Hai bức vẽ, một bức ở tòa điện khổng lồ bên dưới, một bức trên cánh cửa làm chúng tôi đứng đực ra, không biết phải suy nghĩ như thế nào cho đúng. Nhìn vào nét vẽ có thể chắc mẩm là cùng một họa sĩ. Ánh mắt, cử chỉ, cách tô màu, bố cục đều mang nét tương đồng. Thêm vào đó là biểu tượng chim thần dang cánh và mười tám bóng đen vây quanh. Đứa trẻ lên ba còn thừa hiểu rằng người họa sĩ này đang khắc họa một câu chuyện duy nhất. Thế nhưng, tại sao ở bên dưới là một người có hai đầu tứ chi, còn bức vẽ trên cánh cửa là hai người riêng biệt đang đứng đâu lưng vào nhau?
Còn một chi tiết cũng khó hiểu không kém: nét đứt ở chỗ bả vai giờ được thay thế bằng một món trang sức kết thành từ những cọng lông chim, che mất đi vị trí kết nối. Anh Hùng bảo Tú Linh hãy đọc lại dòng kinh văn, phải chắc chắn một trăm phần trăm, không thôi lại đi vào bãi mai phục của Ca Lâu Thành thì cả bọn lại khốn đốn. Tú Linh nhìn anh với vẻ khó chịu, nhưng cũng hiểu ra vấn đề, cô bèn lấy những tài liệu chứa trong ba lô, tra lại từng chữ một, khẳng định đây chắc chắn là điện công chúa.
Lúc này, anh Hùng mới bước về phía cánh cửa. Xem xét tình hình xong, anh hỏi mọi người sẵn sàng chưa. Nhóm sáu người giờ chỉ còn lại bốn, riêng phần tôi dù chưa định thần lại được nhưng cũng không ái ngại gì mấy, Thùy thì… Cô đang gục mặt, anh Hùng phải gọi thêm lần nữa mới giật mình. Ánh mắt đảo ngang đảo dọc, cô nói lí nhí rằng nãy giờ không nghe mọi người bàn gì hết rồi ngồi thụp xuống khóc nức nở.
Nói thẳng ra, tôi hiểu tâm lý của cả anh Hùng và Tú Linh hiện giờ khi hai người bọn họ nhìn vào cảnh tượng trước mặt mình. Dũng và Châu bị con tắc kè ăn thịt, chết không thấy xác, Tùng gần như cụt mất một chân, lại rơi xuống vực, khả năng sống sót nói thẳng ra là bằng không. Nhóm khảo cổ bốn người giờ còn mình Thùy, có mạnh mẽ cỡ nào cũng bị sự thật này quật ngã mà thôi. Nhớ lại hang nhện, Thùy nhất quyết đu dây xuống cứu bạn mình mặc dù không biết phía dưới có thứ gì, những lúc Tùng táy máy tay chân hại cả bọn, cô cũng không buông một lời trách mắng, chỉ muốn cả đám trở ra ngoài an toàn. Tôi nhìn cô bé trút những gánh nặng trên vai theo dòng nước mắt mà không kìm được tiếng thở dài. Định bước đến an ủi thì anh Hùng đã kéo tôi lại. Anh nhìn tôi kiểu như muốn nói rằng “Để anh…”
Tôi gật đầu, anh tiến về phía Thùy rồi nói:
– Lục lâm là như thế, sống nay chết mai, nhưng đó là con đường họ chọn. Em, Tùng, Dũng và Châu chỉ tình cờ bước vào Động Bát Quái. Đáng ra từ đầu anh nên dứt khoát hơn, giả danh kiểm lâm hay cảnh sát gì đó đuổi em đi ra thì mọi việc có khi lại không như thế này, chỉ là anh khâm phục cái thần thái ở hang nhện của em mà thôi.
Nói đến đây, anh Hùng ngồi xuống, ánh mắt anh ngang hàng với ánh mắt của Thùy, anh cũng thở dài:
– Chính cái thần thái đó đã thôi thúc anh lôi em theo, nếu không có những kiến thức của em và Tùng, hoặc những lúc hai người chỉ điểm những hiểm nguy, có khi cả bọn không thể nào đi được đến đây. Anh biết em đang lo cho Tùng, dù gì thì đó là điểm tựa duy nhất để em có thể bước ra Động Bát Quái mà ngẩng cao đầu được chút ít. Nhưng em đừng quên, Tùng đang đi với Sinh, anh tin thằng Sinh sẽ liều mạng để cứu Tùng cho nên em đừng lo lắng quá, Tú Linh cũng đã cầm máu phần nào rồi. Vấn đề chính ở đây anh muốn nói rằng, em đã có điểm tựa của Tùng. Nếu em ngồi đây khóc mếu máo trong khi bọn anh khám phá ra những bí mật cuối cùng của tòa Ca Lâu Thành huyền thoại, thì được thôi, anh không ép em. Về phần em kìa, em có muốn trở về trước mộ ông nội, kể cho ông nghe về những khám phá đó không? Đó là do em quyết định hết. Vậy nhe cô bé! À, nếu em sợ, đừng quên thanh niên Thiên Hổ kia lúc nào cũng chọn phía em mà nhảy qua thôi!
Tôi giật thót mình, nhớ lại mấy lúc trước, đúng thật là đa số tôi đều nhảy về phía Thùy, nhưng mà chỉ là trùng hợp thôi mà, hay là không phải? Hừm. Tôi nhìn Thùy, thấy cô bé cũng đang ngẩng mặt nhìn lại tôi, lấm lem nước mắt. Tôi không hiểu là do những lời động viên của anh Hùng về bí mật của Ca Lâu Thành, hay là vì Thùy cũng suy nghĩ lại về chuyện có Thiên Hổ (cái này là do tôi tưởng tượng ra thì đúng hơn) cho nên cô đứng phắt dậy, cánh tay dứt khoát lau đi những giọt nước mắt rồi nói:
– Em sẽ đi tới cùng, lúc nãy trong những tư liệu mà chế Tú Linh lấy ra có cả cuộn giấy của ông nội em để lại, em nhớ là người dịch giúp em cũng có nhắc đến cánh cửa vào điện công chúa, theo thiết kế thì chín chín phần trăm đây chính là nơi đó rồi.
Thùy nói xong còn nhìn sang Tú Linh như muốn hỏi ý kiến, Tú Linh gật đầu cái rụp. Không khí u ám lúc nãy bất chợt thay đổi, mọi người, trong đó có tôi cảm thấy phấn chấn rõ rệt. Không biết phía sau cánh cửa này có điều gì đang chờ đợi nhưng mà nó là đích đến, là tôn chỉ của cả chuyến đi từ Hòn Sơn Rái, qua Nam Du rồi đến Kiên Lương lần này.
Tôi nín thở khi anh Hùng tiến về phía cánh cửa. Như thường lệ, anh thận trọng xem xét xung quanh, rồi đặt tay lên khoen cửa hình tròn có khắc đầu chim thần Ca Lâu La. Anh dùng lực đẩy nhẹ, trông có vẻ nặng hơn những cánh cửa lúc trước hay sao đó nên anh áp cả vai vào nó mọi chịu hé ra một chút. Một luồng gió lạnh ngắt thổi ánh sáng vàng vọt ra ngoài. Gió mạnh đến nỗi tóc tôi bay lên rối bù, phải lấy tay che mắt lại. Cũng lạ ở chỗ là mở cửa ra liền nghe tiếng nước từ đâu chảy róc rách.
Điểm giao nhau của hai cánh cửa nằm ngay chỗ đâu lưng của hai người phụ nữ trên bức bích họa. Ngoài tối, trong sáng. trông họ như đang dang tay ra kéo cả bọn chúng tôi vào trong. Căn phòng này cũng giống như nhiều căn phòng khác trong Ca Lâu Thành: rộng và cao. Điểm khác biệt duy nhất là kiến trúc của nó. Căn phòng hình tròn có đường kính khoảng mười mấy mét, chạy dài theo đường tròn là tượng mặc đồ trông giống với tỳ nữ bưng bình. Một mảnh vải khoác từ vai xuống đến đầu gối. Vì chúng không đeo mặt nạ nên có thể thấy những chi tiết cảm xúc được khắc họa rất tỉ mỉ. Tôi nhớ đến mười tám con quỷ vừa rồi mà không khỏi rùng mình.
Cắm trên những chiếc bình là trường minh đăng bọc trong lồng thủy tinh. Đáy bình chảy ra những dòng nước, chính là âm thanh róc rách tôi nghe được lúc nãy. Có khoảng hơn hai chục bức tượng như thế này. Điểm cuối của dòng nước là một đài phun xây theo hình chiếc dĩa khổng lồ cao hơn đầu người. Bên trên có bức tượng chim thần khép cánh, gục đầu.
Sao kỳ vậy? Tôi là người cuối cùng bước vào căn phòng, không biết tôi chốt đoàn tự lúc nào luôn. Lúc này, cả bọn cũng đang chú ý điểm kỳ lạ của bức tượng chim thần. Tôi nhớ rõ ràng, tất cả những bức tượng, bất kể là trưng trước cổng hay khắc trên kiến trúc, chim thần đều được miêu tả hết sức dũng mãnh. Lúc nào chúng cũng dang cánh, nhe nanh, đối lập hoàn toàn với bức tượng ủ rũ trước mặt.
Anh Hùng tiến đến bức tượng tỳ nữ gần chúng tôi nhất, xem xét cái bình rồi lấy tay gạt ngang dòng nước đưa lên mũi ngửi. Anh đanh mắt lại, quay sang nhìn Tú Linh, cô cũng tiến đến làm tương tự rồi thốt lên:
– Dầu đèn?
Anh Hùng gật đầu:
– Chính xác là dầu lưu ly, cháy rất mạnh, anh từng suýt mất mạng vì nó.
Anh đang nhắc đến chuyện diệt con Phet Đặp với Sinh. Dừng lại suy nghĩ, anh bước qua những bức tượng, đi một vòng giáp căn phòng. Nước từ những chiếc bình chảy về chính giữa qua những đường rãnh nhỏ đan xen, cắt đoạn lẫn nhau theo đường vòng cung. Anh thận trọng nhảy qua các rãnh nước này rồi đặt tay lên đôi cánh đang rũ xuống của bức tượng chim thần. Dường như phát hiện được gì đó bất thường, tôi thấy ánh mắt anh sáng lên một chút rồi vụt tắt. Anh quay sang nói với cả bọn:
– Đây không phải chim thần Ca Lâu La mà là con của nó.
Tôi thắc mắc:
– Chim mà cũng có con hả anh?
Tú Linh nhìn tôi với ánh mắt chế giễu, Thùy thêm vào:
– Theo nhiều ghi chép khác nhau thì chim thần Garuda tức Ca Lâu La có sáu đứa con. Sáu con chim có màu sắc, tính tình khác nhau nhưng tổng thể đều khắc họa hình ảnh dũng mãnh và can đảm. Ủa anh, vị này là vị nào?
Anh Hùng ngẫm kỹ rồi bảo:
– Đôi cánh như che phủ cái gì đó, gương mặt gục xuống, lông chim tuy có nhưng không nhiều. Theo anh thì đây chắc là chim thần Sát Phá Chủy.
Thùy giật mình, cô kể rằng nếu đúng là chim thần đó thì những chi tiết trong căn phòng này trở nên khá hợp lý. Theo một số tư liệu thì Sát Phá Chủy và Sát Đại Phù là hai trong số những người con của Ca Lâu La. Lúc còn nhỏ, Sát Đại Phù tưởng nhầm Mặt Trời là trái ngon nên đòi anh trai mình cho ăn. Thần Mặt Trời nghe được liền nổi cơn thịnh nộ, phóng những tia lửa xuống trừng phạt nó. Sát Phá Chủy thấy vậy liền dang cánh che chắn cho em trai, chịu nỗi đau thiêu đốt. Những tia lửa mặt trời này khiến Sát Phá Chủy gào thét dữ dội nhưng vẫn không hề buông em mình ra, vì thế mà lông cánh của nó rụng xuống từng chiếc, từng chiếc một. Phải nhờ đến thần Indra nói giúp, rằng trẻ con còn nhỏ dại chưa biết sợ sự vĩ đại, thần Mặt Trời mới chịu tha. Tuy vậy, thần vẫn buông lời nguyền rủa đến chim thần Sát Phá Chủy, khiến lông cánh bị cháy mất của nó mãi mãi không mọc lại, rồi đày nó đến hang động Hách Mật An Tỳ.