[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 61: Tấm da dê của Thùy

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 61: Tấm da dê của Thùy

Kỳ trước, nhóm Hùng Bonsai và Thùy đã thuần phục được lũ nhện canh cửa để tiến vào cánh cửa dẫn tới Ca Lâu Thành.

Thuỳ vẫn ngơ ngác: 

– Là sao anh?

Anh Hùng nói: 

– Là giờ mình đi xuống dưới đó!

– Nhưng anh ơi, dây đâu mà leo xuống bây giờ?

Sợi dây lúc nãy có lẽ bị vướng vào chân con nhện nào đó nên bị lôi đi rồi. Thùy loay hoay kiếm mà không thấy đâu hết. Anh Hùng vỗ vai cô, chỉ về phía con Thiên Mẫu. Thùy kinh ngạc: 

– Ý anh là leo lên con nhện đó cho nó đu xuống dưới? Anh đùa à?

Tôi thì đã nghe anh Hùng kể về chuyện cưỡi cá sấu băng qua rừng tràm Trà Sư rồi, nên cũng đoán được phần nào. Tú Linh và Sinh đã rảo bước đến kế con Thiên Mẫu. Anh Hùng ra hiệu nhanh lên. Thuỳ háo hức lên trước, còn tôi thì phải kè gã Tùng. Gã cố sống cố chết cũng không dám leo lên, nhưng đuổi về thì gã không chịu đi một mình, sợ trên đường ra gặp hồn ma nào nữa thì chắc đái trong quần. Tôi lôi gã lại mé vực rồi mặc kệ, muốn làm gì thì làm. Một lúc sau, gã cũng tíu tít chạy theo cả đám. 

Hít một hơi thật sâu, tôi bước chân lên lưng con nhện. Tôi tưởng rằng nó sẽ mềm mại, nhầy nhụa, đứng không bám chân được nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Cái lưng con Thiên Mẫu vừa chắc, lại có mấy cái gai tua tủa, không đâm vào chân mà lợi dụng ma sát từ chúng, đứng cực kỳ vững. Con nhện khổng lồ cõng cả bọn sáu người trên lưng mà không hề thấy nó nao núng. Tơ nhện thì khỏi nói, bình thường đã làm được áo giáp chống đạn, tơ của Thiên Mẫu chắc dùng làm dây trục container được chứ chẳng đùa.

Càng xuống sâu nhiệt độ càng thấp. Đứng trên lưng Thiên Mẫu cho nó thả người xuống khoảng mười phút rồi vẫn chưa thấy tới. Từ nãy đến giờ, ở hai bên mép vực, tôi thấy có rất nhiều hốc đá, bên trong lâu lâu lại vang ra âm thanh huýt gió. Xuống thêm chút nữa, số lượng những hốc đá này ngày càng dày đặc. Sinh lia ngọn đuốc với phía đó làm tôi hoảng hồn. Một con rắn vàng khè, to bằng cổ tay đang len lỏi giữa những lỗ hang. Sau đó thì thấy thêm nhiều con nữa. Chúng có màu sắc khác nhau: đen, vàng, đỏ, xanh lơ đủ cả, tròng mắt chúng trắng háu, cái lưỡi thụt ra thụt vô nhìn bọn chúng tôi và con Thiên Mẫu. Hình như chúng đang dè chừng, sợ con nhện khổng lồ hết mấy phép. Nếu không có con Thiên Mẫu, chắc lũ rắn này đã cắn chết cả bọn rồi. Thùy nói: 

– Lúc nãy mà em đu dây leo xuống chắc…

Tôi cười, không dám tưởng tượng tới cảnh đó.

Một lúc sau cũng đến đáy hang, con Thiên Mẫu nhìn anh Hùng rồi ré lên vài tiếng, nó cúi đầu y hệt lúc ở trên rồi bò lên lại, nó vừa quay đi thì lập tức có hai con nhện Cận Vệ lông vũ đỏ bò tới, như canh cho chúng tôi khỏi lũ rắn vậy. Dưới này không tối như tôi tưởng. Anh Hùng bảo Thùy tắt đèn pin rồi nói Sinh chuẩn bị thêm hai cây đuốc nữa. Lý do thì lúc trước Sinh có nói rồi, chúng tôi đã qua ải đầu tiên của Bát Quái Động, đến càng gần Ca Lâu Thành thì phải càng thận trọng. Vả lại, ba ngọn đuốc là quá đủ ánh sáng. Những đốm sáng vàng vọt hắt lên vách tường đá vôi của hang động, địa hình không khác ở trên, bề mặt sần sùi hơn một chút thôi, riêng mặt đất thì khá bằng phẳng. 

Công việc đầu tiên, chúng tôi chia nhau ra tìm dấu hiệu của Dũng và Châu. Thùy đi với Tú Linh, tôi đi với Sinh còn Anh Hùng đi với Tùng, tại vì chỉ còn mình anh nói chuyện với gã. Mỗi nhóm đi một hướng về phía những vách hang, dưới đây khá rộng. Sinh đi trước, tôi đi sau, được một lúc thì hai thằng thấy dưới đất có một miếng gỗ bị bụi phủ kín, trên đó có khắc những ký tự giống như kinh văn trên cái vô lăng nhưng nét vẽ thô kệch hơn, có lẽ là dùng than chì. Càng đi tới thì thấy thêm nhiều mảnh gỗ nữa. Theo linh tính, Sinh rọi đuốc về trước, tôi cũng cố căng mắt ra nhìn theo, khi mắt quen dần thì phát hiện phía trước là một kiến trúc tháp khá cao. 

Sinh ngoắc tay ra hiệu tiến về phía trước, đến gần mới thấy tòa tháp đổ nát này cao chạm nóc hang, những bức tường nham nhở các lỗ hổng để lộ ra các bậc thang hư hại gần hết. Cỏ mọc xung quanh cao hơn đầu chúng tôi mấy thước, loại cỏ này tôi chưa thấy trên mặt đất bao giờ, lý do chúng có thể mọc ở nơi thiếu ánh sáng như này cũng khó hiểu không kém. Tôi hỏi Sinh là có muốn vào không. Nó lia ngọn đuốc qua lại, xem xét tình hình rồi bảo: 

– Vào xem qua tầng một cái đi, nhỡ mấy người kia vào đây trốn rồi sao?

Tôi gật đầu.

Cửa vào tòa tháp có một đường chỉ gỗ rộng vài centimet, bên trên khắc hình chim thần rất tinh xảo, có thể thấy rõ những cái miệng đầy răng nhọn hoắt của chúng. Kiến trúc tầng một của tháp hình tròn, dưới nền lót ván gõ, ở giữa những kẽ hở cỏ mọc lên, ngọn đuốc của Sinh lia đến đâu thì bóng của cỏ bị hắt xuống đến đó, trông giống hàng chục người đang chạy dọc trên nền gỗ. Bên trong tháp không rộng lắm nên có thể dễ dàng nhận thấy không có dấu hiệu của Dũng và Châu. Thất vọng, chúng tôi rủ nhau đi ra thì nghe phía bên kia Thùy đang hét lên: 

– Mấy anh chị, lại đây coi cái này nè!

Tôi và Sinh tức tốc chạy đến, thấy Tú Linh đang ngồi khụy gối, sờ vào nền đất,. Anh Hùng và gã Tùng cũng chạy đến ngay sau đó. Dưới nền đất, chúng tôi bàng hoàng phát hiện ra hai vệt dài. Nếu loại bỏ hết mọi khả năng không thể xảy ra thì đây chính là dấu vết kéo lê mà “vật gì đó” đã để lại khi di chuyển cơ thể Dũng và Châu, dấu vết ăn khá sâu vào mặt đất nên không thể nhầm lẫn được. Dường như Thùy cũng hiểu chuyện, cô lấy tay bịt miệng, giấu một tiếng nấc, còn khuôn mặt gã Tùng thì hiện rõ vẻ bàng hoàng. 

Sinh chậc lưỡi: 

– Tình hình này chắc hết hy vọng rồi. Hang cao chết mẹ, rớt xuống què giò gãy cẳng là còn hên, rồi nhện và rắn các thứ. Chuyện khó hiểu duy nhất là ai đã lôi hai đứa này đi?

Thùy nghe đến đây thì đã không còn kiềm được sự xúc động, mặc dù tôi nhận xét thấy cô ta mạnh mẽ là có, nhưng sự thật mà Sinh nói ra quá tàn nhẫn, phản ứng này hoàn toàn dễ hiểu. Cô gục đầu vào vai Tú Linh thút thít, đến lúc này thì Tú Linh trợn mắt nhìn Sinh trách mắng. Nó trút hơi thở kèm chút giễu cợt rồi cầm chai rượu bỏ ra phía xa. Anh Hùng lên tiếng: 

– Thôi, mọi người chắc cũng mệt rồi. Giờ mình kiếm chỗ dựng trại, nghỉ ngơi lấy sức. Theo anh nghĩ, giờ này ở trên cũng gần trưa rồi.

Ánh lửa bập bùng soi sáng khuôn mặt bần thần của Thùy và gã Tùng. Mỗi người một miếng lương khô, không ai nói với ai câu gì. Sinh tìm được một gốc cây bị đổ, nó dựa lưng vào đó, nằm bắt tréo chân, vừa ăn vừa uống rượu, nom không có chút gì hối hận về kết luận của mình. Tú Linh ăn xong thì đứng lên đi về phía Thùy, cô nói sẽ mát-xa trán cho cô bé bớt chút căng thẳng. Gã Tùng cũng đòi nhưng Tú Linh bỏ ngoài tai hết trọi. Tôi xin anh Hùng điếu thuốc, kéo vài hơi thấy đầu óc tỉnh táo ra hẳn. Lúc này, tôi mới hỏi: 

– Ông lão chết oan vậy, mà lại là lục lâm thứ dữ, em thấy cấn cấn sao á anh?

Anh bảo: 

– Đâu phải mình mày cấn. Như lúc nãy anh có nói, xương sườn lão gãy mấy cái, lực tác động không phải nhỏ. Kiểu này thì chỉ có khả năng là do một tay lục lâm khác cao tay hơn giết mà thôi. Lục lâm đen chẳng hạn? Thằng Sáu Nghĩa với bà mẹ nó thì không phải rồi…

Tú Linh chen vào: 

– Theo em thấy, nếu xương mà đen đi như vậy, ông lão thả diều chết cũng khoảng hai mươi, ba mươi năm trước.

Anh Hùng suy ngẫm một hồi, nhìn anh có vẻ căng thẳng lắm. Vài lần anh định cất tiếng nói gì đó nhưng lại thấy cơ mặt anh chùn lại, gục đầu xuống, cánh tay vô thức ném một viên đá vào đống lửa. Anh trút tiếng thở dài: 

– Lúc ở đảo Bia Mộ, bác Ba có nói về chuyến đi vào Ca Lâu Thành với một người mà bác cho là Lý sư phụ mấy chục năm trước. Chẳng lẽ…

Nghe xong, tôi ngả người về sau một chút, tiếp nhận thông tin mà không khỏi bất ngờ. Nếu bác Ba nói đúng, thì chẳng lẽ người giết ông lão thả diều là hai người bọn họ, vậy thì hợp lý rồi, họ chính xác là “lục lâm thứ dữ”. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khả năng những lục lâm ám sát lẫn nhau là rất nhỏ. Lý sư phụ và mười người đệ tử của ông tiếng tăm đâu phải nhỏ. Họ nổi lên nhờ vào việc bao dung và luôn giúp đỡ kẻ yếu mà. Thêm vào đó, lúc chúng tôi gặp bác Ba, ông đã điên điên khùng khùng. Tuy có kính trọng nhưng tôi không nghĩ mấy người này tin vào lời ổng nói. 

Thật vậy, anh Hùng tuy có nói thế nhưng anh cũng ghim lại một câu: 

– Giờ khoan hãy kết luận. Không đủ cơ sở mà kết luận rồi đâm ra nghi ngờ tiền bối tội họ. Tập trung vào chuyện Ca Lâu Thành trước đi.

Đoạn, anh quay sang bảo Thùy: 

– Em nói em có cuộn da gì đó ghi thông tin về tòa thành này đúng không? Giờ lấy ra đi, mình sắp vào đó rồi, biết đâu tìm được thông tin bổ ích!

Thùy gật đầu cái rụp rồi bước đến ba lô móc ra một cuộn da màu nâu cũ kỹ, được cột lại bằng sợi dây thừng nhỏ màu đen đã tơi tả gần hết. Anh Hùng nói Tú Linh lấy cuộn giấy đọc đi rồi “phổ cập” lại cho cả bọn, Thùy nói là cô có nhờ ông anh nào đó dịch giùm rồi nhưng anh Hùng chỉ cười, làm lơ. Tôi nghĩ đây là dịp tốt để hỏi về thân phận của Thùy nên nói luôn: 

– Sao em quyết định đi tìm Ca Lâu Thành vậy? Nếu viết luận như em nói lúc đầu thì chui vô mấy chỗ nguy hiểm này làm gì cho mệt?

Thùy cười (chậc, cười gì đẹp dữ), cô nói: 

– Mới đầu gặp, mọi người không biết từ đâu lù lù bước ra, em cũng phải chừa đường lùi chứ. Giờ mọi người muốn nghe thì em kể, nhưng mà sau đó anh cũng nói cho em biết thật sự mọi người là ai nha?

Tôi và Thùy nhìn Hùng. Anh gật đầu. Cô nói tiếp: 

– Thật ra là do ông nội em cả…

Ông nội của Thùy là ai? Tại sao có được tấm da dê ấy? Đón đọc kỳ sau sẽ rõ. 

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share