Ăn trứng vịt lộn mà muốn đúng tình đúng cảnh phải đến tận những hàng quán ven đường, thường thấy ở ngã ba, ngã tư như hàng trứng của cô Hai vậy. Ở đó chẳng bán gì ngoài trứng lộn. Món ăn đơn giản nên vốn liếng cũng đơn giản. Chủ đạo là một chiếc nồi hấp bự và hàng tá rá trứng xếp chồng lên nhau. Mỗi khi có khách ghé thăm, cô Hai sẽ lấy trứng từ xửng, nóng hôi hổi, dọn cùng rau răm và dĩa muối tiêu chanh (tắc) thơm lừng.
Tiếp đến, cứ bóc vỏ và xắn từng miếng ăn dần thôi. Bằng cách đó, ăn đến tận hết mà trứng vẫn còn ấm nóng. Ăn đến phần thịt thì trơn láng mềm mại. Một ngụm lại một ngụm như muốn tan ra trong miệng. Lòng đỏ lại thơm mùi trứng, bùi béo, nhưng không phải là cái bùi xác xơ nghẹn ngào như tròng đỏ trứng luộc bình thường. Nó tựa như trứng non, có cảm giác dễ ăn, giòn và ngon hơn. Còn lòng trắng thì giòn sựt, nhiều người không thích vì lạt và hơi cứng, nhưng nhai lâu cũng thấy vui miệng.
Chỉ trong một quả trứng bé xinh lại có thể chứa đựng là đủ loại kết cấu, cho ra những cảm giác nhai khác biệt và khoái trá đến thế. Ấy là chưa kể khi chấm cùng với muối tiêu chanh, trứng nóng hổi ngọt lịm hòa cùng vị mằn mặn, chua chua, cay cay của muối chấm, tôn lên cái béo, bùi của trứng. Chốc chốc lại nhón một cọng rau răm se cay, hăng thơm. Tất cả quyện hòa không chỉ trong cuộc bùng nổ vị giác nơi khoang miệng, mà còn trong sự cân bằng âm dương nóng lạnh.
“Trứng ấp dở dang, luộc trong rượu đang sôi làm thuốc bổ rất tốt.”
Dân gian nhanh trí tài tình kết hợp cùng rau răm, gừng, muối tiêu mang tính nóng. Cân bằng hai làn khí, chống lạnh bụng, đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ình tức âm – dương. Ăn trứng lộn không những ngon mà còn lành, được đông đảo dân tình ưu ái. Chẳng vậy mà vua Minh Mạng mới đem ra chiêu đãi ông đại sứ Anh John Crawfurd đó sao.
Chẳng rõ từ đâu lại có cách gọi trứng lộn, chỉ biết từ năm 1885, nó đã xuất hiện trong từ điển Đại Nam Quấc âm tự vị ông Huỳnh Tịnh Của:
“Trứng gà ấp 21 ngày thì nở con, nếu ấp 15 ngày thì gọi lộn trái vải.”
Cũng chẳng rõ từ đâu mà có những ý niệm tâm linh quanh quả trứng kỳ diệu này. Nhưng ngẫm lại một cách khoa học hơn thì nhiều khi ăn trứng vịt lộn có thể xả xui thật sự. Niềm tin dân gian sẽ khiến tinh thần người ăn tự giác bài trừ những năng lượng xấu mang tính xui xẻo. Hoặc chăng trứng ngon quá bổ quá, ăn vào giúp trí não sảng khoái, ngày sau làm gì cũng thấy tinh thông thuận lợi. Triết lý ẩm thực cơ bản nhất vẫn là “Có thực mới vực được đạo” ấy mà.
Ngon – bổ – rẻ, người ta nghĩ ra không xuể món ngon với quả trứng đặc biệt này. Thường gặp như đập trứng vào nồi lẩu, hay xào sốt me ăn cùng đậu phộng. Dù cách nào cũng say đắm vô cùng, nhưng đơn giản dễ làm, ngon miệng phổ biến nhất vẫn là trứng lộn luộc ăn cùng muối tiêu chanh và rau răm.
Cuộc sống phố thị Sài thành không thể thiếu những nhịp trầm để có đà mà thăng. Lắm lúc người ta lại kiếm cớ, đổ thừa cho xui để rủ rê nhau ra đầu ngõ làm vài quả trứng lộn như anh với thằng bạn ấy chứ. Ngồi đó, chẳng ai ăn hàng tiếng đồng hồ. Tờ mờ trong ánh đèn đường, người ta chỉ ăn vài ba quả trứng, chém gió vài câu nhân tình thế thái, tâm sự mỏng vài điều hạnh ngộ xui rủi ở đời. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ “đã” để dắt díu nhau đi về, trong cái bụng ấm no, theo cả hai nghĩa.