Trịnh – Nguyễn phân tranh: Nhật Lệ dậy sóng 1627 – Kỳ 1

Tác giả Wong Trần
Trịnh – Nguyễn phân tranh: Nhật Lệ dậy sóng 1627 – Kỳ 1

Bậc vương giả coi thiên hạ như một nhà.

Bên cạnh giường nằm há để cho người khác ngủ ngáy?

Diễn Gia hầu Lê Bật Tứ, 1610

Năm 1613, kiêm Trấn phủ Thuận Hóa – Quảng Nam là Đoan quốc công Nguyễn Hoàng qua đời ở tuổi 89. Trước khi mất, Nguyễn Hoàng dặn lại người con trai 51 tuổi của mình là Nguyễn Phước Nguyên về hình thế hiểm yếu và nguồn lợi của hai xứ Thuận, Quảng.

Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời.

Nguyễn Hoàng

Về phía mình, chúa Trịnh Tùng cũng rình chờ cơ hội để thu hồi quyền kiểm soát hai xứ Thuận, Quảng. Năm 1620, hai người em của Nguyễn Phước Nguyên là Nguyễn Phước Hiệp và Nguyễn Phước Trạch quyết định nổi dậy ở Ái Tử và cầu viện chúa Trịnh. Chúa Bằng Trịnh Tùng đã phái Nguyễn Khải đem quân đến đóng ở cửa Nhật Lệ để hỗ trợ.

Quân Trịnh chưa kịp hành động thì Nguyễn Phước Nguyên đã phái binh dập tắt cuộc nổi loạn. Nguyễn Khải phải rút quân về. Thế nhưng, hiềm khích giữa hai bên đã nâng lên một mức độ mới. Từ đó, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên không còn cống nạp cho triều đình Lê-Trịnh nữa. Tuy nhiên, chúa Trịnh còn phải giải quyết cuộc xung đột với các thế lực tàn dư nhà Mạc đã rút về miền núi phía Bắc, nên chưa có cơ hội để ý đến phương Nam. 

Đến năm 1625, sau khi tiêu diệt được Mạc Kính Cung và chấp nhận sự thần phục của Mạc Kính Khoan, vị chúa mới là Thanh Đô vương Trịnh Tráng đã rảnh tay ở phương Bắc để có thể tập trung vào đối phó với chúa Nguyễn. Năm 1626, Trịnh Tráng bắt đầu bàn bạc về việc chinh phạt Thuận Hóa. Lão tướng Nguyễn Khải được lệnh đem 5000 quân tiên phong tới đóng ở Hà Trung trước để thăm dò tình hình.

Nếu còn chấp mê, nắm quân chống lệnh, thì oai trời kéo tới, chỉ trong thoáng chốc núi cao sẽ thành bình địa thôi. Theo cát hay hung, người nên suy nghĩ.

Sắc dụ Nguyễn Phước Nguyên vào chầu, 1627

Để khơi mào xung đột, Trịnh Tráng sai sứ giả vào Thuận Hóa đòi số thuế mà chúa Sãi đã từ chối nộp từ năm 1624. Chúa Sãi bác bỏ thẳng thừng, không quên nói thêm:

– Nếu nghĩ đến công tổ tiên ta, nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa!

Mặc dù vậy, theo một nhân chứng đương thời là Alexandre de Rhodes, chúa Sãi vẫn chuẩn bị hai cái tráp chạm trổ cực đẹp, bên trong chứa nhiều vật quý lấy được từ người Bồ Đào Nha và mua từ Trung Quốc, Nhật Bản. Sứ giả được cử mang hai cái tráp ra Thăng Long yết kiến Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Một cái được dâng lên làm quà cho Trịnh Tráng, còn cái kia được gửi tặng cho các vương tử có mặt trong phủ. Hành động này làm cho Trịnh Tráng cảm thấy bị xúc phạm. Ông phẫn nộ nói với sứ giả của chúa Sãi:

Thế là chủ ngươi dùng hai phẩm vật bằng nhau để tỏ ý công nhận hai chúa ở Đàng Ngoài và xử với ta bằng vai với thần dân ta phải không? Ngươi hãy về trả tráp cho chủ ngươi và nhắn rằng ta không cần phẩm vật. Còn về thuế phải nộp thì ta sẽ thân hành đi lấy lại các tỉnh của ta cùng với đạo binh ta!

Chúa Trịnh Tráng

Trịnh Tráng còn muốn củng cố thêm nữa tính chính danh cho cuộc chinh phạt của mình. Đầu năm 1627, một sứ giả khác bưng sắc dụ của vua Lê Thần Tông vào Thuận Hóa, yêu cầu chúa Sãi phải vào chầu. Chúa Sãi bác bỏ yêu cầu này. Những yêu cầu khác thấp hơn như cho con trai vào chầu, nộp voi và thuyền đi biển để triều cống nhà Minh, hay đưa con trai của hai thành viên phản loạn lúc trước là Phước Hiệp và Phước Trạch ra Thăng Long cũng đều bị chúa Sãi từ chối.

Chúa Trịnh Tráng đã có đủ danh nghĩa. Ông cho công bố một chiếu chỉ về việc vua Lê Thần Tông sẽ đích thân đi tuần thú Thuận Hóa. Lực lượng tiên phong của Nguyễn Khải được lệnh tiến xuống châu Bố Chính. Trong khi đó, Trịnh Tráng tập hợp một đội quân lớn cho cuộc viễn chinh này.

Theo lời Alexandre de Rhodes, Trịnh Tráng đã huy động 10 vạn quân mới cho cuộc chinh phạt. De Rhodes đã đi cùng đoàn thuyền của chúa Trịnh Tráng trong tám ngày, khi đội quân này đi ngang Thanh Hóa. Ông cho biết thủy quân của chúa Trịnh gồm 100 thuyền chiến đi đầu, được trang hoàng đẹp đẽ. Kế đến là 24 thuyền chiến khác lớn hơn, được trang trí đẹp hơn, có nhiệm vụ bảo vệ cho chiếc thuyền lớn của chúa Trịnh Tráng. Đi sau cùng là 500 thuyền chở lương thực.

Ngoài lực lượng thủy quân còn có lực lượng bộ binh, với 300 con voi dùng để kéo pháo. Lực lượng tổng cộng lên đến 20 vạn người. De Rhodes còn khen ngợi lính Trịnh có tinh thần kỷ luật tốt hơn so với quân lính châu Âu, không hề xích mích lẫn nhau. Binh lính thuần thục trong việc sử dụng các loại vũ khí, thiện nghệ trong việc bắn súng tay và súng hỏa mai.

Liệu chúa Nguyễn sẽ đối phó ra sao với lực lượng hùng hậu từ phía chúa Trịnh, mời bạn đón đọc kỳ 2.

Art Director Lê Minh
Minh hoạ Lê Nhi
Thiết kế Tai Phan

Chia sẻ câu chuyện này
Lực lượng Đàng Ngoài hành quân. Tham khảo: tranh thương gia Samuel Baron.
Share