Từ sông Sài Gòn bay đến hào Angkor Wat

Tác giả Omega+
Từ sông Sài Gòn bay đến hào Angkor Wat

Đông Dương là xứ đầu tiên có bước nhảy ngoạn mục và đạt được tiến bộ đáng kể khi khai trương tuyến du lịch hàng không đầu tiên. Nỗ lực thiết lập tuyến bay từ Sài Gòn đến Angkor nhằm phục vụ mục đích trên. 

Mạng lưới các tuyến đường hàng không, đã được dự kiến cho đến nay [năm 1929 – ND], mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực bưu chính và thương mại, lần đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ ngành du lịch. Đây là giai đoạn ghi dấu thời kỳ huy hoàng của ngành du lịch quốc tế.

Đế việc kết nối xứ Đông Dương rộng lớn với những di tích vĩ đại của thành quốc Khơ – me nổi tiếng trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn, tham vọng sử dụng các tuyến đường hàng không từng được đưa vào chương trình nghị sự từ lâu. Thật vậy, để việc tham quan một trong các kỳ quan tinh tế nhất của thế giới được thuận lợi và đáp ứng nhu cầu tham quan các phế tích nổi tiếng ngày càng nhiều, cần phải xóa bỏ khoảng cách giữa Angkor và Sài Gòn, cửa ngõ tự nhiên, bằng tốc độ. Vào thời kỳ lạc hậu như Loti miêu tả, ngày lại ngày, người ta phải luân phiên sử dụng tàu thuyền và xe bò kéo để lưu thông trên các tuyến đường bộ, đường sông và đế ngủ nữa. Trước đó, hoạt động lưu thông bằng đường sông đã cho phép rút ngắn thời gian, sau đó xe hơi xuất hiện và rõ ràng như hiện nay, chúng ta có thể đi quãng đường từ 500-600 kilômét chỉ trong một ngày.

Cũng vào thời điểm này, mạng lưới giao thông đường bộ của Đông Dương đang dần dần được cải thiện, những chiếc đò, phà bắt đầu nhường chỗ cho các cây cầu, hệ thống khách sạn và nhà nghỉ được xây dựng hoặc mở rộng, hoạt động lưu thông được tăng cường bằng các phương tiện giao thông công cộng hoặc xe ô tô cá nhân, lượng khách du lịch đố về đây tăng lên hàng năm. Để thực hiện cuộc hành hương mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ này, các chuyến du hành bằng đường biến được tổ chức tại hầu khắp các nơi trên thế giới, và đương nhiên không một du khách nào khi đi qua Viễn Đông mà lại không muốn dừng chân tại Sài Gòn để tới Angkor.

 

Bản đồ xứ Đông Dương

 

Tuy nhiên, vấn đề định tuyến là việc làm rất quan trọng nhằm giúp khách du lịch có đủ thời gian cần thiết để ở lại Angkor. Do vậy, hãng Du lịch Đông Dương đưa ra ý tưởng thiết lập một số dịch vụ cho phép hành khách đi du lịch trên các con tàu lớn có thể dừng chân ở Sài Gòn để đến thăm Angkor và biến khoảng thời gian dừng chân ngắn ngủi của họ ở Đông Dương thành một thú vui thực sự.

Trên thực tế, nền văn minh cổ đại của Angkor sẽ chỉ được biết đến nhiều hơn tùy theo mức độ tiến bộ của ngành khoa học hiện đại, do vậy, điều cần làm đó là nối Angkor với Sài Gòn bằng một chuyến bay chưa tới bốn giờ cho phép khách du lịch, trong một chuyến bay ngắn ngủi như thể một cú đập cánh, chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh huy hoàng của vùng châu thổ Đông Dương và lưu trú tại Angkor đủ lâu để tận hưởng vẻ đẹp của các công trình và toàn bộ di tích.

Kinh nghiệm vừa cho thấy rằng việc đi lại giữa Sài Gòn và Angkor bằng máy bay không còn là điều gì quá lớn lao hay ngoài tầm với nữa mà đã có thế nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Thật vậy, ngày 10 tháng 4 vừa qua, chiếc thủy phi cơ của hãng Hàng không Pháp đã cất cánh từ bờ sông Sài Gòn và hạ cánh xuống Phnôm-pênh trên sông Mê-kông chỉ sau hai giờ, trước mặt Tòa Khâm sứ Cao Miên. Buổi chiều cùng ngày, chiếc máy bay tiếp tục lên đường, bay qua sông Mê-kông, Biển Hồ và chỉ sau đó 1 giờ 45 phút, nó đã đỗ tại khu vực phía Nam quần thể đền đài Angkor-Wat. Ngày hôm sau, chiếc máy bay trở lại Sài Gòn cũng theo lộ trình này.

Chuyến hành trình kết thúc một cách tốt đẹp mà không gặp phải bất kỳ khó khăn cũng như trục trặc nào. Đây không gọi là thành tích mà là một cuộc dạo chơi thực sự được thực hiện trong điều kiện tốt nhất, nó cho phép du khách được chiêm ngưỡng cảnh đẹp với một biên độ nhìn rộng lớn mà không một phương tiện giao thông nào có khả năng làm được. Lợi dụng các điều kiện khí quyển, khi vướng vào mây, máy bay sẽ bay rất cao, còn khi bầu trời trong xanh, máy bay bay là là trên mặt đất và mặt nước, khi đó nó trở thành một chiếc xe hơi với những chiếc bánh xe không hề chạm đất, trải rộng bên dưới nó là toàn bộ địa hình của xứ sở mà nó bay qua, chiếc thủy phi cơ lướt nhẹ như chú chim khổng lồ, mang lại cho những hành khách mà nó chuyên chở cảm giác được tận hưởng độ cao với đủ các cung bậc cảm xúc.

 

Poster du lịch Đông Dương - Sài Gòn

Nếu phải lựa chọn phương tiện để đi du lịch tại Đông Dương, chúng ta có thế cân nhắc giữa máy bay thông dụng và thủy phi cơ. Tuy nhiên, có về như thủy phi cơ là phương tiện được quan tâm đặc biệt tại khu vực châu thổ như Nam Kỳ và Cao Miên nơi mà hệ thống kinh, rạch, sông ngòi tương đối dày đặc, nơi mà dòng sông Mê-kông rộng lớn ôm chặt mặt đất bằng ngàn cánh tay của nó, nơi mà đâu đâu người ta cũng bắt gặp một hồ nước để có thể hạ cánh. Ngoài ra, cũng bởi bản chất của nó, ở mức độ rộng hơn, chiếc thủy phi cơ này còn được dùng để theo dõi hoặc đi ngược hướng với các con sông và do đó, nó có thể bay tới những vùng đất trù phú nhất, xinh đẹp nhất, vui tươi nhất của xứ sở.

Chính vì lý do này mà ông Robbe, quản trị viên – đại diện cho hãng Hàng không Pháp đã lựa chọn thủy phi cơ và lộ trình mà ông ta thông qua sau đó chắc chắn là một trong những điểm hấp dẫn nhất của chuyến đi.

Sông Sài Gòn, hai bờ mọc đầy sú vẹt ngay khi hoạt động thương mại của bến cảng lớn bị xoá bỏ, những ruộng lúa vạch lên mặt đất những khối hình học như trải dài đến bất tận, những ngôi làng rợp bóng cây xanh, lấp lánh các dòng nước chảy đi khắp hướng và phản chiếu ánh bạc, hai bờ sông Mê-kông như vươn dài mãi, mặt nước mênh mông của Biến Hồ với những khúc quanh mờ ảo. Toàn bộ cảnh tượng này đã khắc sâu vào trong đôi mắt và ký ức, đó là chưa kể đến quang cảnh của Phnôm-pênh với vẻ đẹp như tranh vẽ và những công trình nguy nga, tráng lệ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, thủy phi cơ sẽ cho phép chúng ta đến Angkor một cách ấn tượng, đáng nhớ và thực tế, bởi vì, trong những đường hào của Đền Lớn, dưới chân công trình bất tử, con đường của người Khổng lồ là thứ duy nhất nối với đất liền. Bay trên bầu trời Angkor ở độ cao cả ngàn mét, quan sát dưới chân mình – trong một bức tranh thu nhỏ và tổng hợp – những phế tích hùng vĩ được bao bọc trong những nếp uốn của rừng già ngàn năm tuổi, ngắm nhìn những mái vòm từ lòng đất vươn mình lớn dậy và phía trên đó là những cầu thang, đền đài, hành lang lớn nhỏ, phân biệt rõ hơn mỗi chi tiết kiến trúc, tinh xảo trên mỗi công trình, mỗi đường nét điêu khắc, mỗi tảng đá hoen dấu thời gian… trong tầm nhìn xuống đến chóng mặt. Ngồi trên mặt nước tĩnh lặng, đang phát ra quanh ta những tia sáng lấp lánh giữa khung cảnh đẹp hơn bất kỳ nơi nào, cũng tức là ta đang dồn nén vào một vài giây phút ngắn ngủi và tiếc nuối khi chưa được trải nghiệm cho thỏa, vô số những xúc cảm mà không thứ gì khác có thể mang lại được.

 

Poster du lịch Cao Miên thuộc xứ Đông Dương

Hẳn là, đam mê đối với những đền đài và di tích tạo nên quần thể Angkor là một niềm đam mê không thể nào vơi cạn và số lượt khách trở lại đây không bao giờ thuyên giảm. Và đó luôn là xúc cảm mỗi khi ta đặt chân đến miền đất thiêng, mỗi khi ta leo lên những bậc cấp hùng vĩ, mỗi khi ta lần theo những câu chuyện ghi lại trên hàng cột, mỗi khi ta len lỏi trong rừng để rồi bất chợt nhìn thấy một tòa lâu đài sừng sững hiện ra. Song có lẽ không gì tuyệt vời hơn khi mà chỉ trong một cái nháy mắt, từ trên cao, ta có thể ôm trọn toàn bộ di tích. Còn đối với du khách đứng trên mặt đất, thật diệu kỳ khi được ngắm nhìn chú chim khổng lồ – dù không đập cánh vẫn có thể bay lượn ở mọi độ cao, ôm lấy các mái vòm, hiện thực hóa một cách thần kỳ truyền thuyết về con rồng bay – sứ giả của thần linh hay vật cưỡi của những anh hùng.

Chính tại nơi mà xưa kia mỗi mái đền và góc tường đều dát vàng rực rỡ, nơi những đám đông đầy màu sắc chen chân trên mỗi góc sân và con đường, nơi bước chân nặng nề của đàn voi chở kiệu giẫm nát thềm đá, nơi những đoàn quân sột soạt giáo mác cất lên tiếng hò reo vang dội cũng chính là nơi mà ngày nay chỉ còn lại sự tĩnh lặng bao trùm và rừng già che phủ toàn bộ quá khứ bị vùi lấp, phát minh hiện đại nhất và kỳ diệu nhất của nhân loại sẽ kết nối và hiện thực hóa một huyền thoại, ngợi ca một vẻ đẹp bất tử bằng cách rung lên những âm thanh kỳ diệu hơn.

Ngay khi tiếp nước, bằng cách lao xuống từ độ cao – nơi pha trộn trí tưởng tượng, lòng hoài niệm và những giấc mơ, và từ niềm khao khát tốc độ mang tính thời đại, chiếc thủy phi cơ lướt đi như một chiếc ca-nô và dừng lại ngay trước ngôi nhà đang chờ đợi quý vị.

Poster du lịch Đông Dương – Cao Miên

Tóm lại, việc sử dụng thuỷ phi cơ cho lộ trình Sài Gòn – Angkor và ngược lại mất khoảng bốn giờ trong khung cảnh thú vị nhất, nó cho phép bạn dừng chân ở Phnôm-pênh và có đủ thời gian cần thiết để đi khắp thủ đô của Cao Miên, tham quan cung điện, bảo tàng và chùa bạc, và đưa bạn đến tận thành trì của Angkor. Bốn giờ đi và bốn giờ về, khách du lịch vẫn có thể dành từ một, hai đến ba ngày cho Angkor tuỳ theo thời gian sắp xếp.

Cách thức du lịch độc đáo, hấp dẫn và nhanh chóng này làm tăng thêm sức hút cho cuộc hành trình tới Angkor và chắc chắn rằng phương thức này sẽ sớm được nghiên cứu. Trước tiên, bằng kinh nghiệm thực tiễn, cần phải chứng minh đây là chương trình có thể thực hiện được và để làm được điều đó, chuyến bay đầu tiên phải chuyên chở những du khách thực sự. Điều này đã được thực hiện bởi vì ngoài ông Robbe, chuyến bay này còn vận chuyển ông Espinet, người đại diện cho xứ Cao Miên tại Hội đồng Thuộc địa tối cao và quản trị viên – đại điện của Hãng Du lịch Đông Dương, người đã thông qua một số tuyến bay sau khi tham gia cuộc hành trình hấp dẫn này.

Ví dụ trên đây thật đáng được tiếp tục theo đuổi, nhất là khi, ngay từ đầu mùa tới, các dịch vụ sẽ hoạt động thường xuyên hơn và ngày càng có thêm nhiều sáng kiến mới. Như đã trình bày ở phần đầu, Đông Dương đã giúp ngành du lịch đạt bước tiến nhảy vọt và ngoài nét duyên dáng vốn có cùng kỳ quan Angkor, Đông Dương còn có thêm những điểm đến mới vô cùng hấp dẫn.

Đọc thêm các câu chuyện lôi cuốn khác trong Nước Nam một thuở

Share