[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 76: Bí mật của Ca Lâu Thành

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 76: Bí mật của Ca Lâu Thành

Kỳ trướcKý ức của công chúa hiện ra trước mắt bốn người Hùng Bonsai.

Cả căn phòng nhuộm một màu lam, chìm trong một làn khói mỏng. Chợt làn khói ấy tan ra từ từ, trên bốn bức tường âm vang những tiếng gọi nhau. Những giọt nước mắt, nỗi đau và sự căm hờn, hạnh phúc và khổ đau giờ như hai chú cá vờn nhau trong lòng hồ. Tôi đứng giữa những rầm vang của ký ức, nhìn ngắm đôi mắt đẫm lệ của Ca Lâu công chúa. Tôi thầm nghĩ đây không còn là những ghi chép trên những mảnh da nữa mà là một câu chuyện chân thật được Thiên Hổ khắc họa lại. 

Căn phòng âm u giờ đây ngập tràn nắng và gió, công chúa đang ngồi chống tay lên thành cửa sổ nhìn ra phía xa. Cô ta đang khóc, đúng vậy, nhưng đôi mắt ấy long lanh ấy, khóe môi nhỏ nhắn ấy, dòng tóc đen tuyền ấy, chúng không chất chứa một sự hiện diện của cảm xúc nào cả. Là vì cô sắp hóa thành quỷ hay vì quá đau buồn đến độ nước mắt cứ vô tình chảy xuống? Tôi không tài nào biết được. 

Linh cảm có chuyện sắp xảy ra, tôi lần mò đến chỗ mà tôi biết chắc rằng anh Hùng, Tú Linh và Thùy đang đứng, nói đúng hơn là một thứ “linh cảm” kia đã dẫn tôi đến chỗ ấy. Tôi vươn tay, lập tức thấy ba người bọn họ như nhảy vào trong mảnh ký ức, ánh mắt láo liên, mới đầu chưa hiểu đầu cua tai nheo gì nhưng cũng bắt nhịp rất nhanh. Anh Hùng lau những vết máu trên tay rồi bảo cả bọn cứ đứng im quan sát. Những bí mật cuối cùng của Ca Lâu Thành chắc đang dần hé mở.

Có tiếng bước chân phía sau lưng, là hướng cánh cổng mà chúng tôi bước vào lúc đầu. Một người thanh niên khuôn mặt tuấn tú, ria mép uốn cong xuống, chân mày cánh cung phủ trên đôi mắt sáng. Nhìn cách ăn vận giản đơn, áo bào lại có vết rách chứng tỏ thân phận thấp hơn công chúa rất nhiều, khả năng rất cao nhân vật này chính là Tỳ Giả. Anh ta không dám tiến đến chỗ công chúa, chỉ dám đứng phía xa cất tiếng nói, thứ ngôn ngữ tôi nghe không được, cũng may nhờ có Tú Linh làm thông dịch viên: 

– Người cảm thấy trong người như thế nào rồi?

Công chúa quay người lại, cô hơi cúi đầu, lạnh nhạt nói: 

– Ta cảm thấy thế nào à? Đã bao giờ ngươi chết đi, sống lại, để rồi biết rằng một ngày không xa nữa thôi, phải chết đi lần nữa?

Người thanh niên im lặng.

Công chúa lại nhìn xa xăm ra phía ngoài cửa sổ: 

– Vậy thì đừng hỏi ta cảm thấy như thế nào.

Tỳ Giả dường như không biết phải trả lời làm sao, chỉ đứng đực ra, lúc đó thì một người con gái khác có khuôn mặt y hệt công chúa cũng vừa bước từ trên xuống. Sự kiện này củng cố lại giả thuyết lúc đầu của anh Hùng: Ca Lâu Vương có đến hai người con gái, nhưng tại sao tất cả những mảnh da đều chỉ nhắc đến một? Khó nghĩ thật, đành theo dõi tiếp vậy. Tỳ Giả cúi đầu hành lễ với người mới tới, cô ta khoát tay ra hiệu hãy lui ra ngoài đi, đoạn tiến đến chỗ cô công chúa kia rồi nói: 

– Chàng đi rồi sao chế không ra tiễn?

 Bó tay với Tú Linh luôn, đến cả lúc dịch cũng một câu chế, hai câu chế.

– Mật Lan à, đáng lẽ là ta và em không còn cảm xúc gì sót lại chứ, sao ông trời lại thích trêu người…

Nói đến đó thì hai hàng nước mắt chảy xuống như hai đường than van trên đôi gò má nàng, nàng gọi người kia là Mật Lan, vậy thì nàng đích thị là Ca Lâu công chúa Tỳ Sa Mật La rồi. Mật Lan đến ngồi cạnh chị mình, khuôn mặt nàng không còn chút cảm xúc, nhưng dường như nàng vẫn ý thức được mình phải làm gì nên liền choàng tay ôm lấy Mật La.

Chợt khung cảnh thay đổi, làn khói mờ ảo lại ập tới, nó lôi chúng tôi ra khỏi cửa sổ. Đô thị Ca Lâu Thành hiện lên rõ mồn một bên dưới, những dãy nhà san sát, cảnh mua bán tấp nập, tiếng gọi chào hàng ồn ào, lướt qua những con đường. Chứng kiến những cảnh tượng đó mới biết ngày xưa tòa thành này sầm uất như thế nào, vẻ mặt người dân lúc nào cũng hớn hở, hạnh phúc, họ nở những nụ cười tươi rói trên môi. Màn sương trở nên dày đặc hơn, khung cảnh tấp nập biến mất, thoáng cái chúng tôi đã đứng phía ngoài Ca Lâu Thành, mục kích sự khổng lồ của nó mà không khỏi trầm trồ. 

Đang băn khoăn không biết tại sao màn sương lại đưa chúng tôi tới đây thì tiếng nói chuyện lại vang lên, là một người thanh niên ăn vận kỳ lạ. Khác hẳn với trang phục của Ca Lâu Thành tôi thấy lúc nãy, anh đang cưỡi trên lưng ngựa, đoàn tùy tùng đi phía sau. Tú Linh nhìn cờ phướn của bọn họ rồi nói chữ trên đó là chữ Tấn. Anh Hùng bảo vậy thì người thanh niên này là Từ Khoái rồi, vì trong cuộn da trên Đảo Bia Mộ có ghi lại thông tin Từ Khoái ngày xưa theo lệnh Tấn Vũ Đế du thuyền về Nam mà. Đoàn người ngựa đang đi theo hướng ngược lại với Ca Lâu Thành, đây có lẽ là thời điểm anh ta vừa diện kiến Ca Lâu Vương xong. 

Từ Khoái nói với người cưỡi ngựa cạnh mình: 

– Vị Ca Lâu Vương đó hào khí ngất trời, lại là vua anh minh, bá tánh trong thành ai nấy đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, âu cũng là điều tốt. Thế nhưng…

Nói đến đó, Từ Khoái ra hiệu cho đoàn người dừng lại rồi anh phóng xuống ngựa, lấy ra một chậu cây, trên đó trồng một loại thực vật trông như cây cải xanh, một tấm vải màu vàng, bọc bên trong là cái mai rùa, hai món đồ này đều chi chít những chữ giáp cốt. Anh trải tấm vải xuống nền đất, đặt chậu cây ở vị trí chính giữa. Tôi thấy những thớ cải động đậy, không phải kiểu bị gió lay mà trông như nó đang hít thở, phập phồng liên hồi. Từ Khoái khụy gối xuống rồi bắt đầu gieo quẻ. Hành động này đặt biệt thu hút sự chú ý của anh Hùng và Tú Linh. Ban đầu anh Hùng chỉ đứng im lặng nghe Tú Linh phiên dịch bằng chất giọng pha chút giễu cợt. Thế nhưng lúc này, khi thấy chậu cây và quan sát những hành động, cử chỉ, thao tác của Từ Khoái, hai người bọn họ nhìn nhau bằng ánh mắt… ngưỡng mộ?!

Anh Hùng nói: 

– Từ Khoái sao vừa gieo quẻ Dịch vừa bói cả Cải Thi vậy?

Tú Linh thêm vào: 

– Chẳng lẽ là một loại gieo quẻ thất truyền nào đó?

– Hừm… Thế giới kinh dịch, dịch số rất đa dạng và phong phú, nói thất truyền cũng không phải, có thể là một cách làm khác với hiểu biết của anh và em, Cải Thi là tổ tiên của ngải, lại thuộc phạm trù của dân đào giếng. Tay Từ Khoái này thấy vậy cũng là loại thuật sĩ có đạo hạnh cao thâm không chừng?

Tôi hỏi anh Hùng rằng Cải Thi là giống quái gì. Anh nói nó là loài thực vật biết khóc, biết cười, chỉ nghe lời kể lại thôi chứ giờ mới thấy tận mắt. Vốn dĩ dân đào giếng thờ Cải Thi, sẵn tiện để giữ nhà, nói ra thì dài dòng, rắc rối lắm, e rằng sẽ bỏ lỡ câu chuyện trước mắt nên anh hẹn tôi khi khác sẽ kể. Tú Linh trầm ngâm. Chúng tôi tiếp tục quan sát Từ Khoái hết gieo quẻ này đến quẻ khác, mỗi lần đọc kết quả đều tắc lưỡi, thở dài, lắc đầu đủ kiểu, còn quay sang cây cải bái lạy như hỏi ý kiến của nó. Những thớ cải động đậy, một âm thanh nghe như tiếng khóc thút thít vang lên.

Từ Khoái đứng lên nhìn vào vị tùy tùng của mình rồi nói rằng gieo quẻ năm lần đều ra cùng một kết quả, Ca Lâu Thành sắp có biến lớn, vị công chúa mà anh ta gặp lúc nãy thật ra đã chết năm năm trước rồi. Không biết ai đã bày mưu cho Ca Lâu Vương hồi sinh con gái mình nhưng thời hạn sống của công chúa sắp cạn, nếu không tiếp ứng kịp thời thì cô ta sẽ bị quỷ hóa. Nhìn ánh mắt của Từ Khoái, tôi thấy cha nội này gieo quẻ thì đúng thật nhưng chắc bị công chúa mê hoặc rồi, hết Từ Khoái rồi đến Tỳ Giả, sắc đẹp của cô công chúa này quả thật không thể coi thường được, đạo hạnh “rắc thính” đã đạt đến thượng thừa: không cần rắc cũng dính. Từ Khoái leo lên ngựa, bảo với người tùy tùng hãy dẫn mọi người về trước, nói với Tấn Vũ Đế rằng anh ta sẽ ở lại Phù Nam giải quyết công việc thêm một thời gian nữa rồi sẽ trở về sau, đoạn phi nước kiệu về hướng Ca Lâu Thành. 

Làn khói lại ập đến, nó đưa chúng tôi đến một căn phòng rộng lớn, trang nghiêm, có một người đàn ông đang ngồi chễm chệ trên chiếc ngai chạm khắc biểu tượng chim thần phía trên, phủ cái mỏ che ngang mái đầu. Đứng ở phía đối diện là một lão già râu bạc phơ, đầu không còn cọng tóc, lão ta đang cúi người hành lễ. Chưa ngẩng đầu lên xong đã nghe lão nói: 

– Bệ hạ, hôm nay vi thần có việc đi ngang sẵn tiện tạt vào âu cũng là muốn nhắc nhở với bệ hạ. Thời điểm bảy năm đã gần kề, công chúa có những tiến triển rất tốt, phương thuốc trường sinh bất lão có khả năng thành công rất cao!

Thì ra người đàn ông kia chính là Ca Lâu Vương Tỳ Khâu Đạt Bà, chẳng trách sao thần thái của ông ta ngất trời, đôi lông mày xếch lên, bộ râu đen tuyền bao quanh cái miệng với môi trên dày hơn môi dưới. Ông ta vận áo bào màu đen với hoa văn vàng, trông đơn giản nhưng dũng mãnh vô cùng. Đôi mắt sắc lẻm và già cỗi khẽ nhắm lại, ông nói: 

– Bước tiếp theo là gì?

Lão già vuốt râu rồi bảo: 

– Vi thần sẽ mách lại với anh chàng trẻ tuổi tài hoa mà bệ hạ tiến cử, tên gì nhỉ, à đúng rồi, Tỳ Giả hiền điệt. Mọi việc chuẩn bị cần khá nhiều thời gian và phải nghiên cứu thêm nữa. Bệ hạ còn việc triều chính phải lo chớ nên để tâm sẽ hại đến sức khỏe bản thân.

Ca Lâu Vương thở dài, ông chống cùi chỏ lên thành ghế, ngón trỏ mân mê vầng trán rồi nói tiếp: 

– Nhưng mà Giản Độ này, phương thuốc này, đánh đổi quá nhiều thứ. Hoàng hậu thì từ lâu ta đã không còn yêu thương gì cả, bà ta ra sao cũng được. Còn Mật La và Mật Lan…

Lão già lập tức cắt ngang: 

– Bệ hạ, vi thần xin được phạm tội tày trời cắt ngang lời người. Nhưng mà, một vị vua anh minh và tài giỏi như bệ hạ, ngàn năm mới có một, bệ hạ lại không có thái tử nối ngôi, sứ mệnh gìn giữ và bành trướng đế chế Ca Lâu chỉ có mình bệ hạ đủ sức đảm đương. Xin người hãy nghĩ đến đại cuộc. Với lại…

Lão già dừng lại, nôm có vẻ không muốn nói hết câu nhưng vẫn quyết định thốt ra: 

– Chẳng phải bệ hạ đã làm một lần rồi sao? Trận sét ngày hôm đó…

Ca Lâu Vương đưa tay lên ý bảo lão Giản Độ đừng nói nữa. Ông đổi tư thế ngồi rồi bảo lão ta cứ như kế hoạch, xuống tìm Tỳ Giả ở phòng của anh ta. Lão già cung kính cúi đầu rồi từ từ lui ra. 

Ca Lâu Vương đứng dậy đi về phía cửa sổ, nhìn xuống tòa thành nguy nga bên dưới rồi lại trút một tiếng thở dài khác: 

– Con gái yêu, phụ vương có lỗi nhiều quá…

Biến cố lớn hủy hoại Ca Lâu Thành năm xưa nay hiển hiện trước mắt bọn Hùng Bonsai thông qua ký ức của hai vị công chúa. Biến cố đó là gì? Liệu nó có gợi ý gì cho bọn Hùng hay không? Mời các bạn đọc tiếp kỳ sau.

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share