[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 4

Tác giả Huyết Vy
[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 4

Truyện ngắn phóng tác, lấy cảm hứng từ truyện Duyên Lạ Ở Hoa Quốc –
Thánh Tông Di Thảo.

Giấc mơ của bướm

Hồi Kết. Kết Kén

19.

Người còn kẻ mất, nhưng thiên nhiên vẫn chuyên chú và nghiêm túc với quy luật bốn mùa như thế. Cành mai gốc mận trong vườn vẫn dạt dào mầm xuân dẫu cho nam chủ trong nhà đã biệt tích ba năm.

Người đời truyền rằng, Bình Man tướng quân Chu Sinh trên đường hành quân trúng phải lam sơn chướng khí, dù thắng trận trở về nhưng không qua nổi tử kiếp. Vợ góa con côi ở lại được triều đình truy thưởng hậu hĩnh. Con trai ngài không nối nghiệp công danh mà mở một hiệu buôn, làm ăn phát đạt, tuổi 18 anh tuấn tiêu sái, cưới được vợ hiền, thường cùng nhau chu du tứ hải. Còn nàng thiếp đầu tiên cũng là duy nhất của ngài, sau khi chờ đủ 3 năm để bốc mộ, liền theo di nguyện của chồng đem cốt về cố hương Hưng Hóa an táng.

Đúng vậy, Chu Thiếp đã chờ 3 năm cho ngày lên đường. Nàng thiếu phụ qua tuổi 35, cuộc sống đủ đầy vật chất khiến nhan sắc không vơi mà còn thêm phần mặn mà đằm thắm. Thân gái dặm trường, nàng giấu thân trong bộ nam trang vải thô, tóc vấn cao gọn gàng, mặt bôi phấn đen khuất sau chiếc nón cụp tả tơi. Bên cạnh, hành lý trải sẵn gồm một ít bạc chôn trong hũ tro cốt giả, con dao găm, cuốn dư địa chí đạo Hưng Hóa và Tuyên Quang, một tấm bản đồ thuật lại cuộc tiến công năm đó do thân tín của Chu Sinh lén lút đưa cho. 

Thiếu phụ không mấy lần bước chân ra khỏi cổng nhà giành 3 năm này để trang bị cho mình kiến thức đường trường, cũng lọc lại những gì được biết để xâu chuỗi lại thông tin. Chu Sinh đã tiêu dao góc bể chân trời, con trai cũng đã trưởng thành và có cuộc đời riêng nó. Còn nàng, cũng đã đến lúc mà lên đường đi tìm gốc tích bản thân rồi. Đến bây giờ, nàng không thể ngây ngốc nghĩ mình là thiếu nữ chạy loạn, vô tình lưu lạc vào nhà họ Chu. Nhân tiền quả hậu trong kiếp người này, nàng chỉ có thể tự thân lĩnh ngộ.

Giấc mơ của bướm

20.

Chặng đầu tiên, Chu Thiếp xuất phát từ Thăng Long, hướng về Tây Bắc vượt qua trăm dặm, đến động Sơn La, phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa, quê nhà Chu Sinh. Phương Nam chiến loạn triền miên, miền Bắc coi như an ổn hơn, mọi thứ không thay đổi nhiều so với ký ức 18 năm trước của nàng. Dân bản địa quen với tục xưa, sống trong khe động, ít chú trọng ruộng đất, chỉ biết khai thác nguồn lợi từ rừng núi. Không khó để tìm lại căn nhà cũ của nhà họ Chu năm nào, nay đã được một nhà họ hàng xa dọn vào ở, khói lam chiều tỏa ra ấm nồng.

Nàng lần theo những hình ảnh nhập nhòe trong mộng, tìm về căn nhà cũ của thân sinh Chu Sinh để lại bên sườn núi. Quả nhiên, có một căn nhà như vậy. Chính là căn nhà bị rừng hoang xâm chiếm hầu hết, cửa nẻo chông gai, phòng ốc rậm cỏ, góc tường lủng lẳng kén trùng Chu Sinh từng nằm trườn thuở thiếu thời bỏ nhà ra đi. Dưới ánh trăng hoang lạnh, nàng khẽ khàng rạch cỏ bước vào, lướt qua chiếc sạp rách anh từng nằm. Trên vách đổ còn lưu dấu mực, tay nàng lướt qua từng chữ một của bài thơ:

Hoa quốc duyên ưa đã mấy thu,

Mà nay tâm sự nguội như tro

Xe rồng, kiệu phượng về đâu tá?

Giấc mộng, canh tàn đến nữa ru?

Có lẽ đây là lúc Chu Sinh cùng Mộng Trang ly biệt, anh từ rừng về nhà, lòng hoang mang trống rỗng mà đề thơ. Những gì anh vừa trải qua nào khác giấc Nam Kha, mộng Hoàng Lương. Nếu là thực thì biết nói làm sau cảnh mất người còn. Nếu tất thảy là mộng mị huyền hoặc thì sao những yêu thương sân hận lại chân thật đến thế. Lý giải làm sao hũ vàng và miếng bạch ngọc trong tay.

Chu Thiếp ngả mình trên chiếc sạp tre rách nát anh từng nằm. Mùi ẩm mục và bụi bặm bốc lên nồng mũi khiến nàng ho sù sụ. Nhưng bất chấp, nàng vẫn nằm đó im lìm, hy vọng mượn cảnh cũ để vào mộng xưa, kiếm tìm manh mối. Nhưng đêm xuân hoang tàn cô độc, khó lòng vào giấc. Chỉ có những ký ức buồn thương không ngừng trỗi dậy, sục sôi, xâm chiếm tâm tư người thiếu phụ.

21.

Nàng nhớ đêm trước khi Chu Sinh ra đi, nàng lặng lẽ vào phòng anh, trên chiếc giường bao năm cùng nhau chia sẻ, lặng lẽ ôm anh, rồi siết lấy anh như muốn giữ lấy một phần da thịt mình. Nàng thầm thì vào tai chồng hàng trăm lần, đừng đi, đừng đi có được không? Nàng nói với Chu Sinh. Em tin tất cả những gì anh kể, vì em đã từng mơ thấy hết thảy những gì anh trải qua. Chu Sinh, hãy tin em, không phải ngẫu nhiên em đến nhà anh, em thấy đôi ta quấn quýt trong mơ. Huyền cơ của trời khó lòng mà lý giải hết, nhưng có thể em chính là Mộng…

– Không phải! Em không phải nàng ấy.

Trong đêm tàn canh, nàng nằm nghe anh tuôn cạn ân tình.

Anh nói, ngày chú đưa em về nhà, anh đỡ lấy em, cả người lấm lem rách nát, gầy yếu xác xơ, không biết nam nữ. Anh lau mặt cho em, hàng mày xuân sơn, môi chẻ, lúm đồng tiền dần dần hiện ra dưới khăn ướt. Lúc đó tim anh đập như trống trận, anh ngỡ mình là kẻ tầm bảo, đã tìm ra bảo vật vô giá của trần đời. Mày mắt em giống nàng ấy đến ngỡ ngàng. Anh những tưởng là Mộng Trang bằng da bằng thịt đã trở lại bên mình.

Nhưng em không nhớ gì ngoài một cái tên Đồng Nhân làm anh thêm nghi vấn. Anh nhìn em mải miết. Quả thật em rất giống nàng, mày mắt, bộ dáng, cử chỉ, giọng nói, thậm chí con trai em sinh cũng giống hệt đứa con đầu của anh. Huyền cơ của trời khó lòng lý giải, chỉ là em vẫn không thực sự là Mộng Trang, em thiếu gì đó. Cuối cùng anh nhận ra, em thiếu chính nàng, thiếu linh hồn tự do và tự nhiên như đất trời của nàng. 

Anh nói, em rất tốt, Chu Thiếp. Chỉ là em không phải nàng. Ở bên nhau 15 năm, anh chỉ có em bên người, luôn xem em là nàng mà đối đãi. Nhưng anh chưa từng có lại cảm giác rung động, cũng không thể được lấp đầy như năm 19 tuổi đó. Đến nay anh đã lo liệu cho hai mẹ con em hậu vận đủ đầy. Hãy an nhiên hưởng lạc bên con, sống một đời cho mình, vì mình. Mái nhà này dù không còn anh vẫn luôn che mưa chắn gió cho em. Duyên phu phụ đến lúc phải dứt, mỗi người nên đeo đuổi cuộc đời của chính mình. Ngày sau gặp lại đã là người khác.

-Chẳng phải vì em mất đi ký ức sao? Chờ em tìm cách nhớ lại được không? 

Nàng nghe tiếng mình nhỏ dần, cuối cùng bị đêm đen nghẹn ngào nuốt chửng.

– Nghe anh, đừng vạch trần chân tướng nữa. 

Giọng anh trầm tĩnh lạnh đạm hơn cả đêm đen. 

– Em không phải nàng. Anh đã gặp lại Mộng Trang trong chuyến viễn chinh vừa rồi.

Giấc mơ của bướm

22.

Nắng mai xuyên qua phên giậu đổ nát đổ tràn lên mặt, đánh thức thiếu phụ ngủ thiếp vì mỏi mệt đêm qua. Nàng tỉnh dậy với nỗi trống trải cùng cực. Hệt như đêm đó, ôm siết lấy anh không buông, nhưng tỉnh giấc chỉ thấy buồng hoang chăn lạnh. Anh đã đi biệt tích. Còn nàng, cũng đã chờ suốt 3 năm. Giờ đây, nàng lần theo dấu chân anh tìm về đất cũ.

Chu Thiếp sửa soạn hành lý và lương khô, vạch cỏ, phát cây, dấn thân vào ngọn núi sau lưng nhà. Đường hầm của rừng muôn đời thâm u vời vợi, nắng chói đầu ngày không thể chảy qua vào tán lá nguyên sinh dày đặc. Nàng lần theo mộng ảnh nhập nhòe đi mãi, đến khi sơn đạo chật hẹp mở ra không gian rộng lớn sáng sủa. Suối thượng nguồn uốn quanh động đạo hun hút và đại thụ ngàn năm. Tất thảy không khác gì cảnh tượng trong mộng, chỉ là cổ thụ xum xuê ngày nào nay đã trút cạn sinh khí, khẳng khiu khô cằn, mặc cho rong rêu thỏa sức phủ thân. 

Nàng tiếp cận gốc đại thụ khô kiệt, mân mê rong rêu ẩm ướt lướt quanh thân cây. Đây là nơi Chu Sinh và Mộng Trang lần đầu gặp gỡ, nơi họ ân ái không rời trong mưa xuân. Còn nàng khi đó ở đâu, là một sự tồn tại thế nào? 

Hốt nhiên hụt chân giẫm phải một vật mềm xốp như bông bị ẩn khuất trong lớp lá khô ẩm mục. Chu Thiếp cúi người bới móc, dưới gốc cây lôi ra một chiếc kén lớn. Dưới nắng vàng óng ánh như được dệt từ tơ vàng chỉ bạc. Những hình ảnh rời rạc lần lượt hiện lên, người con gái da thịt trong suốt như tôm lột lọt thỏm trong hốc cây, chiếc kén khổng lồ để lại, dấu bớt trên bụng hệt như hoa văn trên thân sâu bướm. Tất thảy chắp nối với nhau, nảy lên một ý niệm không tưởng trong đầu Chu Thiếp.

Mộng Trang chính là yêu bướm, là con chúa bướm hóa hình người. Vậy còn nàng, nàng là ai, từ đâu mà đến?

Xuống núi, Chu Thiếp dựa theo bản đồ và hướng dẫn trong địa chí đi theo hướng Bắc, tìm đường đến chợ Quán. Men theo hàng quán liền nhau lần đến một lối đi ở phía Bắc chợ. Con đường khoảng 900 tầm đó dẫn đến trang Lang Nham, giáp đầu địa giới trấn Tuyên Quang. Rõ ràng, nàng đang truy dấu quân hành của Chu Sinh ở trấn Tuyên Quang. Đây là nơi Chu Sinh và Mộng Trang tái ngộ, cũng là manh mối cuối cùng để nàng tìm ra chân tướng. 

Lặn lội suối ngàn, băng qua lam chướng, dựa theo lời kể của viên tùy tướng tìm đến suối Hồ Thủy, châu Lục An. Nơi này Chu Sinh từng cho hạ trại và tìm sơn dân để tình hỏi đường đi nước bước và tình hình thực hư của định. Rẽ phải theo suối này mà đi, một ngày là đến trại giặc. Nếu đi bộ theo phía Đông thì trong một ngày cũng có thể đến nơi. Còn một cách nữa, bên kia suối này có một trái núi gọi là Hoa Điệp, nếu vượt qua núi ấy mà tiến thẳng lên, thì chỉ trong nửa ngày là đến. Tuy nhiên cách này buộc phải chặt cây phá rừng để mở lối.

Núi này chu vi ngang dọc khoảng bốn mươi dặm, um tùm cây cối, bốn mùa đầy hoa. Thời lời thổ dân, mười mấy năm trước, vào khoảng nửa đêm, có đàn bướm thiên di hàng vạn con tìm đến. Mỗi lần bướm bay lên thì rợp cả một góc trời, dân bản xứ lấy tên bướm đặt cho tên núi. Nàng thấy mấu chốt chính nằm ở ngọn núi Hoa Điệp này. Bài thơ khắc trên miếng ngọc hình quản bút của Chu Sinh, chiết chữ mà ngẫm, không câu nào là không khớp với những gì đã xảy ra. (*)

Quả nhiên, sau đó anh không xuyên qua Hoa Điệp sơn vì phải nhọc công chặt phá cây cối, làm kinh động quân giặc, mà tự mình dẫn binh men theo bờ ngòi Hồ Thủy, dọc quanh mé phải, đánh vào bên trái trại giặc. Còn phó tướng thì dẫn quân theo đường bộ, vòng sang phía Đông núi mà lén đánh vào bên phải trại giặc. Tả hữu phối hợp sát sao ăn ý, đại công cáo thành.

Giấc mơ của bướm

23.

Nàng thiếu phụ hít sâu một hơi, linh cảm sắp chạm vào chân tướng. Chạng vạng trời buông rèm, chân vẫn sấn bước vào rừng. Dường như không còn màng phúc họa sống chết. Trườn lên những sườn dốc, sượt qua những dây leo phủ đầy gai nhọn của rừng. Máu không rõ ngọn nguồn chảy xuống, đọng lại ở lòng bàn tay, đỏ rực như đốm lửa soi sáng núi non ủ rũ. Đi mãi đến khi tóc nhiễm đầy gió sương, gấu quần ám đầy bụi bặm đường trường, không khí vẫn vít mùi vị của điêu tàn mục rữa, đường hầm của rừng mở ra, một dải đất quang đãng được ánh trăng chiếu rọi. 

Nàng thấy bướm, hàng ngàn hàng vạn con neo đậu trên thân cây cổ thụ, chấp chới bên mé nước. Phấn bướm lấp lóa dưới ánh trăng, lung linh, thơm nức. Chu Thiếp như người mộng du, lững thững tiến vào trung tâm đàn bướm. Vì nàng đã thấy, cuối cùng đã thấy tất cả nhân tiền quả hậu của đời này.

Chu Thiếp thấy một cô bé nhà nông lớn lên trong một thôn nhỏ dựa vào vách núi đào than, cả ngày theo cha vào hầm, mặt mũi nhem nhuốc nhưng không giấu nổi mắt hạnh, môi chẻ, má lúm đồng tiền xinh xắn. Cô bé vào rừng hái quả dại, bắt gặp đàn bướm xanh ngọc, cùng vui chơi cả ngày. Trong đó, có con bướm cánh viền vòng tròn đỏ, cực kỳ xinh đẹp, mãi bay lượn vất vít trên mắt mày cô bé.

Rồi đàn bướm bay về phương Bắc tìm mật hoa lê, chú bướm mang văn đồ đỏ trên cánh ngộ được đại đạo, kết kén bên thần mộc giữa rừng. Kén mãi không nở, đàn bướm quấn quýt bảo hộ cho kén ngày một đông. Thu qua xuân lại, kén ngày một lớn, óng ánh dưới nắng như được kết từ chỉ bạc tơ vàng. Một chiều mưa xuân vừa tạnh, nắng tàn ngày lấp lánh kim quang, người con gái xé kén chui lên, thân thể trắng như bạch ngọc, mềm yếu như sương sa. Môi chẻ, mắt hạnh, má lúm đồng tiền, dung nhan mỹ miều, ánh mắt lúng liếng mị hoặc.

Nàng ta thấy một bóng đen tiến đến, giữa dập dìu vạn bướm, phủ trùm lấy mình. Ngước mắt nhìn lên, là thư sinh sạch sẽ tuấn tú, gương mặt non nớt nhưng ánh mắt kiên định đang chăm chú nhìn mình. Thân tâm rung động mạnh mẽ, vừa gặp đã yêu, như thể kiếp này được sinh ra là để dành cho giây khắc tao ngộ này.

Đôi bên nhanh chóng bước vào đường tình, uyên ương hồ điệp, quấn quýt chẳng rời. Một năm sau, yêu bướm cùng phàm nhân sinh con trai đầu lòng. Chưa kịp tận hưởng niềm hạnh phúc sum vầy thì đàn bướm gặp phải đại địch. Đàn quạ hàng trăm con không biết từ đâu ập đến. Yêu bướm mang con trai, dẫn dắt đàn bướm bay về phương Nam lánh nạn, để lại thư sinh ở lại tan nát thần hồn. 

Yêu bướm dẫn đàn bay về hướng Đông Nam. Sau lưng, đàn quạ vẫn truy đuổi gắt gao không dừng. Trước mắt nhân gian tiêu điều trong khói can qua, loạn dân thất thểu tha hương chạy nạn. Yêu bướm nhìn thấy cô bé năm xưa, nay đã thành thiếu nữ đôi mươi, ngũ quan hệt như mình nay lấm lem bụi đất, thoi thóp hơi tàn trong chiến loạn.

Yêu bướm bèn truyền 9 phần sinh cơ vào con trai rồi hóa nó thành một quả trứng, cất vào thân thể thiếu nữ, vãn hồi mạng phàm đang thoi thóp. Đồng thời vì mất đi phần lớn sinh cơ mà con yêu trở lại nguyên hình là một cánh bướm xanh ngọc mang văn đồ đỏ. Nó lượn quanh thiếu nữ mấy vòng rồi tiếp tục bay đi, vào rừng sâu núi thẳm, tìm một gốc thần mộc bám vào,  giăng tơ kết kén, quay lại một hồi tu luyện như đã từng.

“Ta mượn dáng hình nàng để hóa người, nay đem hết sinh cơ cứu nàng một mạng. Nhờ nàng mang theo ấn ký của ta tìm lại Chu Sinh, trả con cho chàng, thay ta bên chàng.” 

“Nhớ kỹ, nàng là Đồng Nhân. Đồng Nhân!”

Chu Thiếp bừng tỉnh, ảo ảnh vụn vỡ tan nát như phấn hoa lơ lửng dưới ánh trăng. Thì ra tất cả chân tướng là thế. Nàng chẳng qua là một cái bóng dư thừa, vô tình hữu ý bị vận mệnh gắn vào cuộc tình hoa mộng của người ta mà thôi. Đồng Nhân là gì? Chẳng phải là một kẻ thế thân của Mộng Trang đó sao? Sau này gả chồng, được gọi là Chu Thiếp, là một nàng thiếp nhạt nhòa của Chu Sinh.

Thiếu phụ qua 35, sống hết nửa đời người mới chân chính tiếp cận được chân tướng sinh mệnh. Sân khấu giả tạo từng ấm êm xán lạn như thế, nỗi cô đơn sau khi hạ màn, mấy ai chịu đựng được. 

Nàng là ai, nàng thích gì, muốn gì? Biết được chân tướng thì đã sao. Cuối cùng câu trả lời của chính mình vẫn chỉ xoay quanh Chu Sinh mà thôi. Là thiếp của anh, thích anh, muốn anh được vui vẻ hạnh phúc. Nàng nhờ tình yêu của kẻ khác mà được tái sinh, nhưng đến cùng chính mình chưa từng có được tình yêu thực sự. Huyền cơ của trời làm sao mà thấu.

Nàng lê bước, đôi chân trần vẫn cảm nhận rõ rệt sương đêm lạnh lẽo. Sinh lực không ngừng ứa ra từ cơ thể, hóa thành trăm ngàn sợi tơ mỏng, quấn thành tổ kén. Khi ánh trăng cuối cùng khuất lấp sau màn tơ, dòng hồi tưởng của nàng chập choạng vài hình dung. 

Đàn bướm hàng vạn con nghỉ mệt trong rừng sau chuyến thiên di. Hoa nhài bung rộ sau mưa. Ánh mắt thất thần của thư sinh bên song cửa sổ. Vết bớt đỏ như máu đọng trên bụng. Môi chồng môi trên tách trà còn dính dấu son. Sự ấm áp của da thịt và vị mặn xót của nước mắt. Thiếu nữ nhơ nhuốc đi qua mảnh đất khói lửa điêu tàn. Nàng kiệt quệ ngã quỵ. Không người vươn tay nắm lấy.

Giấc mơ của bướm

24.

Trăm năm sau, người đời truyền nhau câu chuyện, về một thư sinh hời hợt sách vở, một ngày nhập mộng, nên duyên cùng yêu bướm. Sau này duyên tình cách trở, người  – yêu đôi ngã đôi đường, anh ta bèn quyết chí tu thân, khoa bảng đề danh, lập nên sự nghiệp, trở thành tướng quân uy phong một cõi. Trong một lần hành quân, gặp lại cố nhân, duyên xưa nối lại bất chấp thiên đạo. Tướng quân từ bỏ công danh, để lại vợ trẻ con thơ, thu xếp hậu sự rồi chết, hồn bay đến bên yêu bướm, quyến luyễn như đôi tiên lữ, tiêu diêu đất trời. 

Trăm năm bãi bể nương dâu, dưới chân núi Hoa Điệp thâm u rậm rạp mọc lên một ngôi làng. Dân làng sống tựa vào núi nhưng chỉ trồng trọt hoa màu dưới chân chứ không hề lên núi săn bắn thú rừng, thu gom lâm sản. Ngày càng sung túc, nhưng đời đời không quên dặn nhau ghi nhớ lời răn dạy của cha ông, rằng: Tổ tiên vốn là những thổ dân có tài cung nỏ, được một vị tướng quân mộ về, tặng cho 30 khu ruộng quanh núi để ở, với điều kiện luôn phải bắn đuổi chim chóc, không cho chúng tụ tập, bay lên núi này giết hại đàn bướm linh. Bản thân người làng cũng không được xâm phạm ngọn núi. Từng có kẻ to gan một mình lên núi tìm tòi báu vật, trở về thành kẻ ngu ngốc. Từ đó ai ai cũng tin đó là nơi thần tiên ở, là thánh địa mà phàm nhân bất khả xâm phạm.

Có vị đạo sĩ vân du qua làng, nghe có điềm lạ bèn lên núi tìm tòi. Lão tìm thấy dưới một gốc đại thụ khô cằn một vỏ kén to ngang thân người, óng ánh tơ vàng như vật báu. Nghiền ngẫm nửa ngày cuối cùng cũng ra chiều thấu triệt, giở sổ ghi ghi chép chép. 

Ông ta ghi, vùng rừng thiêng núi thẳm đạo Hưng Hóa và Tuyên Quang, có một loài bướm ma, chuyên hút tinh túy thần mộc. Khi đã hút cạn nhựa cây, chúng có thể lột xác thành dáng người, được năng lực giăng mơ dệt mộng như như con nhện giăng lưới. Chúng mê hoặc người trần sa lưới mộng, chết chìm trong ảo tưởng hoang đường vô thực. Kẻ tình nguyện nhập mộng mà chết đi, để lại niệm lực một đời, yêu bướm hút lấy, nuôi dưỡng tà phép ngày một mạnh mẽ.

– Hoàn chính văn –

Chú giải:  (*)

Câu phá ý tiên đoán việc Chu Sinh mang quân đi đánh giặc ở nơi núi rừng hiểm trở.

Câu thứ hai có hai chữ “nhị tiểu” ( 二 小 ) đem ghép lại thành chữ Mùi ( 未 ) và hai chữ “song thiên” ( 雙 天 ) đem ghép lại thành chữ quý ( 癸 ). Chính là năm Quý Mùi cách đây 3 năm.

Câu thứ ba gợi ý Chu Sinh nên nhằm hướng Đông mà tiến quân, không nên đi qua núi Hoa bên kia bờ suối vì phải chặt phá cây cối.

Câu thứ tư có nghĩa là tới ngòi Hồ thì đi qua phải.

Câu thứ năm có ba chữ: “nhất thập nhất” ( 一 十 一 ) đem ghép lại thành chữ “nhâm” ( 壬 ). Ngày Nhâm ta sẽ đánh tan giặc và giết được tên Hối nên câu thơ mới nói là “tiêu túc hối”.

Câu thứ sáu có hai chữ “lục thiên” ( 六 天 ) đem ghép lại thành chữ “tân” ( 辛 ). Đêm ngày tân ta sẽ gặp lại Mộng Trang như cũ, nên câu thơ mới nói là thoại tiền duyên.

Câu thứ bảy dặn người đừng thay lòng, mê luyến giai nhân.

Câu kết nói: mười lăm năm sau khi dời đi nơi khác, thì sẽ được gặp chàng! Rõ ràng là một lời ước hẹn đã được định trước từ lâu, khắc sâu vào tín vật định thân.

Chia sẻ câu chuyện này
Giấc mơ của bướm
Giấc mơ của bướm
Share