Tò he: Cuộc “luân hồi” của tâm tình người Việt

Tác giả Huyết Vy
Tò he: Cuộc “luân hồi” của tâm tình người Việt

Tò he, món đồ chơi kết hợp giữa truyền thống và sáng tạo, giữa quá khứ và hiện tại, chất chứa lời thì thầm không hồi kết của giấc mơ Việt. Nó từng là niềm mong mỏi của trẻ thơ, rồi vắng bóng nhiều năm trên hành trình trưởng thành nhuốm mùi củi gạo dầu muối. Một bóng hình đến từ quá khứ nhưng vẫn đang khơi dậy niềm say mê nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ.

Chuyến công tác Hà Nội, anh bắt gặp một gánh hàng tuổi thơ, thứ sắc màu đã có ba mươi năm lẻ không hiển hiện trong đời. Những sắc màu của quá khứ được kết nối đến hiện tại, xốn xang, tựa vô tình nghe thấy lời ca quen thuộc, tựa chẳng hẹn mà gặp lại cố nhân. 

Ký ức ùa về không kịp ngăn, mở ra không thời gian xưa cũ – khi anh còn là một cậu nhóc lơ đễnh trên bàn học, chốc chốc lại ngó ra ngoài cửa sổ chờ một chiếc xe đạp ngang qua.

Chiếc xe ấy chở theo tò he, món quà ngưỡng vọng một thời trẻ dại, chẳng hiểu sao biền biệt trong đời. Nhưng anh đâu biết rằng, khác gì cuộc đời chìm nổi của anh, tò he cũng đã và đang kinh qua một vòng khởi sinh – tái sinh lắm thăng trầm.

Bước ra từ không gian tế lễ và đời sống tâm linh

Sau buổi loạn ly tan tác của thời cuộc và chiến tranh, chẳng còn sách vở nào lưu trữ để biết tận tường lịch sử của tò he. Chỉ những bài đồng dao còn truyền tụng cho thấy nó đã tồn tại từ lâu và là một phần đời sống đặc sắc của người Việt.

Tò he mỗi cái một đồng
Em mua một cái cho chồng em chơi.
Chồng em đánh hỏng thì thôi
Em mua cái khác em chơi một mình

Nhưng trước khi được biết đến rộng rãi như một món đồ chơi dân gian với cái tên tò he, ít ai biết nó từng được gọi là chim cò, xuất thân từ món đồ thờ cúng bằng bột nếp trong những dịp lễ bái.

Xuất phát từ việc cúng tế, hình hài buổi đầu của chim cò thể hiện nguyện ước chốn trần gian: ngũ quả sai trĩu, lục súc đủ đầy, ông tiến sĩ với khát vọng vinh hoa phú quý, 12 con giáp mang đến thịnh vượng và bình an,… 

Đồ cúng tế được tạo tác từ lương thực cũng từng xuất hiện trong truyền kỳ ông tổ nghề thêu ăn Phật tượng bằng bột trong cuộc đấu trí bên xứ Tàu (1). Thực tế trong văn hóa tâm linh người Việt, đồ cúng bằng những món ăn mô phỏng quả trái xinh đẹp, chim muông thú vật không hiếm gặp ở các loại bánh cúng bằng đậu xanh, đông sương,…

Cũng như hầu hết các món đồ cúng như bánh trái, tiền đồng, sau buổi tế bái, chim cò hoàn tất vai trò tâm linh của mình khi được chia lộc và người nhận lộc không ai khác là lũ trẻ trong làng. Từ đây, chim cò được nâng niu như một món đồ chơi xinh đẹp, trước khi kết đời trong nồi hấp và lấp bụng lũ trẻ làng háu ăn.

Lẽ hiển nhiên, người ta chỉ nghĩ đến đời sống tinh thần khi đã đủ no. Những chú chim cò bằng bột đẹp mắt là minh chứng cho đời sống canh nông no đủ một thời, đồng thời cũng phát huy tối đa được tinh thần cần kiệm của người Việt với giá trị đa nhiệm của mình: đồ cúng – đồ chơi – đồ ăn.

Dường như đứa trẻ nào cũng ôm lòng yêu thích nhiệt thành với sắc màu rực rỡ. Tò he là món đồ chơi khiến chúng quan sát, tiếp cận thế giới xung quanh một cách chủ động và thích thú hơn thông qua những hình hài thu nhỏ. Chính nhờ niềm yêu thích đó đã đưa tò he bước vào một nghĩa sống và cuộc du hành mới – chuyên dụng như một món đồ chơi.

Tranh vẽ mâm quả tò he Việt Nam

Từ đó, theo thời cuộc và thị hiếu từng thời mà muôn vàn thế giới – đầy đủ thần, vật, nhân – từ cổ tích, danh tác đến hiện thực được nặn ra. Nâng cấp tính giải trí, nghệ nhân còn ghép thêm một cây kèn lá nhỏ dưới thân con giống, phát ra âm thanh tò tí te vui tai, từ “tò te” đọc trại thành “tò he” được nhắc đến từ đó. Một cái tên giàu tính tượng thanh được đặt cho một món đồ đầy tính tượng hình. Qua thời gian, chim cò dần bước khỏi không gian của tế lễ và thánh thần để hòa vào nhân gian như một thú vui bình dân dưới tên gọi “tò he”.

Tranh vẽ tò he Việt Nam

Tò he du hành nhân gian dưới muôn hình vạn trạng

Cũng như bao món quà truyền thống của quê hương, nguyên liệu của tò he là những “cư dân” đồng quê quen mặt, có thể được tìm thấy bất cứ đâu trên dải đất chữ S. Ở giai đoạn làm bột, gạo và nếp trộn với nhau theo tỷ lệ bí truyền được xay nhuyễn. 

Người thợ tò he trong vai một đầu bếp chuyên nghiệp sẽ nhào bột với nước đến khi bột nhuyễn, quyện dính vào nhau, có thể vê thành cục. Sau đó họ cho bột vào nồi nước đang sôi, chờ đủ một vòng nổi – chìm – rồi lại nổi trước khi vớt ra. Giống như tầm quan trọng của nguyên liệu trong làm gốm, công đoạn luộc bột và nhào bột này là một trong những công đoạn quan trọng nhất, quyết định trực tiếp đến vẻ đẹp và tuổi đời của tò he.

Tiếp đến, công đoạn nhuộm màu hay còn gọi là thấu màu trong thuật ngữ nghề nghiệp sẽ điểm sắc cho khối bột bằng nguyên liệu thường nhật sẵn có. Đã lắm kinh nghiệm trong việc nhuộm màu trang phục và món ăn, người thợ ló ngó quanh vườn, thầm đắc ý “khéo sao thiên thời”

Màu xanh sẽ được chiết xuất các loại lá cây đương độ tươi tốt. Quả gấc sẽ cho ra một sắc đỏ thắm tươi. Củ nghệ chưa bao giờ gây thất vọng với công dụng nhuộm vàng của nó. Chiết xuất hồng từ cánh sen vốn để sơn móng cũng được dùng cho ngón chơi này. Giậu mồng tơi lại một lần nữa khẳng định tính cách dễ nuôi mà hữu dụng của mình khi cho ra những quả mọng tím đậm sắc. 

Và gian bếp Việt có gì là thừa đâu khi vài mẩu nhọ nồi cũng đáp ứng được sắc đen. Ngay từ công đoạn thấu màu, nghệ nhân tò he đã phát huy được sức sáng tạo và khả năng vô hạn trong khai thác – ứng dụng thiên nhiên.

Tranh tò he Việt Nam

Từ đây, những cục bột hoàn mỹ sắc màu và độ dẻo sẽ theo chân nghệ nhân vượt khỏi lũy tre làng, tỏa ra trăm phương trên những chiếc xe đạp. Trong chuyến du hành kỳ thú ấy, người nghệ nhân rong ruổi khắp đầu làng cuối xóm để đến các phiên chợ quê, hội hè,… Họ nắm trong tay một cuốn sổ ghi lại các ngày lễ tết ở hết thảy mọi cùng miền đất nước, tinh thông cả thời tiết, nhiệt độ – những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như số lượng tò he bán được.

Những chiếc xe đạp tò he ấy chở theo hành trang chỉ gồm những mẩu bột, hộp sáp ong, chiếc lược, mà lại có sức hấp dẫn vô biên với lũ trẻ. Để khoản đãi sự mong ngóng ấy, người nghệ nhân hóa phép thần thông biến những mẩu bột cục mịch thành đủ loại hình hài. 

Đôi tay khẳng khiu sao khéo vân vê, bồi đắp, tỉa cắt, khiến thế giới muôn hình vạn trạng trong tâm tưởng ấu thơ được hóa hình hài. Này đây những vị anh hùng, dũng tướng đến từ truyền kỳ; bốn thầy trò Đường Tăng bước ra khỏi màn ảnh nhỏ; tiên nữ lụa là xiêm y cưỡi mây giáng trần. Này đây đóa hồng còn nụ trong vườn đã bung hương trên bàn tay chú thợ; trâu, hổ không còn khổng lồ đáng sợ mà hóa đáng yêu; chú tễu phá cười trước những câu chuyện trẻ thơ ngộ nghĩnh. 

Cứ thế, những khối bột đượm hương đồng cỏ nội, mang trong mình sinh khí và năng lượng đất trời đã hóa ra “ba nghìn thế giới”, cất lên tiếng nói của tâm hồn và trí tuệ Việt.

Nhìn lại hành trình từ ruộng vườn đến khi trở thành một món quà xinh đẹp, mới biết nghề chơi cũng lắm công phu. Mà chính sự chỉn chu, sáng tạo không ngừng đó đã tôn vinh một thức chơi quê mùa thành nét đẹp văn hóa Việt, hình thành nên các làng nghề mang nét đặc sắc riêng. Nặn tò he tạo nên một khoản thu nhập đáng kể, an ủi những ngày đồng áng nặng nhọc và những năm thiên tai mất mùa, nuôi sống nhiều thế hệ gia đình. 

Người dân làng Xuân La, Hà Nội có câu ca lưu truyền: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò” – chim cò ở đây là chỉ nghề nặn tò he. Cái nghề chỉ được xếp thứ 3 ở làng đã giúp cho người dân Xuân La vang danh cả nước. Hà Nội còn có dòng con bột phố Khách của những người gốc Hoa tập trung ở phố Mã Mây, Hàng Buồm; hay con bột Đồng Xuân do các bà các cô nặn vào dịp lễ tết, tái hiện lục súc với theo nguyên tắc sắc màu ngũ hành (gồm trắng, xanh lam hoặc tím – thay cho màu đen vì kiêng kỵ, xanh lục, đỏ và vàng).

Bị quên lãng và tái sinh với sức sống vô biên

Nguyên liệu thiên nhiên dễ tìm khiến tò he được phổ biến rộng rãi, nhưng nó cũng khiến tò he chỉ giữ gìn “dung nhan” được độ 10 đến 30 ngày trước khi phai màu, nứt nẻ. Đây chính là điểm yếu chí mạng của tò he. Cỏ cây úa tàn, thần linh vụn vỡ, thế thời khiến nó bị đánh bại bởi những đối thủ đồ chơi bằng nhựa đẹp, rẻ, bền đến từ láng giềng Trung Quốc. 

Nó mất hút trong những năm tháng anh lớn lên, và vắng bóng trong giỏ đồ chơi đầy những siêu nhân, máy bay, cần cẩu của cậu con trai. Nó bị mắc kẹt lại không gian địa lý nơi nó được sinh ra. Nơi những ấp ủ đưa nó ra biên giới của người thợ tâm huyết bị đình trệ vô thời hạn đến khi một nguyên liệu dài hạn hơn được tìm ra.

Chỉ có những người thực sự quý mến mới cảm được “dung nhan” đích thực của tò he. Vẻ đẹp mộc mạc như ca dao mà đậm hồn dân tộc, hoài cổ nhưng vẫn lạc quan rực rỡ. Vẻ đẹp của thủ công tỉ mẩn và trí tuệ tích tụ qua tháng rộng năm dài. Nó lưu giữ thông điệp và nguyện ước của cổ nhân, gắn kết tưởng tượng vô biên với hiện thực, gắn kết quá khứ đằng đẵng với hiện tại. 

Chính vẻ đẹp nội hàm ấy sẽ rèn luyện tính thẩm mỹ, vun vén tâm hồn dân tộc khi những giá trị mới thi nhau lấp đầy tư tưởng trẻ. Chính vẻ đẹp nội hàm ấy khiến những tâm hồn Việt nặng lòng canh cánh với nghề tổ, trăm phương nghìn kế đưa tò he bước vào một cuộc “thiên di” mang tính bứt phá. (2)

Để rồi sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngày nay, người thường thức tò he không chỉ là những đứa nhỏ trẻ dại ưa thích cổ tích và sắc màu. Tò he phủi bụi quá khứ, xuất hiện ở những sân khấu lớn hơn với đa tầng khán giả từ nghề nghiệp đến tuổi tác. 

Nặn tò he được triển khai với quy mô lớn như dự án làm mô hình kiến trúc Việt được quảng bá trên đài truyền hình quốc gia (3), được biểu diễn ở những khách sạn sang trọng, được trưng bày ở các cuộc triển lãm quốc tế hay xuất hiện trong những hội nghị giao lưu văn hóa đa quốc gia. Tò he đã có một cuộc trở mình thành đại diện cho nghệ thuật Việt, tâm hồn Việt đi giao hảo với bạn hữu năm châu.

Tranh vẽ tò he Việt Nam

Và dẫu tò he chưa thể vươn mình lên hàng mỹ nghệ với xác thân hữu hạn, nhưng linh hồn của nó – giá trị tâm tư mà người Việt gửi gắm vào chính là “di sản” còn lưu truyền và tồn tại mãi với thời gian. Chỉ cần người còn nhớ, còn yêu, còn muốn giữ nó bên đời thì linh hồn của tò he sẽ bất tử và luân hồi bất chấp hình hài hữu hạn của mình.

Ngày đó rời Hà Nội, anh mang theo vài chú tò he về làm quà cho cậu con cưng đang mong ngóng ở nhà. Chợp mắt trên chuyến bay, anh chợt nghĩ biết đâu mai này, một cô hoa hậu khuynh thành sẽ khoác bộ trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ tò he trình diễn trên đấu trường thế giới.

Ngày đó, tò he lại luân hồi.

Art Director Lê Minh
Artist Lê Nhi – Lê Minh
Designer Tai Phan
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Tranh vẽ tò he Việt Nam
Share