Kỳ trước, Từ Khoái tới ra mắt Ca Lâu Vương nói có cách cứu Ca Lâu Thành nhưng phải cần tới Quốc vương, hai vị công chúa và mười tám vị Tư tế.
Ngoại trừ Thuỳ không hiểu Phù là thứ gì thì cả Tú Linh và tôi đều chưng hửng trước câu nói của anh Hùng. Từng nghe anh nói, Phù vốn có nhiều loại, nhưng thuộc về hàng khủng chỉ có Địa Long, Thiên Hổ, Hải Phượng và Không Quy, chứ làm gì có một loại Phù nào khác khủng hơn!? Khi tôi hỏi thêm thì anh Hùng mới giải thích, anh nói, khác với ba bậc là Quyết, Ấn và Chú, Phù vốn dĩ không phải thứ luyện tập mà có. Người muốn sở hữu Phù, một là do cơ duyên mà ra, hai thì phải tự lặn lội đi tìm nguyên liệu rồi tự kết cho bản thân.
Nguyên liệu đã khó tìm thì không cần bàn. Cách kết Phù, ngoại trừ những lục lâm lão làng, đã kinh qua muôn vàn hiểm nguy, tích góp những bí thuật kinh thiên động địa thì chẳng ai biết được phải làm như thế nào cả. Có thể nói cách làm càng táo bạo độc nhất, Phù kết ra càng mạnh. Như đã biết vốn dĩ còn rất nhiều Phù khác, chỉ có Tứ Đại Phù là “ngon” nhất. Cho nên, muốn có được Phù thì chỉ nhờ cơ duyên là chính. Ca Lâu Vương có nói ngày xưa lúc ông sa cơ, gặp được ông lão rồi đánh đổi linh hồn mình để có được Ca Lâu Phù. Đó chính là cơ duyên mà anh muốn nhắc tới.
Tôi nghe xong thì hoảng hồn. Chẳng lẽ lúc ông cậu tôi kết Thiên Hổ lên người tôi cũng đã vô tình lấy đi linh hồn rồi. Anh Hùng xua tay bảo đừng lo. Anh đã kiểm tra, vốn dĩ Tứ Đại Phù không phải thứ thuộc về tà thuật, cho nên chuyện đánh đổi linh hồn là không tồn tại. Do đó, anh mới bảo rằng Ca Lâu Phù có phương thức hoạt động giống Tứ Đại Phù, nhưng mặt khác cũng là một lời nguyền dành cho Ca Lâu Vương. Tôi chậc lưỡi:
– Ông này thiệt khổ, những lúc bí bách toàn gặp phải loại người bất lương. Làm vua cũng có sướng gì đâu!
Anh Hùng cười. Tôi hỏi lý do thì anh bảo:
– Ngày xưa cậu Tư cũng nói y chang mày!
Vừa dứt câu thì làn khói lại lan tỏa, kéo chúng tôi vào một gian phòng quen thuộc, là phòng của công chúa Tỳ Sa Mật La. Em của cô – Tỳ Sa Mật Lan – đang ngồi cạnh bên. Trước mặt hai người là hai cái dĩa màu xanh lục, trống không. Tuy khuôn mặt bọn họ giống nhau như ép trong khuôn đúc, nhưng không hiểu vì sao tôi lại thấy công chúa Mật La có phần sắc sảo vượt trội.
Hai vị công chúa khoác áo màu xanh dương, khảm rất nhiều viên ngọc chói lòa. Trang phục này trông khá giống với những bộ sari tôi hay bắt gặp trong những bộ phim Ấn Độ. Trên đầu họ mang vương miện chim thần Ca Lâu đang dang cánh, há mõm dữ tợn. Họ ngồi trên hai chiếc lá sen khổng lồ. Cả gian phòng im phăng phắc, không một tiếng động. Hai công chúa nhìn chằm chằm vào cánh cửa, không ai nói với ai câu gì. Cửa mở, là Từ Khoái, hắn cúi mình cung kính rồi bước vào. Công chúa Mật La không còn nhảy cẫng lên rồi sà vào lòng hắn như lúc trước nữa. Nàng ngồi im như một bức tượng thiên thần kiêu sa, rũ rượi. Theo sau Từ Khoái là hai người tùy tùng, họ đang khó nhọc khiêng một cái nồi nghi ngút khói.
Từ Khoái tiến đến bên công chúa Mật La rồi bảo:
– Nàng cảm thấy sao rồi?
Không có tiếng trả lời, công chúa vẫn nhìn chầm chầm vào cánh cửa. Từ Khoái cũng chỉ hỏi vu vơ, vốn dĩ không quan tâm nàng ta trả lời ra sao, gã nói tiếp:
– Hôm nay lại bắt nàng phải vất vả rồi, nào!
Vừa dứt lời, cả hai vị công chúa liền đưa hai cánh tay ra trước mặt. Từ Khoái thấy vậy liền chụp một sợi xích rồi khóa chặt chúng lại, đoạn cố định đầu xích vào cạnh bàn. Gã không bộc lộ chút cảm xúc nào cả, khoát tay ra hiệu cho bọn tùy tùng. Chúng liền múc thứ dung dịch nhão nhẹt trong cái nồi đổ lên dĩa, nổi lềnh bềnh trên đó là những viên thịt băm được nấu tái, vẫn còn thấy máu rỉ ra. Thứ dung dịch này trông giống cháo, bốc khói như cháo nhưng tôi có cảm nhận nó không phải cháo, nguyên nhân là vì những viên thịt băm. Có linh cảm không lành, tôi quay sang anh Hùng, thấy ánh mắt anh đang đanh lại nên không dám hỏi.
“Cháo” vừa múc xong, bọn tùy tùng liền rối rít chạy ra ngoài, chỉ còn Từ Khoái trong phòng, nhưng hắn đứng ở khoảng cách rất xa. Hai vị công chúa thấy vậy liền múc lấy múc để, loáng cái chỉ còn lại hai cái tô không. Bỗng hai chiếc lá sen biến đổi, những gân lá màu xanh nhạt dần biến thành màu đỏ như màu máu, mép lá oằn cong lên, bao lấy thân thể của hai vị công chúa. Họ gục mặt xuống, chống cả hai tay lên bàn, gân tay chuyển thành màu đen.
Bất chợt, họ bật đầu dậy: khuôn mặt xinh đẹp giờ đã bị biến dạng vô cùng đáng sợ. Tròng mắt đen kịt, căng lên như hai cái đít chén, răng nanh lởm chởm, lớp da tựa như lớp hồ trắng nhão nhoét, nổi chi chít gân máu bầm đen. Họ rú lên những tiếng động lạnh sống lưng. Dường như họ đã mất hết ý thức, cố nhào tới chỗ Từ Khoái đang đứng mà cào cấu. Nếu không nhờ sợi dây xích cố định chắc tính mạng gã không được đảm bảo. Từ Khoái chỉ nhếch mép cười rồi quay lưng đi ra. Đến đây thì làn khói lại ập đến che mất mọi thứ.
Làn khói thả chúng tôi vào một dãy hành lang âm u tĩnh mịch, nền nhà, hai bức tường và trần bên trên đều được lát bằng đá tảng vuông kích cỡ lớn, có ánh sáng màu vàng lờ mờ hắt ra ở phía cuối hành lang. Một tiếng hét thê lương phút chốc lại âm vang bốn bề làm gai ốc tôi nổi cục cục. Chúng tôi nhìn nhau rồi nhắm hướng đó mà bước tới. Giờ tôi mới để ý, đi vài bước thì thấy một khoen sắt hình tròn treo dưới sợi dây xích, sau khoen sắt là một cánh cửa gỗ loang lổ những vết cào, cắt, chặt, chém đủ cả. Anh Hùng dừng lại, lấy tay sờ lên cửa rồi nói:
– Gỗ U Đàm!
Là chất liệu gỗ làm vô lăng của ông chú ở Hòn Sơn. Quái lạ, sao xuống đến đây mới gặp nó, còn kinh văn đâu? Anh Hùng lắc đầu, nom cũng không hiểu. Chúng tôi chỉ biết bước tiếp. Càng đến gần thì tiếng gào thét càng rõ hơn, giờ mới biết đó là giọng của một người phụ nữ. Giữa những tiếng hét lại chen vào tiếng nói thều thào, Tú Linh dỏng tai lên nghe rồi quay sang bảo:
– Tao nguyền rủa chúng mày! Tao nguyền rủa cả dòng họ chúng mày! Tao có biến thành tro cũng vẫn nguyền rủa chúng mày! Đạt Bà Cẩu Tặc! Từ Tạp Chủng!
Tôi nghĩ bụng, lại chuyện gì đây, thằng cha Từ Khoái này không biết còn nghĩ gì trong đầu nữa. Lời rủa bằng tiếng Phạn ngày một lớn khi chúng tôi tiến đến chỗ ánh sáng. Ghé đầu vào, tôi phải lập tức lùi lại mấy bước. Thực tình tôi đã chuẩn bị tâm thế cho cảnh tượng bên trong nhưng sự chuẩn bị đó quá là sơ sài. Tôi bịt miệng, kiềm một cơn nôn tháo đang trào lên cổ họng, Thùy thì che mặt, ngất xỉu, cũng may Tú Linh chụp cô lại kịp. Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước lên đứng cạnh anh Hùng. Bên trong gian phòng, một người phụ nữ lõa thể đang bị treo lên cao, một mảnh vải rách rưới đủ che đi những nơi nhạy cảm.
Người phụ nữ này bị treo, nhưng không phải là treo vào một dàn giáo, hay là xích sắt từ trên trần nhà rủ xuống mà là nhờ vào một cây sen khổng lồ bên cạnh. Tán lá của nó trông giống với thứ mà hai vị công chúa ngồi lên lúc nãy, chính giữa mọc lên một nhánh hoa sen dài ngoằn ngoèo, đầy gai góc, đóa sen ốp lại, chụp vào bộ tóc của người phụ nữ lõa thể, giữ bà ta lơ lửng trên không. Thế nhưng điều kinh tởm nhất không phải đến từ “hệ thực vật sen” kia, mà là tình trạng của bà ta, sự việc mà đám tùy tùng kia đang làm với thân thể của bà ta. Chúng đang dùng một cây dao sáng loáng khứa vào mảng thịt trên đùi bà ta cho đến khi chạm tới xương, rồi bằng một động tác dứt khoát, lóc một lớp thịt ra.
Chân trái của bà ta đã bị lóc thịt sạch trơn, chỉ còn lại bộ xương khẳng khiu, lủng lẳng, cảm giác chẳng còn thớ thịt nào dính lại. Người phụ nữ này vẫn còn đội vương miện, tóc bà ta rủ xuống, rối bời, miệng bà ta liên tục chửi rủa, ánh mắt thẫn thờ, thâm quầng, gân máu trên mắt nổi lên đỏ ói, hai tay bị những cái rễ sen bên dưới cố định, máu từ những chỗ bị xẻo thịt không chảy ra mà chỉ ứ đọng. Tôi tự hỏi làm sao mà bà ta còn sống vậy? Tú Linh, đang ôm Thùy, nói với tôi bằng giọng tức tối:
– Là ngải! Chúng tra tấn bà ta nhưng không để cho bà ta chết, cây sen đó chính là thứ cung cấp năng lượng, giữ cho máu không chảy, tim không ngừng đập. Lũ ác ôn!
Anh Hùng bảo:
– Không hẳn là tra tấn đâu. Nhìn sang kia đi!
Tôi nhìn theo hướng ngón tay anh Hùng, là cái nồi đựng cháo lúc nãy, nó đang được bắc trên bếp lửa, sôi ùng ục. Bên chiếc bàn cạnh bên có một tên tùy tùng đang cặm cụi, hắn ta nhận đống thịt mà tên tùy tùng còn lại vừa lóc xong, băm chúng ra rồi cho vào nồi cháo, hắn khuấy đều, múc một ít lên cho vào miệng, hắn nếm chèm chẹp rồi còn tấm tắc gật đầu khen ngon. Tên khốn nạn này dùng thịt của hoàng hậu cho công chúa ăn để khai mở hoàn toàn quỷ hồn của công chúa mà không phải quan tâm đến tử hạn. Tôi chỉ biết rủa mả cha cái tên giảo hoạt đó. Nếu không phải đây chỉ là làn khói ảo ảnh, dù tay không tôi cũng quyết ra liều mình với tên vô lại đó.
Anh Hùng móc một điếu thuốc, chậm rãi đưa lên miệng rồi bật lửa. Tôi thấy những ngón tay anh run run rất nhẹ, nhưng đó là cái run mà tôi đã thấy, lúc anh chuẩn bị đập mười tám tên quỷ. Rít xong một hơi thuốc dài, anh lẳng lặng đi ra. Chúng tôi thấy vậy cũng nối gót đi theo. Lúc này thì làn khói xanh quen thuộc đã bao trùm tất cả, tôi vẫn nghe tiếng rủa của người đàn bà kia âm vang đâu đó.
Làn khói đưa chúng tôi xuyên qua những gian phòng, gian điện rồi phóng ra ngoài, đô thị của Ca Lâu Thành lại hiện rõ mồn một dưới chân chúng tôi, nhưng nó không còn như xưa nữa rồi, tất cả bị bao trùm bởi một gam màu vàng bụi bặm nhưng u ám đến thê lương. Cảnh mua bán tấp nập được thay bằng những dáng người lầm lũi, hẩm hiu, ánh mắt họ đầy sợ sệt; cảnh trẻ con nô đùa được thay bằng ánh mắt dáo dác của những bà mẹ đang ôm con mình vào lòng, như sợ có ai đó bắt đi; đàn ông, đàn bà, bất kể già trẻ đang đứng tụ tập xung quanh một cái bàn, ngồi trên đó là Từ Khoái, gã đang kiểm tra sổ sách gì đó rồi nhìn sang tên lính đứng kế bên mình. Hắn thấy vậy liền hô lớn, từ phía đám đông một lão niên đầu tóc bạc phơ chống gậy bước ra. Lão quỳ xuống hành lễ rồi nói bằng giọng lắp bắp:
– Bẩm Từ Đại phu, nhà con đã gửi đi ba người, con năm nay tuổi già sức yếu xin được ở lại chăm lo nhà cửa ạ!
Từ Khoái nhìn lão ta rồi quát:
– To gan, Quốc Vương đang cần nhân lực, ta phụng mệnh người đi kêu gọi nhân dân. Lâu nay các người đã hưởng cuộc sống ấm no, cũng là nhờ công của Quốc Vương. Nay người chỉ mượn sức các ngươi đi xây một tòa tháp, mà các ngươi lại trở mặt như thế hả? Người đâu, lôi lão già này ra đánh cho ta!
Lão già nghe xong liền vái lấy vái để nhưng vô ích, hai tên lính đã nhanh chóng lôi lão ra phía sau, thi nhau dùng gậy đánh vào tấm lưng của lão. Tôi nghe những tiếng răng rắc như xương gãy vụn. Làn khói lại kéo chúng tôi đi, tôi nghĩ trong bụng, tòa tháp có ánh sáng đỏ lấp lánh, đích đến cuối cùng của chuyến đi, chẳng lẽ lại được xây dựng bằng xương máu của người dân như vậy? Không giống với những công đức được ghi chép lại trong những cuộn da lúc trước tẹo nào, gã Từ Khoái đúng là tay bịp bợm bậc nhất mà. Cứ tưởng việc gã viết về công trạng Ca Lâu Vương đã tuyệt đỉnh hư cấu rồi, ai ngờ so với bụng dạ của gã còn thua một trời một vực. Tôi vẫn hy vọng, tất cả những thứ khốn nạn gã làm chỉ vì một lý do tốt đẹp nào đó, nhưng nghĩ nát óc cũng không ra, gã ta làm vậy nhằm mục đích gì?
Chúng tôi đáp lại tại một vịnh biển, chính xác hơn là một dãy đồi thấp bao quanh bởi biển, phía cuối là những bờ tường, Ca Lâu Thành mọc lên phía xa xa. Bên dưới, cỡ mấy ngàn người đang đứng nheo nhóc, bị nhốt trong những cái lồng bằng kim loại khổng lồ, xung quanh binh lính với áo giáp, vũ khí đủ cả đang đứng canh gác. Ở một cái lồng ít người hơn nằm ở ngoài rìa, tôi có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của Tỳ Giả và Giản Độ, họ vẫn vận bộ đồ máu me y như lúc bị giải đi, phía sau là những vị Tư tế, vẻ mặt ai nấy cũng thất thần, cơ thể gầy đi, tiều tụy thấy rõ. Từ phía đám lính bên ngoài, một tên bước lên, trên tay hắn cầm một cuộn giấy, hắn dở ra rồi dõng dạc đọc:
– Quốc Vương Ca Lâu Thành tuyên án tù nhân chiến tranh, tàn quân của Tỳ Khâu Sa Thác đã bị đánh đuổi, cuộc sống của bá tánh Ca Lâu Thành đã an bình trở lại, nhưng tội ác của các ngươi là không thể dung tha. Thêm vào đó, Tỳ Giả, Giản Độ và các vị Tư tế lại phạm thêm vào tội mưu phản. Nay ta, Ca Lâu Quốc Vương Tỳ Khâu Đạt Bà tuyên án các người tử hình, thi hành ngay tức khắc!
Vừa dứt lời, binh lính liền khép chặt vòng vây, những người không còn tấc sắt trong tay liên tục bị giải ra ngoài bằng một lối đi nhỏ hẹp của những cái lồng. Những người như Tỳ Giả, Giản Độ và những vị Tư tế thì bị gông cùm cẩn thận, không tài nào thi triển gì được. Chúng đưa từng người đến bên những mỏm đá, trên đó là những đao phủ đeo mặt nạ đang đợi họ. Những tiếng chém “xạch, xạch” vang lên liên tục, máu phun xuống biển nhuộm một màu đỏ chết chóc. Tiếng la hét, tiếng khóc lóc, tiếng gào thét vang dậy cả một vùng. Đầu của tù nhân rơi rụng như mưa, lăn từ trên triền đồi xuống bãi biển. Ngó xuống phía dưới thì cũng đã chất hàng đống rất cao những đầu lâu, có cái thì đã ra xương trắng, có cái thì đang phân hủy. Thì ra Biển Oan Hồn là cái này à?
Sự việc còn chưa dừng lại ở đó, sau khi hành hình xong, hai tên lính liền lôi cái xác không đầu về phía sau, tại đó có một đội quân khác, dẫn đầu bởi Từ Khoái. Gã đã cho chuẩn bị đất sét, sau khi những cái xác này được lôi vào thì quân lính sẽ đắp đất lên người chúng, còn Từ Khoái thì lầm bầm đọc những câu chú. Những cái tượng này lập tức cứng lại. Quân lính chất chúng lên xe, chở thẳng về hướng Ca Lâu Thành. Quay sang hướng mỏm đá, tôi thấy mặt biển bên dưới phút chốc lại biến động, như có con gì đó đang cựa quậy với thân mình trơn nhẫy và sáng bóng loang lổ, chúng đang tranh nhau ăn những cái đầu người liên tục rớt xuống.
Đến lúc này thì tôi nghe anh Hùng thở dài. Thú thực tôi cũng đang tức điên cả người đây. Trường sinh bất tử là thứ gì vậy, chẳng phải Ca Lâu Vương cũng đã nhận ra cái giá phải trả là quá đắt? Đến lúc này thì thứ đó không còn là “cái giá phải trả” nữa rồi, nó đã trở thành một tội ác, hay ông ta đang hứng chịu lời nguyền. Làn khói quen thuộc đưa chúng tôi đến bên trong một chiếc xe ngựa, Tỳ Khâu Đạt Bà đang ngồi ôm đầu, bứt tóc. Ông ta ngước lên, ánh mắt đã thâm quầng, thân thể tiều tụy trông thấy, không còn hào khí kiêu hùng tôi thấy lúc trước nữa. Ông nói với người đi cùng mình:
– Sắp về đến chưa?
Người kia châm một ly trà đưa cho Quốc Vương rồi bảo:
– Dạ bẩm, chúng ta đã vào địa phận Ca Lâu Thành rồi ạ. Lần này về người nhất định phải tẩm bổ lại mới được, sức khỏe của người đã có dấu hiệu xuống dốc rõ rệt. Thường thì những chuyến đi sứ như thế này đâu thể làm hại đến người. Vả lại, chuyến này lại về sớm!?
Đạt Bà nhấp ngụm trà rồi hỏi:
– Ngươi có con gái không?
– Thưa, có ạ.
– Vậy con ngươi bị bệnh ngươi có lo không?
– Dạ thưa, chuyện của công chúa, hạ thần tuy không tường tận, nhưng đạo hạnh của Từ Đại phu hạ thần có tận mắt chứng kiến. Xin bệ hạ chớ nên lo lắng mà hại đến thân!
Lúc này, Ca Lâu Vương nhìn vào người đi cùng này với ánh mắt thương hại pha chút khinh bỉ, có thể vì câu nói xu nịnh, không đầu không đuôi đó ai mà chẳng nói được. Tưởng tượng như sau khi giết Tỳ Giả, Giản Độ và những vị Tư tế thì không còn ai đối ẩm với ông được nữa.
Xe ngựa tiến vào thành chính. Vừa bước xuống xe thì một tràng những tiếng hét động trời vang lên khiến Ca Lâu Vương phải trợn mắt, ông hô lên một tiếng “Mật La!”, rồi tức tốc chạy vào. Chúng tôi cũng nhìn nhau rồi phóng theo sau lưng ông.
Đường lên phòng công chúa chính xác như lúc chúng tôi bước vào, khác ở chỗ đi theo Ca Lâu Vương thì chúng tôi tránh được tất cả những cạm bẫy. Ông tung cánh cửa khổng lồ nhẹ như không. Thú thật là những phân cảnh này không có cái nào không làm tôi thốt lên một tiếng bất ngờ. Trước mặt tôi, hai vị công chúa đã quỷ hóa hoàn toàn. Cả hai bị cột lại bằng dây xích, dưới chân là hai tô cháo thịt người bị đổ tung tóe. Hơn hai mươi binh lính đang vây quanh, dùng những mũi kim chuôi đỏ, đầu đen, liên tục đâm vào tấm lưng trần của bọn họ, khâu họ lại với nhau như người ta khâu bao cát. Lúc chúng tôi lên tới thì công việc gần như đã hoàn thành.
Ca Lâu Vương nộ khí xung thiên, ánh mắt ông đã chuyển thành màu đỏ, miệng biến thành một cái mỏ dài, răng nanh nhọn hoắt. Ông gầm lên rồi bay vào đánh chết cả thảy bọn quân lính hết sức gọn gàng. Đoạn, ông quay sang hai vị công chúa, kêu gào tên họ nhưng cả hai mắt đã nhắm nghiền. Thấy vậy, Ca Lâu Vương càng nổi điên. Ông hét tên của Từ Khoái rồi chạy như bay đến phòng của gã. Chúng tôi cũng chạy theo ngay sau lưng.
Lúc ông đẩy cửa bước vào đã thấy Từ Khoái chắp tay phía sau, đứng bên cửa sổ nhìn xuống Ca Lâu Thành. Thấy bộ dạng bây giờ của Quốc Vương nhưng vẫn không tỏ vẻ gì là nao núng, gã chậm rãi quay người lại rồi nói:
– À Quốc Vương, người đi sứ về sớm nhỉ? Nghe đâu đến hai ngày sau mới xong mà?
Ca Lâu Vương gầm lên, giọng nói lúc bổng, lúc trầm, như có hai tiếng nói phát ra cùng một lúc:
– Từ Khoái! Ngươi đã làm gì con trẫm? Ngươi muốn tạo phản à? Đây không phải là phương thuốc như ngươi đã hứa!
Từ Khoái cuối cùng cũng lộ ra bộ mặt thật, âm mưu của hắn là gì? Liệu có thành công? Mời các bạn theo dõi kỳ sau.
Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.
Minh họa : Minh Thảo Võ
Thiết kế : Trần Văn Hậu