy bắn đá bao vây Baghdad năm 1258

Bên cạnh thông tin từ Minh sử, Lê Quý Đôn còn dẫn nhiều tài liệu khác của Trung Quốc để chứng minh mối liên hệ giữa Hồ Nguyên Trừng và loại vũ khí mà nhà Minh mới học được. Điều đáng nói là vì Minh sử đã tạo cho ta ấn tượng về thần cơ thương pháo, nên ít người nhận ra sự mâu thuẫn trong chính tên gọi ấy, cũng như mâu thuẫn giữa nó với các tư liệu khác mà Lê Quý Đôn trích dẫn.

Pháo cầm tay thời nhà Nguyên

Thứ nhất, về tên gọi thần cơ thương pháo, thươngpháo chỉ hai loại hình vũ khí khác hẳn nhau. Nếu pháo gợi cho chúng ta ấn tượng về đại bác, thì thương (hay thường gọi là hỏa thương) chỉ loại hình súng cầm tay. Thứ hai, các tư liệu mà Lê Quý Đôn trích dẫn tiếp sau cũng xác nhận vũ khí mà người Minh học được từ Hồ Nguyên Trừng là loại hình thương chứ không phải pháo. Thông ký gọi nó là thần thương hỏa tiễn, Cô thụ biều đàmThù vực chu tư lục đều gọi là thần thương. Cũng cần nói thêm là Minh sử không phải tác phẩm của sử quan thời Minh, mà là của nhóm học giả đời Thanh biên soạn. Vì vậy, không loại trừ khả năng họ đã nhầm lẫn về loại hình vũ khí mà Hồ Nguyên Trừng truyền dạy cho nhà Minh.

Các học giả thời Minh trái lại rất thống nhất về loại hình vũ khí mà Hồ Nguyên Trừng truyền lại cho người Minh. Tên gọi của nó là thần thương (神鎗) hoặc thần cơ hỏa thương (神機火槍). Trong sách Đại học diễn nghĩa bổ, Khâu Tuấn (1421 – 1495) có nói rõ:

"Gần đây có thần cơ hỏa thương ... Trong niên hiệu Vĩnh Lạc, bình Nam Giao. Người Giao chế ra nó rất khéo. Sai nội thần theo phép ấy chế tạo, ở trong nội thì sai Đại tướng tổng quản Thần Cơ doanh, ở ngoài biên thì sai nội quan coi sóc thần cơ thương".

Khâu Tuấn - Đại học diễn nghĩa bổ, quyển 122.
Chân dung Khâu Tuấn

Người chỉ dạy phương pháp chế tạo chính là Lê Trừng (tức Hồ Nguyên Trừng). Chúc Doãn Minh (1461-1527) trong Cửu triều dã sử có viết: 

Trừng giỏi chế thương, giúp triều đình sáng tạo thần thương

Vương Thế Trinh (1526-1590) trong Hoàng triều dị điển thuật cũng viết: 

Trừng may được miễn tội chết, vì giỏi chế thần thương, cha con lên đến ngôi vị bát tòa, ăn lộc gần năm mươi năm, thọ hơn tám mươi tuổi” 

Các ghi chép này cho thấy rõ đó là loại hình súng cầm tay chứ không phải pháo. Vậy thần thương là loại vũ khí như thế nào?

Thần thương trong binh thư Trung Quốc

Sách Hỏa long kinh toàn tập còn ghi lại hình dạng và mô tả về vũ khí tên là thần thương tiễn. Hỏa long kinh toàn tập được cho là sách do Gia Cát Lượng thời Tam Quốc biên soạn, Lưu Bá Ôn và Tiêu Ngọc thời Minh thu tập. Bài tựa sách đề tên Tiêu Ngọc soạn năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1421). Sách này ghi rõ:

“Đây là thứ vũ khí bình An Nam. Sau mũi tên có bộ phận mộc tống tử và có bố trí các thứ đạn chì. Chỗ kỳ diệu của nó là dùng lực, gỗ nặng mà có lực, một phát có thể bắn ra ba trăm bộ [khoảng hơn 56 mét]”.

Hỏa long kinh toàn tập - quyển trung
Minh họa Thần thương tiễn trong Hỏa long kinh

Việc Tiêu Ngọc gắn vũ khí này với chiến dịch đánh Đại Ngu khiến nhiều nhà nghiên cứu vũ khí cổ Trung Quốc cho rằng thần thương tiễn chính là thần thương hỏa tiễn mà Hồ Nguyên Trừng chế tạo cho nhà Minh. 

Một trong những điểm đặc biệt của thần thương là ở chất liệu gỗ. Theo sách Quân Tử đường nhật tuân thủ kính, cuối thời Minh, ở Quảng Đông có loại cây đạc mộc 鐸木 “rất chắc, sắc đỏ, mỗi năm đều cống lên kinh, để dùng làm thần thương“. 

Đại Minh hội điển có ghi chép vào năm Chính Đức thứ 12 (1517), Minh Vũ Tông chuẩn y rằng: 

Đạc mộc tiễn trúc (mũi tên bằng gỗ đạc mộc), do Lưỡng Quảng châm chước lo liệu

Điều này cho thấy kỹ thuật chế tên của thần thương liên quan nhiều tới vùng Lĩnh Nam, vì phải dùng đến thứ gỗ đặc biệt chỉ phương nam mới có.

Bộ phận Mộc tống tử (miếng gỗ chèn giữa thuốc súng và đạn) trong hiện vật súng sản xuất năm 1424 của nhà Minh

Một người đương thời khác là Khâu Tuấn cũng chỉ ra đặc trưng và sự lợi hại của thần cơ hỏa thương. Ông cho biết:

"Gần đây có thần cơ hỏa thương, lấy sắt làm đầu mũi tên, dùng lửa để phóng, có thể xa ngoài trăm bộ, nhanh chóng và kỳ diệu như thần, vừa nghe tiếng thì mũi tên đã bay đến rồi".

Khâu Tuấn - Đại học diễn nghĩa bổ, quyển 122.

Về sau, nhà Minh còn tung ra một biến thể của thần thương, gọi là vô địch thủ súng (無敵手銃). Đại Minh hội điển chép rằng: 

Vô địch thủ súng tức thần thương, nhưng hơi dài, nặng mười sáu cân. Năm Gia Tĩnh thứ bảy (1528), lấy đồng thau đúc ra 160 cây, phát cho các biên giới để thí nghiệm” 

Đáng tiếc, chúng ta chưa tìm thấy mẫu vật súng này.

Thần thương trong sách Vũ bị chế thắng

Ngoài ra, trong Vũ bị chế thắng của Mao Nguyên Nghi (1594-1640) thời Minh cũng có một vũ khí cũng mang tên thần thương. Nhưng kỹ thuật phóng của nó lại mô phỏng kỹ thuật của điểu thương. Vũ khí này cũng không bắn ra mũi tên. 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là phiên bản cải tiến của thần thương vào hậu kỳ nhà Minh. Nhưng rõ ràng thần thương của Mao Nguyên Nghi đã không còn dính dáng gì tới thần thương tiễn, ngoại trừ tên gọi của nó.

Hỏa khí Đại Việt và sự phát triển hỏa khí của nhà Minh

Thần thương của nước ta được các học giả nhà Minh hết lời ca ngợi. Như Thẩm Đức Phù (1578-1642) trong Vạn Lịch dã hoạch biên có chép: 

“Bản triều dùng hỏa khí chế ngự giặc, là chiến cụ đệ nhất cổ kim, nhưng thứ vũ khí này trở nên xảo diệu thì phải đến lúc Văn hoàng đế bình Giao Chỉ mới bắt đầu có được”.

Thẩm Đức Phù - Vạn Lịch dã hoạch biên

Trong thành phần quân đội xâm lược Đại Ngu, vua Minh Thành Tổ cũng phái đi một lực lượng chuyên sử dụng hỏa khí. Chỉ huy lực lượng này được gọi là Thần cơ tướng quân

Năm 1406, khi dự trù việc rút quân, Minh Thành Tổ đã đặc biệt ban lệnh cho bọn Thần cơ tướng quân Trình Khoan “phải thu dọn súng ống kỹ lưỡng chắc chắn. Tới ngày rút quân về phải nhất nhất kiểm điểm đối chiếu đủ số, không được thất lạc một cái”

Chứng tỏ vào thời điểm đó, lực lượng của Thần cơ tướng quân là lực lượng tinh nhuệ “hiện đại”. Vũ khí họ sử dụng là tuyệt đối bí mật, không được phép để lọt ra ngoài.

Chân dung Minh Thành Tổ

Về phía nước ta, việc sử dụng hỏa súng (火銃) đã được nhắc đến từ năm 1390. Trong trận chiến ở Hải Triều, tướng nhà Trần là Trần Khát Chân đã sai hỏa súng nhất tề bắn vào phía thuyền của vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga. Không rõ khoảng cách giữa thuyền quân Trần và thuyền quân Chiêm là bao xa, nhưng kết quả rất ấn tượng. Chế Bồng Nga bị “bắn xuyên vào ván thuyền” (着蓬莪貫於船板). Điều này cho thấy hỏa súng của Trần Khát Chân có thể cũng bắn ra mũi tên, giống như thần thương của Hồ Nguyên Trừng. 

Khi chuẩn bị xâm lược Đại Ngu, Minh Thành Tổ cũng nghe nói nước ta đã chuẩn bị nhiều hỏa khí để kháng chiến. Tuy nhiên, lực lượng hỏa khí của nhà Hồ không để lại được dấu ấn trong cuộc chiến này. Ngược lại, lực lượng của Thần cơ tướng quân nhà Minh đã có vai trò lớn trong việc đẩy lui tượng binh Đại Ngu trong trận chiến thành Đa Bang.

Hỏa súng đã được Trần Khát Chân sử dụng từ năm 1390

Việc tiếp thu thần cơ thương pháo pháp của Đại Ngu đã giúp lực lượng hỏa khí của nhà Minh tiến bộ vượt bậc. Minh Thành Tổ thành lập Thần Cơ doanh – một trong ba đại doanh quân chính quy của nhà Minh. Thần Cơ doanh được trang bị hỏa khí và hỏa pháo, cũng là lực lượng chế tạo hỏa dược.

Điều này cho thấy nhà Minh không chỉ tiếp thu thần thương, mà còn tiếp thu cả kỹ thuật chế tạo và sử dụng thuốc phóng của nước ta. Thục Viên tạp ký của Lục Dung (1436-1494) thời Minh chép rằng:

"Thần Cơ doanh: Trong khoảng niên hiệu Vĩnh Lạc đánh Giao Chỉ, được phép thần cơ hỏa tiễn của nước ấy, nhân đó lập ra doanh này".

Lục Dung - Thục Viên tạp ký, quyển 5
Chân dung Lục Dung trong Ngô quận danh hiền đồ

Phép thần cơ hỏa tiễn mà Lục Dung nhắc đến có lẽ cũng chính là thần cơ thương pháo pháp mà Minh sử đề cập. Đúng ra phải hiểu là thần-cơ-thương pháo-pháp (phương pháp làm thuốc phóng của thần cơ thương), chứ không nên hiểu là thần-cơ-thương-pháo pháp (phép chế tạo pháo thần cơ thương) như chúng ta hiện nay vẫn tưởng.

Theo Chấn Trạch kỷ văn của Vương Ngao (1450-1524) thời Minh, thần thương của nước ta đã được Minh Thành Tổ sử dụng ngay từ lần đầu tiên viễn chinh Mông Cổ vào năm 1410. Trong lần tao ngộ chiến đầu tiên, bên phía Mông Cổ có một người xông lên trước, hai người khác nối theo sau. Cả ba đều bị quân Minh dùng thần thương bắn chết. Cuộc tiến công của quân Mông Cổ tạm thời bị khựng lại. Lực lượng Thần Cơ doanh bị tan rã sau thất bại của Minh Anh Tông tại Thổ Mộc Bảo năm 1449, về sau mới được khôi phục lại. Còn ở nước ta, sau khi giành lại độc lập, hỏa khí Đại Việt tiếp tục phát triển theo một con đường riêng biệt.

Chia sẻ câu chuyện này
Share