Các sử liệu nêu trên còn cho chúng ta biết rằng, ngoài việc sử dụng để chiến đấu với tàu chiến địch, người thời đó còn sử dụng chiến thuyền theo ít nhất 4 cách khác nhau:
– Cách thứ nhất: dùng thuyền để nhử quân địch, như được thể hiện trong trận Bạch Đằng năm 938.
– Cách thứ hai: Sử dụng lâu thuyền để thám thính, quan sát tình hình chiến sự trên đất liền. Điều này được Đại Việt sử lược mô tả trong sự kiện Ngô Xương Văn bị ám sát năm 965. Sự kiện này gián tiếp cho ta biết lâu thuyền thời đó có một độ cao tương đối, nên có thể thuận tiện sử dụng cho việc quan sát, nhưng cũng không quá cao, khiến người quan sát phải cho thuyền chèo vào gần bờ, tạo cơ hội tốt cho những kẻ ám sát.
– Cách thứ ba: sử dụng lâu thuyền như những “tháp pháo”, bằng cách cho quân cung nỏ đứng trên lâu thuyền bắn vào đối phương. Cách này được thể hiện qua sự kiện năm 1001, khi Lê Hoàn cho quân trên lâu thuyền bắn vào kẻ địch ở trên bờ.
– Cách thức cuối cùng, cũng là cách được nhắc đến nhiều nhất: sử dụng thuyền để hành quân. Cách thức này được đề cập xuyên suốt lịch sử phong kiến Việt Nam nói chung, và sự kiện năm 965 của giai đoạn này nói riêng, qua chi tiết quân của Ngô Xương Văn “đỗ thuyền lên bộ đánh”. Ngoài ra, việc sử dụng thuyền để hành quân còn được đề cập gián tiếp qua hoạt động đào kênh, mà riêng thời đại này đã được nhắc đến qua ba sự kiện thời Tiền Lê như sau:
Năm 983: “Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”.
Năm 1003: “Vua đi Hoan Châu, vét kênh Đa Cái (cho Thông) thẳng đến Tư Củng trường ở Ám Châu”.
Năm 1009: “Bọn Ngô đô đốc, Kiểu hành hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp…”.